Vài nét về truyền thống khoa bảng ở Hội An qua di sản tư liệu

Chủ nhật - 22/09/2024 23:43
Trong hành trạng học hành, khoa cử và quan trường, nhiều vị khoa bảng Hội An với tài năng và đức độ của mình đã có nhiều cống hiến và hy sinh to lớn cho quê hương, đất nước. Gắn liền với thân thế sự nghiệp của các vị khoa bảng ấy còn những di sản tư liệu có liên quan như: Mộc bản, sắc phong, văn bia, hoành phi, đối liễn,… còn lưu lại với thời gian. Đây là những tư liệu cổ mang nhiều giá trị, rất phong phú về loại hình nội dung và hình thức thể hiện.
van bia
Văn bia tại mộ Thượng thư Bộ binh Nguyễn Văn Điển. Ảnh: Hồng Việt
 
     Về mộc bản: Mộc bản triều Nguyễn là khối tài liệu gồm nhiều pho sách quý, mang tính biểu trưng của một vương triều. Mỗi tác phẩm từ khi biên soạn cho đến khi khắc in đều phải theo mệnh lệnh của vua[1]. Mộc bản phản ánh khá nhiều về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, trong đó có truyền thống khoa bảng cả nước và tỉnh Quảng Nam. Việc khắc in về chế độ khoa cử dưới triều Nguyễn rất chi tiết, cụ thể từ thể lệ, phép tắc đến danh sách các vị đỗ đạt. Đối với các kỳ thi hương, tài liệu mộc bản triều Nguyễn khắc ghi tên tuổi, quê quán,… những người thi đỗ ở các trường thi trong cả nước. Đối với các kỳ thi đại khoa (thi hội, thi đình), mộc bản khắc ghi tên tuổi và tiểu sử những người đỗ, đồng thời khắc ghi tên tuổi, quê quán những người có quan hệ thân thuộc cùng đỗ đại khoa[2]. Theo đó, trong tư liệu Mộc bản triều Nguyễn sẽ lưu lại nhiều dấu tích của các vị khoa bảng Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. 

     Về sắc phong: Ngoài mộc bản thì sắc phong cũng là một loại di sản tư liệu quan trọng, đó là các văn bản của hoàng đế triều Nguyễn ban chức tước, phẩm trật hoặc thiên chuyển, điều động công tác cho các quần thần. Ở Hội An nhiều nhà khoa bảng được các vua triều Nguyễn phong tặng, truy tặng các tước hiệu cao quý như: Phó bảng Trần Ngọc Dao, Nguyễn Tường Vân, Tiến sĩ Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Tường Hân, Nguyễn Tường Tranh, Nguyễn Tường Tiếp, Cử nhân Nguyễn Văn Điển.

     Về hoành phi, liễn đối: Ở Hội An, hầu hết các gia đình, dòng tộc đều coi trọng học hành, chữ nghĩa, theo đó truyền thống, tập quán sử dụng hoành phi, liễn đối chữ Hán để trang trí, thờ tự trên các công trình kiến trúc trong và ngoài phố cổ Hội An hình thành và lưu truyền từ bao đời. Đặc biệt đối với các gia đình những người học rộng, khoa bảng, đỗ đạt thì truyền thống này xem như nguyên tắc bắt buộc, một thú chơi rất tao nhã được các cư dân phố Hội trân quý giữ gìn. Bên cạnh các loại nhà thờ, nhà ở, hầu hết di tích tín ngưỡng như: Đình, chùa, miếu, mộ,… đặc biệt là các di tích liên quan đến nho học như: Văn chỉ, Văn thánh miếu,… đều có treo hoành phi, liễn đối. Các hoành phi, đối liễn thường được thể hiện bằng nhiều hình thức như chạm, khảm trên gỗ, khắc đá; đắp nổi, cẩn sành sứ, kẻ, vẽ trên tường,… với những nội dung phong phú liên quan đến truyền thống hiếu học khoa bảng, tôn sư trọng đạo;… mang ý nghĩa sâu xa, tính kinh điển bác học. Đặc biệt nhiều câu đối, hoành phi tại đây đều do các các nhân vật đỗ đạt, nổi danh hay chữ,… đặt ra và đề bút nên bản thân từng câu chữ đều mang nhiều giá trị khác như giá trị về nghệ thuật, triết học, văn học, giáo dục[3].

     Về hệ thống văn bia tại các di tích: Qua bước đầu tập hợp có thể thấy rằng hệ thống văn bia trên các di tích tín ngưỡng ở Hội An như đình, chùa, miếu, mộ,… đa phần do những người có học hàm, đỗ đạt, khoa bảng hoặc là những chức sắc của làng/xã lập. Các văn bia liên quan đến truyền thống khoa bảng ở Hội An ngoài giá trị về tư liệu lịch sử còn là những tác phẩm văn học có giá trị được tác giả có tên tuổi soạn như: Giải nguyên Đặng Huy Trứ, Cử nhân Trương Đồng Hiệp, Tiến sĩ Phan Văn Nghị, Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh… Đây là những người hay chữ và trong số họ có những người là tác giả văn học có tên tuổi, do vậy những văn bia do họ soạn luôn mang giá trị cao về văn học. Đọc những văn bia như trùng tu Lai Viễn Kiều ký của Đinh Tường, Đốc học dinh Quảng Nam; Trùng kiến Viên Giác tự của phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, bia Thanh Minh đình của Phó bảng Nguyễn Tử Tu, bia trùng tu chùa Bà Mụ của Cử nhân Trương Đồng Hiệp,... không khỏi khâm phục trước nghệ thuật sử dụng ngôn từ một cách hình tượng, bóng bẩy, các câu chữ lại nhịp nhàng đối nhau chặt chẽ tạo nên dòng cảm xúc khi đọc văn bản[4]. Ngoài ra, ở một số di tích nhà thờ tộc ở Hội An còn có các văn bia do con cháu trong dòng tộc tạo lập, trong đó có thể kế đến văn bia nhà thờ tộc Nguyễn Viết (do 2 vị cử nhân và tú tài soạn).

     Về các ghi chép cá nhân, sáng tác thơ văn,… của các nhà khoa bảng bằng nhiều chất liệu. Đây là nhiều tư liệu quý rất phong phú về thể loại,… được lưu giữ ở các gia đình, dòng tộc, nhất là những dòng tộc có truyền thống khoa bảng như tộc Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, tộc Nguyễn ở Thanh Hà, tộc Trương ở làng Minh Hương... Đây là những tư liệu cực kỳ quý giá giúp chúng ta có nhiều thông tin phong phú và bổ ích về hành trạng của các nhà khoa bảng cũng như những thông tin về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật đương thời. Và trong kho tàng Di sản ở Hội An hẳn không thể không nói đến một trữ lượng tư liệu khá phong phú của dòng họ Nguyễn Tường[5]. Theo thống kê cho biết có 195 đơn vị tư liệu, với tổng số 449 trang gồm có: gia phả, hành thuật; văn bằng (sắc, chiếu, bằng, trát - lệnh truyền, tấu, đơn, bẩm, khế ước, thư, biên nhận, chúc thư...); và các sáng tác (thơ, văn, đối - liễn...). Khung niên đại của nguồn tư liệu này từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.

     Có thể nói rằng, các di sản tư liệu liên quan đến truyền thống khoa bảng ở Hội An dưới thời triều Nguyễn là những tài sản quý giá minh chứng cho bề dày truyền thống trọng khoa cử, học hành của Hội An qua các giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó bộ phận tư liệu này càng khẳng định rõ ràng hơn những hành trạng và cống hiến trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, chính trị, đấu tranh chống ngoại xâm,… của các bậc danh nhân khoa bảng, không những vậy, nhiều vị còn nổi tiếng là những vị quan thanh liêm, cương trực, là tấm gương tiêu biểu về nhân cách đạo đức đại diện cho cốt cách, phẩm hạnh của con người Hội An. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bộ phận di sản này một cách phù hợp cũng góp phần tiếp tục khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ hơn về truyền thống hiếu học, yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người Hội An hôm nay và mai sau.
 
[1] https://mocban.vn/moc-ban-trieu-nguyen/gia-tri-truong-ton/
[2] Khánh Linh, Truyền thống khoa bảng Quảng Bình qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202112/truyen-thong-khoa-bang-quang-binh-qua-tai-lieu-moc-ban-trieu-nguyen-2195923/
[4] Nhóm nghiên cứu Hội An, Di sản Hán Nôm tập 1, Văn bia, năm 2014,Giấy phép xuất bản số:122/GP-STTTT do sở Thông tin truyền thông Quảng Nam cấp ngày 31/21.2024. tr.08
[5] Phần lớn được lưu giữ tại nhà thờ phái II, ở số 33 đường Lê Quý Đôn và số ít sắc phong, chiếu chỉ,… được lưu giữ tại nhà thờ phái I, ở số 08/02 đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây