Vài nét về nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh

Thứ hai - 16/09/2024 22:13
Ở Quảng Nam, mỗi khi nghe câu ca “Đứng lên bằng súng bẹ dừa/Quê ta đồng khởi Mỹ thua ngụy hàng” thì người dân lại nghĩ về Cẩm Thanh, vùng căn cứ cách mạng với Rừng dừa Bảy Mẫu đi vào huyền thoại qua chiến công đồng khởi bằng súng bẹ dừa vào tháng 9/1964. Rừng dừa nước nơi đây không chỉ “che bộ đội, vây quân thù” mà trải qua hàng mấy trăm năm đã cung cấp nguồn nguyên liệu để hình thành và phát triển nghề làm nhà tre dừa nổi tiếng, góp phần bồi đắp thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống Hội An, Quảng Nam.
làm nha dua
Người dân Cẩm Thanh làm nhà tre dừa để sử dụng. Ảnh tư liệu trước 1975
 
     Cẩm Thanh, tên gọi dưới thời phong kiến là làng/xã Thanh Châu, tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang. Đây là một làng quê nằm về phía Đông Nam của thành phố Hội An hiện nay, cách Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới chừng 3km, có diện tích khoảng 970,42ha, trong đó chiếm hơn 1/3 là mặt nước với 348,69ha. Vùng đất này bốn bề bao bọc bởi sông nước, phía Nam và Tây Nam là hạ lưu sông Thu Bồn, phía Đông và Đông Bắc là sông Ba Chươm, và sông Đò ở phía Bắc và Tây Bắc. Sông Đình và sông Đò nối sông Thu Bồn với sông Ba Chươm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Các nhánh sông, con hói chằng chịt chỗ rộng chỗ hẹp, nơi cạn nơi sâu, quanh co uốn lượn qua những bãi bồi, cồn/gò đất men theo những rặng/triền dừa nước trải dài quanh năm tươi tốt như Thuận Tình (Cồn Kiện), Cồn Ông Hơi, Cồn Tiến, Cồn Ba Xã, Gò Hí, Gò Già,… tạo nên phong cảnh hết sức hữu tình thơ mộng. Có lẽ do nằm sát cửa biển Cửa Đại, cũng là vùng hội lưu của 3 nguồn sông lớn của Quảng Nam (Chiên Đàn, Thu Bồn, Vu Gia) và sông Cổ Cò nên hệ sinh thái ở Cẩm Thanh rất đặc biệt, đó là kiểu rừng ngập mặn cửa sông với đặc trưng là cây dừa nước. Hệ sinh thái rừng dừa nước ngập mặn nơi đây vừa là môi trường lý tưởng để nhiều loài chim, thủy sản sinh sống, phát triển, góp phần tạo nên sự đa dạng về mặt sinh học để Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, đồng thời cũng tạo nên địa thế hiểm trở, vị trí trọng yếu trong việc phòng thủ, bảo vệ bờ biển, cửa sông. Ngoài dừa nước, tre cũng là loài cây sinh trưởng tươi tốt ở làng quê Cẩm Thanh. Những lũy tre chạy dài theo bờ sông hay dọc đường làng, đầu ngỏ hay cuối vườn không những góp phần tạo nên nét duyên dáng, thanh bình, yên ả của làng quê Cẩm Thanh mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo tác nhiều đồ gia dụng và cất dựng nhà cửa.

     Với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên và vị thế địa chính trị, quân sự và kinh tế, từ rất sớm, các lớp, thế hệ cư dân đã đến cư trú, sinh sống ở vùng đất Cẩm Thanh và khai phá, phát triển vùng đất này ngày thêm trù phú. Dù bị tàn phá khốc liệt qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, song với hơn 23 di tích, dấu tích gồm các loại hình khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật thuộc nhiều thời kỳ lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như móng kiến trúc chăm và lăng Bà, miếu Tổ nghề yến, lăng Trà Quân, mộ cổ Thứ phi vua Quang Trung, mộ tổ tộc Trần, mộ tổ tộc Lê, tộc Hồ, các giếng cổ,… cùng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng như lễ nghi, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian, nghề truyền thống,... khá độc đáo và hấp dẫn, trong đó Nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,… đã minh chứng cho bề dày, truyền thống lịch sử - văn hóa - nhân văn của Cẩm Thanh trên vùng đất thương cảng quốc tế Faifo - Hội An. Dưới góc độ nghề truyền thống, có thể thấy, bên cạnh nghề khai thác yến sào và nghề buôn ghe bầu vang tiếng một thời, Cẩm Thanh còn nổi tiếng với nghề làm nhà tre dừa khá đặc sắc.

     Rừng dừa nước Cẩm Thanh với diện tích 106,01ha phân bố tập trung ở thôn Thanh Tam, Thanh Nhứt, Vạn Lăng, dân gian gọi là Rừng dừa Bảy Mẫu, quanh năm xanh tốt không chỉ chắn sóng gió, tích giữ phù sa, điều hòa khí hậu,… mà nơi đây còn cung cấp lá dừa khô để cùng với nguyên liệu tre hình thành và phát triển nghề làm nhà tre dừa từ lâu đời phục vụ nhu cầu cư trú của cộng đồng cư dân, và nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ du lịch xanh trong thời gian gần đây. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rừng dừa nước Cẩm Thanh trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, giúp bám đất, bám làng làm nên những chiến công oanh liệt mà sự kiện đồng khởi tháng 9/1964 là minh chứng điển hình, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc vào mùa xuân năm 1975 lịch sử.

     Từ những ghi chép còn lưu giữ lại và qua tư liệu hồi cố cho biết, vào thế kỷ XVI-XVIII, với ưu thế và kinh nghiệm sông nước, lại nằm kề với cảng thị quốc tế Hội An, nghề buôn ghe bầu ở làng Thanh Châu rất phát triển, hình thành tuyến đường buôn bán, trao đổi dọc ven biển miền Trung, thậm chí xuôi ngược đến tận Nam bộ. Nhận thấy vùng nước ngập mặn của làng có thể phát triển được cây dừa nước như ở Nam bộ nên các chủ ghe bầu đã mang giống về trồng rồi dần dần phát triển thành rừng dừa nước bạt ngàn như ngày nay. Bên cạnh việc mang giống về trồng ở vùng đất mới, những tri thức sử dụng lá dừa nước để làm nhà ở cũng được người buôn ghe bầu học hỏi, tiếp thu.

     Trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có, tre làm khung sườn chịu lực, lá dừa làm phên vách, lợp mái, bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, người Cẩm Thanh đã phát triển nghề làm nhà tranh tre dừa ngày mở rộng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn phục vụ cho cư dân các địa phương lân cận; vừa tạo dựng, lưu giữ những giá trị của ngôi nhà tre dừa truyền thống, đồng thời cũng sáng tạo ra những kiểu thức, sản phẩm mới phục vụ du lịch và nhu cầu thẩm mỹ đương đại. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh dần dần ảnh hưởng, lan tỏa đến các địa phương khác như Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Kim,…

 
lop mai
Thợ làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh thi công một ngôi nhà tre dừa tại Tam Kỳ

     Do chuyên về nghề làm nhà tre dừa nên người dân Cẩm Thanh đã sáng tạo nên hệ thống công cụ rất phong phú với hơn 40 loại được sử dụng trong các công đoạn của nghề, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu tre dừa, gia công khung sườn, tấm lá đến ráp dựng, hoàn thiện ngôi nhà. Trong đó có một số công cụ tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất khác nhau. Mỗi công đoạn đòi hỏi có những kinh nghiệm, bí quyết riêng nhằm tạo nên một ngôi nhà vừa đẹp, vừa sử dụng được lâu dài.

     Việc chuẩn bị vật liệu tre dừa đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên ngôi nhà bền đẹp. Do yêu cầu về độ bền chắc và chống được mọt nên người thợ thường chọn tre già từ 4-5 năm tuổi để làm nhà. Tre được khai thác vào tháng Giêng là tốt nhất vì đây là thời điểm cây tre tích lũy được nhiều chất dinh dưỡng. Sau khi đốn, tre được chuyển đến ngâm trong bùn nước ở những con hói chừng một đến một năm rưỡi để tăng độ bền chắc và chống mọt, sau đó vớt lên gia công khung sườn hoặc nệp làm tấm lá, phên vách,...  Người dân đào những hố dài bên bờ hòi rồi cẩn thận xếp từng cây tre vào, đóng cọc giữ chặt, sau đó dùng lá dừa đậy lại và lấp đất lên bên trên.

     Theo các nghệ nhân nghề làm nhà tre dừa, ở Cẩm Thanh, dừa nước sinh trưởng trên vùng đất cát thân chắc, màu hơi hồng và có độ bền hơn so với sinh trưởng ở vùng đất bùn, do vậy được ưu tiên lựa chọn để lợp mái. Dừa nước trồng 5 năm có thể khai thác lá, mỗi năm khai thác 2 lần, vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Người dân dùng dao phay để đốn những tàu lá già, chừa lại tàu non và đọt (giáo) dừa để khai thác vào mùa sau. Lá dừa khai thác vào tháng 3 có chất lượng tốt hơn vào tháng 8 do có thời gian sinh trưởng lâu hơn. Để thuận tiện trong việc đốn và vận chuyển được hiệu quả, người dân thường đốn từ ngoài vào giữa đám. Đồng thời với việc đốn lá cũng chặt bỏ bớt những bẹ dừa để rộng đường di chuyển. Trước đây, những bẹ dừa này được phơi khô làm chất đốt đun nấu. Sau khi đốn, những tàu lá dừa được kéo lên bờ hoặc chất lên ghe vận chuyển vào bờ để thực hiện công đoạn gia công. Tùy vào mục đích sử dụng làm tấm lợp hay làm phên vách mà tàu lá dừa được róc lấy cộng và lá riêng hoặc xé làm đôi (thành 2 kiến) bởi bằng những thao tác hết sức điêu luyện với kinh nghiệm được đúc kết qua thời gian làm nghề. Người dân thường chọn những tàu dừa có lá lớn để róc lấy lá và cộng riêng. Lá được xâu lại thành tấm. Cộng, lá và những kiến dừa sau khi xé được phơi khô rồi bó lại từng bó, bảo quản nơi khô ráo. Để lá dừa được khô đều và thuận lợi khi gia công, người dân thường xếp phơi các kiến cùng chiều và sát với nhau, phần cộng bên trên, lá nằm bên dưới, cứ 50 kiến thì lên ngồng làm dấu. Thời gian phơi tùy thuộc vào thời tiết, khoảng từ 10-20 ngày. Bó lá dừa để bảo quản cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận đảm bảo lá không bị gãy, cộng phải thẳng. Để có được những bó dừa thẳng thớm người dân xốc các tàu dừa cùng kiến theo một chiều, xỏ dây dừa ở đầu và ngọn dừa rồi rịt chặc lại. Lá dừa sau khi phơi khô có thể ngâm dưới nước nơi thông thoáng chừng 1 tuần, rồi vớt lên phơi lại nhằm tăng độ bền đẹp và chống sâu mọt. Cộng dừa sử dụng làm phên, vách, lót trong mái nhà, đóng la phông… Tấm lá chằm dung làm tấm lợp cửa, gia thu, làm dù che, làm áo tơi đi mưa,… Các kiến dừa được xóc thành tấm để lợp mái, làm phên,…

     Một ngôi nhà tre dừa truyền thống dù kiểu ba gian hay năm gian, có chái hay không có chái đều được cấu tạo gồm các thành phần: khung sườn chịu lực bằng tre (cột, kèo, rượng, đòn tay, đòn đông) và hệ thống bao che (mái, phên vách, cửa làm bằng lá dừa) dựng trên nền đất cao. Để tạo dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh, công đoạn gia công nguyên vật liệu là hết sức quan trọng, đòi hỏi người thợ phải am hiểu nằm lòng về kết cấu của một ngôi nhà tre dừa truyền thống, yêu cầu về quy mô ngôi nhà, độ cao của nền nhà so với mặt bằng chung,… để sử dụng tre làm cột, kèo, đòn tay, đòn đông, chọn dừa làm tấm lợp, phên vách, cửa cho phù hợp. Đây không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn là nguồn tri thức phong phú được người thợ, cộng đồng tích lũy hàng mấy trăm năm làm nghề. Tre ngâm đủ thời gian được vớt lên phơi khô trước khi gia công các cấu kiện, bộ phận của ngôi nhà. Những cây tre dài thẳng, to đều với nhau được lựa riêng làm đòn tay. Trong quan niệm dân gian, đòn đông được xem là xương sống của ngôi nhà nên rất thận trọng trong việc lựa chọn tre để làm. Đó là loại tre vừa tuổi, không quá già không quá non vì theo quan niệm “tre già chết sớm, tre non chết trẻ”, thân cây tre phải to thẳng, không vót tinh tre và phần mắt, không phải là tre cụt ngọn. Những đoạn tre gốc già, chắc, có đường kính vừa phải dùng làm kèo, rượng. Tre làm con sẻ để liên kết, chốt, làm cửa, nệp phên vách gia thu hay tấm lợp đều phải chọn loại tre già chắc mới bền lâu được. Riêng cột nhà không dung tre ngâm, thường chọn những đoạn già thẳng chắc. Xưa kia, người thợ dùng cưa tay, đục móng, khoan tay, dao mác,… tỉ mỉ thực hiện từng động tác với những tính toán hết sức cẩn thận đảm tính thẩm mỹ và chắc chắn của ngôi nhà, đồng thời tiết kiệm được nguyên liệu. Hiện nay, việc sử dụng các phương tiện cơ giới trong gia công phổ biến hơn, song những công cụ và kỹ thuật truyền thống vẫn giữ một vai trò quan trọng.

     Song song với việc gia công các cấu kiện, bộ phận của khung sườn chịu lực, việc gia công tấm lợp, vách, gia thu, cửa cũng được tiến hành. Tấm lợp (tấm tranh) có các loại như tranh hai, tranh ba, tranh tư,... Tùy thuộc và kích thước, diện tích ngôi nhà mà người thợ chọn dừa xóc tấm tranh cho phù hợp, thường là những kiến dừa có độ dài tương đương nhau. Với sự tỉ mẫn và khéo léo, người thợ sử dụng các dụng cụ thủ công để xóc dừa, liên kết các nệp, lụi bằng tre với các kiến dừa với nhau bằng sợi mây (sau này sử dụng dây cước) tạo thành tấm tranh chắc chắn, có chiều ngang chừng 1m. Trước tiên người thợ chọn một chỗ đất bằng đủ rộng, sau đó xếp các kiến dừa khô lại sát nhau với mặt cộng bên trên, dùng cây lụi xuyên qua phần lá bên dưới rồi buộc nệp. Tiếp đến là buộc nệp đầu và các nệp thứ 3, thứ 4,... Các nệp cách nhau 25-27cm sao cho phù hợp với khoảng cách của đòn tay để thuận lợi khi lợp mái. Tùy theo độ rộng và chiều dài của mái mà chuẩn bị tấm tranh nhiều hay ít. Thông thường mỗi mái có 2 - 3 ly (hàng) tranh.

     Phên vách bao quanh ngôi nhà được làm với nhiều kiểu như phên lá, phên lá xen cộng, phên âm dương, phên cộng một lớp và nhiều lớp lá… Tùy theo vị trí sử dụng mà ra cỡ xóc phên cho phù hợp và có thể làm theo nhiều kiểu dáng khác nhau như phên liền, phên trổ cửa đi hay cửa sổ, phên trổ ô gió,…
Các bộ phận của ngôi nhà như gia thu (khu đĩ), cửa chống cũng được người thợ thực hiện đồng thời với việc gia công phên vách. Gia thu, cửa có khung sườn được làm bằng tre nứt cước/mây hoặc liên kết cố định bằng chốt tre, lợp bên ngoài bằng tấm lá dừa chằm theo từng lớp từ dưới lên trên. Một bộ phận cũng được làm từ lá dừa là bức phong dùng để che đầu đòn tay.
nha dua cam thanh
Một ngôi nhà tre dừa hiện nay ở Cẩm Thanh. Ảnh: Quang Ngọc

     Việc ráp dựng ngôi nhà là công đoạn rất quan trọng trong quy trình thực hành nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh. Công đoạn này đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ. Để chuẩn bị cho việc ráp dựng ngôi nhà, các cấu kiện làm khung sườn chịu lực được người thợ vận chuyển đến nền đất cao dự kiến dựng nhà. Tiếp đến, người thợ ráp kèo và rượng với nhau bằng những con sẻ tre, sau đó buộc kèo rượng với đòn đông, đòn tay bằng sợi mây hoặc dây cước tạo thành khung sườn hệ mái. Theo quan niệm dân gian, tổng số đòn đông và đòn tay được người thợ sử dụng để làm mái nhà bao giờ cũng là “số sinh”, mỗi mái có 4 hoặc 6 cây đòn tay. Hơn nữa, do coi trọng hướng đông/bên trái nên đòn đông và đòn tay mái nhà sau luôn được người thợ đặt gốc ở bên trái. Chiều dài đòn đông cũng được lấy ở cung tốt theo thước Lỗ Ban. Hàng cột tre phía sau được đặt sẵn trong các lỗ cột sâu chừng 1m. Người thợ thi công ráp dựng nhà dùng thang tre và các cột tre để đỡ khung sườn hệ mái lên tương ứng đầu cột rồi dùng con sẻ liên kết đầu cột với kèo. Thực hiện tương tự như vậy với hàng cột phía trước. Người thợ dùng hệ thống cây chống để cố định khung sườn ngôi nhà, sau đó cân chỉnh về độ cao, khoảng cách phù hợp rồi chôn lấp chân cột trước, sau thật chắc chắn, và dựng thêm các cột cái. Nếu làm kiểu nhà có chái phải tiếp tục dựng thêm khung sườn của mái chái.

     Khi khung sườn được cố định chắc chắn, người thợ bắt đầu lợp mái nhà. Từng tấm lá dừa được kéo lên và buộc chặt vào đòn tay, đòn đông theo trình tự ly/hàng tấm tranh phía dưới trước, phía trên sau từ trái sang phải. Sau đó dùng từng kiến lá dừa khô sấp nóc rồi buộc đè lên trên một đoạn tre dài để cố định. Tiếp đến là ráp gia thu, bức phong, dựng phênh vách và ráp cửa sổ, cửa đi. Hầu hết cửa sổ và cửa đi của nhà tre dừa được làm theo kiểu cửa chống. Cây chống cửa đồng thời được sử dụng để gài cửa khi sập xuống.

     Sự hình thành và phát triển nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh không chỉ minh chứng bề dày lịch sử - văn hóa của vùng đất mà còn phản ánh những đặc trưng về sinh thái, tự nhiên nơi đây. Người Thanh Châu xưa, Cẩm Thanh ngày nay với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo đã biết khắc phục, vượt qua những khó khăn, tận dụng những ưu thế của tự nhiên để phục vụ cuộc sống mà những giá trị mang lại của nghề làm nhà tre dừa là bằng chứng sống động. Dù không có tổ nghề và hệ thống thờ cúng tín ngưỡng riêng biệt nhưng các gia đình, cơ sở làm nhà tranh tre dừa đã tham gia tích cực trong các lễ cúng cầu an, Tiền hiền của xóm làng để cầu cho mưa thuận giá hòa, thôn xóm yên vui, và đặc biệt nghề ngày càng phát triển thịnh đạt. Những đóng góp của nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Hội An nói riêng, của dân tộc nói chung là hệ thống kinh nghiệm, tri thức liên quan đến khai thác các nguồn lợi tự nhiên, văn hóa cư trú; làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc thông qua hệ thống thuật ngữ riêng của nghề. Qua quá trình thực hành nghề, cộng đồng không chỉ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công việc, để làm ra ngôi nhà thêm bền đẹp mà ngày càng sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường và thời đại, thu hút khách du lịch tham gia trải nghiệm với sự thích thu, say mê.

     Nhận thức được giá trị của hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, cũng như nhằm bảo tồn và phát triển nghề tre dừa truyền thống của địa phương trong bối cảnh mới, thành phố Hội An đã có nhiều chính sách để bảo vệ và phát huy hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở nghề truyền thống, đặc biệt là nghề tre dừa, đào tạo và truyền nghề.

     Việc kiểm kê, nhận diện và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, nghề tranh tre dừa nói riêng ở Cẩm Thanh đã được các cơ quan chuyên môn ở Hội An quan tâm thực hiện từ rất sớm.

     Nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An mà không phải nơi nào cũng có được. Đó không chỉ là sự sử dụng sáng tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc đời, mà hơn thế nữa, những tinh hoa của nghề đã đóng góp lớn trong kho tàng di sản văn hóa Hội An và sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đất nước. Với những chính sách phù hợp của các cấp chính quyền thành phố Hội An, sự cần cù, tỉ mẫn và đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của cộng đồng, tin tưởng rằng, những sản phẩm của nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh sẽ tiếp tục vang danh muôn phương.

Tác giả: Hồng Việt - Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây