Đến 1985, vào thời điểm tổ chức hội thảo quốc gia về đô thị cổ Hội An, vùng đất Hội An mới chỉ được các nhà nghiên cứu biết đến là một đô thị thương cảng sầm uất thời Trung đại được gìn giữ khá nguyên vẹn với quần thể di tích kiến trúc độc đáo, còn Hội An dưới lòng đất, hay cụ thể hơn là Hội An thời kỳ Tiền - Sơ sử, Lâm Ấp - Champa vẫn là dấu chấm hỏi.
Hố khai quật khảo cổ nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Hồng Việt
Tuy vậy, với những mẫn cảm khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng, để Hội An phát triển thịnh vượng vào thế kỷ 16 - 18 một phần bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử - văn hóa rực rỡ ở các thời kỳ trước đó. Nhận định này đã được minh chứng qua mùa điền dã khảo cổ học năm 1989 bởi các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). Ba di tích đầu tiên ở Hội An thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh là An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm được phát hiện, mở ra dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu, nhận thức về Hội An thời kỳ Tiền - Sơ sử. Cũng trong mùa điền dã này đã tìm thấy dấu tích kiến trúc tháp Chăm và một số tác phẩm điêu khắc Champa ở Hội An. Từ sau hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An năm 1990, nhiều dự án, chương trình nghiên cứu khảo cổ học về Hội An được triển khai như dự án “Khai quật khảo cổ học về di tích Văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở thị xã Hội An” từ năm 1993 - 1995 do Toyota Foundation tài trợ, chương trình nghiên cứu khảo cổ Khu phố cổ Hội An do các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản phối hợp thực hiện, dự án khai quật tàu đắm cổ ở vùng biển Cù Lao Chàm, chương trình điền dã và khai quật khảo cổ tại đảo Cù Lao Chàm từ năm 1997 - 2000,… Những chương trình, dự án nghiên cứu khảo cổ đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa Hội An thời kỳ Tiền - Sơ sử, Lâm Ấp - Champa và thời kỳ thương cảng quốc tế Hội An thế kỷ 16-19. Bộ sưu tập hiện vật đồ sộ từ các di tích/địa điểm khảo cổ là cơ sở để hình thành các bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An thu hút đông đảo đu khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Tính đến nay, trên mảnh đất Hội An đã có 25 di tích/địa điểm khảo cổ cùng hàng ngàn di vật được phát hiện thuộc các giai đoạn Tiền Sơ sử như di tích Bãi Ông ở Cù Lao Chàm, di tích mộ táng An Bang, Hậu Xá II, Xuân Lâm, Thanh Chiếm và di tích mộ táng - di chỉ Hậu Xá I của phức hệ Văn hóa Sa Huỳnh; di chỉ Đồng Nà, Ruộng Đồng Cao, Ruộng rau muống chùa Bà Mụ, Trảng Sỏi, Lăng Bà, Bãi Làng thuộc giai đoạn Lâm Ấp - Champa và nhiều di tích thuộc giai đoạn Đại Việt như di chỉ đình Cẩm Phô, đình ấp Tu Lễ, nhà 129 Phan Chu Trinh, nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà số 76/18, 80, 85 Trần Phú, dội quán Triều Châu, trường Nguyễn Duy Hiệu, trường Trần Quý Cáp, Chùa Cầu và nhà 52/2 Phan Chu Trinh và tàu đắm cổ Cù Lao Chàm.
Đồ trang sức bằng thủy tinh khai quật tại di tích Bãi Làng - Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Việt
Song song với công tác nghiên cứu, công tác bảo tồn và phát huy di tích, di vật khảo cổ ở Hội An cũng được đặc biệt chú trọng.
Trước hết, đó là kết quả nghiên cứu về các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An đều được các nhà khoa học thông tin, giới thiệu trên các tạp chí hay trong các cuộc hội thảo chuyên ngành như Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học hằng năm, đặc biệt là hội thảo khoa học về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An vào năm 1995. Thông qua đây, giá trị và tầm quan trọng của các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An từng bước được khẳng định và gợi mở ra những hướng nghiên cứu mới đầy thú vị.
Việc xây dựng hồ sơ quản lý, hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích các cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện tốt hơn để bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ cũng được tiến hành thường xuyên. Hiện nay, ở Hội An có 02 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm di chỉ Bãi Ông thuộc giai đoạn Tiền Sa Huỳnh có niên đại hơn 3000 năm cách ngày nay và di tích Bãi Làng niên đại thế kỷ 8-10; 05 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm di tích mộ táng An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II thuộc giai đoạn Văn hóa Sa Huỳnh cổ điển và di chỉ Trảng Sỏi, lăng Bà Cẩm Thanh thuộc giai đoạn Champa. Bên cạnh đó, nhiều di tích cũng được khoanh vùng bảo vệ và trích lục sơ đồ đất.
Trong những năm qua, các di tích khảo cổ ở Hội An đã được từng bước cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và dựng bia thông tin di tích như di tích Bãi Ông, Bãi Làng, Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang và Trảng Sỏi, Đồng Nà. Thông qua hình thức này, người dân có thể hiểu rõ hơn giá trị của di tích và những quy định của pháp luật về bảo vệ di tích, tạo điều kiện cho du khách và các nhà khoa học tham quan và nghiên cứu di tích một cách dễ dàng hơn.
Về công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di tích di vật, đó là việc thiết lập các bảo tàng chuyên đề và biên soạn các ấn phẩm, tập gấp quảng bá giá trị các di tích, di vật khảo cổ. Năm 1994, bảo tàng chuyên đề về Văn hóa Sa Huỳnh được thiết lập tại nhà số 149 Trần Phú, gần di tích Chùa Cầu với gần 1000 hiện vật được trưng bày giới thiệu. Đây là những hiện vật tiêu biểu khai quật được tại các di tích khảo cổ ở Hội An thuộc Văn hóa Sa Huỳnh và giai đoạn Chăm sớm. Thông qua hiện vật trưng bày, thông tin thuyết minh và sơ đồ phân bố di tích tại bảo tàng này, nhân dân và du khách có thể nhận biết rõ hơn đặc điểm di tích, di vật và văn hóa Hội An giai đoạn Tiền Sơ sử và Chăm sớm.
Năm 1995, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An cũng ra đời, tọa lạc tại số 80 Trần Phú. Bảo tàng này là nơi trưng bày của các hiện vật gốm sứ sưu tập được trong nhân dân và tại các đợt thám sát, khai quật khảo cổ các di tích ở Hội An thuộc giai đoạn Champa và Đại Việt, trong đó đáng chú ý là những hiện vật gốm Chu Đậu trục vớt được từ tàu đắm cổ Cù Lao Chàm và những hiện vật gốm sứ Hizen - Nhật Bản. Nhân dân và du khách có thể hiểu rõ hơn mặt hàng gốm sứ thương mại ở Hội An trong con đường mậu dịch quốc tế tại bảo tàng này. Nhiều hiện vật khảo cổ ở thuộc các thời kỳ Tiền - Sơ sử, Lâm Ấp - Champa, Đại Việt cũng được trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Hội An ở số 10B Trần Hưng Đạo. Tại đình Cẩm Phô cũng trưng bày những hình ảnh về di tích và di vật khai quật tại sân đình phục vụ tour tham quan Dấu xưa Nhật Bản ở Hội An. Ngoài trưng bày cố định tại bảo tàng, một số hiện vật văn hóa Sa Huỳnh Hội An cũng được đưa đi trưng bày theo chuyên đề tại một số bảo tàng lớn trên thế giới như ở Mỹ, Nhật Bản,…
Đèn Sa Huỳnh trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An - Ảnh: Hồng Việt
Bên cạnh việc thiết lập các bảo tàng chuyên đề, việc biên soạn, ấn hành các ấn phẩm giới thiệu các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An cũng được quan tâm. Hiện tại, nhiều đầu sách giới thiệu các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An đã được ấn hành, tiêu biểu như: Hội An khảo cổ - lịch sử (2003), Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An (2005), Cù Lao Chàm: Vị thế, tiềm năng và triển vọng (2006), Di tích danh thắng Hội An (2007), Di tích Danh thắng Cù Lao Chàm (2007),… Những di tích, di vật khảo cổ ở Hội An còn được giới thiệu trong nhiều phóng sự truyền hình, phim tư liệu của các kênh truyền hình VTV Đà Nẵng, VTV1 như: Việt Nam - Nhật Bản và những câu chuyện Phật giáo, Bóng thời gian,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy di tích, di vật khảo cổ ở Hội An cũng còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục quan tâm, đầu tư. Đó là, do có tuổi hàng ngàn năm, đặc biệt là có thời gian dài nằm trong lòng đất nên hiện nay nhiều hiện vật khảo cổ đang xuống cấp, bị hư hoại, nhất là các hiện vật sắt văn hóa Sa Huỳnh. Do vậy công tác bảo quản, trị liệu để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hiện vật là hết sức cấp thiết. Tăng cường sức hấp dẫn của các hiện vật khảo cổ trưng bày ở các bảo tàng thông qua việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trưng bày hiện đại. Ngoài ra, cũng cần hướng đến thiết lập bảo tàng tại chỗ nhằm tạo thêm điểm tham quan trải nghiệm mới cho nhân dân và du khách.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, với sự tâm huyết, nỗ lực của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn, sự quan tâm của các cấp, công tác bảo tồn và phát huy các di tích, di vật khảo cổ ở Hội An sẽ đạt thêm những kết quả mới.