Xã Cẩm Thanh có diện tích tự nhiên 970,42ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm 348,69 ha. Toàn xã được chia thành 6 thôn, dân số trung bình 9.261 người. Cẩm Thanh nằm ở phần hạ lưu sông Thu Bồn, có địa hình gần như là một ốc đảo với bốn mặt đều là sông nước. Do có hệ thống sông ngòi chằng chịt, lại nằm ở vị trí cửa sông ven biển với môi trường nước lợ đặc trưng đã tạo điều kiện cho cây dừa nước phát triển quanh năm xanh tốt, đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nghề làm nhà tranh tre dừa ở Cẩm Thanh hình thành và phát triển. Những ngôi nhà tre dừa là sự sáng tạo, thích ứng linh hoạt của người dân Cẩm Thanh với môi trường sống, điều kiện tự nhiên của vùng đất cửa sông ven biển này.
1. Giá trị nổi bật của nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh
Qua nhiều tư liệu lịch sử cho biết, cây dừa nước xuất hiện ở Cẩm Thanh, Hội An rất lâu đời với tên gọi trong văn bản Hán Nôm là Thủy gia (水 椰), được đề cập trong tư liệu địa bạ làng Thanh Châu và cả trong tư liệu của làng Minh Hương, Hội An vào thế kỷ 18. Đồng thời, theo ý kiến của nhiều vị cao niên ở địa phương cho biết, sở dĩ có rừng dừa nước như hiện nay là do quá trình giao lưu buôn bán của cha ông thời xưa bằng ghe bầu, họ đã vào tận miền Nam đến các địa phương như: Đồng Nai, Long Xuyên, Sông Bé,... mang giống cây dừa nước về trồng. Với môi trường thuận lợi ở Cẩm Thanh, cây dừa nước cứ thế sinh sôi và phát triển, diện tích tăng lên đến bảy mẫu nên dân gian gọi tên Rừng dừa Bảy Mẫu. Đến nay, không chỉ ở Cẩm Thanh, cây dừa nước cũng hiện hữu, sinh trưởng phát triển hầu hết các sông hói, mương lạch khu vực cửa sông ven biển như Cẩm Châu, một phần Cẩm Kim, Cẩm Nam. Mục đích ban đầu người dân đem giống dừa về trồng để chắn sóng, chắn gió, nhưng qua thời gian với nhu cầu của cuộc sống, người dân đã biết tận dụng cây dừa nước cùng với tre sẵn có tại địa phương để làm vật liệu dựng nhà cửa để ở, rồi từ đó hình thành nghề làm nhà tre dừa.
Nghệ nhân thực hiện thao tác nghê - Ảnh: Quang Ngọc
Theo các cụ cao niên trong nghề cho biết, nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh xuất hiện từ rất lâu đời. Ông Trần Bừa (84 tuổi), ở tại thôn Thanh Tam - xã Cẩm Thanh - một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, kể rằng từ đời ông cố đã trồng cây dừa nước và làm nhà để ở, tiếp đến là đời ông nội là Trần Văn Huynh. Bản thân ông đã học nghề từ cha là ông Trần Ruộng từ năm 12 tuổi. Như vậy, có thể đoán định rằng, nghề làm nhà bằng tre, dừa ở Cẩm Thanh đã hình thành muộn nhất là từ những năm đầu thế kỷ 20.
Ban đầu có thể chỉ là những người thợ khéo tay, kết hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương (tre và dừa) đã tự làm nên ngôi nhà cho chính gia đình mình, tiến đến tranh thủ thời gian nông nhàn nhận làm những ngôi nhà tre dừa cho những hộ trong làng, dần dần đã hình thành nên phương thức làm nhà bằng tre dừa và cũng từ đó nghề làm nhà bằng tre, dừa nước hình thành trên mảnh đất Cẩm Thanh và lan dần sang các vùng khác như Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cẩm Kim…
Theo các cụ, cách đây khoảng 60 năm ở Cẩm Thanh có hàng chục hộ chuyên làm nhà tre dừa, ngoài ra còn có nhiều người có thể tự làm nhà tre dừa cho gia đình mình. Trước năm 1975, nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh rất thịnh hành do cư dân khu vực ven Hội An như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam,… và một số vùng lân cận Hội An chỉ sử dụng tre dừa làm nhà để ở là chủ yếu.
Đến khoảng giai đoạn thập niên 90 thế kỷ 20, nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh cũng có lúc tưởng như mai một do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều vật liệu xây dựng mới với giá rẻ, bền ra đời đã thay thế dần vật liệu làm nhà bằng tre, dừa. Bên cạnh đó đời sống của người dân ở vùng nông thôn ngày càng khá lên, nhu cầu xây dựng nhà bằng tre dừa nước ngày càng ít dần, nên những người làm nghề lâu năm phải chuyển sang lĩnh vực khác vì kế sinh nhai, rất ít thợ duy trì nghề.
Những năm gần đây kinh tế du lịch phát triển mạnh, lượng khách tham quan đến Hội An ngày càng đông đã thúc đẩy nhiều hoạt động dịch vụ mới hình thành, nhu cầu khôi phục, xây dựng mới các ngôi nhà truyền thống, hàng quán,… bằng chất liệu tre, dừa ngày càng nhiều, nhờ đó nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh đã có cơ hội, điều kiện khôi phục lại.
Nghệ nhân thực hiện thao tác nghê - Ảnh: Quang Ngọc
Trong khoảng thời gian phát triển hưng thịnh của nghề làm nhà tre dừa từ thập niên 80 của thế kỷ 20 trở về trước, diện tích rừng dừa nước ở Cẩm Thanh lên đến hàng trăm hecta. Sau thời gian này, do nhu cầu làm nhà tre dừa sụt giảm và việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, đã làm cho diện tích dừa nước ngày càng bị thu hẹp nhiều, đến năm 2010 chỉ còn 84.69 ha..
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của du lịch, nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho hoạt động làm nhà tre, dừa tăng cao, nhiều người dân đã bắt đầu quan tâm chăm sóc, trồng thêm dừa xung quanh nhà nên diện tích dừa nước hiện nay tăng lên. Bên cạnh đó, UBND xã Cẩm Thanh cũng đã triển khai và kêu gọi người dân tham gia dự án phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh để bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát triển du lịch và tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho nghề truyền thống làm nhà tre, dừa. Nhờ đó hiện nay diện tích rừng dừa lên đến 106,01ha. Không chỉ khu rừng dừa mà tại các con mương lạch trên địa bàn xã Cẩm Thanh đều trồng dừa nước.
Theo thống kê năm 2021, nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh có 35 hộ với hơn 125 lao động. Năm 2018, doanh thu đạt 16 tỷ đồng. Do tác động của đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ của nghề nên doanh thu năm 2021 giảm xuống còn 4,5 tỷ đồng. Giá thành mỗi sản phẩm làm nhà tre, dừa khác nhau, thay đổi theo nhu cầu trị trường.
Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh trải qua nhiều công đoạn từ trồng tạo nguồn nguyên liệu (tre, dừa), khai thác, gia công đến việc tạo ra các sản phẩm (nhà tre, dừa), tiêu thụ. Trong quá trình thực hành nghề người thợ đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm, điều chỉnh, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo nhiều kiểu dáng nhà phù hợp xu hướng từng thời đại đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu khách hàng. Tri thức dân gian được tích luỹ theo thời gian, trong từng công đoạn gia công, chế tác đều thể hiện sự tỉ mỉ, cần mẫn của những người thợ tạo ra sản phẩm làm hài lòng khách hàng nhất có thể. Kinh nghiệm không chỉ của riêng ai mà là sự hỗ trợ, trao truyền của cả tập thể, cả cộng đồng cho nghề truyền thống mình đang nắm giữ. Trải qua bao đời, tiếp nối phương thức truyền thống cộng kinh nghiệm của từng người thợ đã tạo ra sản phẩm riêng cho địa phương, gia công, chế tác từng sản phẩm nhỏ sau đó lắp dựng lại thành ngôi nhà hoàn chỉnh. Để có sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu của khách hàng người thợ phải bỏ nhiều công sức, tâm huyết, lòng kiên trì, tính nhẫn nại, sự sáng tạo để tạo tác những sản phẩm bền, đẹp.
Điểm đặc trưng nổi bậc của nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh: Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, bằng sự sáng tạo, người dân nơi đây tự khai thác sử dụng lá dừa và tre làm vật liệu để làm nhà ở và các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt cộng đồng, du lịch dịch vụ. Ngoài ra một số thợ nghệ nhân có tay nghề cao còn có thể làm các đồ dùng mỹ nghệ có giá trị thương mại. Từ đó, hình thành nên nghề truyền thống đặc trưng của địa phương, sự thích ứng với môi trường tự nhiên, biết tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, sáng tạo sản phẩm phục vụ lại chính nhu cầu đời sống của mình, hình thành nên nghề truyền thống làm sinh kế cho nhiều gia đình tại địa phương. Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, người dân đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để làm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, tham quan rừng dừa, nghề làm tre, dừa với những sản phẩm du lịch rất hấp dẫn tạo điểm thu hút du khách khi đến Hội An. Từ giá trị rừng dừa mang lại, trong nhiều năm qua người dân đã có ý thức trong việc trồng dừa, bảo vệ môi trường, góp phần rất lớn trong việc duy trì nguồn nguyên liệu cho nghề tre dừa, cũng như tạo cảnh quan sinh thái đẹp mắt thu hút nhiều lượt khách đến tham quan trải nghiệm.
Từ tham vấn cộng đồng cho biết, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh có khoảng hơn 24 loại sản phẩm được làm để bán phục vụ lắp dựng nhà như: Tấm dừa, tre ốp la phông, ốp trụ, sáo tre, dừa sắp nóc, tranh, lá chằm, dừa chà, lợp nợm âm dương, dù che, la phông cộng, ốp dừa cộng, rèm cộng, quầy bar, máng xối bằng tre, cửa sổ, cửa chống, phên, các kiểu nhà lục giác, bát giác, tứ giác, cổ lầu, nhà nóc Thái, nhà rông, các thành phần cấu tạo ngôi nhà… Trong các loại đó, có dừa chà, “lợp nợm” âm dương đã không còn thực hiện. Các loại sản phẩm còn lại đều được duy trì phát triển tốt, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đối với công cụ làm nhà tranh tre dừa đa phần là đặt các thợ rèn xung quanh vùng lân cận như ở Câm Châu, Sơn Phong mang đặc thù riêng của nghề. Riêng những công cụ giản đơn như móc tranh, đòn kê, dùi cui,… thì người thợ tự sáng tạo. Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng công cụ nên người lao động cũng dễ dàng lựa chọn loại phù hợp. Về số lượng, chúng tôi đã thống kê được khoảng hơn 40 loại công cụ, được phân thành những nhóm: Khai thác nguyên liệu, gia công tre, chằm lá, xóc tranh, dựng nhà.
Một ngôi nhà tre dừa truyền thống dù kiểu ba gian hay năm gian, có chái hay không có chái đều được cấu tạo gồm các thành phần: khung sườn chịu lực bằng tre (cột, kèo, rượng, đòn tay, đòn đông) và hệ thống bao che (mái, phên vách, cửa làm bằng lá dừa) dựng trên nền đất cao. Để tạo dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh, công đoạn gia công nguyên vật liệu là hết sức quan trọng, đòi hỏi người thợ phải am hiểu nằm lòng về kết cấu của một ngôi nhà tre dừa truyền thống, yêu cầu về quy mô ngôi nhà, độ cao của nền nhà so với mặt bằng chung,… để sử dụng tre làm cột, kèo, đòn tay, đòn đông, chọn dừa làm tấm lợp, phên vách, cửa cho phù hợp. Đây không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn là nguồn tri thức phong phú được người thợ, cộng đồng tích lũy hàng mấy trăm năm làm nghề.
Nghệ nhân thực hiện thao tác nghê - Ảnh: Quang Ngọc
Có thể thấy nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh chủ yếu sử dụng phương thức thủ công, không sử dụng sự máy móc hiện đại, hay các loại hoá chất trong khâu xử lý, gia công, bảo quản, lắp dựng nhà. Phương pháp thủ công được sử dụng tối ưu, tự nhiên theo tri thức dân gian thế hệ trước truyền lại thế hệ sau, làm theo kinh nghiệm là chính nhưng sản phẩm làm ra để sử dụng vẫn đảm bảo chất lượng, độ bền cao… Ngoài ra, việc kết nối các cấu kiện, các bộ phận với nhau sử dụng hoàn toàn bằng dây mây, sau này là dây cước nhưng độ bền cơ học, tính chắc chắn rất cao, chịu được sức gió lớn của vùng duyên hải miền Trung nơi thường xảy ra bão, lụt hằng năm. Đây là điểm nổi bật trong nghề truyền thống này.
2. Quá trình nhận diện giá trị và xây dựng hồ sơ đè nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Từ nhiều năm trước đây, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành những công trình nghiên cứu, đề xuất các phương án trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh như việc xây dựng và thực hiện phương án “Bảo tồn và phát huy di dản văn hóa trên địa bàn xã Cẩm Thanh”, trong đó chú trọng đầu tư kinh phí kiểm kê, nhận diện di sản Văn hoá phi vật thể; xuất bản sách “Di tích - danh thắng Cẩm Thanh” giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của Cẩm Thanh trong đó có nghề tre, dừa. Để có cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung, nghề thủ công truyền thống nói riêng, năm 2003 Trung tâm đã tiến hành lập hồ sơ, lý lịch cho nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh. Thực hiện đề tài Sưu tầm khảo sát nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh vào năm 2004. Đặc biệt, từ hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, năm 2013, Trung tâm tổ chức chương trình “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống ở Hội An”, trong đó có nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh. Ngoài ra còn nhiều chương trình phối hợp các báo đài trong cả nước tiến hành khảo sát, nghiên cứu về tri thức nghề làm nhà tre, dừa, làm phim tài liệu và tìm hiểu về giá trị di sản nghề truyền thống… Những hoạt động trên góp phần quan trọng trong việc nhận diện, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân làng nghề tre, dừa Cẩm Thanh, tạo nền tảng quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy các loại hình di sản văn hóa ở Cẩm Thanh nói riêng, thành phố Hội An nói chung.
Từ các giá trị khoa học và cơ sở pháp lý đã được xây dựng từ trước, năm 2021, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đề xuất UBND thành phố Hội An xin chủ trương xây dựng hồ sơ nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh để trình thẩm định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để có cơ sở thực hiện, UBND thành phố Hội An có văn bản xin chủ trương và được sự thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tại công văn số 547/SVHTTDL-QLVH ngày 12/5/2021. Từ chủ trương cấp trên, Trung tâm đã trực tiếp thực hiện việc xây dựng hồ sơ di sản. Trung tâm tiến hành xây dựng hồ sơ dựa trên các nội dung yêu cầu về một bộ hồ sơ đề nghị công nhân Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia quy định tại Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm có 9 nội dung: Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể, hình ảnh, phim tư liệu, bản ghi âm, bản đồ phân bố vị trí di sản, tư liệu khảo sát điền dã có liên quan, bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trao quyền sử dụng các tư liệu kèm theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bản danh mục các tài liệu trong hồ sơ.
Trong hơn 1 năm, Trung tâm đã thực hiện việc tập hợp tư liệu, tài liệu; liên hệ với các phòng ban của thành phố trong công tác bảo vệ và phát huy di sản nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh tạo cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng hồ sơ. Sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND xã Cẩm Thanh đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cho việc xây dựng hồ sơ thuận tiện, đạt kết quả. Đặc biệt, sự đồng thuận của nhân dân xã Cẩm Thanh (tập trung là Trung tâm làng nghề tre dừa thôn Thanh Tam) - những người trực tiếp đã và đang thực hành di sản hỗ trợ tích cực Trung tâm xây dựng thành công hồ sơ này.
Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Cẩm Thanh tổ chức buổi tham vấn cộng đồng với sự tham gia của những người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong nghề để xây dựng lý lịch cho hồ sơ. Trung tâm tiến hành các đợt phỏng vấn sâu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kỹ thuật, tri thức dân gian,… Từ các nguồn tư liệu trên, Trung tâm đã xây dựng Lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh có độ dài 37 trang, với đầy đủ nội dung yêu cầu, cùng nhiều tư liệu quan trọng kèm theo. Song song với đó xây dựng phim tư liệu có độ dài 27 phút về lịch sử hình thành và phát triển nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Trung tâm đã báo cáo UBND thành phố Hội An có văn bản gởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xem xét trình hồ sơ lên cấp trên. Cục Di sản Văn hóa (cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu hội đồng đánh giá hồ sơ. Qua quá trình xem xét, thẩm định theo các tiêu chí, ngày 21/02/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 380/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó ghi danh Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở loại hình Nghề thủ công truyền thống. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 7 của thành phố Hội An được vinh danh. Trong đợt này, nghề đan võng Ngô Đồng ở Cù Lao Chàm - xã Tân Hiệp cũng được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trước đó là nghề gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà), nghề yến Thanh Châu (xã Cẩm Thanh), nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), nghề trồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), lễ hội Tết Trung Thu, lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở Hội An, cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Việc công nhận này vừa là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố bảo vệ và phát huy tốt hơn nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh nói riêng, nghề truyền thống ở Hội An nói chung.
UBND xã Cẩm Thanh, Niên giám thống kê năm 2019.
Trích Địa bạ làng Thanh Châu; Tư liệu làng Minh Hương - Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Rừng Dừa Bảy Mẫu là căn cứ địa cách mạng quan trọng của Tỉnh ủy Quảng Nam và Thị ủy Hội An.
UBND xã Cẩm Thanh. “Danh sách các hộ làm nghề tre, dừa ở Cẩm Thanh”.
Lợp nợm: Là hình thức lá dừa phơi khô lợp trực tiếp lên mái nhà bằng cách dùng 2 kiến lá đặt cùng chiều (lá nằm trên, cộng nằm dưới), phần lá nằm về cùng 1 bên sắp lên mái nhà dùng lạt buộc vào đòn tay, 2 kiến tiếp theo sắp liền kề nhau cho đến khi lợp đầy mái nhà.