Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông ở Hội An

Thứ hai - 22/04/2024 05:44
Ở Hội An, hằng năm sau rằm tháng giêng âm lịch, ngư dân các làng biển lại rộn ràng tổ chức lễ hội cầu ngư nhằm tưởng nhớ công đức của ngài Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân (tức Cá Voi, dân gian gọi là Cá Ông) đã phù hộ, độ trì để ra khơi vào lộng được yên bình, thuyền về tôm cá đầy khoang. Lễ hội này là một thành tố quan trọng của ngưỡng thờ cúng Cá Ông có từ lâu đời của cộng đồng cư dân ven biển miền Trung mà Hội An là một phân khúc đặc sắc.
cau ngu
Diễn xướng Bả trạo trong lễ Cầu ngư tại lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Từ bao đời nay, biển là một phần quan trọng của cuộc sống cư dân duyên hải miền Trung nói chung, ở Hội An nói riêng. Biển cả mênh mông mang đến nguồn lợi dồi dào nhưng cũng ẩn tàng những hiểm nguy rình rầp. Do đó, để vững tin trong những chuyến ra khơi và cũng chính từ sự linh ứng diệu kỳ của Cá Ông che chở ghe thuyền, cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển nên trong tâm thức của ngư dân Cá Ông (Cá Voi) là một vị phúc thần bảo trợ nghề biển, luôn được họ tôn kính, phụng thờ. Đại Nam nhất thống chí chép, Cá Voi: Bắc vi ngư, nam vi thần. Vì thế, mỗi làng quê ven biển miền Trung, ngư dân đều lập lăng thờ phụng với lòng ngưỡng vọng tối linh. Cá Ông được các vua triều Nguyễn sắc phong với những phẩm trật, mỹ tự cao quý: Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo trung hung, ban cho các làng thờ tự.

      Hội An là vùng đất nằm ở cửa sông ven biển Cửa Đại, có đường bờ biển dài hơn 7km, ngoài khơi là quần đảo Cù Lao Chàm và vùng biển rộng lớn. Do vậy, biển đã in sâu trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nơi đây. Có dịp về các làng biển ở Hội An như Tân Hiệp (tức Cù Lao Chàm), Đại An, Phước An (tức Phước Trạch),… dễ dàng nhận thấy tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông chiếm giữ một phần quan trọng về văn hóa tâm linh, xuyên suốt từ các giai thoại, câu chuyện kể nhuốm màu huyền bí, quan niệm, thực hành ứng xử, nghi thức,… đến kiến thiết các công trình thờ tự và hóa thạch qua những địa danh. 

      Cá Ông được ngư dân tôn kính là Ông Ngư. Bên cạnh Ông Ngư còn có đoàn tùy tùng, bộ tướng hộ vệ, phục dịch. Đó là các loài thủy ngư có kích thước to lớn, hình thù kì dị cũng đều được ngư dân kính trọng như Ông Chuông, Ông Lộng, Ông Kìm, Ông Sứa, Ông Mực,… Từ lòng kính cẩn và sự hàm ơn, khi phát hiện Cá Ông lụy, ngư dân có bổn phẩn và trách nhiệm tổ chức lễ tống táng thật chu đáo, trang trọng tại khu đất được dành riêng, thường gọi là nghĩa trủng hay nghĩa địa Cá Ông. Sau vài năm, ngư dân lại thỉnh “ngọc cốt” Ông Ngư về bảo quản, thờ tự tại lăng. Ở Hội An, hầu như các làng ngư nghiệp đều xây dựng lăng để thờ tự, cúng tế Cá Ông. Dù bị thiên tai và chiến tranh khốc liệt tàn phá, song đến nay ở Hội An vẫn còn bảo tồn nhiều công trình kiến trúc thờ cúng Cá Ông bề thế được xây dựng từ lâu đời như lăng Ông An Bàng ở Cẩm An, lăng Ông Ngư ở Tân Hiệp, lăng Ông năm sở ở Cẩm Nam, lăng Ông ở Cẩm Thanh và lăng Tiêu Diện ở Cửa Đại. Các lăng thờ Cá Ông được xây dựng trên khu đất rộng, địa thế thuận lợi, quy mô lớn, kết cấu vững chải và giàu giá trị mỹ thuật, nhân văn từ hình thức trang trí kiến trúc đến việc trang hoàng nội thất, không gian thờ tự. Trên bình diện tổng thể, ngoài tường rào cổng ngỏ, án ngữ phía trước là bình phong kiểu cuốn thư thường trang trí các đề tài “Thần ngư hí nguyệt, lý ngư hóa long,…; qua khoảng sân rộng là đến lăng thờ bố cục chữ đinh, gồm tiền điện hậu tẩm, được xây dựng theo lối cuốn vòm đặc trưng với mái ngói âm dương trang trí nhiều con giống về đề tài “lưỡng long triều dương”, quy thư, chim phụng, lân, hoa - điểu,…

      Nội thất của lăng thờ tuy rộng, nhưng với lối kiến trúc cuốn vòm nhiều nếp cùng với ánh sáng tự nhiên chiếu soi mờ ảo làm cho không gian thêm phần tĩnh mịch, thâm nghiêm, huyền bí, đặc biệt ở hậu tẩm, nơi cất giữ long cốt Cá Ông. Trong không gian nội thất, bàn thờ Ông Ngư và bộ tướng hộ vệ nằm ở chính giữa, hai bên là bàn thờ quang tiền dụ hậu hay phúc hải thọ sơn, hầu hết quần bàn trang trí bằng thủ pháp vẽ màu hồi văn, chim phụng, long ẩn, hình Cá Ông. Những hòm xương cốt, các bài vị Cá Ông và bộ tướng hộ vệ được sắp xếp, bài trí ngay ngắn, trang trọng trên bàn thờ chính. Tại lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm có 12 bài vị cổ xưa được chạm khắc, trang trí hoa văn tinh xảo như: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Đại Tướng Quân Tôn Thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Quí Nương Đẳng Thần Tọa Vị, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Từ Tế Chi Thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Hổ Tôn Thần, Cung Thỉnh Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Mặc Tôn Thần.

      Sự hiện diện của những di tích lăng thờ Cá Ông và nhiều sắc phong hiện còn hoặc được sao chép lại đã chứng tỏ tầm quan trọng và sức sống mảnh liệt của tín thờ cúng Cá Ông ở Hội An và sự quan tâm xuyên suốt của triều Nguyễn về hình thức tín ngưỡng này. Trong 11 sắc phong thống kế được, sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (tức năm 1826), muộn nhất vào năm Duy Tân thứ 5 (tức năm 1911), và làng có nhiều sắc phong là Thanh Đông và Thanh Hà. Các sắc phong đều khẳng định sự linh ứng và vai trò hộ quốc cứu dân của thần Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân.

      Lễ hội cầu ngư, một biểu hiện đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông, được cộng đồng ngư dân các làng biển ở Hội An long trọng tổ chức tại các lăng thờ từ sau rằm tháng giêng âm lịch như tại lăng Ông An Bàng vào ngày 16 tháng Giêng, lăng Ông ở Cẩm Thanh vào ngày ngày 10 tháng 2, lăng Tiêu Diện vào ngày 16 tháng 2, lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm vào ngày 4/4. Vào dịp này, không khí lễ hội rộn ràng khắp làng. Việc chuẩn bị lễ cúng diễn ra từ nhiều ngày trước với sự tham gia nhiệt huyết của cả cộng đồng, đặc biệt là ban tổ chức lễ tế. Trước ngày diễn ra lễ chính, ngư dân tổ chức nghi thức nghinh thần, nghinh Ông nhập điện cả trên đất liền lẫn trên sông biển. Tối đến, tùy vào mỗi làng sẽ tổ chức hát bả trạo hay hát bội. Từ tinh mơ ngày diễn ra lễ chính, ngư dân tụ họp về lăng Ông tham dự lễ tế âm linh rồi lễ tế thần Nam Hải cự tộc Ngọc Lân theo nghi thức truyền thống. Hoạt động diễn xướng bả trạo là một phần không thể thiếu trong lễ tế Cá Ông, vừa tăng thêm phần trang trọng linh thiêng vừa khắc họa sâu đậm hơn những giá trị văn hóa - nhân văn của lễ tế. Từ hành động đến lời xướng hát bằng nhiều làn điệu với nội dung ca ngợi tôn linh Ông Ngư cứu khó phò nguy, phản ảnh sinh hoạt của ngư dân khi biển lặng và lúc bão tố được Ông Ngư cứu giúp,vv… mang đến nhiều cung bậc cảm xúc của người tham dự lễ tế. Nhiều hoạt động thể thao thể hiện kinh nghiệm, kỹ thuật, sự đoàn kết của cộng đồng ngư dân trong chinh phục sông nước biển cả như đua ghe, thi lắc thúng chai, kéo co dưới nước, vv… cũng được tổ chức sôi động sau lễ tế chính.

      Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông ở Hội An, với tất cả những thành tố của mình, từ không gian thực hành nghi lễ đến thiết chế thờ cúng, hệ thống nghi thức, nghi lễ và nghệ thuật trình diễn dân gian vừa gắn kết cộng đồng vừa tạo nên giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù của vùng biển Hội An. Những giá trị này cần được tiếp tục nhìn nhận, đánh giá đúng đắn và được bảo tồn nghiêm túc cũng như khai thác, phát huy đúng hướng để có thể trở thành nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch đầy tiềm năng của Hội An - Thành phố Di sản.

 

Tác giả: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây