Tri thức dân gian về đánh bắt hải sản ở Hội An

Thứ năm - 14/05/2020 22:33
Là một vùng đất nằm bên biển Đông rộng lớn, ngư trường rộng lại giàu tài nguyên hải sản nên từ lâu cư dân Hội An đã tiếp cận quen với nghề biển, hình thành nên những làng chài như Cẩm An, Cửa Đại, Cù Lao Chàm... Trong quá trình hình thành và phát triển lâu dài ấy, những thế hệ ngư dân địa phương đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu về thời tiết, về quy luật sinh trưởng, di chuyển các đoàn cá theo mùa vụ… để giúp họ duy trì và phát triển nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong những tri thức dân gian về nghề đi biển là tri thức đánh bắt hải sản.
Bai Huong

Một góc Bãi Hương 

Ngư dân Hội An trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản, cơ bản cùng chung truyền thống của ngư dân Việt, chủ yếu là khai thác thủy hải sản ở vùng cửa sông, biển gần bờ, phù hợp với các chỉ số cho phép về tầm hoạt động của ghe thuyền. Nghề đi biển ở Hội An gồm hai hình thức là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 5-6 giờ chiều, đến 4-5 giờ sáng ngày hôm sau thì về, ngư cụ thường là dùng lưới, câu. Sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là các loài cá, tôm, cua ốc, mực nhỏ. Những ngư dân giàu kinh nghiệm, có thể lực tốt thường xuôi tàu thuyền đến các ngư trường xa hơn, gọi là đi khơi. Đi khơi chủ yếu đi tập thể từ 7-15 người, thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng, sản phẩm đánh bắt được thường là các loại cá, tôm, mực lớn… Việc đi khơi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do vậy mà ngư dân tại đây ít đi khơi mà họ chủ yếu đi lộng.

Ngoài những phương tiện công cụ để phục vụ cho quá trình đánh bắt như tàu, thuyền, lưới, câu… một trong những yếu tố quan trọng là phải am hiểu sâu sắc toàn diện về đời sống của các loài thủy sản mới có thể có những cách đánh bắt đem lại hiệu quả nhất. Trong việc đánh bắt cá và nhận biết những loại cá biển thì việc nắm vững bãi cá, nắm được tình hình thủy triều, hướng gió và tốc độ gió, độ sâu thả lưới, hướng giăng lưới, tùy theo mức độ nước nông sâu của ngư trường, gió mạnh yếu mà thả dây kéo dài hay ngắn đảm bảo độ mở rộng của miệng lưới. Điều này có nghĩa là các phương tiện tàu thuyền đánh bắt hoạt động ở đâu, vào thời điểm nào, phương pháp đánh bắt ra sao để có sản lượng cao nhất. Vì thế đánh bắt hải sản không chỉ đơn giản là việc ra khơi là có thể thu được sản lượng lớn. Trong thời kì chưa có các thiết bị công nghệ hiện đại, ngư dân trong quá trình ra khơi đánh bắt phải quan sát và lưu ý rất nhiều điều.

Để thu hoạch sản lượng thủy hải sản lớn, bên cạnh các công cụ đánh bắt thì việc dựa vào những yếu tố xung quanh rất quan trọng. Ngư dân địa phương trước hết thường dựa vào hướng sao để có thể bắt đầu chuyến đánh bắt. Nếu sao Bắc Đẩu mọc hướng Đông, ngư dân thường dựa vào hướng sao Bắc Đẩu mà đi lộng hoặc đi khơi để đánh bắt, đó chính là hướng đi thuận lơi. Nếu có sao Hôm thì có thể lên đường đánh bắt an toàn.

Kinh nghiệm thứ hai đó là dựa vào mùa trăng mà đánh bắt các loại hải sản. Đối với mực, ngư dân nắm được đặc điểm của loài mực thường có tại khu nước trong, phản ứng mạnh với cường độ ánh sáng, do vậy ngư dân đã lợi dụng ánh sáng của mặt trăng để câu mực, đặt lờ mực… Khi trăng lên, mực sẽ nhiều, sản lượng đánh bắt cao. Đồng thời nắm được đặc tính của loài mực là thích màu sắc rực rỡ nên ngư dân dựa vào đó chế tạo những sản phẩm bắt mắt để làm mồi câu mực. Đối với loài mực, trong quá trình đánh bắt thường thực hiện phương pháp câu mực. Đối với cá chuồn được đánh bắt từ tháng Giêng đến hết tháng 6 âm lịch, việc giăng lưới bắt cá chuồn thường diễn ra ban ngày, tuy nhiên những đêm trời có trăng sáng cũng là cơ hội tốt cho việc đánh bắt cá chuồn.

Muốn thu hoạch nhiều cá cũng cần có những chú ý về dòng nước, đặc tính của từng loài mà đánh bắt. Cũng như loài mực, loài cá rất thích ánh sáng nên khi đánh bắt vào ban ngày, ngư dân dựa vào những kinh nghiệm đi biển là họ sẽ ghi nhớ khu vực nào là có cá nhiều. Còn vào ban đêm, ngư dân sẽ chong đèn để thu hút cá tại nơi thả lưới. Vì vậy nên các ngày rằm thường khó đánh bắt vì trăng sáng soi nên cá không thể tập trung khu vực giăng lưới.

Đánh bắt còn dựa trên kích thước của các loài để làm dụng cụ phù hợp mới có thể thu được hiệu quả. Đối với cá chuồn, cá thu thì các khoảng lưới khi làm phải nhỏ mới có thể giữ cá lại khi chui vào lưới. Ngư dân thường sử dụng lưới vây là loại lưới có lỗ nhỏ, phù hợp đámh bắt cá nhỏ như cá cơm, cá ngừ, cá chuồn. Còn cá ngừ đại dương, lưới để đánh bắt phải to, chặt bền vi kích thước của loài cá này rất lớn. Vì thế ngư dân sử dụng lưới cảng có kích thước lớn hơn, khoảng cách giữa các lỗ trong một tấm lưới là 10cm dùng để đánh bắt các loại cá lớn như cá ngừ đại dương. Với việc đánh bắt cá cơm thì phải dùng lưới dày, mỗi mành dài ngắn khác nhau nhưng tối thiểu cũng 300m. Đối với việc đánh bắt ghẹ, người dân dùng lưới bủa cua, ghẹ.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, vào tháng 5, 6, 7, đầu mùa nước trong thì đánh dàn vào, khoảng 5 sải đi vào, còn từ tháng 6, 7 thì đánh trở ra. Tháng 9, 10 đánh từ 10 đến 15, 17 sải nước. Khi nhìn vào mặt nước thấy bóng các luồng cá xuất hiện là biết được khu vực đó có cá. Hoặc những loại cá nổi, nhìn trên mặt nước thấy chớp chớp thì giăng lưới tại đó.

Ngoài ra tùy từng loại cá mà dùng lưỡi câu. Đối với cá ngừ đại dương dùng lưỡi câu loại lớn, chắc chắn, cá nhỏ thì sử dụng lưỡi có kích thước nhỏ và mồi được làm từ những con cá nhỏ để nhử.

Chính quá trình làm việc thường xuyên đã tạo nên nguồn tri thức dân gian phong phú về đánh bắt hải sản, qua đó đã giúp ngư dân biết cách khai thác sản lượng hải sản đạt năng suất cao. Kĩ năng, tri thức dân gian về đánh bắt, khai thác hải sản là một thành tố quan trọng góp phần làm nên nguồn tri thức dân gian của nghề đi biển.
 

Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây