Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống của người Việt ở Hội An

Chủ nhật - 26/05/2024 23:52
     Từ xa xưa, văn hóa ứng xử trong gia đình được người Hội An đề cao và rất coi trọng. Theo quan niệm truyền thống của người Hội An thì “Gia đình phải có gia giáo - giáo dục đạo đức, phẩm chất, nhân cách cho con cái, gia lễ - đảm bảo kỷ cương, có thứ bậc, ngôi vị trong gia đình; gia pháp - những phép tắc, luật lệ, khuôn phép của gia đình để giáo dục con trẻ trong gia đình; gia phong - nề nếp, lề thói mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt”. Vì vậy, mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo, điều này được thể hiện rõ nét thông qua những câu ca, lời hát được người Hội An truyền tụng, đó là từ lúc mới sinh ra, con người đã được đặt trong sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử: “Phụ tử tình thâm”, “Xương cha, da mẹ”, “Cá chuối đắm đuối vì con”. Đạo hiếu luôn được người Hội An đề cao, nên đến khi khôn lớn mỗi người không thể quên công ơn dưỡng dục cù lao của cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ, kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con, “tử hiếu song thân lạc(con cái hiếu thảo, cha mẹ mới được vui). Chữ “hiếu” còn được đề cao trong quan hệ ứng xử với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, con cái đối với cha mẹ đã được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Từ mối quan hệ chủ đạo này đã hình thành nên đạo thờ ông bà tổ tiên, đạo thờ cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng cho con người tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”. Vì thế cho nên trong gia đình truyền thống ở Hội An, con cái đối với cha mẹ luôn kính trọng, vâng lời, tu dưỡng đạo đức, làm nên sự nghiệp để báo hiếu, đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành. Việc phụng dưỡng cha mẹ là đạo lý mà con cái phải thực hiện thường xuyên trong suốt cuộc đời. Về phía cha mẹ có quyền quyết định mọi việc đối với con cái, đồng thời phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng, bảo bọc, dạy bảo các con nên người với niềm mong ước và sự hãnh diện khi “Con hơn cha là nhà có phúc”.

     Môi trường gia đình có tầm quan trọng trong việc hình thành giá trị sống lành mạnh và tốt đẹp cho mỗi con người. Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Hội An đề cao và rất coi trọng, những giá trị đạo đức xã hội của tư tưởng Nho giáo được ông bà răn dạy, chỉ bảo con cái từ thuở mới lọt lòng đến khi trưởng thành.

     “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, trong phạm vi gia đình, người Hội An luôn đề cao sự tôn ngưỡng gia tiên và những người đã mất trong gia đình. Đây chính là nếp ứng xử theo đúng đạo lý của dân tộc nói chung, Hội An nói riêng. Thông qua tập tục vừa lòng hiếu thảo, tri ân, uống nước nhớ nguồn của các thế hệ con cháu đối với ông bà, thân thích, đồng thời thông qua đó, người ta muốn giáo dục cho các thế hệ sau biết nhớ về cội nguồn, nêu gương truyền thống tốt đẹp của gia đình, đề cao tính huyết thống, tăng thêm tình đoàn kết tương thân tương ái giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ...

     Ở Hội An, hầu như các gia đình từ thành thị đến nông thôn đều thờ cúng gia tiên. Bàn thờ gia tiên thường được đặt nơi trang trọng nhất trong nhà. Ở thành thị, do cấu trúc ngôi nhà hình ống, phân làm 3 gian, giữa là lối đi, thì thường bàn thờ, khám thờ gia tiên được đặt trên một sập cao, hướng bàn thờ xoay vào nhà, ít khi quay ra đường; nếu khám thờ gia tiên của nhà nào quay cùng hướng nhà (ra đường) thì phải có bình phong che chắn. Các gia đình ở vùng ngoại ô thì đặt bàn thờ gia tiên ngay gian giữa (căn trung) của ngôi nhà, nhưng phải đặt dưới bàn thờ Ngũ tự gia đường. Khám thờ, bàn thờ gia tiên thường được trang hoàng lộng lẫy với hoa quả, tam sơn, ngũ sơn bên cạnh các hình ảnh, lư hương của người quá cố. Nhiều gia đình cẩn thận còn dùng vải điều (vải đỏ) phủ lên hình ảnh và các đồ thờ. Ngoài hình ảnh, lư hương nhiều nhà còn thờ gia phả và linh vị của gia đình và dòng họ.

     Điều đặc biệt hiếm thấy là trong khi các gia đình ở vùng nông thôn thường chỉ thờ gia tiên của họ mình tức là thờ những người cùng họ hoặc có quan hệ dâu con của gia đình. Nhưng ở thành phố, đặc biệt là một số gia đình người Hoa có hiện tượng thờ cùng chung 2, 3 họ cùng một bàn thờ gia tiên, như là số 10 Nguyễn Thái Học, 180 Nguyễn Thái Học... Qua đó cho thấy được tính hài hòa, dung hợp trong quan niệm thờ cúng tổ tiên của một số gia đình.

     Việc cúng tế gia tiên thường diễn ra vào ngày mất của từng người, đôi khi một năm có nhà cúng đến mấy chục lần. Nếu ngày mất của người nào không rõ ràng thì gia đình sẽ cúng chung vào một ngày do gia đình tự chọn, người ta thường gọi đó là ngày “cúng hội” hay “giỗ hội”. Vào các ngày cuối đông, giáp Tết, người dân Hội An thường đi tảo mộ của người thân và tổ chức cúng tất  niên rước ông và về cùng ăn Tết với con cháu.

     Trong gia đình, cha mẹ luôn dạy con, giáo dục con là phải rèn bản thân mình. Làm gương và chuẩn mực trong ứng xử của cha mẹ với người thân, cộng đồng sẽ cho con cái có được những bài học tốt, giúp các em lớn khôn thành người có ích cho xã hội. Môi trường gia đình thế nào thì tính cách mai sau của trẻ như thế. Con trẻ thường bắt chước cha mẹ những hành vi ứng xử và có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Những việc làm trái với lời nói, trái chuẩn mực đạo đức của cha mẹ sẽ để lại sự lệch lạc trong tâm hồn, hằn sâu vào tâm thức trẻ.

     Đối với quan hệ vợ chồng, sự hoà thuận và tình nghĩa thuỷ chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm cao suốt đời người: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, “Đốn cây ai nỡ dứt chồi, Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”…

     Đối với người Hội An, mối quan hệ trong đạo vợ chồng không đến mức gia trưởng, chồng bảo gì vợ phải làm nấy theo kiểu “phu xướng phụ tùy”, mà thay vào đó là sự hài hòa “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “gia hòa vạn sự hưng(gia đình hòa thuận mọi việc sẽ hưng vượng), từ đó duy trì được mối hòa khí trong gia đình, làm đẹp lòng cha mẹ, làm gương cho con trẻ và không phải xấu hổ với hàng xóm láng giềng.

     Người Hội An cũng đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong một gia đình bởiAnh em như chân, như tay”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”... Anh chị em là mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt “Cắt dây bầu dây bí, Chẳng ai cắt dây chị dây em”. Chính vì lẽ đó, người Hội An phản ứng dữ dội trước những trường hợp bất hòa, xung đột, không giữ được tình cảm anh, chị em “Người dưng có nghĩa thì đãi người dưng, Anh em vô nghĩa thì đừng anh em, “khôn ngoan đá đáp người ngoai, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau Mà phải “hòa vi quý”, “huynh hữu đệ cung(anh chị phải hòa nhã thân thiện, em phải biết nhường nhị, cung kính). Trong gia đình nếu anh chi em bất hòa, xích mích cũng đồng nghĩa với việc không tôn trọng cha mẹ, bất hiếu với ông bà, cha mẹ, mà phải “anh em hòa thuận hai thâm vui vầy”. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống như: Sự hoà thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người, gia đình và xã hội một sức sống hài hòa, thuần hậu.

     Ngoài ra, trong nếp ứng xử ở phạm vi gia đình tại Hội An, còn thấy hiện tượng là người Hội An có tinh thần “khắc kỷ, tu thân”. Nhiều người không hẳn đi chùa, theo Phật, cũng không phải đạo hữu hay Phật tử nhưng vẫn thờ Phật, ăn chay. Theo họ ăn chay không chỉ để cho tâm thanh tịnh hay phòng ngừa các bệnh tật, mà quan trọng của việc thờ Phật, ăn chay là muốn hướng thiện. Việc đặt tượng Phật trong nhà để răn mình như có một vị thần minh đứng ở trên cao luôn nhắc nhở họ phải làm điều lành, tránh điều dữ, xa điều ác: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu” hoặc “Thứ nhất thì tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”… Đặc biệt, trong suốt cuộc đời họ luôn đề cao chữ “Đức”, theo họ đó chính là tài sản quý giá mà họ để lại cho con cháu “Ai ơi cứ ở cho lành, tu nhân tích đức để dành về sau”, “có tiền có hậu mới hay, có trồng cây đức mới dày nền nhân” và phải “tích đức lưu tôn(tích âm đức để lại đời đời con cháu).

     Hiện nay, dù văn hóa ứng xử trong gia đình có nhiều thay đổi so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Những nét đẹp về ứng xử trong gia đình cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng.

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây