Tục tảo mộ trong tiết Thanh Minh ở Hội An

Thứ hai - 23/03/2020 04:57
Thanh Minh là tiết thứ năm trong hai mươi bốn tiết khí hàng năm của người phương Đông xưa. Cứ mười lăm ngày, khí trời lại chuyển một tiết mới, tuần tự trong năm là: Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân, Thanh Minh, Cốc Vũ, Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng, Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ, Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đông Chí, Tiểu Hàn, Đại Hàn. Theo nghĩa Hán - Việt, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa.
Tiết Thanh Minh trong sáng đã được đại thi hào Nguyễn Du chọn làm bối cảnh cho cuộc gặp gỡ định mệnh của đôi trai tài gái sắc Kim Trọng, Thúy Kiều. Qua thủ pháp chấm phá và ước lệ tượng trưng tài tình của ông, chúng ta xác định được thời điểm của tiết Thanh Minh, được hòa mình trong bầu không khí trong lành, thanh khiết, ngỡ như đất trời và lòng người đang hòa làm một trong rạo rực nhựa sống tràn trề:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là Tảo mộ hội là Đạp thanh
 
Thiều quang nghĩa là ánh sáng đẹp, tức là ánh sáng ngày xuân. Đại ý hai câu thơ đầu nói rằng chín chục ánh sáng ngày xuân, mà nay đã ngoài sáu mươi, vậy là đã qua tháng Giêng, tháng Hai và bước sang tháng Ba.
 
Từ sau tiết Lập Xuân khoảng 60 ngày, những cơn mưa bụi đã tan đi hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa, là lúc chuyển sang tiết Thanh Minh. Đấy là thời điểm cuối mùa xuân, mùa cây cối xanh tốt, cỏ dại vươn lên mạnh mẽ khắp mọi nơi, trùm lên cả những ngôi mộ của người đã khuất. Người xưa chọn một ngày trong tiết khí này để đi tảo mộ, dọn cỏ hoang, thăm viếng chỗ yên nghỉ của người thân, sau nữa là tham gia hội Đạp thanh, vui chơi trên cỏ non mềm mùa xuân. Tục lệ ấy vốn đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt từ lâu. Ở Hội An, nơi có cộng đồng người gốc Hoa, người làng Minh Hương sinh sống, một tục lệ tốt đẹp như vậy của hai nền văn hóa, hai dân tộc càng được bảo lưu, gìn giữ bền chắc hơn. Nhiều dòng họ nơi đây ghi rõ trong tộc ước việc cúng tế, tổ chức lễ tiết Thanh Minh; họ cũng không tổ chức chạp mả trong tháng Chạp mà đợi qua Tết, từ tháng Hai cho đến hết tiết Thanh Minh. Sau khi cùng nhau chỉnh trang mồ mả ông bà, tổ tiên, con cháu ngồi lại với nhau hàn huyên tâm sự, tưởng nhớ công đức của các đời tiền nhân gây dựng, giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dòng tộc như hiếu thảo, yêu nước, hiếu học… để cháu con đồng lòng gìn giữ, phát huy.
 
Tại Hội An, Thanh Minh là một dịp lễ quan trọng trong năm. Người dân tổ chức cúng bái, thắp hương tại nhà, rồi cùng nhau mang cuốc xẻng ra khu vực mồ mả của gia đình trảy sạch cỏ hoang, không để rễ cây dại bám sâu vào huyệt đạo. Cỏ sạch đến đâu, những hang chuột cũng lộ ra hết, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để chúng khỏi đào khoét làm nhơ uế, sụt lún. Sau đó, các ngôi mộ được đắp thêm đất cho “cao nấm ấm mồ”, đẹp lòng người nằm dưới mộ. Không chỉ vun vén cho những ngôi mộ của tộc họ, gia đình nhà mình, người dân nơi đây còn chú ý dãy cỏ cả những phần mộ hiu quạnh không người hương khói ngay gần đấy để an ủi những âm linh cô hồn. Trước khi ra về, người dân thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên, cũng không quên thắp những nén hương tại các ngôi mộ vắng chủ xung quanh.

Bởi giàu lòng nhân ái như vậy, người Hội An từ nhiều thế kỷ trước còn lập các Nghĩa Trủng, Vạn Thiện Đồng Quy làm nơi chôn cất, quy tập hài cốt của những người không rõ thân nhân, không ai thừa tự; lại xây cả miếu Âm Linh/Cô Hồn, lăng Nghĩa Trủng, Nghĩa Từ, Thanh Minh Từ, Thanh Minh đình để thờ cúng những cô hồn vất vưởng ấy. Vào Tiết Thanh Minh, tùy từng địa bàn dân cư có miếu thờ, những cô hồn này được chung một ngày cúng giỗ, có nơi còn tổ chức hát tuồng để mua vui, an ủi âm linh và cầu mong mọi điều an lành cho cộng đồng dân cư.

Ngày xưa, đa số mồ mả của người dân chỉ được đắp đất, dựng bia nên hằng năm, con cháu phải tổ chức dãy cỏ và dặm đắp thêm để giữ cho nấm mộ luôn được tôn cao trước sự bào mòn của mưa gió. Mộ nào có bia thì kẻ lại chữ cho rõ ràng. Ngày nay, mộ mới và mộ cải táng đều được xây bằng các loại vật liệu kiên cố, được trang hoàng đẹp đẽ. Đơn sơ thì trát xi măng, ốp gạch men, sang trọng phú quý thì sử dụng đá phiến cẩm thạch. Nhiều ngôi mộ được chạm khắc, cất mái che với đa đạng kiểu thức kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ mỹ tục xưa, đến tiết Thanh Minh lại cùng nhau tảo mộ: quét vôi, kẻ bia, dọn dẹp, thắp hương để chốn yên nghỉ của người thân trong gia đình, dòng họ được tinh tươm, ấm cúng.

Trong một năm, có lẽ tiết khí Thanh Minh là đẹp nhất với sự hòa điệu của lòng người và thiên nhiên đất trời. Với văn hóa tôn trọng và sống hòa vào tự nhiên của người phương Đông xưa, cư dân Hội An cũng tổ chức nhiều lễ hội vui chơi đầu xuân, để không bỏ lỡ khoảng thời gian thanh nhàn và tiếp nhận từ thiên nhiên nguồn sinh khí dồi dào căng tràn mạch sống. Cũng trong tiết khí giao hòa linh thiêng ấy, việc các gia đình dành ra một ngày để cùng nhau đi tảo mộ tạo nên mối dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, thể hiện rõ tín ngưỡng của người xưa về sự tồn tại của một thế giới bên kia, cùng bao buồn, vui như chốn dương trần. Viếng thăm, săn sóc mồ mả ông bà tổ tiên để hương hồn người thân được ấm áp, hòa lẫn trong nhịp điệu của đất trời, cảm nhận hậu thế vẫn không quên họ trong chuỗi những hội hè, đình đám. Đây cũng chính là dịp quan trọng để người lớn trong nhà nhắc nhở cháu con về đạo hiếu, là một nét đẹp tâm linh giàu giá trị nhân văn sâu sắc được nhiều gia đình ở Hội An trân trọng giữ gìn.
 

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây