Văn hóa ứng xử trong gia đình hiện đại ở Hội An

Chủ nhật - 23/06/2024 23:26
Trong những thập niên qua, gia đình Việt Nam nói chung, ở Quảng Nam, Hội An nói riêng đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình.
     Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận rằng bên cạnh những thay đổi tích cực của việc ứng xử trong gia đình hiện đại, thì đâu đó việc ứng xử trong không ít các gia đình ở Hội An vẫn còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống Nhân tình thuần hậu của thành phố Hội An.

     Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ gia đình ở Hội An đang có những biến đổi sâu sắc. Bên cạnh sự phân giải của những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sự du nhập của những quan niệm và nhận thức về gia đình từ bên ngoài, cũng chưa hình thành được một cách vững chắc những giá trị và chuẩn mực mới trong các mối quan hệ gia đình tạo ra “những nhiễu loạn giá trị”. Do vậy, cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình, làm cho văn hóa ứng xử trong gia đình mãi là một nét đẹp, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Hội An nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu.

 
gia dinh hoi an
Gia đình ông Lưu Cúc ở Hội An, Ảnh tư liệu: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

     Trước những thực trạng có nhiều thay đổi bất lợi cho văn hóa ứng xử trong gia đình, nhằm bảo tồn và phát huy những nét đẹp ứng xử trong gia đình, giữ cho đời sống trong gia đình được an lành và hạnh phúc, hạn chế những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực; vào năm 2020 Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với những nội dung quan trọng. Bộ tiêu chí này được thành phố Hội An duy trì và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể cho từng gia đình, đó là:  
     

     Tôn trọng: Là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Khi một người nào đó dù là người lớn tuổi hay trẻ em thì đều cảm thấy mình được tôn trọng sẽ cảm thấy vui vẻ, dễ hòa đồng và chia sẻ hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng, bất hòa trong một số quan hệ trong gia đình là cảm giác thấy mình bị coi thường; chúng ta thường chủ quan rằng đã quá quen thuộc với các thành viên gia đình ở quanh mình, xem điều đó là hiển nhiên, bình thường đến nỗi quên đi việc bày tỏ cho nhau biết mình tôn trọng người khác như thế nào.         

     Không cảm thấy mình được tôn trọng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phai nhạt về tình cảm, thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Quên thể hiện, thể hiện không đúng nơi, đúng lúc hoặc không biết cách thể hiện sự tôn trọng sẽ mất dần đi những quan hệ tốt đẹp ban đầu của cuộc hôn nhân, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em một nhà với nhau. Tôn trọng là lắng nghe, góp ý chân thành, giáo dục, nâng đỡ tinh thần khi có sai lầm, khuyết điểm chứ không làm tổn thương người khác.     
   

     Bình đẳng: Là có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

     Bình đẳng giới trong gia đình là giữa vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được quyết định các vấn đề của bản thân và tham gia các vấn đề của gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình sẽ tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.

     Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hóa của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang ý nghĩa lớn đối với việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc. Văn hóa gia đình là nền tảng của văn hóa xã hội. Bình đẳng trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới trong gia đình góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình, xây dựng một xã hội văn minh; góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước và bình đẳng giới trong gia đình góp phần giải phóng phụ nữ, xây dựng gia đình bền vững.

     Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau.

     Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, trước hết nó chính là tình cảm của những người trong gia đình dành cho nhau đó là: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em. Tình cảm ấy không chỉ là tình cảm giữa những người có cùng huyết thống với nhau mà những người không chung huyết thống cũng có thể cảm nhận được từ việc họ quan tâm đến nhau, cộng tác với nhau trong công việc.

     Để thể hiện tình cảm, mỗi con người có mỗi cách quan tâm khác nhau; có người quan tâm bằng lời nói có người lại quan tâm bằng hành động. Tình cảm gia đình có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nó là nơi cho ta sự an ủi, niềm tin, sự hi vọng để vượt qua những khó khăn. Xã hội phát triển thì có rất nhiều mối quan hệ nhưng không có mối quan hệ nào bằng tình cảm gia đình, nó luôn chiếm vị trí cao trong đời sống tinh thần của con người. Mỗi con người phải ý thức được vai trò quan trọng của tình cảm gia đình với cuộc sống để giữ gìn, nâng niu, trân trọng. Việc làm đơn giản chỉ là hàng ngày quan tâm nhau bằng những việc nhỏ nhất sẽ làm cho tình cảm ấy càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và gắn kết mọi người gần nhau hơn. Gia đình nơi để yêu thương và được yêu thương.       
 

     Sự chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn. Các thành viên trong gia đình cùng nhau gánh vác những trách nhiệm về duy trì và phát triển gia đình; cùng nhau hưởng thụ những thành thành quả của quá trình lao động do gia đình làm ra. Sẻ chia là kết quả của yêu thương, tôn trọng và bình đẳng trong gia đình. Nếu trong gia đình không có tình yêu thương, sự tôn trọng và bình đẳng thì không có sự sẻ chia.

     Trong thực tế, tất cả chúng ta đều có nhu cầu chia sẻ và được chia sẻ, sẽ vô cùng tẻ nhạt, ảm đạm nếu không có sự sẻ chia cùng nhau giữa những thành viên trong gia đình. Hãy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ niềm tin, chia sẻ ước mơ, chia sẻ tri thức… Khi chúng ta biết chia sẻ thì “niềm vui nhân đôi và nỗi buồn giảm đi một nửa”.    
     

     Sự đoàn kết: Sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, gia tộc sẽ tạo nên sự gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm với nhau; là nguyên tắc bảo vệ sự bền vững và phát triển của gia đình. Những giá trị tốt đẹp đó thể hiện trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, trong sự giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày và được lưu truyền qua ca dao, tục ngữ: “Chị ngã, em nâng”. “Anh em như thể tay chân”, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Sức mạnh của gia đình, cộng đồng chính là tình đoàn kết. Ngày nay, xã hội phát triển hơn, văn minh hơn, nên có xu hướng sinh ít con hơn, mặt khác con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố hơn, thời gian dành cho nhau cũng ít hơn. Do đó để gia đình phát triển bền vững, càng phải phát huy tình đoàn kết trong gia đình, họ hàng, thân tộc.

     Có thể nói, để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của gia đình hiện đại ở Hội An thì bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của xứ Quảng, của Hội An – thành phố di sản văn hóa; cần đẩy mạnh việc tiếp tục phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần xây dựng “gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”;... “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.

     Đồng thời, “đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

     Tóm lại, giá trị truyền thống của gia đình là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, chi phối nhận thức và hành vi của mỗi thành viên trong gia đình, đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai. Trong xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống của gia đình cần tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, là yếu tố nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình hiện đại. Tuy nhiên, một số giá trị truyền thống đã có những biến đổi nhất định, một số giá trị đã và đang bị mai một hoặc biến đổi. Vì vậy, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này, chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Hội An thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch.

 

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây