Hoành phi "
Lai Viễn Kiều" -
Ảnh: Phạm Phước Tịnh Hiện nay những di tích có nhiều liễn đối, hoành phi như: Quan Công miếu gồm 11 đơn vị liễn đối, 33 đơn vị hoành phi; Phúc Kiến hội quán gồm 11 đơn vị liễn đối, 21 đơn vị hoành phi;... Những di tích chỉ có một đơn vị liễn đối, hoànhphi như: miếu Bà Cổ, lăng Ông An Bàng,... Hoành phi có niên đại sớm nhất là bức “Cứu thế độ nhân” ở đình Sơn Phong có niên đại là “Vĩnh Thịnh thập nhất niên” (1715), hoành phi có niên đại muộn nhất là bức “Phổ đồng nhân” ở đình Sơn Phong có niên đại là “Bảo Đại thập cửu niên” (1944). Đa số các liễn đối, hoành phi có ghi niên đại của các triều đại phong kiến của Việt Nam như: Gia Long (1802 - 1819); Minh Mạng (1820 - 1840); Thiệu Trị (1841 - 1847); Tự Đức (1848 - 1883); Duy Tân (1907 - 1916); Khải Định (1916 - 1925); và các liễn đối, hoành phi có ghi niên đại của các triều đại phong kiến Trung Quốc như: Càn Long (1736 - 1795); Gia Khánh (1796 - 1820); Đạo Quang (1821 - 1850); Hàm Phong (1851 - 1862); Đồng Trị (1862 - 1875); Quang Tự (1875 - 1909). Ngoài ra, có rất nhiều liễn đối, hoành phi ghi niên đại là Long Phi hoặc ghi bằng Can Chi nên không thể xác định niên đại cụ thể được.
Về hình thức thể hiện, liễn đối, hoành phi trên các di tích được thể hiện bằng nhiều hình thức như chạm gỗ, khắc đá, đắp nổi, kẻ, vẽ... nhưng hình thức chủ yếu là kẻ và dùng màu vẽ trên trụ, tường.
Về thể loại thư pháp, nhìn chung các liễn đối, hoành phi ở Hội An thể hiện đầy đủ tứ thể thư pháp đó là: chân, thảo, lệ, triện. Thể chữ được dùng chủ yếu là thể chân (khải thư).
Về nội dung, nhìn chung nội dung câu chữ ở di tích là ca tụng các vị thần, thánh và những người có công lao đối với làng xã, cộng đồng người đồng thời gởi gắm những lời cầu mong, ước nguyện của các cá nhân, cộng đồng trên các di tích tín ngưỡng nói trên.
Ở các di tích của người Việt (đặc biệt là các di tích ngoài Khu phố cổ), các cặp liễn đối thường có số lượng ít, câu chữ ngắn gọn, ít mang điển tích mà thường có tính mô phạm, rập khuôn, lặp đi lặp lại ở các di tích, nhưng nội dung mang nhiều ý nghiã về triết học, triết lý nhân sinh. Ở các di tích của người Hoa có nhiều liễn đối, hoành phi, nhiều câu rất dài, nội dung mang nhiều điển tích về lịch sử, nhân vật lịch sử của Trung Hoa.
Các câu chữ trong di tích ở Hội An nói chung đều có ý nghĩa sâu xa, mang tính kinh điển bác học, hơn nữa nhiều câu do các nhân vật nổi danh đặt ra và đề bút nên bản thân từng câu chữ đều mang những giá trị, ý nghĩa nhất định.
Thứ nhất là giá trị về văn học: Câu đối là một trong những thể loại văn học, nên bản thân nó tất nhiên hàm chứa giá trị văn học. Câu đối được xếp vào lối văn biền ngẫu tức là sóng đôi, là đối nhau, sử dụng tu từ. Vì vậy, trong mỗi cặp đối đều đối nhau như: thanh đối thanh, vần đối vần, ý đối ý, từ đối từ... Thể đối ở các di tích rất phong phú đa dạng bao gồm: đối 4 chữ; đối 5 chữ; đối 7 chữ; đối 9 chữ; đối 13 chữ; đối 16 chữ; đối 25 chữ ...
Thứ hai là giá trị về nghệ thuật: Chữ Hán được thể hiện trong các câu liễn đối, hoành phi gồm đầy đủ tứ thể: chân, thảo, lệ, triện, trong đó thể chân (khải thư) chiếm đa số. Những tấm liễn đối, bức hoành phi mang nhiều nghệ thuật tiêu biểu về thư pháp như: bức “Lai Viễn Kiều”, “Cứu thế độ nhân” do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề, hay bức “Quan ư hải giả nan vi thủy” của Giải nguyên Đặng Huy Trứ đề bút và nhiều câu đối khác ở nhiều di tích.
Thứ ba là giá trị về giáo dục: Trong “kho tàng” liễn đối, hoành phi ở các di tích, có khá nhiều câu mang nội dung giáo dục với ý nhắn gởi của người xưa để lại cho các thế hệ mai sau là phải giữ trọn đạo làm người, phải cố gắng rèn luyện tài đức, đem tài ra giúp nước theo tôn chỉ “Ích quốc lợi dân”. Nếu người nào làm được những điều vinh hiển cho làng xã thì sau khi chết sẽ được cộng đồng ghi ơn mãi mãi, sẽ được thờ tự là phúc thần, thành hoàng... Hàng năm đều được hưởng tế tự.
Một giá trị độc đáo nữa của “kho tàng” câu đối, hoành phi ở Hội An đó là giá trị về lịch sử. Trong quá trình sao chép và xử lý tài liệu, nhận thấy các câu đối mang ý nghĩa lịch sử chiếm đa số. Nội dung những câu đối, câu chữ này đã nói lên nhiều vấn đề về lịch sử của cộng đồng, lịch sử di dân lập làng xã, sự hình thành các làng nghề, hay lịch sử của từng di tích và của các nhân vật lịch sử đang được thờ cúng.
Ngoài ra, những dòng đề tặng trên lạc khoản của các liễn đối, hoành phi còn chứa đựng nhiều nội dung quan trọng khác về lịch sử, liên quan đến các nhân vật lịch sử, các làng xã, các tộc họ... như bức hoành “Cứu thế độ nhân” ở Đình Sơn Phong có lạc khoản ghi là “Vĩnh thịnh thập nhất niên... Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân ngự bút”, nội dung lạc khoản cho chúng ta biết bức hoành này do Minh Vương Nguyễn Phúc Chu ngự đề, ban tặng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715); hay bức hoành “Hội An tiên từ” ở đình Tiền hiền Hội An có lạc khoản đề là “Bảo Đại thập nhất niên, bổn phường trùng tu”. Nội dung lạc khoản cho chúng ta biết vào thời Bảo Đại, Hội An xã được gọi là Hội An phường...
Giá trị khá độc đáo, mang tính đặc thù của các liễn đối, hoành phi ở Hội An đó là giá trị về mặt triết học, phong thủy. Một số câu chữ đã chuyển tải nhiều vấn đề về triết học, phong thủy, giúp cho chúng ta nghiên cứu, làm sáng tỏ ý định xây dựng các công trình của người xưa.
Hoành phi - câu đối trong trong các di tích ở Hội An rất phong phú đa dạng. Thông qua nội dung, phần nào chúng ta cũng có thể thấy được vai trò quan trọng của những bức hoành phi - câu đối trong di tích. Bởi vì bản thân nó không chỉ là vật trang trí góp phần làm tăng vẻ thẩm mỹ, trang nghiêm cho di tích mà hoành phi - câu đối còn chuyển tải nhiều ý nghĩa khác như giá trị văn học, lịch sử - văn hóa, triết học, giáo dục... Đây chính là một đề tài nghiên cứu khá lý thú cho những nhà chuyên môn nghiên cứu về di tích di sản, lịch sử - văn
hóa nói chung.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền