Điểm đặc trưng, độc đáo của nghề làm nhà tre dừa Cẩm Thanh

Thứ hai - 30/09/2024 04:27
Rừng dừa nước ở Cẩm Thanh là một dạng tài nguyên đặc biệt quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa, sinh thái, danh lam thắng cảnh. Bằng sự sáng tạo, người dân nơi đây đã khai thác và sử dụng lá dừa nước và nguồn nguyên liệu tre sẵn có làm vật liệu để dựng nhà ở, làm các đồ gia dụng và sau này là các mặt hàng lưu niệm, mỹ nghệ có giá trị thương mại.
     Từ đó, hình thành nên nghề làm nhà tre dừa truyền thống đặc trưng của địa phương. Đây là một minh chứng về sự thích ứng với môi trường tự nhiên, biết tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, sáng tạo sản phẩm phục vụ lại chính nhu cầu đời sống của mình, tạo thu nhập để trang trải cuộc sống. Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, người dân đã tận dụng nguồn lợi thiên nhiên sẵn có để làm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, tham quan rừng dừa, nghề làm tre dừa với những sản phẩm du lịch rất hấp dẫn tạo điểm thu hút du khách khi đến Hội An.

     Theo tham vấn cộng đồng cho biết nghề tre dừa Cẩm Thanh có khoảng hơn 24 loại sản phẩm được làm để phục vụ lắp dựng nhà như: Tấm dừa, tre ốp la phông, ốp trụ; sáo tre; tấm tranh; lá chằm; rèm cộng; máng xối bằng tre; cửa sổ; cửa chống; phên;...

 
lam phen

     Làm nhà tre dừa chủ yếu sử dụng phương thức thủ công, ít sử dụng máy móc hiện đại để hỗ trợ, không sử dụng các loại hoá chất trong khâu xử lý, bảo quản nguyên vật liệu. Người thợ làm theo kinh nghiệm là chính, người trước truyền cho người đi sau, cứ thế duy trì, phát huy, tạo sản phẩm bền, chất lượng tốt. Việc liên kết các cấu kiện, các bộ phận với nhau sử dụng hoàn toàn bằng dây mây hoặc cước có độ bền cơ học, tính chắc chắn rất cao, chịu được sức gió lớn của vùng duyên hải miền Trung, nơi thường xảy ra bão, lụt hằng năm.

     Một ngôi nhà tre dừa truyền thống dù kiểu ba gian hay năm gian, có chái hay không có chái đều được cấu tạo gồm các thành phần: khung sườn chịu lực bằng tre (cột, kèo, rượng, đòn tay, đòn đông) và hệ thống bao che (mái, phên vách, cửa) dựng trên nền đất cao. Để tạo dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh, công đoạn gia công nguyên vật liệu là hết sức quan trọng, đòi hỏi người thợ phải am hiểu nằm lòng về kết cấu của một ngôi nhà tre dừa truyền thống, yêu cầu về quy mô ngôi nhà, độ cao của nền nhà so với mặt bằng chung,… để sử dụng tre làm cột, kèo, đòn tay, đòn đông, chọn dừa làm tấm lợp, phên vách, cửa cho phù hợp. Đây không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn là nguồn tri thức phong phú được người thợ, cộng đồng tích lũy hàng mấy trăm năm làm nghề.

     Trước đây cơ bản nhà được lắp dựng theo kiểu 3 gian, 2 hè, 1 nhà bếp, nhưng qua thời gian những người thợ tìm tòi và sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng phong phú phục vụ nhu cầu thị trường. Các dạng nhà Rông, Gươl, nhà sàn các dân tộc, nhà mái Thái hay bungalow, dù che bằng tre dừa,… những người thợ của làng nghề đều thực hiện được, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

     Để làm một ngôi nhà tre dừa, người dân địa phương phải kết hợp dừa nước với nhiều vật liệu khác nhau như tre, mây. Dừa nước dùng làm phên cửa, lợp mái. Tre được dùng để làm sườn nhà kèo, cột, đòn tay, đòn đông. Mây, cước dùng làm dây buộc sườn nhà hay nức, phên, vách, xóc tranh… Các loại vật liệu này được lựa chọn cẩn thận, tỉ mỉ nhằm đảm bảo cho các sản phẩm làm ra chất lượng và phù hợp với từng cấu kiện bộ phận của ngôi nhà. Dừa nước được sử dụng làm rất nhiều loại khác nhau như tàu dừa xé làm đôi, phơi, ngâm rất kỹ dùng để xóc tranh sắp nóc; dừa róc lá để chằm thành tấm lợp cửa, rèm, bức quả, bức phong,…cộng dừa chẻ đôi phơi khô để làm tấm phên, ốp trụ, la phông…. Để các vật liệu làm nhà có độ bền cao, việc ngâm dừa, tre dưới nước, bùn đất là kỹ thuật tối ưu. Việc làm này giúp dừa và tre có thể chống được mối mọt và các con côn trùng khác, đặc biệt đối với dừa đã được ngâm thì mùa mưa sẽ không ẩm ướt ra bên ngoài, giữ cho mái nhà và phên, vách luôn khô ráo.

 
cuoc cuoc

     Vùng đất miền Trung với khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng, gió bão thường xuyên, nên việc xây dựng nhà cửa nhất là nhà tre dừa phải được tính toán cẩn thận, từ khâu thiết kế đến việc chọn lựa nguyên liệu cho từng bộ phận phải phù hợp sau đó mới gia công, đảm bảo độ bền chắc, khả năng chịu lực tốt. Kỹ thuật xóc tranh, làm lá tấm, bức quả, cửa chống, cửa sổ, cửa phên cũng rất phong phú đa dạng. Từ chỗ chỉ là “lợp nợm” đơn giản, người thợ đã dần sáng tạo ra những tấm tranh bằng lá dừa để lợp nhà, độ bền cao, không thấm dột vào mùa mưa. Phên, vách được làm phong phú hơn, cũng từ cách “lợp nợm” người thợ đã xếp dừa thành những tấm phên lớn tương tự như xóc tranh để làm phên bên ngoài. Các vách ngăn trong nhà thường được làm bằng cộng dừa, có thể là một lớp hay hai lớp cộng, hoặc một lớp lá với lớp cộng và có thể xếp kiến dừa ngược chiều nhau. Kết cấu chịu lực của ngôi nhà dừa là các cột, kèo, đòn tay… Vật liệu chính của sườn nhà là tre. Các bộ phận cột, kèo, đòn tay, đòn đông liên kết bởi chốt tre (con sẻ) và được buộc bằng dây mây, cước. Sườn nhà là hệ thống chịu lực chính nên việc chọn lựa đòn đông, đòn tay, kèo phải là những loại tre đạt độ già, dày, chắc, thẳng, được ngâm đúng độ (hơn 1 năm) mới đáp ứng được nhu cầu xây dựng. Thường nhà tranh tre dừa không có mái hiên cố định thay vào đó là hệ thống cửa chống, được làm bằng tre lợp lá dừa. Bộ cửa chống này khi chống lên sẽ trở thành mái hiên và khi sập xuống thì thành cửa đóng sập rất tiện lợi. Hệ thống cửa sổ cũng được che bằng bộ cửa chống tương tự cửa hiên nhưng kích thước nhỏ. Vào mùa mưa cửa vẫn được chống lên ở độ xuôi nhất định để nước mưa có thể chảy dễ dàng.

     Trong những cơ sở nghề làm nhà tre dừa hiện nay đang phát triển mạnh thêm mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ tre. Bằng sự sáng tạo của mình, những người thợ đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các mặt hàng mỹ nghệ bằng tre như bàn, ghế tủ, gường, ly, tách… Ban đầu chỉ để sử dụng trong gia đình. Khi du lịch phát triển, một số cơ sở đã đầu tư trang thiết bị để xây dựng mô hình chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ như cơ sở anh Võ Tấn Tân, Huỳnh Phước Đức, Phan Mót. Kết quả mang lại rất khả quan, tạo thêm mặt hàng mỹ nghệ để phục vụ khách tham quan tại làng nghề. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được tạo ra rất phong phú, đa dạng. Theo số liệu khảo sát, hiện nay có khoảng 40 loại sản phẩm.

     Từ che chắn làm nhà ở tạm, đến nay kỹ thuật làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh đã có những bước tiến về hình thức, mẫu mã, tính thẩm mỹ cao. Nhiều kinh nghiệm được tích luỹ tạo thành nét đặc sắc riêng có của địa phương. Những ngôi nhà làm bằng chất liệu tre dừa hiện nay không chỉ mang giá trị sử dụng làm nhà ở thông thường mà nó còn mang giá trị mỹ thuật để trang trí tại các khu du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, villa, homestay, hàng quán giải khát… Thương hiệu nhà dừa Cẩm Thanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận. Sự sáng tạo của người thợ đã mang lại sức sống mới cho làng nghề làm nhà tre dừa hiện nay. Ngày càng nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Đây là tín hiệu vui cho làng nghề truyền thống này, tạo đà phát triển kinh tế địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ngày 21/02/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 380/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó ghi danh Nghề làm nhà tre dừa ở Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở loại hình Nghề thủ công truyền thống.

Tác giả: Lê Thị Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây