Thông tin về Tứ Dương thần ở Hội An

Chủ nhật - 10/11/2024 21:27
     Tứ Dương thần là một trong những vị thần được thờ tự trong các làng xã ở Hội An. Ghi chép về vị Tứ Dương, theo thần tích, thần sắc làng Thanh Hà cho biết: “vị Tứ Dương là con của một người làng Ái Nghĩa, mẹ người họ Nguyễn làng này gả cho ông Thiệp người làng Đại Lợi, huyện Đại Lộc, khi bà thụ thai sinh ra ba trứng nên hai vợ chồng ông cho là quái dị, nên bỏ 3 trứng ấy vào một cái om thả theo dòng nước trôi ra Lao (Cù Lao Chàm). Khi trưởng thành, ba ông về quê quán thăm cha mẹ, khi về gặp ông Thiệp đang dọn ruộng, ba ông bò luẫn quẫn bên chân nơi bò cỏ, ông Thiệp cắt cỏ nhắm đứt cái đuôi một ông rắn nhỏ. Ông ứng đồng lên kể sự tích như trên cho cha mẹ và người làng biết và bảo làng phải làm miếu thờ ba ngài[1]. Ông lớn gọi là Tứ Dương phải xin sắc phụng sự ngài sẽ phù hộ cho, người thứ hai là ông Bích, thứ ba là ông Cụt.

     Cũng theo hồi cố của các vị cao niên làng Thanh Hà[2] cho biết, vị thần Tứ Dương được thờ tại miếu Tam Vị (cùng với 2 vị là ông Bích, ông Cụt) trên một khám vôi, ở giữa khám có một cái ngai, không có tạc tượng, cũng không có áo mão. Rất tiếc, dấu tích miếu Tam Vị tại làng Thanh Hà nay đã không còn. Tại làng Tân Hiệp, theo địa bạ làng Tân Hiệp[3] cho biết, tại xứ Bãi Hương có một sở thổ miếu 6 thước (thờ 2 vị ông Bích, ông Tứ). Sở thổ miếu ghi chép trong địa bạ này chính là ngôi miếu Đôi ở thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm[4].

     Hiện nay, tại Cù Lao Chàm, có 2 di tích thờ vị Tứ Dương. Tại miếu Tổ nghề yến, bài vị có ghi: “Phục Ba đại tướng quân Tứ Dương Hầu Quốc công”, “Phục Ba đại tướng quân Bích Sơn hầu quận công”; tại đình Tiền hiền, bài vị ghi: “Phục Ba Tứ Dương thành Quốc công Đại tướng quân”, “Phục Ba Bích Sơn hầu Quận công[5]. Về tên hiệu, tước vị “Phục Ba”, để chỉ những vị thần có khả năng, công tích chinh phục sóng gió, biển cả hoặc có tài đi biển được triều đình phong kiến ban phong danh hiệu.

     Trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thích Đại Sán thuật lại hành trình đến Đàng Trong năm Ất Hợi (1695), khi về, do gặp gió bão phải ghé lại Cù Lao Chàm, thiền sư đã đến miếu thờ Phục Ba: “Ngôi miếu cũng khá rộng lớn, thần rất thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng. Ta khiến Cai Xã mở khóa cửa, người theo hầu thắp hương; xem thần tượng, đọc phong hàm, mới biết miếu thờ Hán Phục Ba Tướng quân, người trong nước tôn xưng thụy hiệu làm Bản đầu Công vậy. Kéo màn xem thần tượng, thấy rất nho nhã phong lưu. Mộc Loan thất kinh nói rằng: “Người trong mộng tôi thấy đêm trước, giống hệt tượng này vậy”. Mới nhớ ra, “Giới Tứ Thư” là sách của Phục Ba làm. Ngài cởi dây da đưa cho, là lấy nghĩa “Bội vi”. Thần báo mộng rõ ràng, cho biết nhơn duyên còn nên hoãn lại, năm nay chắc chẳng được về vậy[6]. Tư liệu này cho biết ngồi miếu thờ vị “Hán Phục Ba Tướng quân”, thuỵ hiệu “Bản đầu Công”, vì vậy không đủ căn cứ để xác định đây là ngôi miếu nào ở Cù Lao Chàm.

     Theo bản kê khai sự tích về Tam vị Thủy Tướng của Lý trưởng Hoàng Văn Dương cho biết xã Ái Nghĩa, ở giữa có bàu Châu Lân[7], từ xưa đã có một ngôi linh từ, tương truyền là miếu thờ Tam vị Thủy tướng. Ở giữa bàu có gò đất khoảng một sào, bốn bề nước bao quanh, trước sau gò đống trùng điệp, nước rất sâu, có cá to, ba ba lớn. Lúc có chuyện, dân làng và cả quan huyện đều đến cầu đảo rất linh ứng, nên thường đem tiền kính tạ. Các vị bô lão cho biết tôn hiệu Tam vị vốn sinh ở núi Túy Ông, đất đai cây cỏ tốt tươi đẹp. Trong xã có ông Hoàng Lân, vợ Nguyễn Thị Đạo là bà đồng cốt, đều đã quá năm mươi tuổi nhưng chưa có con. Một ngày, bà Đạo ra bàu tắm, đêm về mơ thấy giữa bàu nổi sóng, hình rồng giao cuốn, bà kinh sợ tỉnh giấc, xúc cảm rồi mang thai, được mười một tháng thì sinh ra ba chàng trai. Người chồng cho đó là quái lạ, đặt ba chàng trai lên một bè tre rồi thả trôi sông. Đến địa phận xã Thanh Hà thì gió mưa nổi lên, họ biến thành ba con rắn bơi lên bờ. Dân làng cho là lạ, bày lễ đuổi đi, nên ba con rắn lúc thì ở Thanh Hà, lúc thì trở lại bàu. Hoàng Lân mỗi khi ra đồng, ba con rắn đi theo, có lần đắp phạt bờ ruộng sơ ý chặt trúng làm đứt đuôi tiểu xà. Sau khi ông bà mất được vài năm, thân rắn ngày một lớn, mỗi khi ra bàu thì gió mưa lại nổi lên, linh khí ứng vào thân đồng xưng là Tam vị Thủy Tướng, gồm Hoàng Tứ, Hoàng Dĩ và Hoàng Cốt, dân làng lập miếu thờ[8].

     Thần tích ở Ái Nghĩa, Đại Lộc có khác đôi chút về danh dưng Tam vị Thuỷ tướng và việc bà mẹ ứng mộng lạ, sinh hạ ba ông tại làng Ái Nghĩa, thả bè trôi sông, trôi dạt đến làng Thanh Hà, bị dân làng đẩy đuổi không cho lên bờ, nên lúc thì ở Thanh Hà, lúc về thăm cha mẹ. Các chi tiết khác hầu như tương đồng với thần tích làng Thanh Hà. Chuyện về ba ông (ông Tứ, ông Bích, ông Cụt) ở làng Thanh Hà có sự hóa thân thần kỳ người mang lốt rắn, người và vật được thiêng hóa, linh ứng để phù trợ nhân dân vượt qua những khó khăn, hiểm trở trong đời sống gắn bó với sông nước.

     Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, huyền tích Tam vị Thuỷ tướng theo thần tích, thần sắc làng Thanh Hà, có sự tích hợp, nhân hóa với Tứ Dương hầu - Ngài Bùi Tá Thế, con trai của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở miền Trung và miền Nam[9].

     Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán là một danh tướng đời Lê Trung hưng, từng làm Trấn thủ Thừa Tuyên Quảng Nam (Quảng Nam đến Phú Yên ngày nay), phên dậu của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Năm 1540, Bùi Tá Hán được vua Trang Tông phong làm Bắc quân Đô đốc, giao cho việc lấy lại Thừa Tuyên từ tàn quân nhà Mạc. Ông chỉ huy thủy binh, thủy tướng áp sát bờ biển vùng đất này, tập kết quân trên các hòn đảo và đồng loạt tấn công tiêu diệt gọn quân giặc. Sau khi thắng trận, ông được phong Trấn Quốc Công, cùng con trai là Bùi Tá Thế lập nhiều công trạng ổn định vùng đất, đưa dân vào khẩn hoang, lập nghiệp và thi hành chính sách mềm dẻo, hòa hiếu Kinh - Thượng, Việt - Chăm, giữ cho vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam luôn ổn định. Khi mất, ông được vua phong Thượng đẳng thần, con trai là Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế được phong Trung đẳng thần. Đền thờ Trấn Quốc Công đặt tại thành phố Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ 23 sắc phong của ông và con trai cùng một vị tướng người Thượng dưới quyền.

     Triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho thần Tứ Dương là Chiêu linh Cảm ứng Hoành mô Khuông hựu Quang ý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. 

     Theo nội dung bản sắc phong xã Ái Nghĩa ngày mồng 8 tháng 3 năm Duy Tân thứ 7 (1913), Tam vị Thuỷ tướng được trứ phong “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần. Đến ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924) “Dực bảo Trung hưng Linh phò Tam vị Thủy tướng Tôn thần” được gia tặng “Trừng trạm Tôn thần” (mỹ tự cho thủy thần hạ đẳng)”[10].

     Tại Hội An, có tổng số 10 sắc phong vị Tứ Dương, trong đó 9 sắc phong chỉ còn bản sao. Các làng có sắc phong là Tân Hiệp, Thanh Hà, Để Võng. Trong đó, làng Tân Hiệp có đến 5, làng Thanh Hà có 4, làng Để Võng có 1 sắc phong. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924)[11]. Theo nội dung bản sắc phong tại làng Thanh Hà[12] ngày mồng 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), Tứ Dương tôn thần nguyên tặng “Chiêu linh Cảm ứng Hoằng mô Khuông hựu trung đẳng thần” được gia tặng mỹ hiệu “Chiêu linh Cảm ứng Hoành mô Khuông hựu Quang ý trung đẳng thần”, chuẩn cho xã Thanh Hà, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Trong bài văn tế Ông Ngư (bản sưu tầm tại thôn Vạn Lăng), tên vị thần Tứ Dương được chép là: Tứ Dương thành Quốc công gia tặng Chiêu anh, Cảm ứng Trung đẳng thần.

     Từ truyền thuyết dân gian lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng chủ thể di sản và nội dung của các bản sắc phong tại làng Thanh Hà, cũng như các đình, miếu thờ có bài vị hoặc sắc phong của Tứ Dương Tôn thần, Tứ Dương hầu, Tứ Dương thành Quốc công; có thể thấy trải qua thời gian và nhiều lớp văn hóa, dân gian Hội An đã tích hợp huyền tích ba ông rắn với nhân thần Tứ Dương hầu.
 
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.230.
[2] Quảng Nam xã chí, bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[3] Địa bạ sao chụp lại vào năm Bảo Đại thứ 2, bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Xem Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), sách đã dẫn, tr.90.
[4] Theo Trần Thanh Hoàng Phúc, Chuyện kể về lư hương, miếu Đôi ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm, bài viết đăng trên website: hoianheritage.net.
[5] Lý lịch miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương và đình Tiền hiền ở Bãi Làng, Cù Lao Chàm, hồ sơ lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[6] Thích Đại Sán (bản dịch của Hải Tiên Nguyễn Duy Bột, 1963), Hải ngoại kỷ sự sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, Viện Đại Học Huế, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, tr.162-163. Theo Trần Thanh Hoàng Phúc, bài viết đã dẫn.
[7] Xứ Cổ Na - nay thuộc thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc.
[8] Bản khai ngày 12 tháng 9 năm Tự Đức 21 (1867) trong tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên. Theo Trần Đình Hằng, Tục thờ Tam vị Thủy tướng, bài viết đăng trên Báo Quảng Nam ngày 17/4/2022.
[9] Trần Đình Hằng, Tục thờ Tam vị Thủy tướng, bài viết đăng trên Báo Quảng Nam ngày 17/4/2022.
[10] Trần Đình Hằng, bài viết đã dẫn.
[11] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 6: Sắc phong, Nxb Đà Nẵng, tr.125.
[12] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), sách đã dẫn, tr.125.

Tác giả: Văn Thịnh & Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây