Thông tin về khu mộ ông Lê Thuần Giản và bà Phạm Đôn Thiện ở Hậu Xá, Thanh Hà

Thứ năm - 05/10/2023 22:18
Mộ cổ là một trong những loại hình di tích có số lượng lớn ở Hội An hiện nay, vẫn còn bảo lưu được giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật thông qua bố cục kiến trúc, mô típ/đồ án trang trí, cùng với đó là vật liệu xây dựng, kỹ thuật đắp vẽ trên nền vữa vôi, chạm trổ điêu luyện trên chất liệu đá của các vị tiền nhân ở Hội An xưa. Phường Thanh Hà hiện nay được xem là địa phương có số lượng mộ cổ nhiều nhất trên địa bàn thành phố Hội An, trong đó có khu mộ ông Lê Thuần Giản và bà Phạm Đôn Thiện ở khối Hậu Xá. Đây là một khu mộ qui mô lớn, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, góp phần tạo nên sự đa dạng trong loại hình mộ cổ ở Thanh Hà nói riêng, Hội An nói chung.
khu mo
Mặt tiền khu mộ - Ảnh: Trần Phương
 
      Khu mộ tọa lạc tại khu vực đất cát rộng lớn, gần kề đó có nhiều ngôi mộ cổ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Trải qua thời gian dài, khu mộ này dần xuống cấp nhiều hạng mục, đặc biệt là bình phong hậu. Năm 2020, con cháu tộc Lê đã thực hiện tu bổ khu mộ theo quy mô cũ.

      Khuôn viên khu mộ có diện tích 225m2, mặt tiền xoay theo hướng Tây Nam. Toàn bộ các hạng mục của khu mộ được xây dựng với bố cục đăng đối trong diện tích 12,91m x 10,22m, gồm có: bồn hoa, khoảng sân trước với tường bao tiền, cổng và tường bao hậu, nhà bia, nấm mộ, bình phong hậu.

      Tổng thể công trình có quy mô bề thế, các đồ án trang trí đặc sắc, thẩm mỹ thông qua sự kết hợp hài hòa giữa các họa tiết trang trí truyền thống Việt Nam và họa tiết trang trí phương Tây. Màu vàng được chọn làm màu chủ đạo tổng thể công trình, các chi tiết trang trí đắp nổi được quét vôi màu xanh dương, các chi tiết góc cạnh quét vôi màu trắng. Chính giữa sân trước có một cái bồn dạng hình chữ nhật được xây bằng gạch, bên trong là một cây duối lớn.

      Hạng mục tường bao sân trước được xây bằng gạch, tô trát vữa, kết cấu gồm có 03 trụ vuông liên kết qua đoạn tường gạch, hai đầu trụ được đắp gờ chỉ, phần thân tường bao có các ô thoáng hình lục giác. Liên kết với tường bao là hạng mục cổng được tạo thành bởi 04 trụ xây bằng gạch, tô trát vữa. Mỗi bên cổng, 02 trụ liên kết với nhau bằng lan can bên dưới và lanh tô bên trên tạo thành khoảng trống dạng hình cuốn vòm. Vị trí chân và đầu trụ được tạo gờ chỉ, các mặt được đắp nổi pano trang trí (mặt trước hình vuông, chính giữa hình tứ giác), bốn góc được đắp nổi hình tam giác, bên dưới đắp nổi gờ chỉ bao quanh trụ, dưới gờ chỉ mặt tiền đắp nổi hình quả. Lan can được xây bằng gạch, tô trát vữa, phần thân được gắn 02 viên gạch thông gió hình vuông bằng gốm men xanh, trang trí đồ án đồng tiền xu. Ngăn cách giữa hai viên gạch thông gió là đoạn tường đắp nổi hình cánh hoa cách điệu đăng đối ở hai đầu, chính giữa đắp nổi họa tiết trang trí theo phong cách phương Tây. Bên trên tường cuốn vòm gắn phù điêu đồ án dây lá.

      Tường bao hậu được xây theo kiểu thức giống với hạng mục tường bao tiền, liên kết với bình phong hậu, vị trí cạnh giao nhau giữa tường bao và bình phong hậu được gắn đồ án hồi văn.

 
bonh phong hau
Hạng mục bình phong hậu - Ảnh: Trần Phương
 
      Bình phong hậu được xây bằng gạch, tô trát vữa, tạo hình kiểu cuốn thư với đường nét mềm mại. Mặt trước bình phong được trang trí các đồ án mang ý nghĩa cát tường, giàu giá trị thẩm mỹ thông qua kỹ thuật đắp nổi vữa kết hợp khảm các mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Mảng chính giữa của bình phong là vị trí gắn bia ký, bên dưới văn bia được xây bệ đỡ theo kiểu chân quỳ. Mảng tường phía trên bệ đỡ được đắp nổi gờ chỉ chia thành 03 mảng trang trí bằng các mảnh sành sứ: chính giữa là đồ án liên hoàn[1] kết hợp đồ án hoa sen, hai mảng bên trang trí hoa cách điệu. Mảng tường phía trên bia ký được khảm sành sứ đồ án dơi theo kiểu thức “hồi văn hóa dơi”. Kế tiếp bên trên được xây mái che đắp giả ngói ống, đường diềm dưới mái được khảm sành sứ đồ án hoa kết hợp dây lá, diềm bờ nóc và bờ chảy được khảm các mảnh sành sứ nhỏ, đuôi bờ chảy trang trí đồ án cụm mây, chính giữa bờ nóc trang trí chữ (Thọ) khảm sành sứ, chữ được thể hiện theo kiểu triện thư kết hợp đồ án dây lá, tương tự đầu hai bờ chảy cũng được khảm sành sứ đồ án dây lá.

      Mảng tường hai bên bia ký đắp nổi các đồ án thuộc đề tài bát bửu (bầu hồ lô, quạt ba tiêu) kết hợp chi tiết dải lụa. Mảng tường hai bên dưới đế bia ký được đắp nổi đồ án tứ giác liên hoàn và hoa sen[2]. Diềm chính giữa trên bình phong được đắp nổi, chia thành 03 mảng trang trí, trong đó mảng chính giữa khảm sành sứ đồ án tứ giác liên hoàn và hoa sen, hai mảng bên khảm sành sứ hình đóa hoa bốn cánh. Bên trên tường thành trang trí phù điêu khảm sành sứ đồ án dơi thể hiện theo kiểu thức “mây lá hóa dơi”. Diềm hai bên trang trí đăng đối đồ án tứ giác liên hoàn và hoa sen. Hai nếp bên trái và bên phải của bình phong có cùng kiểu dáng, các đồ án trang trí cơ bản giống nhau, chỉ khác một số vị trí trang trí đồ án thuộc bát bửu. Cụ thể: Trụ hai bên dạng hình chóp bút, đầu được đắp nổi gờ chỉ tạo thành ba đường diềm, trong đó hai cạnh mặt trước của hai đường diềm được khảm sành sứ hình hoa bốn cánh. Trên tường thành gắn phù điêu khảm sành sứ đồ án hồi văn mây lá. Đường diềm trên và diềm dưới trang trí các đồ án dây lá, tứ giác liên hoàn, bề mặt các đồ án được khảm các mảnh sành sứ. Chính giữa mảng tường của mỗi nếp được đắp nổi gờ chỉ tạo ô hộc dạng hình vuông, bên trong đắp nổi đồ án quả phật thủ. Cạnh tường bên trái đồ án quả phật thủ đắp nổi đồ án ngọc như ý và dải lụa, cạnh bên phải đắp nổi đồ án thư bút và dải lụa (mảng bên trái). Điểm khác biệt giữa hai nếp tường trái và phải của bình phong là ở vị trí trang trí này, cạnh bên trái đắp nổi đồ án thanh kiếm và dải lụa, cạnh bên phải đắp nổi đồ án cặp sáo trúc và dải lụa.

      Vị trí trung tâm khuôn viên khu mộ là nhà bia và nấm mộ, trong đó bên trái (từ trong nhìn ra) là phần mộ ông Lê Thuần Giản, bia mộ được lập vào năm Bảo Đại thứ 20 (1945); bên phải là phần mộ bà Phạm Đôn Thiện, bia mộ được lập vào năm Bảo Đại thứ 7 (tức năm 1932). Hai phần mộ này có cùng kết cấu, kiểu thức kiến trúc, họa tiết trang trí tương đồng, chỉ khác kích thước, họa tiết trang trí trên bia mộ.

      Phần mộ ông Lê Thuần Giản

      Ông có tên tự là Tú Hiên, thụy là Thuần Giản, được triều đình nhà Nguyễn phong phẩm hàm Bát phẩm văn giai, mộ do các con ông lập nên vào thời vua Bảo Đại năm Ất Dậu (năm 1945).

      Kết cấu kiến trúc ngôi mộ gồm có: nhà bia, bia mộ và nấm mộ. Nhà bia được xây bằng gạch tô trát vữa, dạng hình hộp chữ nhật, phần mái được tạo hình cuốn vòm, có tường chắn bao quanh, bốn góc có trụ đắp nổi gờ chỉ, mặt trước và mặt bên trụ được đắp nổi hình hoa bốn cánh, các mảng tường chắn được tạo ô thoáng hình lục giác. Hai trụ nhà bia được đắp nổi gờ chỉ hai đầu, thân trụ được trang trí các đồ án theo phong cách phương Tây, được chia thành ba mảng trang trí, mảng trên và dưới cùng đắp nổi hình hoa bốn cánh, mảng chính giữa đắp nổi đồ án hoa dây lá.

      Lối vào mặt tiền nhà bia có dạng cuốn vòm, bề mặt đắp nổi đồ án hoa lá. Tường hậu nhà bia là vị trí gắn bia mộ, tường trên bia mộ đắp nổi đồ án dây lá theo phong cách phương Tây, bệ đỡ bia mộ bằng đá, mặt trước được chạm trổ kiểu chân quỳ. Bia mộ bằng cẩm thạch, diềm trong trang trí đồ án hồi văn, diềm ngoài trang trí đồ án “cành lá hóa long”. Trán bia chạm nổi đồ án “lưỡng long chầu nhật” kết hợp các cụm mây với đường nét mềm mại, hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức “cành lá hóa long”; diềm hai bên được chạm nổi đồ án dây lá theo hướng từ trên xuống dưới cho đến vị trí gần góc dưới bia thì chuyển sang hình rồng theo kiểu thức “cành lá hóa long”. Phần dưới được chạm nổi đồ án hoa dây lá. Lòng bia được khắc chìm, sơn màu đỏ các dòng chữ Hán Nôm:

      Nguyên văn:
      皇 朝 敕 授
      保
      八
      長
      房
      仝

      Phiên âm:
      Hoàng triều sắc thụ
      Bảo Đại Ất Dậu xuân nhị nguyệt
      Bát phẩm văn giai Minh giang Lê Tú Hiên thụy Thuần Giản phủ quân chi giai thành
      Trưởng nam Hiến, Chương, Mân, Thứ, Khuê, Cơ, Sô, Ân
      Phòng nữ Thị Sâm (?), phòng Thị Bích, Thị Tiết
      Đồng lập thạch
      Nấm mộ được xây dựng theo dạng hình chữ nhật, vát ở 04 góc, được đắp bằng đất bên trong.

      Phần mộ bà Phạm Đôn Thiện
      Bà họ Phạm, thụy Đôn Thiện, là vợ của ông Lê Thuần Giản, ngôi mộ do các con lập vào thời vua Bảo Đại năm thứ 7 (năm 1932). Bia mộ bằng cẩm thạch, không có hoa văn trang trí, lòng bia được khắc chìm các dòng chữ Hán Nôm:

      Nguyên văn:
      皇 朝
      保
      敕 授 正 九 品 文 階 黎 尚 之 元 配 謚 敦 善 范 孺 人 㞢 墓
      男

      Phiên âm:
      Hoàng triều
      Bảo Đại thất niên Nhâm Thân tứ nguyệt cát nhật
      Sắc thụ chánh Cửu phẩm Văn giai Lê Thượng Chi nguyên phối thụy Đôn Thiện Phạm nhụ nhân chi mộ
      Nam Hiến, Chương, Mân, nữ Sâm (?), Bích đồng phụng lập

      Khu mộ ông họ Lê và họ Phạm là một trong những công trình mộ táng có qui mô lớn, có giá trị độc đáo về phương diện kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào những thập niên nửa đầu thế kỷ XX còn được bảo lưu khá tốt ở Hội An. Đây là tư liệu thực địa quan trọng góp phần nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật loại hình mộ táng, về phong tục, tập quán tống táng ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Khu mộ còn là tư liệu thực địa có giá trị lịch sử góp phần tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình phát triển của cộng đồng người Hoa Minh Hương ở Hội An trong lịch sử.

*Tài liệu tham khảo
- Hồ sơ di tích nhà Tấn Ký (số 101 Nguyễn Thái Học, phường Minh An), hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
- Võ Hồng Việt, Vài nét về làng gốm Thanh Hà trong lịch sử, bài viết đăng trên website Hoianheritage.net, ngày 03/12/2018.
 
[1] Hình tượng 03 hình tứ giác nối nhau trên một mặt phẳng.
[2] 06 hình tứ giác nối nhau và hai bông hoa ở hai đầu.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây