Truyền thống đề cao việc học ở Hội An xưa

Thứ hai - 05/08/2024 05:09
Việc học hành ở Hội An vốn rất được xem trọng. Vậy nên, đất Hội An xưa đã được rạng danh là quê hương của một số vị quan đứng đầu triều đình nhà Nguyễn. Truyền thống hiếu học được cả cộng đồng trân trọng gìn giữ qua bao đời, thể hiện rõ hơn cả ở các công trình di tích gắn liền với nền giáo dục Nho giáo, các văn bản truyền đời trong mỗi dòng tộc cho đến lời thơ ca lưu truyền ở chốn dân gian.
     Theo văn hóa truyền thống, ngôi thứ trong làng xã được phân định rõ ràng theo quan điểm: “Triều đình nhượng ư tước; hương đẳng nhượng ư xỉ; gia tộc nhượng ư thế”. Nhân sĩ, những người có phẩm hàm, bằng cấp là rường cột của quốc gia, được triều đình sử dụng và ban thưởng bổng lộc. “Các làng có người đỗ khoa bảng được phép lập Văn chỉ (Văn Thánh miếu) để thờ Đức Khổng tử, các vị tiên nho và đặc biệt là tôn thờ sự hiển đạt, công lao của các vị khoa bảng, đồng thời giáo dục tinh thần hiếu học của tiền nhân cho thế hệ trẻ. Hội An có ba làng nhận được vinh hạnh ấy, là Cẩm Phô, Minh Hương và Thanh Hà. Hiện nay chỉ còn lại hai di tích là Văn Thánh miếu Cẩm Phô và Minh Hương. Hàng năm theo lệ Xuân Thu nhị kỳ (vào ngày 16 tháng 2 và tháng 8 âm lịch) bà con trong làng tổ chức lễ tế, nhằm cầu cho xóm làng được nhiều người hiển đạt[1].

     Hội An có những dòng họ khoa bảng nổi tiếng được hưởng ân điển vua ban và sự trọng vọng của cả cộng đồng. Từ tư liệu còn lưu giữ tại các nhà thờ tộc như ghi chép trong gia phả, tộc ước, có thể thấy việc học hành của con cháu đã được các hội đồng gia tộc đề cao, coi trọng. Chẳng hạn như phần nội quy của nhà thờ trong gia phả tộc La, sau rất nhiều những việc không được làm là dòng cuối viết: “Trong từ đường có thể bày trường học nhưng phải hết sức giữ vệ sinh sạch sẽ[2].

     Trong gia phả của gia tộc này có 6 lời răn dạy con cháu những việc lễ, nghĩa như hiếu để, lễ giáo, tiết kiệm, giữ hòa khí trong thân tộc, tránh xa những việc xấu để đời. Lời răn thứ ba, đề cập đến sự học hành như sau “cần cù để giữ cơ nghiệp: con trẻ phải chọn cho thầy nghiêm bạn tốt. Học hành thì phải lựa những sách tốt, không được xem dâm thư tà thiếp và những loại sách vở tổn hại đạo đức. Bậc cha anh phải nên thường ăn nói những lời phải theo lý lẽ. Phàm những kẻ theo các nghề sĩ nông công cổ phải lo chuyện tu nghề nghiệp, không được học tập các loại cờ bạc, không kết giao với bọn phỉ tặc, du đãng, không được mê rượu chè và không được cấu kết với những người khác để kiện tụng[3].

     Thứ bậc thành tựu học hành cũng là một căn cứ để hội đồng gia tộc thống nhất việc phân phát thọ hưởng bổng lộc sau cúng tế. Đấy là một cách rất hay để khích lệ, động viên tinh thần học tập của con cháu trong tộc họ.

     Gia phả tộc La ở Hội An có quy ước việc phân phối hưởng dùng cho con cháu tham gia cúng tế tùy theo thứ bậc, công trạng thành tích như sau: “Các tạp chức tặng thịt tươi 1 giác, chánh hiến tặng một giác, mỗi lễ sinh tặng nửa giác. Phàm những người quan chức mà có công đến núi hành lễ, nếu là bậc Minh kinh cập Võ hương khoa lánh tặng 1 giác, văn hương khoa tặng 2 giác, võ giáp cũng tặng 2 giác, văn giáp tặng 3 giác, vinh phong thì chiếu theo phong hàm mà gia tộ.

     Nhập học hoa hồng 2 lạng, Khoa cống Tuyển cống hoa hồng 3 lạng, trúng tiến sĩ 6 lạng, thọ phong hoa hồng 3 lạng, trúng văn cử hoa hồng 4 lạng, kỳ võ khoa võ giáp đều chiếu bằng một nửa văn[4].

     Trong gia phả tộc Châu có đoạn viết về bà nội thay chồng đảm đương việc nhà sau khi chồng mất: “hiểu biết đạo lý, chuộng sự học, sùng đạo Nho, từng mời thầy về dạy dỗ con cháu, lớn lên đều cho theo học trường lớp (…). Xem những việc ấy thì biết bà nội ta là một bậc hiền phụ vậy[5].

     Việc học hành được cộng đồng cư dân Hội An rất mực đề cao và phản ánh rõ nét qua ca dao, dân ca. Đa số người dân lao động đều biết rằng đó là con đường dẫn đến quan chức, bổng lộc và nhiều thứ danh tiếng khác. Đứng đầu trong hàng tứ dân, sĩ là thành phần có được nhiều sự nể trọng trong xã hội ngày trước. Tuy rằng không tạo ra của cải, thư sinh trói gà không chặt, nhưng họ là niềm tự hào, ngưỡng vọng của những người xung quanh.
Hoài đời mà lấy thợ cưa
Cơm ăn ba bữa, đong đưa cả ngày
Học hành lợi ích vào thân
Chức cao, quyền trọng, dần dần theo sau
Học như lúa nếp trong nhà
Không học như cỏ người ta chê cười[6]
 
     Người dân quê Hội An đã đem tinh thần yêu chuộng sự học thả vào những sáng tác dân ca bài chòi, một thể loại diễn xướng dân gian được vô cùng yêu thích nơi đây. Ở đó, sự thể được phản ảnh và đón nhận bởi nhiều góc độ quan sát. Lời hát về con Bảy giầy là một ví dụ, thể hiện quan niệm dân gian coi trọng chữ nghĩa và việc học hành, đỗ đạt.
 
Một quan là sáu trăm đồng
Thiếp đây dành dụm cho chồng đi thi
Khoa trường bảng hổ đề ghi
Chồng em bái tổ vinh quy về làng
Về làng rộn rã trống vang
Ngựa xe đi trước lọng vàng theo sau
Chồng em vinh hiển biết bao
Mũ quan áo gấm đẹp sao chân giày
 
     Dân gian cũng dành cho hạng học trò lười, chẳng chịu chú tâm dùi mài kinh sử, dễ bị sa vào cám dỗ thường tình, những nụ cười giễu cợt: “Thương thay cho lũ học trò, Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm[7].
Thậm chí, ra đòn rất đau nếu trò kia thật sự bất tài:
Một bụi tre năm bảy bụi trầu
Một bụi trầu năm bảy dây nho
Đố văn đố võ đố trai học trò
Trò mô đối đặng tôi gả chị tôi cho
Trò mô không đối đặng tôi gả bầy bò chín con[8]

 
     Không chỉ nổi danh là chốn giao thương sầm uất, Hội An xưa còn là nơi trọng văn, quy tụ nhân tài và nuôi dưỡng nhiều bậc anh tài xuất chúng. Tất cả được hun đúc từ tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo trong cộng đồng dân cư, một truyền thống tốt đẹp luôn được cộng đồng, các gia đình, dòng họ gìn giữ và rất cần được quan tâm, phát huy tốt trong môi trường xã hội học tập ngày nay.
 
[1] Theo lý lịch di tích Văn thánh miếu Cẩm Phô, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, 2009.
[2] Trần Văn An, Tống Quốc Hưng (2018), Sinh hoạt văn hóa người Hoa ở Hội An, Nxb Đà Nẵng, tr.294.
[3] Trần Văn An, Tống Quốc Hưng (2018), Sinh hoạt văn hóa người Hoa ở Hội An, sđd, tr.295.
[4] Trần Văn An, Tống Quốc Hưng (2018), Sinh hoạt văn hóa người Hoa ở Hội An, Nxb Đà Nẵng, tr.291.
[5] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2019), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 5 - Tư liệu lưu trữ  trong các gia đình, dòng họ, quyển 1, Nxb Đà Nẵng, tr.164.
[6] Bà Trần Thị Chiện, khối Lâm Sa, Cẩm Phô, Hội An cung cấp.
[7] Ông Thái Văn Thôi, phường Cẩm Châu, Hội An cung cấp.
[8] Bà Võ Thị Hắt, khối Xuyên Trung, Cẩm Nam, Hội An cung cấp.

Tác giả: Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây