Di tích đình Ông Voi - Những giá trị độc đáo về kiến trúc đình làng và thờ tự

Thứ hai - 27/04/2020 21:05
Quá trình hình thành cộng đồng làng xã người Việt trên mảnh đất thành phố Hội An diễn ra từ rất sớm. Bia mộ tổ tộc Trần (陳) ở Cẩm Thanh cho biết làng Võng Nhi (網兒) xuất hiện năm 1498; tác phẩm Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An nhuận sắc khắc in năm 1553 đã nhắc đến tên 2 làng ở Hội An là Cẩm Phô và Hoài Phô,…
Vào cuối thế kỷ XVI đến XVIII, nhiều làng xã khác ở Hội An cũng lần lượt được hình thành, trong đó có làng/xã Hội An (會安). Trải qua quá trình lịch sử, hầu hết các làng xã đều xây dựng đình làng để làm nơi tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng. Những đình làng được cộng đồng gìn giữ, bảo tồn tốt đến ngày nay mà trong đó có thể nhận thấy đình Ông Voi (đình làng Hội An) là di tích mang những giá trị độc đáo riêng về kiến trúc đình làng và thờ tự.
 
Danh xưng làng/xã Hội An xuất hiện trong Bia Phổ Đà sơn linh trung Phật (普陀山靈中佛) ở động Hoa Nghiêm, chùa Tam Thai - Non Nước có niên đại năm Canh Thìn (tức năm1640 - thời vua Lê Thần Tông). Đây có thể là niên đại sớm nhất về tên gọi làng/xã Hội An. Từ năm 1937-1945, theo chỉ dụ của vua Bảo Đại, làng Hội An được đổi thành làng Điển Hội. Dưới thời Lê, đình làng Hội An (đình Ông Voi) đã được cộng đồng cư dân xây dựng để thờ các vị thần của làng mà sau này các vua triều Nguyễn sắc phong, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự. Đến nay, đình Ông Voi đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Có thể lần tu bổ đầu tiên vào năm Gia Long thứ 17 (năm Mậu Dần - 1818). Đến năm Thành Thái thứ 19 (năm Đinh Mùi - 1907) phải di dời, cải tạo do mở đường. Sau đó vào năm Bảo Đại thứ 17 (năm 1942) ngôi đình được tu bổ và làm thêm tiền đường. Từ năm 1942 đến nay, đình được tu bổ thêm vào năm 1953, 1996 và 2007. Qua các lần tu bổ, tôn tạo, quy mô kiến trúc đình như hiện nay được hoàn thiện vào năm 1942. Bia đá khắc ghi việc tu bổ, tôn tạo ngôi đình vào năm 1942 cùng phương danh những người hảo tâm cúng tiền hiện lưu giữ tại đình có đoạn:“Đình làng ta xây dựng vào khoảng niên đại Lê triều, được trùng tu năm Mậu Dần Gia Long thứ 17, đến mùa xuân năm Đinh Mùi Thành Thái thứ 19, vì nằm sát đường nên bèn di dời. Đến ngày tháng Bảy năm Bảo Đại thứ 17, phục dựng tu tạo lại, cùng xây dựng tiền đường 3 tháng là hoàn thành, để không quên được các đời đã qua, cũng như để hương hỏa ngàn năm, cầu phúc nơi thần linh, vì an yên mà các hương lí, cùng các quý chức có lòng thành phụng cúng công đức, xin được liệt kê phương danh như sau…”[1]. Xà cò tại đình khắc nội dung “Thành Thái Đinh Mùi niên Hội An xã quan viên cải tạo hất kim Quý Tỵ niên thất nguyệt cát nhật bản xã hội đồng hương chính trùng hưng (nghĩa là năm Thành Thái Đinh Mùi (tức 1907) đình được cải tạo, đến năm Quý Tỵ (tức 1953) được tu bổ thêm).

Giá trị độc đáo riêng về kiến trúc nghệ thuật của đình Ông Voi so với các đình làng khác ở Hội An không chỉ thể hiện ở góc độ quy mô và còn ở mặt kết cấu, vật liệu xây dựng và trang trí. Mặt bằng tổng thể ngôi đình gồm cổng, trụ biểu và tường rào, sân rộng phía trước có cặp tượng voi, tiền đường, sân giữa lát đá, nhà đông nhà tây, chính điện và hậu tẩm. Bố cục ngôi đình đăng đối, kết cấu hài hòa với kiến trúc cao dần từ tiền đường đến hậu tẩm, từ nhà đông, nhà tây vào bên trong. Hậu tẩm cao 2 tầng tạo thành điểm nhấn đặc trưng về kiến trúc riêng có của đình Ông Voi. Bậc thang lên tầng 2 bố trí vòng quanh gian thờ tự ở tầng 1 được chiếu sáng bởi những ô gió cách điệu hình bông hoa rất ấn tượng. Hệ khung chịu lực được làm kết hợp giữa vật liệu gỗ, đá, gạch và vôi vữa. Hệ thống cột ở mặt tiền chính điện, nhà đông nhà tây làm bằng đá nguyên khối được khắc chạm các cặp câu đối Hán Nôm. Hệ vì kèo kết hợp trính chồng trụ đội và kẻ suốt để đỡ đòn tay gỗ và mái ngói âm dương. Giá trị mỹ thuật của ngôi đình ấn tượng bởi các chi tiết trang trí trên gỗ, đặc biệt là trụ đội nhà đông nhà tây và bẫy hiên, bông trính mặt tiền chính điện. Các bông trính được chạm trổ tỉ mỉ, sắc nét đề tài hoa sen, rồng dây với hình khối chia thành 3 tầng. Trong tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1941-1943 có mô tả chi tiết về kiến trúc và thờ tự tại đình Ông Voi như sau:

Đình theo kiểu xưa…, trên lầu trong hết thờ bà Đại Càn, xuống dưới là Hậu tẩm (khám để sắc thần). Trên nóc lầu có tô hai con rồng chầu mặt trời. Đến đình để Hương án. Đến sân đình dùng làm rạp khi nào tế lót đá. Bên góc sân có bốn cái đôn đá. Bên tay mặt là nhà Tây và bên tay trái là nhà Đông. Trước sân là nhà Tiền Đàng dùng làm nhà Hội hương luôn thể. Nền đình tô ciment hết thảy. Sau nhà Đông là nhà bếp, cạnh bên có cái giếng. Trước mặt nhà Tiền Đàng có thờ một đôi voi đá bành bằng ciment. Trước nhà Đông có một cái miếu chia ra ba gian. Gian giữa thờ vị Thành Hoàng, gian trong thờ Ba Bà, gian ngoài thờ các vị ngũ Hành. Trước miếu xây có hai con kỳ lân đá. Trong cửa đình độ 3 thước tây có hai trụ cờ. Xung quanh đình có thành vôi bao bọc.

Tại đình làng có thờ một cặp độc bình rất xưa, bề cao độ 0m60. Một cái vẽ chữ thọ, một cái vẽ sơn thủy ; 4 bộ đồ ngũ sự bằng đồng (lư tròn), 1 bộ đồ tam sự bằng đồng (lư vuông), bề cao độ 0m50. Và một con voi bằng đồng cân nặng độ 1kg; 1 cái hương án chạm 1 mặt, bề cao độ 1m20, bề dài độ 1m40, và bề dày độ 0m60”.

Những mô tả trên cùng với thực tế thờ tự hiện nay cho thấy các vị thần được thờ tự ở đình Ông Voi rất đa dạng và có những đặc trưng riêng so với các đình làng khác ở Hội An. Qua đây cho thấy sự phong phú trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng/xã Hội An và mối quan hệ giao lưu văn hóa trong khu vực. Ngoài vị thần chính là Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương, tại đình Ông Voi còn thờ các vị thần gồm: Thổ địa Phước Đức chính thần, Chí Đức Thành Hoàng tôn thần, Hộ quốc Tí dân Lợi vật Thái giám Bạch mã thần, Ngũ Hành Thánh mẫu Tiên nương, Bạch Thố Kim tinh thần nữ, Mỹ Đức Thu Bồn nguyên Bô Bô trung đẳng thần, Trai Thục Phiếm Ái Phu nhân trung đẳng thần. Những vị thần trên được triều Nguyễn sắc phong, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự. Thống kê của Viện Viễn Đông bác cổ năm 1941-1943 cho biết có 21 đạo sắc được phong tặng, gia tặng vào các năm từ Minh Mạng thứ 7 (1826) đến Khải Định thứ 9 (1926).

Việc di dời Trường Mẫu giáo Măng non Minh An ra khỏi di tích và với mục tiêu, định hướng tu bổ trong thời gian đến theo chủ thương thống nhất của UBND thành phố, những giá trị nguyên gốc của ngôi đình sẽ được phục hồi nhằm tạo nên một điểm tham quan mới hấp dẫn đối với du khách khi đến Hội An.
 
* Chú thích:
 
[1] Nội dung bản dịch do Lê Thị Lưu thực hiện

* Phụ lục ảnh:
 


Sơ đồ bố trí thờ tự
 
Tuong voi

Hình tượng voi

Trang tri bay hien


Trang trí bẩy hiên

Bia da


 Bia đá khắc ghi việc tu bổ, tôn tạo ngôi đình và phương danh những người cúng dường 

Bai vi

Bài vị thờ tự

Con giong

Con giống trang trí 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây