Giếng Tứ Tộc và Nhà thờ Tứ Tộc ở xã Cẩm Kim

Chủ nhật - 23/02/2020 21:17
Cẩm Kim là một trong những địa phương có lịch sử hình thành khá sớm ở Hội An [1]. Tên gọi xã Cẩm Kim ra đời vào năm 1956. Trước đó, Cẩm Kim được gọi là làng/xã/châu Kim Bồng. Vào thời Nguyễn, Kim Bồng thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Kim Bồng được chia thành nhiều ấp, trong đó ấp Phước Thắng (nay thuộc thôn Phước Trung) là vùng đất được các bậc tiền nhân xây dựng nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay, trong đó có giếng Tứ tộc và nhà thờ Tứ tộc.
Gieng tu toc 1

Giếng Tứ tộc tọa lạc tại tổ 20B thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt

Giếng là loại hình di tích mang tính chất lịch sử, là hình thức khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Hội An xưa. Trong số hơn 60 giếng cổ [2] hiện còn ở Hội An, có 3 kiểu dáng cơ bản gồm kiểu hình tròn, hình vuông và trên tròn dưới vuông (ngoài ra còn có một số kiểu dáng khác nhưng ít phổ biến hơn). Dù hình dáng có khác nhau, song điểm chung đáng lưu ý của các giếng cổ này là đều có khung gỗ hình vuông ở phía dưới thành gạch giúp giữ thành giếng ổn định lâu dài, đảm bảo tuổi thọ của giếng.  

Qua thống kê sơ bộ, hiện nay ở Cẩm Kim còn khoảng 08 giếng cổ [3]. Các giếng cổ này đều là giếng tròn, chủ yếu xây bằng gạch, đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu văn bản nào đề cập đến việc xây dựng giếng để có thể xác định niên đại cụ thể. Nhiều giếng hiện bị vùi lấp một phần, không còn được sử dụng (05 giếng). Ngoài ra, ở Cẩm Kim còn khá nhiều giếng cộng đồng [4] được xây dựng vào những năm 1955 đến 1975, thực hiện theo chính sách cải cách điền địa của chế độ cũ. Các giếng này đều là giếng bi, hình tròn. Hiện nay, nhiều giếng vẫn còn được sử dụng để phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp. Trải qua quá trình sử dụng lâu dài, không ít giếng đã xuống cấp và được tu bổ lại nhằm đảm bảo nhu cầu nguồn nước sử dụng cho cư dân.

Theo nguồn tư liệu gia phả và theo truyền khẩu của các vị cao tuổi sinh sống ở Cẩm Kim, làng Kim Bồng được khai lập bởi bốn tộc họ tiền hiền là Huỳnh, Nguyễn, Phan và Trương; về sau có thêm các tộc Đỗ, Bùi, Lê, … đến tụ cư, cùng chung lưng đấu cật xây dựng xóm làng. Để tưởng nhớ bốn tộc họ tiền hiền khai khẩn vùng đất này, người dân xây dựng một công trình kiến trúc để thờ tiền hiền, gọi là Nhà thờ Tứ tộc hay Nhà thờ Tứ phái. Ngoài ra, để có nước phục vụ sinh hoạt tại nhà thờ vào các dịp cúng tế, các bậc tiền bối của 4 tộc cùng chung tay xây dựng giếng gạch, dân gian gọi là giếng Tứ tộc. Nước giếng luôn trong, ngọt và dồi dào nên ngoài việc dùng vào các dịp cúng tế tại nhà thờ, nó còn được cư dân ở khu vực xung quanh gánh về sinh hoạt. Cho đến nay, vẫn chưa có đủ cơ sở để xác định niên đại xây dựng nhà thờ Tứ tộc cũng như giếng Tứ tộc.

Theo lời ông Trương Nhẽ [5] và một số vị cao niên tộc Phan Xuân [6], nhà thờ Tứ tộc trước đây tọa lạc tại khu đất tiếp giáp nhà thờ tộc Phan Xuân hiện nay. Về kiến trúc, nhà thờ có mặt tiền xoay hướng Đông Nam, kiểu thức 3 gian 2 chái, quy mô bề thế, nằm song song với đường giao thông (đường bê tông phía trước nhà thờ tộc Phan Xuân). Tường xây gạch thẻ dày khoảng 40cm, mái ngói âm dương, hệ khung gỗ chịu lực với cột gỗ tròn rất to, các cấu kiện gỗ được chạm trổ rất đẹp. Trong khuôn viên nhà thờ Tứ tộc còn có ba ngôi mộ thủy tổ tộc Huỳnh bằng vữa vôi rất quy mô nhưng nay đã được di dời đến nơi khác.

Nhà thờ Tứ tộc bị hư hoại hoàn toàn sau năm 1975, tuy nhiên giếng nước vẫn được gìn giữ tốt đến ngày nay để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thời gian đó, do tộc Trương (của ông Trương Nhẽ) không có đất xây dựng nhà thờ, Hội đồng Tứ tộc thống nhất cho tộc Trương mượn tạm khuôn viên này để xây dựng nhà thờ Trương đại tộc [7]. Nhà thờ này được xây dựng trên nền nhà thờ Tứ tộc cũ, mặt tiền chếch đi một chút so với đường giao thông.  

Trong nhà thờ Tứ tộc trước đây có treo 4 tấm liễn (?), sau khi nhà thờ bị tháo dỡ, ông Trương Nhẽ đem một tấm [8] về cất giữ tại nhà thờ tộc Trương, các tấm còn lại đã mất hết. Ngoài ra, phía trên cửa ra vào gian chính giữa bên trong nhà thờ tộc Phan Xuân hiện có treo một bức hoành phi [9] mà trước đây tộc từng phụng cúng cho nhà thờ Tứ tộc.

Buc hoanh nha tho toc Phan Xuan
 

Bức hoành phi nhà thờ tộc Phan Xuân phụng cúng cho nhà thờ Tứ Tộc, sau này do nhà thờ không còn nên bức hoành được lưu giữ tại nhà thờ tộc Phan Xuân - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Có thể thấy rằng, lịch sử hình thành giếng Tứ tộc gắn liền với nhà thờ Tứ tộc. Nhà thờ hiện không còn nữa nhưng giếng nước vẫn còn đó, là minh chứng sinh động cho việc đã từng tồn tại một công trình tín ngưỡng quy mô được xây dựng để tưởng nhớ bốn tộc họ Tiền hiền có công khai lập vùng đất Kim Bồng - Cẩm Kim.

Giếng Tứ tộc tọa lạc tại tổ 20B thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim. Phía đông bắc giếng giáp đường bêtông liên xóm, phía đông nam giáp nhà dân, phía tây bắc giáp đường bê tông vào nhà dân, phía tây nam giáp đất trống. Giếng nằm ở vị trí cách nhà thờ Tứ tộc (cũ) khoảng 40m về hướng Tây Bắc.

Giếng được xây theo kiểu hình ống tròn, thành miệng giếng vát bầu (trước đây giếng không có nền bao quanh, chỉ là nền đất tự nhiên). Thành giếng được xây hoàn toàn bằng gạch và được liên kết bằng vữa hợp chất. Bên ngoài thành giếng tính từ mặt đất đến miệng được tô trát vữa, bên trong cũng vậy nhưng đã bong tróc làm lộ các lớp gạch. Gạch xây thành giếng là loại gạch thẻ. Các hàng gạch xây nằm, xếp chồng lên nhau (gạch ở thành miệng dày hơn lòng giếng). Giếng có đường kính miệng cạnh ngoài là 160cm. Thành giếng dày không đều, từ 15 – 18cm. Chiều cao từ miệng giếng đến nền xi măng không đều do bị sụt lún, thấp dần về phía đường giao thông; đoạn cao nhất khoảng 60cm, đoạn thấp nhất khoảng 46cm.

Trước đây, giếng xuống cấp khá nghiêm trọng và bị xâm hại nặng bởi rễ tre cũng như hoạt động của con người. Năm 2017, giếng được tu bổ và làm thêm khuôn viên bảo vệ giếng, cảnh quan chung quanh giếng được chỉnh trang. Cũng trong năm này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã lắp đặt bảng thông tin di tích bằng song ngữ Việt – Anh để du khách có thể hiểu rõ hơn về giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa của di tích.

Ngày trước, những người dân địa phương sinh sống gần giếng thường sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Thời gian gần đây, do sự thay đổi cách thức khai thác nguồn nước của nhân dân nên giếng ít được thường xuyên sử dụng. Hiện nay, khu vực này đã được phân phối nước thủy cục nên người dân hầu như không dùng nước giếng này nữa. Nước giếng khá trong, sạch. Tại giếng không có nơi thờ thần giếng, song hiện nay, bên trên tấm lưới B40 che miệng giếng, người dân địa phương có đặt (tạm) một bát hương bằng đất nung. Vào các ngày sóc, vọng và các dịp lễ tết, cư dân sinh sống ở khu vực xung quanh đều đến giếng thắp hương, cúng vái.

Mặc dù chưa xác định được niên đại xây dựng giếng nhưng có thể nói rằng lịch sử hình thành giếng Tứ tộc gắn liền với ngôi nhà thờ Tứ tộc, một công trình tín ngưỡng quan trọng được xây dựng để tưởng nhớ bốn tộc họ Tiền hiền Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương có công khai lập vùng đất Kim Bồng, Cẩm Kim. Giếng Tứ tộc là một giếng cổ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa lẫn kiến trúc, là nguồn tư liệu thực địa có giá trị để nghiên cứu về lịch sử phát triển làng xã ở Cẩm Kim cũng như phương thức khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Hội An xưa.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Dẫn theo Nguyễn Chí Trung (2015), “Tổng quan về đất và người Cẩm Kim”, Thông tin nghiên cứu Kim Bồng – Cầm Kim, Trung tâm QLBT DSVH Hội An, trang 11: “Vùng đất này trước thế kỷ XV thuộc Chiêm Động – Cổ Lũy của vương quốc Champa. Sau những sự kiện năm 1402, 1471 và cả công cuộc Nam tiến của Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, vùng đất này đã thuộc về nhà nước Đại Việt quản lý. Tuy nhiên, đây là vùng đất cồn, bãi bồi trên sông và với những lý do khác nên đến nay, nguồn tư liệu sớm nhất mà chúng tôi tiếp cận được cho biết Cẩm Kim với tên gọi ban đầu là châu Kim Bồng xuất hiện vào năm 1744 (niên đại Cảnh Hưng thứ 5) trong một văn bản cúng ngân lễ của làng Minh Hương”.

[2] Dẫn theo số liệu của Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng, trang 108.

[3] Theo số liệu của Võ Hồng Việt, Trung tâm QLBT DSVH Hội An, Giếng cổ ở Hội An

[4] Có 12 giếng cộng đồng, theo kết quả tham vấn cộng đồng về di sản văn hóa vật thể Cẩm Kim vào tháng 5/2015 do Trung tâm QLBT DSVH Hội An thực hiện.

[5] Ông Trương Nhẽ, 61 tuổi, trú tại tổ 20B thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim, có nhà ở đối diện giếng Tứ tộc qua đường bê tông.

[6] Ông Phan Xuân Nhẫn, Phan Xuân Dương.

[7] Con cháu tộc Trương đã mua đất để xây dựng nhà thờ tộc mới ở vị trí khác tại xã Cẩm Kim. Ngôi nhà thờ Trương đại tộc (cũ) hiện nay đang bị bỏ hoang phế, cỏ dại mọc nhiều, khuôn viên rất nhếch nhác. Phần đất này ngày nay vẫn là đất của Tứ tộc (theo lời ông Trương Nhẽ).

[8] Thông tin này do ông Trương Nhẽ cung cấp. Chúng tôi chưa được tiếp cận bức liễn này để làm tư liệu.

[9] Bức hoành có nội dung: 祥 發 (Phiên âm: Tường phát). Lạc khoản ghi: 維 新 甲 寅 春 季 / 守 勅 潘 俊 旧 里 長 潘 些 仝 奉 供 (Phiên âm: Duy Tân Giáp Dần xuân quý / Thủ sắc Phan Tuấn, Cựu Lý trưởng Phan Ta đồng phụng cúng). Theo trên, bức hoành này được lập năm 1914. Thông tin này do ông Phan Xuân Dương cung cấp.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, Nxb Đà Nẵng.

2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng.

3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng – Cầm Kim, Cty CP In Phát hành sách và TBTH Quảng Nam.

4. Võ Hồng Việt, Trung tâm QLBT DSVH Hội An, Giếng cổ ở Hội An.   
 
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây