Một số thông tin về nghề khai thác dầu rái ở vùng núi xứ Quảng

Chủ nhật - 06/10/2024 21:49
Dấu rái là từ địa phương được dùng phổ biến từ miền Trung trở vào Nam để chỉ một loại dầu nước lấy từ thân cây dầu rái, một loài cây thân mộc mọc nhiều ở một số cảnh rừng miền núi từ Quảng Bình trở vào Nam. Cây dầu rái là loài thực vật thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae), có tên khoa học là Dipterocarpus Alatay. Loại dầu nổi tiếng này có lịch sử lâu đời gắn với đời sống kinh tế - văn hóa và kỹ thuật khai thác của các cộng đồng cư dân từng sinh sống trên mảnh đất Quảng Nam, miền Trung từ người Chăm cho đến người Việt.
     Sự xuất hiện tên gọi “dầu rái” trong một số tài liệu thư tịch giúp củng cố tư liệu dân gian về sự có mặt lâu đời của loại dầu này địa phương. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết vào cuối thế kỷ 18 mục sản vật đã ghi chép về dầu rái với tên chữ Nôm là: 油 獺. Ông cho biết: “Cây dầu rái có ở đầu nguồn xứ chợ Cam Lộ, huyện Đăng Xương, cây to đến vài ôm, lá giống lá cây trâm. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 người ta đục cây thành lỗ, đốt qua cho se lại rồi lấy bát hứng. Cứ 3 ngày đến lấy dầu 1 lần. Mỗi năm đục lỗ ở một phía, đợi khi da cây liền lại mới đục lỗ khác, ba năm thì dừng. Dầu có sắc trắng, dẻo, dùng để đốt đèn được.

     Phủ Quy Nhơn và phủ Phú Yên cũng có dầu rái, dầu đen và đặc, tốt hơn dầu ở xứ chợ Cam Lộ. Nếu cho thêm một ít bột chì có thể dùng để sơn đồ đạc. Trước họ Nguyễn có lệ lấy thuế thôn Phúc Yên, xã Hà Cử, cứ mỗi suất định hằng năm nạp 70 bát dầu, cho miễn sưu và miễn đi lính[1].

     Các cuốn sách địa chí của triều Nguyễn đều có đề cập đến cây dầu rái. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn bản Tự Đức, mục sản vật ghi: “Cây dầu rái: Du mộc, thân cây có dầu nên gọi thế. Người nghiệp hộ đẽo ba lỗ ở chỗ gần gốc, đốt lửa vào đấy cho dầu chảy ra, theo thời giờ lấy gáo hứng, dầu chảy không dứt, dùng để sơn trát thuyền, công dụng rất rộng. Vũ bị chí nói, mãnh hỏa du là dầu này. Các tỉnh đều có...”[2]

     Trong tác phẩm Đồng Khánh dự địa chí, phần huyện Duy Xuyên ghi “Tổng An Lễ (Duy Xuyên) có dầu rái, nguyên văn ghi là mãnh hỏa du - . Phần huyện Quế Sơn ghi: hai xã Trung Phước, Nghi Lộc Trung có mãnh hỏa du[3].

     Ở đây có một chi tiết cần lưu ý, dầu rái còn có tên là mãnh hỏa du (dầu cháy mạnh). Tên gọi này xuất hiện sớm ở sử sách Trung Quốc và cho biết loại dầu này có từ thời Champa và là 1 loại cống phẩm. Sách Tân Ngũ đại sử phần Chiêm Thành chép: “Năm Hiển Đức thứ 5 (958) quốc vương nước ấy là Nhân Đức Mạn gửi sứ giả là Phủ Ha Tán sang cống dầu mãnh hỏa (mãnh hỏa du) tám mươi tư bình, nước tường vi mười lăm bình, biểu văn được viết trên lá bối đa, dùng gỗ hương mộc làm hộp đựng. Dầu mãnh hỏa vẩy vào đồ vật, gặp nước thì càng cháy...”[4]. Các tư liệu này giúp chúng ta xác định rằng dầu rái đã có từ thời Champa, được cư dân Champa khai thác, sử dụng và trở thành một loại cống phẩm.

     Ở Quảng Nam tại các vùng miền núi của Trà Mi, Tiên Phước, Quế Sơn, Đại Lộc... có nhiều rừng cây dầu rái và từ lâu đã được khai thác lấy dầu. Hiện tại địa phương vẫn còn lưu lại các địa danh như Bến Dầu (trước đây thuộc tổng An Lễ, nay thuộc thôn Mỹ Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc), rừng Dầu Bà (rừng dầu rái trước lăng bà Thu Bồn ở Phường Rạnh, nay thuộc thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Việc khai thác dầu rái ở đây thực hiện ở từng gia đình theo kiểu cha truyền con nối. Một số gia đình liên kết lại với nhau thành các hộ chuyên về nghề lấy dầu rái. Mỗi hộ có một khu vực khai thác dầu rái của riêng mình. Khu vực này gọi là ngoanh dầu, tuy không có giấy tờ ghi chú ranh giới cụ thể nhưng được xác định không lẫn lộn bằng trí nhớ với khu vực của các hộ khác.

 
cay dau rai ơ quảng nam
Cây dầu rái có tuổi hàng trăm năm ở Đại Lộc - Nguồn ảnh: baoquangnam.vn
 
     Nghề khai thác dầu rái ở xứ Quảng (trước đây bao gồm vùng đất từ phía Nam đèo Hải Vân đến núi Đá Bia ở Phú Yên) có sự tiếp nối từ người Champa cho đến người Việt, từ mảnh hoả du cho đến dầu rái. Theo tư liệu truyền khẩu thì người dân tộc miền núi Quảng Nam như Cơ Tu, Xê Đăng, Cor, Gié Triêng không có nghề khai thác dầu rái mà nghề này chỉ có người Việt thực hành. Quy trình, phương thức khai thác dầu rái tuy không quá phức tạp nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ năng được truyền từ cha sang con, từ anh sang em. Thông thường cây dầu từ 4 năm tuổi trở lên thì có thể lấy dầu, cây càng lớn, càng cao tuổi thì lượng dầu càng nhiều. Quy trình khai thác tuần tự như sau: Dọn mặt bằng và mở miệng dầu, làm máng dầu, lấy dầu.

     Người dân địa phương chia dầu rái thành 2 loại chính là dầu tía và dầu trắng. Dầu tía lỏng trong, dầu trắng hơi đặc, màu đục. Còn có một loại dầu khi thùng dầu lắng lại, nổi lên trên một lớp dầu trong như dầu phụng gọi là dầu bóng. Đây là loại dầu bán được giá cao dùng để đánh bóng nón lá hoặc quét bảo vệ các dụng cụ mây tre. Ngoài ra, những phần dầu rơi vãi ra ngoài máng, khô cứng lại gọi là chai phà. Đây cũng là một sản phẩm/nguyên liệu được sử dụng pha chế xảm trét ghe thuyền, phòng chữa một số bệnh.

     Dầu rái được sử dụng vào nhiều mục đích, công việc khác nhau. Ngoài việc dùng để thắp sáng và trước đây có lẽ còn được dùng trong lĩnh vực quân sự, công dụng tạo nên thương hiệu của dầu rái là dùng để xảm trét ghe thuyền. Dầu rái do vậy gắn liền với truyền thống chế tạo ghe thuyền của dân tộc ta, từ những chiếc ghe nan đan toàn bằng tre đến những chiếc ghe mê có đáy bằng tre đan và những ghiếc ghe săn đóng toàn bằng gỗ. Việc phát hiện ra dầu rái và dùng dầu rái cùng một số nguyên liệu khác để xảm trét ghe thuyền là một phát kiến lớn gắn với kỹ thuật đóng ghe thuyền của người Champa rồi đến người Việt. Đối với ghe nan bằng tre, dầu rái được trộn với chai phà giã nhỏ trét lên vỏ ghe sau khi chà kín các kẻ hở của nan tre bằng phân trâu bò để chống thấm nước và cũng để bảo vệ vỏ ghe. Đối với ghe săn bằng gỗ thì dầu rái, chai phà được trộn với xơ tre dùng để xảm (bịt kín) kẻ hở giữa các ván be và quét dầu rái lên các phần gỗ để bảo quản chống hà nước, mọt nước vừa để tạo sự bóng đẹp cho chiếc ghe. Đối với ghe mê có đáy bằng tre đan, bên trên có các be gỗ thì người ta sử dụng cả 2 kỹ thuật trét và xảm.

     Dầu rái cũng được sử dụng để quét bảo quản những vật dụng đan bằng tre mây như thúng, mủng, bầu, tráp, quả… Dầu bóng lấy từ dầu rái được dùng để đánh bóng những chiếc nón lá xinh đẹp vừa tạo nên vẻ óng ả vừa để hạn chế tác động của mưa nắng.

     Dầu rái, chai phà còn là vị thuốc dân gian dùng để phòng ngừa một số chứng bệnh. Khi phải dầm chân lâu ngày xuống bùn đất ẩm ướt, người nông dân thường quét lên chân một lớp dầu rái để phòng lỡ loét. Những sản phụ sau khi sinh thường xông hơ bằng chai phà để chắc da, săn bụng. Trẻ em đến tuổi ăn thường được cha mẹ trộn trong cơm một ít chai phà giả nhỏ để chúng chắc bụng, phòng ngừa các chứng bệnh đường bụng…  Gần đây, một số nghiên cứu còn cho rằng dầu rái có thể là chất kết dính tạo nên sự liên kết chặt chẽ không thấy mạch hồ của các viên gạch ở các đền tháp Champa. Dù sao đây cũng là một ý kiến rất đáng lưu ý.

     Trước đây dầu rái là mặt hàng bán rất chạy ở phố Hội An cũng như ở nhiều bến chợ của xứ Quảng. Gần đây do sự có mặt của nguyên liệu xảm trét hiện đại bằng sơn, dầu công nghiệp và sự thay thế ngày càng nhiều ghe thuyền tre gỗ bằng các loại ghe thuyền, thúng chai nhựa tổng hợp, composite nên nhu cầu sử dụng dầu rái, chai phà giảm đi nhiều. Nghề khai thác dầu rái từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến các địa phương ở miền Nam vì vậy cũng ngày càng giảm sút, nhiều địa phương ở trong tình trạng thoi thóp. Nhiều hộ gia đình khai thác dầu rái phải bỏ nghề, chuyển nghề, chỉ còn một số ít duy trì nghề theo đơn đặt hàng. Đây cũng là tình trạng chung của nghề khai thác dầu rái ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Quảng Nam.

     Dầu rái cùng nghề khai thác dầu rái là một nghề đặc biệt của xứ Quảng cũng như của nhiều địa phương miền núi ở Đàng Trong. Nghề này có lịch sử lâu đời, gắn với đời sống văn hóa và truyền thống đóng ghe thuyền của người Việt. Đồng thời nghề khai thác dầu rái còn là biểu hiện sinh động của sự kết nối trên nguồn dưới biển tạo nên một thời kỳ hưng thịnh của xứ Quảng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện để có những nhận thức đầy đủ, khoa học và có biện pháp bảo tồn phù hợp, tránh làm mai một một nghề đặc thù, riêng có của địa phương.
 
[1] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch và hiệu đính, Nxb Giáo Dục, 2008, tr.227.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 1, Nxb Thuận Hoá, 1997, tr.359.
[3] Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn Đông bác cổ, Đồng Khánh dư địa chí, Ngô Đức thọ dịch, 2003, tr,1458, 1495.
[4] Châu Hải Đường, An Nam Truyện, Nxb Hội Nhà văn, 2018, tr.285.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây