Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An năm 1945

Thứ tư - 04/09/2024 04:29
Sau khi nhận được tin Nhật đầu hàng, ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy họp ở Tam Mỹ (Núi Thành) quyết định nhiệm vụ lịch sử: Khởi nghĩa.
     Trên cơ sở nhận định đó, Tỉnh ủy nhất trí quyết định phát động nhân dân trong toàn tỉnh dấy lên khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm các đồng chí phụ trách Trưởng ban khởi nghĩa các huyện, thị, tất cả có 9 người, trong đó có 5 người trong ban thường trực là: Trần Văn Quế, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thúy, Nguyễn Xuân Nhĩ và Võ Toàn. Đồng chí Nguyễn Phe, Tỉnh ủy viên được chỉ định làm Trưởng Ban khởi nghĩa Hội An.

     Chấp hành nghị quyết của Tỉnh ủy, ngày 15/8/1945, đồng chí Nguyễn Phe cấp tốc triệu tập cuộc họp Thành ủy Hội An tại Kim Bồng để phổ biến nghị quyết và kế hoạch khởi nghĩa của Tỉnh ủy.

 
Cuộc tuần hành thị uy ở Hội An
Cuộc tuần hành thị uy ở Hội An sau khi giành chính quyền thắng lợi ngày 18.8.1945. Ảnh: tư liệu

     Cuộc họp của Thành ủy ngày 15/8/1945 có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hội An. Căn cứ vào tình hình thực tế, Thành ủy Hội An đã đề ra những chủ trương thích hợp, kịp thời để thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và giải quyết các nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra.

     Trong tình hình khẩn trương, ngày 16/8/1945, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phân công 2 đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nễ đến Hội An theo dõi và giúp đỡ công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa Hội An họp tại nhà ông Huỳnh Đủ, phía Đông ấp Ngọc Thành xã Kim Bồng vào 5 giờ chiều ngày 17/8/1945 để bàn việc khởi nghĩa. Hội nghị gồm đầy đủ các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa và 2 phái viên của Tỉnh. Đồng chí Lê Đức Hồ, tổ trưởng cơ sở trong đồn Bảo an được mời về báo cáo tình hình. Đồng chí Nguyễn Phe thay mặt Ủy ban khởi nghĩa báo cáo kế hoạch khởi nghĩa... Hội nghị hoàn toàn nhất trí quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An ngay trong đêm 17/8/1945.

     Cũng trong hội nghị này, theo đề xuất của đồng chí Võ Toàn, Ủy ban khởi nghĩa đã giao cho đồng chí Trần Đình Tri đưa tối hậu thư cho Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng vào khoảng 18 giờ ngày 17/8/1945 yêu cầu giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó cử đồng chí Nguyễn Phe lên Tỉnh ủy và thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đề nghị cho Hội An khởi nghĩa tối ngày 17/8, sớm hơn ngày đã định của tỉnh và lệnh cho các huyện khác phối hợp, hỗ trợ cho Hội An.

     Trong lúc chờ đợi quyết định của tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa Hội An đã ra lệnh ngay cho các lực lượng cấp tốc chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa và thiết quân luật ở ấp Ngọc Thành, bố trí các đơn vị tự vệ canh gác nghiêm ngặt.

     Từ kế hoạch chung, hội nghị tiếp tục bàn kế hoạch cụ thể cướp đồn Bảo an. Đây là nhiệm vụ then chốt của khởi nghĩa. Đồn Bảo an đóng tại cuối đường Quảng Nam hiện có 100 lính bảo an, 100 súng trường với đủ cơ số đạn. Cơ sở cách mạng ở trong đồn có 6 người nên ta có khả năng chủ động dùng lực lượng tự vệ bí mật, bất ngờ chiếm đồn.

     Trong lúc hội nghị đang dự định kế hoạch thực hiện thì đồng chí Lê Đức Hồ báo cáo tình huống mới xảy ra ở đồn Bảo an. Khoảng 10 giờ đêm, tỉnh trưởng bù nhìn đã ra lệnh cho trưởng đồn bảo an thu tất cả súng đạn tập trung vào kho. Hội nghị nhận định đây là một cơ hội rất thuận lợi để chiếm đồn Bảo an. Cùng lúc đó, đồng chí Nguyễn Phe từ tỉnh về truyền đạt quyết định của thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban khởi nghĩa.

     Tuy lệnh khởi nghĩa mới ra chiều ngày 17/8 nhưng lực lượng khởi nghĩa đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài số lực lượng quần chúng trong tổ chức khoảng 2.500 người, Ủy ban khởi nghĩa quyết định động viên thêm quần chúng ngoài tổ chức tham gia. Do đó, tổng số lực lượng lên đến 5.000 người. Lực lượng tự vệ 3 xã có 5 đại đội và 4 trung đội, tổng số khoảng 700 người. Khắp nơi tự vệ vũ trang, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng tập hợp theo đơn vị. 1 giờ sáng ngày 18/8 ở các bến đã định, tất cả ghe thuyền trong các xã tập trung sẵn sàng chờ lệnh.

     Ủy ban khởi nghĩa Hội An do đồng chí Nguyễn Phe làm trưởng ban trực tiếp chỉ huy chung, đồng chí Võ Toàn theo dõi và chỉ đạo với cương vị thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh.

     3 giờ sáng ngày 18/8/1945, lệnh của Ủy ban khởi nghĩa được phát ra. Lực lượng khởi nghĩa gồm các đội tự vệ vũ trang và lực lượng quần chúng nhân dân từ ấp Ngọc Thành, tiến xuống Chùa Cầu để vào thành phố cướp chính quyền. Đoàn quân khởi nghĩa vừa đi vừa hô khẩu hiệu và rải truyền đơn kêu gọi quần chúng hưởng ứng tham gia đoàn biểu tình.

     Theo kế hoạch, quân khởi nghĩa đã bao vây và chiếm đồn Bảo an. Tại đây cơ sở của ta đã mở toang cổng đồn và dẫn các đơn vị tự vệ vào chiếm đồn. Tên đồn trưởng và một số binh lính chưa giác ngộ chạy trốn. Ta đã thu được 125 khẩu súng trường, một số súng ngắn và rất nhiều đạn dược. Số vũ khí đó được trang bị ngày cho anh chị em tự vệ làm tăng thêm uy thế lực lượng khởi nghĩa. 5 giờ sáng ngày 18/8 quân khởi nghĩa chiếm xong đồn bảo an.

     Trước lực lượng to lớn, hùng hậu của quần chúng, cuộc khởi nghĩa ở Hội An tiến hành thuận lợi, theo đúng kế hoạch, Ủy ban khởi nghĩa quyết định cho một đơn vị tự vệ được trang bị đầy đủ cùng lực lượng đông đảo quần chúng vũ trang khẩn trương bao vây tòa tỉnh trưởng. Đồng chí Võ Toàn và đồng chí Nguyễn Phe đại diện cho Mặt trận Việt Minh tỉnh và Hội An bắt tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách. Cơ quan đầu não của chính quyền tay sai ở Hội An sụp đổ.

     6 giờ sáng ngày 18/8, nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước dinh tỉnh trưởng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng lật đổ ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Hội An. Đồng chí Võ Toàn tuyên bố: Phát xít Nhật đã đầu hàng, chính quyền tay sai đã sụp đổ. Chính quyền ở Quảng Nam đã thật sự về tay nhân dân. Đồng chí kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh và đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ chính quyền, bảo vệ nền độc lập của Tổ  Quốc.

     Đồng chí Nguyễn Phe đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh sau khi giành được chính quyền. Sau đó truyền đơn được tung ra phổ biến thông cáo của Ủy ban khởi nghĩa và kêu gọi đồng bào tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng.

     Cuộc mittinh mừng khởi nghĩa thành công đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng. Quần chúng hô vang những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chính quyền cách mạng của nhân dân muôn năm”.

     Cùng với việc chiếm tòa tỉnh trưởng, một bộ phận tự vệ vũ trang do đồng chí Hoàng Kim Ảnh chỉ huy đến chiếm Sở kho bạc. Tên bố chính phụ trách sở lẩn trốn không kịp bị tự vệ bắt lại. Ta thu được 28 bao bạc nhưng hầu hết là giấy bạc nhỏ và rách, bạc 500 đồng đã bị bọn Nhật lấy đi hết. Một đơn vị khác do đồng chí Võ Văn Thắng chỉ huy chiếm xong nhà lao, giải phóng toàn bộ tù nhân.

     8 giờ sáng ngày 18/8/1945, các công sở đều đã chiếm xong. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An giành được thắng lợi hoàn toàn.

     Sau khi giành được chính quyền, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định thành lập Thị xã Hội An gồm 18 xã nội ngoại thành và cử UBND cách mạng lâm thời thị xã do đồng chí Võ Văn Đặng làm chủ tịch để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng đặt ra là xây dựng và củng cố chính quyền, phát triển lực lượng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

     Cuộc khởi nghĩa Hội An ngày 18/8/1945 đã góp phần xứng đáng làm cho tỉnh lỵ Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh lỵ khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên trong cả nước.

Tác giả: Trích từ sách Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930 - 1975) của BCH Đảng bộ Thị xã Hội An, năm 1996, tr.95-105

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây