Hình ảnh con chuột trong tục ngữ, thành ngữ ở Hội An

Thứ ba - 17/03/2020 23:43
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói chung, văn học dân gian Hội An nói riêng, con chuột là hình ảnh độc đáo, tượng trưng cho những điều không mấy tốt đẹp và đáng ghét trên đời. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt không tốt, con chuột còn có những ưu điểm như thông minh, nhanh trí, đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng, chính vì thế dân gian mượn hình ảnh con chuột là nhiều nhất trong những tác phẩm của mình, để phản ánh hiện thực đời sống xã hội.
Chuột là con vật đứng vị trí đầu tiên trong 12 con giáp, tương ứng với 12 địa chi, con chuột là linh vật tượng trưng cho người Tuổi Tý. Hình ảnh con chuột không chỉ được thể hiện trong những tác phẩm văn học, mà còn được thể hiện qua nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng dân gian, nhằm nói lên quan hệ xã hội, việc đối nhân xử thế ở đời...

Từ lâu hình ảnh con chuột đã đi vào những tác phẩm nghệ thuật dân gian, thông qua việc các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã vay mượn quan hệ tự nhiên giữa chuột và mèo để phản ánh quan hệ xã hội phong kiến xưa trong bức tranh “Đám cưới chuột” đầy ý nghĩa.

Trong kho tàng văn học dân gian Hội An sưu tầm được trong thời gian qua, hình ảnh con chuột xuất hiện tương đối nhiều qua những câu thành ngữ, tục ngữ, vè và ca dao. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến hình ảnh con chuột qua tục ngữ, thành ngữ sưu tầm được ở Hội An.

Trước tiên, do môi trường sống của chuột luôn gần gũi với cuộc sống của người dân nên dân gian rất am hiểu về loài chuột, kể cả đặc tính giống nòi của nó. Chuột đa dạng về chủng loại và thường sinh đẻ nhanh, chúng rất dễ thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khác nhau, vì thế chuột luôn tồn tại và liên tục phát triển theo cấp số nhân. Chuột có đến hàng chục loài, trong đó chuột chù đặc biệt hôi hám nên dân gian nêu lên đặc tính của loài chuột này qua câu “Hôi như chuột chù”. Hay câu “Mỏ nhọn như chuột vú”, câu này vừa nêu lên đặc điểm của giống chuột vú, nhưng cũng nhằm mượn giống chuột này để nói lên những người có miệng lưỡi, ăn nói không mấy tốt đẹp.

Khi nói đến một sự bế tắc, dân gian lại mượn con chuột để nói lên điều đó, được thể hiện qua câu thành ngữ “Chuột chạy cùng sào”. Nghĩa đen của câu này là chuột chạy đến đầu mút cây sào là hết đường, nhưng liên hệ với con người, đây là bước đường cùng, là bế tắc, không có lối thoát. Người xưa còn mượn hình ảnh con chuột để nói những trường hợp vốn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu, bỗng dưng gặp vận may, được đổi đời, sung sướng, ấm no và hạnh phúc, dân gian thường nói “Chuột sa hủ nếp”.

Với những kẻ tiểu nhân, sống cố tình che giấu những điều gian dối, đen tối, đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt hèn hạ của mình, được người đời ví với hình ảnh “Cháy nhà ra mặt chuột”. Rồi để chỉ hạng người khi bắt đầu làm công việc gì thì phô trương nhưng kết cục chẳng được tích sự gì, tục ngữ có câu “Đầu voi đuôi chuột”. Hoặc để chỉ hạng người hay nói những chuyện đâu đâu, không ăn nhập vào vấn đề, người đời thường bảo: Nói dơi nói chuột. Cũng vì ghét loài chuột nên khi nói những điều gì không tốt đẹp, dân gian lại ví von “Ướt như chuột lột”, Nhà ổ chuột”.

Như vậy, có bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ trong văn học dân gian Hội An nói về chuột thì có bấy nhiêu lời dèm pha, chế giễu, lên án loài chuột. Từ trong dân gian, hình ảnh con chuột đi vào văn hóa thành một hình ảnh tiêu cực, đồng thời còn được vay mượn để ám chỉ những thành phần gặm nhấm trong xã hội.

Tuy nhiên, dường như dân gian mâu thuẫn trong chính quan niệm của mình khi nghĩ về loài chuột. Bởi lẽ, khi nói đến những điều xấu xa, dân gian luôn mượn con chuột để nói lên điều đó, tuy nhiên loài chuột vẫn cứ hiện diện cùng với loài người như đã tồn tại từ bao đời nay và dù con người có tìm tất cả mọi phương cách để tiêu diệt chúng nhưng ở phương diện nào đó con chuột vẫn được vị nể. Do đó, trong dân gian ở Hội An, đặc biệt đối với những cư dân làm nông nghiệp thường gọi con chuột bằng những từ “Ông”, Ông Tý… và có khi phải tránh gọi tên trực tiếp của loài vật này. Như chúng ta đã biết, loài chuột là kẻ thù của nhà nông, bởi chuột thường quậy phá lúa, do đó trong dân gian thường sử dụng nhiều cách để triệt tiêu loài chuột nhưng không tài nào tiêu diệt được hết, vì thế theo quan niệm của một số gia đình làm nông nghiệp, không triệt tiêu loài chuột mà phải vị nể loài chuột, có khi phải thắp hương để vái lạy loài chuột đừng phá hoại lúa, hoa màu… 

Bên cạnh đó, đối với một số gia đình lại có quan niệm, đặt tượng chuột trong nhà nhằm cầu mong sự sung túc, thịnh vượng, tài lộc, tiền của dồi dào, làm ăn khá giả gặp nhiều may mắn, đồng thời nhằm cầu mong gia đình sung túc, con đàn cháu đống, gia đình vui vẻ hạnh phúc.

Qua thực tế trong dân gian, cũng như qua những câu tục ngữ và thành ngữ sưu tầm được ở Hội An, cho thấy cha ông ta đã rất tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ, cũng như hình tượng con chuột để phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống thường ngày. Điều này cũng cho chúng ta thấy rõ, kho tàng văn học dân gian là tài sản vô giá của cha ông để lại và hậu thế phải luôn biết trân trọng, giữ gìn, phát huy, biến nó thành động lực phát triển gắn với vốn văn hóa truyền thống của địa phương.

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây