Chân dung danh nhân Đặng Huy Trứ tại nhà thờ tộc Đặng ở Hội An - Ảnh: Phước Tịnh
Về đời tư, Đặng Huy Trứ cho biết “Năm Tự Đức Giáp Dần (1854) mùa hạ, ta tập việc ở Quảng Nam. Đến ngày 16 tháng 2 năm Ất Mão (1855) lấy mẹ Dục là Lương Chính Thị Tuyển làm vợ thứ tư. Mẹ cô ấy họ Từ bà ngoại họ Phạm đã già nua, nên cô ấy ở góa tại làng Minh Hương để nuôi bà và mẹ.
… Năm Đinh Tỵ (1857) mùa thu cô theo ta đến Hà Trung. Năm Mậu Ngọ (1858) mùa thu về thăm nhà, đến ngày 23 tháng 11 năm ấy thì sinh con trai thứ tám là Đặng Hữu Dục. Vì người Tây ngăn trở nên cha con không gặp nhau đã mấy năm. Đến năm Nhâm Tuất (1862) mùa xuân, ta vào nội các, Đặng Hữu Dục theo mẹ vào Huế, lúc đó đã năm tuổi rồi. Vài tháng sau lại về Gián Đông đến nay đã mười tám tháng.
Nay ta được vào Quảng Nam, Hội An giữ chức Bố chánh tỉnh này (1864) thì Dục đã được bảy tuổi, cha con mới được đoàn tụ. Đó cũng là việc kỳ ngộ chưa từng có,… các con ta có Đặng Hữu Dục là ta thương nhiều nhất vì có nhiều kỷ niệm với ta”.
Như vậy chúng ta thấy rằng tại Hội An, Đặng Huy Trứ đã xây dựng một mái ấm gia đình với một người con gái họ Lương ở làng Minh Hương và có những đứa con thương yêu ở mảnh đất này. Trong đó, Đặng Hữu Dục ở Hội An, theo lời tự bộc của Đặng Huy Trứ là đứa con mà ông thương yêu nhất. Đây là lời tự bộc rất đáng lưu ý, nó cho thấy tình cảm gắn bó của Đặng Huy Trứ đối với mẹ con bà Lương Chính Thị Tuyển cũng như với quê vợ ở Minh Hương, Hội An. Hiện nay con hẻm 28/12 đường Trần Hưng Đạo vẫn còn ngôi nhà thờ Đặng Huy Trứ nhánh Hội An.
Tư liệu cho biết Đặng Huy Trứ đến Hội An khá sớm. Sau khi đậu Giải nguyên vào năm 23 tuổi (1847), trong khi chờ phân bổ công vụ ông đã vào Quảng Nam, Hội An để dạy học. Tại Hội An vào năm 1849, với sự giúp đỡ của Lý Mậu Thụy, một hương quan của làng Minh Hương, ông mở một trường tư thục tên là Thanh Hương. Khi mở trường, ông đã công bố một cáo thị với những quan điểm giáo dục rất cấp tiến: “… Dám đâu lên mặt mô phạm của ông thầy mà tự phụ. Chỉ lo đêm ngày dốc sức “sư đệ tương trưởng” thầy và trò cùng nhau lớn lên, thế là tự có đất vui trong chốn danh giáo, đâu có đối xử với nhau như khách qua đường, giữ kín những điều mình biết, ghìm chặt những gì mình hay…”.
Về nhân vật Lý Mậu Thụy, trong bảng phổ đồ hương hiền của Tụy tiên đường Minh Hương tạo năm Minh Mạng nguyên niên (1820), tu soạn năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) và Lý Thành Ý phụng sao lại năm Tự Đức thứ 33 (1880) ở mục hương quan (những người của làng Minh Hương ra làm quan) có ghi tên “… Hành nhân ty tòng thất phẩm hành nhân Lý Mậu Thụy”. Tư liệu này xác định Lý Mậu Thụy là hương quan của làng Minh Hương, vả lại làng Minh Hương không có chức bang trưởng như Trần Đức Anh Sơn viết, mà chỉ có hương trưởng hoặc phố trưởng.
Tại Hội An, Đặng Huy Trứ có quan hệ thân giao với một số nhân vật của làng Minh Hương từ trước khi lấy vợ làng này, thể hiện qua một số trước tác như Đêm khuya tưởng nhớ bạn vong niên nguyên huyện doãn Đại An, Trương Thúc Phu (1850), Gửi bạn cũ ở Minh Hương (1854),…
Một nhân vật khá đặc biệt, cũng là người thân của Đặng Huy Trứ ở Hội An từ lúc ông chưa ra làm quan, đó là Hòa thượng Quán Thông ở chùa Phước Lâm. Chùa này là nơi trước khi sang Quảng Đông để “thám phỏng Dương tình” (thám thính tình hình Tây Dương) lần thứ 1 (1865), Đặng Huy Trứ đã đến để nhờ cạo tóc theo kiểu người Thanh. Quan hệ giữa Đặng Huy Trứ với Hòa thượng Quán Thông đã được ông viết trong thư: “… Phật tử (Đặng Huy Trứ) từ thở nhỏ vốn khó nuôi nên cha mẹ đã cho quy y Tam bảo. Sau được đi học xa, khi đến đất Quảng Nam lại thường được gặp Thượng nhân (Hòa thượng Quán Thông), lâu ngày thành thân. Rồi ra tham chính, trong công vụ lại cùng Thượng nhân sớm chiều bên cạnh nên Phật tử được cảm hóa từ lúc nào không hay! Vẫn biết Thượng nhân là người Chân, mà Phật tử là người Tục nhưng Chân Chân Tục Tục thảy vốn đều là không cả!.
Rồi chừng chỉ tròn năm thì phải chia xa, Phật tử nhọc nhằn trên bước đường gió bụi, bao phen tưởng không giữ nổi được mình mà Thượng nhân vẫn nghiễm nhiên là bậc tự tại trên cõi Thiền đăng…”. Qua nội dung bức thư này ta thấy mối giao tình giữa Đặng Huy Trứ và Hòa thượng Quán Thông diễn ra khá sớm từ lúc Đặng Huy Trứ chưa ra làm quan và rất chân tình, khăng khít.
Qua những tác phẩm văn thơ của Đặng Huy Trứ ta cũng biết được rằng trong quá trình công tác ông đã nhiều lần ghé lại Hội An. Năm 1856, ông được triều đình cử đi kiểm tra tình hình quân bị ở Đà Nẵng và làm bài thơ “Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự”. Vào dịp này ông ghé lại Hội An và thăm chùa Di Đà cùng Diệp Ngộ Xuân và làm bài thơ “Cùng Ngộ Xuân qua chùa Di Đà cảm tác”. Diệp Ngộ Xuân là người Hoa, bang Quảng Đông, tác giả của nhiều bài thơ về Hội An.
Năm 1864, theo đề nghị của sĩ phu xứ Quảng, triều đình đã cử Đặng Huy Trứ vào Quảng Nam làm Bố chánh để giải quyết hậu quả hạn hán và nạn đói. Dịp này ông đã được đoàn tụ với gia đình, con cái tại Hội An như lời tự bộc trong Đặng Hoàng Trung văn tập. Cảm thông với nỗi khổ của dân chúng và day dứt trước trách nhiệm của mình ông đã làm bài thơ Cho cháo rất cảm động:
“Nhà nhà giảm bớt một phần ăn
Dân đói mong no được mấy đoàn
Một bát cháo trưa tùy hậu bạc
Lưng cơm hụm nước khỏi suy tàn
Ở đời quả lắm người không lộc
Độ thế hay rày thuốc có môn
Gáo nước cá may tươi sống lại
Dân không chăm sóc chớ làm quan”
Làm Bố chánh Quảng Nam được hơn một năm thì Đặng Huy Trứ được triều đình triệu về Huế để chuẩn bị đi công cán ở Quảng Đông. Một số bài thơ Đặng Huy Trứ làm trong hoàn cảnh này cho ta biết được lịch trình chuyến đi khá cụ thể. Ngày 18 tháng 6 (chú thích của Đặng Huy Trứ) phái đoàn của ông đến thăm đền trên núi Hải Vân. Từ đèo Hải Vân đoàn đi bộ đến trạm Chân Sảng rồi xuống thuyền đến bến Thanh Khê. Từ Thanh Khê đoàn vào Hội An để chờ thuyền. Khi trú tại Hội An, Đặng Huy Trứ chứng kiến một vụ cháy lớn tại làng Minh Hương.
Tại Hội An, Đặng Huy Trứ đã đến chùa Phước Lâm bái Phật xin cạo đầu theo kiểu người Thanh. Đến ngày 22 tháng 6, lúc 2 giờ sáng, phái đoàn Đặng Huy Trứ lên thuyền ra cửa Đại Chiêm.
Đặng Huy Trứ đã để lại dấu ấn sâu sắc ở Hội An và ngược lại, Hội An cũng đã có những tác động nhất định đến cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ. Những tháng ngày sống ở Hội An, hoạt động buôn bán nhộn nhịp ở đây có lẽ đã ảnh hưởng đến tầm nhìn để Đặng Huy Trứ đề xuất thành lập Ty Bình Chuẩn ở Hà Nội nhằm kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính quốc gia với những quan điểm rất tiến bộ: “Sinh tài đại đạo sự phi khinh” (làm ra của tiền là một việc lớn không thể xem thường), “Chung thủy một lòng trời chẳng phụ, công tư lưỡng lợi nước thêm bền”. Ảnh hưởng này cũng có thể thấy được trong sách Từ thụ yếu quy do ông viết năm 1867. Trong 104 trường hợp phải từ (không nhận) kê trong sách này có 11 trường hợp liên quan đến buôn bán ngoại thương, trong đó có những trường hợp rất cụ thể như: Nhà buôn hối lộ để được lĩnh tiền công mua hàng; Con buôn nước ngoài hối lộ để cầu thân; Thương nhân hối lộ để tiêu thụ được hàng; Thuyền bọn phỉ người nhà Thanh giả làm thuyền buôn hối lộ,…
Cuối cùng một điều không thể không nhắc đến là Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo đã đánh giá Đặng Huy Trứ là “một trong những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Cái mầm khai hóa này sẽ được các sĩ phu xứ Quảng kế thừa, phát triển mạnh mẽ ở các phong trào Việt Nam quang phục hội, Đông Du, Duy Tân sau này làm lung lay nền móng thống trị của thực dân Pháp và tay sai.
Tháng 7 năm Đinh Tỵ, Đặng Huy Trứ bắt đầu làm Nhiếp biện ấn vụ (như quyền Tri phủ) Hà Trung, Thanh Hóa. Bà Lương đã theo ông đến đây.
Đây là tính cả con trai của các bà vợ khác.
Đặng Huy Trứ, Đặng Hoàng Trung văn tập, Đào Vũ Luyện dịch, dẫn lại Trương Nguyễn Ngã, báo Quảng Nam điện tử, ngày 20/12/2020.
Trần Đức Anh Sơn trong bài viết “Hai chuyến công vụ sang Trung Hoa của Đặng Huy Trứ (1865 và 1867 - 1868)” đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học “Danh nhân Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành nghiếp ảnh Việt Nam”, Huế ngày 11/3/2018, tr.24-44, cho rằng Lý Mậu thụy là Bang trưởng người Minh Hương ở Hội An (tr.25, bđd) và “Cùng sang Quảng Đông lần này (1865) ngoài các thành viên trong đoàn của Đặng Huy Trứ còn có Lý Mậu Thụy và gia nhân của ông là Lý Xuân Mâu. Lý Mậu Thụy người gốc Phúc Kiến (Trung Hoa) nhưng đến Quảng Đông lập nghiệp. Sau đó ông sang Hội An buôn bán rồi định cư nơi này…”, tr.31. Tuy nhiên các thông tin này không thấy tác giả dẫn nguồn.
Nhóm Trà Lĩnh (1990), Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.121.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương, Nxb Đà Nẵng, tr.175.
Tức Tri huyện Đại An Trương Tăng Diễn, người làng Minh Hương, Hội An.
Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.141.
Thư này được Đặng Huy Trứ viết tại Am Kim Giác, Hà Nội vào mùa xuân năm 1874, trước khi ông mất 3, 4 tháng. Bức thư do Đại đức Thích Như Tịnh sưu tầm được ở chùa Long Tuyền, Hội An và cung cấp. Dẫn theo Phan Đăng trong bài “Đạo tình giữa Tĩnh Trai Đặng Huy Trứ và Hòa thượng Toàn Nhâm - Quán Thông”, in trong Kỷ yếu hội thảo Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh - Lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, 2021, tr.1031.
Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.154.
Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.262.
Bài Đến thăm đền trên núi Hải Vân, theo Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.312.
Bài Qua bến Thanh Khê, theo Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.313.
Bài Xã Minh Hương bị hỏa tai lớn, theo Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.314. Bản dịch của Nhóm Trà Lĩnh cho biết tác giả chú thích “Ngày 25 giữa giờ Tý và giờ Sửu (khoảng 1-2 giờ khuya) cháy to gần nhà tôi trọ”. Tuy nhiên ở đây có sự nhầm lẫn hoặc dịch không chính xác vì ngày 25 phái đoàn Đặng Huy Trứ đã lên đường khá lâu.
Bài Đến chùa Phước Lâm bái Phật xin cạo đầu, theo Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.316. Lúc này Hòa thượng Quán Thông - Toàn Nhâm đang trụ trì chùa này.
Bài Lên thuyền, theo Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ - Con người và tác phẩm, sđd, tr.318. Đặng Huy Trứ ghi chú “ngày 22 Ất Mão (1865), Đinh Sửu bài (2 giờ sáng)”.
Đặng Huy Trứ (1867), Từ thụ yếu quy (những nguyên tắc chủ yếu của việc nhận và không nhận), bản dịch của Nguyễn Văn Huyền, Phạm Tuấn Khánh, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2002.
Phan Bội Châu (1908), Việt Nam quốc sử khảo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr.214.