Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hóa, giao thông thuận tiện, các chợ phường, chợ liên xã ở Hội An đã trở nên quy mô, rộng rãi hơn nhiều, chưa kể một lượng lớn các cửa hàng tiện lợi dọc theo những con đường đông đúc dân cư với chủng loại mặt hàng buôn bán vô cùng đa dạng. Nhưng khi nói đến chợ Tết thì Chợ Phố vẫn giữ vai trò trung tâm, tập trung nhiều hàng hóa nhất, từ áo quần, bánh mứt, đồ thờ cúng, trang trí nhà cửa cho tới thịt thà, rau củ… và đặc biệt là hoa. Chợ Phố tức là chợ Hội An. Người dân nơi đây, cho dù ở thôn quê hay những nhà mặt phố chỉ cách chợ có mấy bước chân, đều quen một cách gọi như vậy. Dịp giáp Tết, chợ Phố giãn thêm ra. Men theo mấy bờ lề hẹp của những con đường nhỏ xung quanh chợ như Trần Phú, Trần Quý Cáp... thường có các mẹ các chị người làng Trà Quế, Cẩm Kim, Cẩm Châu… bày những rổ rau, hoa quả vườn nhà trồng được. Ngày thường, họ chỉ lui tới chợ quê gần nhà, có người cả năm không bán mặt hàng nào cả, nhưng sắp đến Tết cũng vui chân ra bán hàng ở phố. Nhà có thứ rau thơm, quả lành gì đem ra đây cũng sẽ được giá hơn ngày thường và nhanh hết hàng hơn ở chợ quê.
Sau 23/10 âm lịch, tiết trời ở Hội An không còn mưa lớn nữa, người dân lại gieo hạt giống rau màu vụ đông để gánh ra chợ Tết bán, kiếm chút tiền trang trải cho những ngày cuối năm. Rau mùa này sinh trưởng mạnh mẽ, căng tràn sức sống, ít sâu bệnh, tươi non mơn mởn và đa dạng về chủng loại. Ngoài những loại rau như bồ ngọt, rau lang, rau muống, chợ Tết rộ lên sắc xanh phơi phới của những bó cải ngọt, cải thìa, cải bẹ, tần ô, các loại rau ăn sống đượm vị, thơm nồng như húng, quế, xà lách, cải mầm, hành hẹ, diếp cá... đậu tây non tơ, giòn ngọt nhiều vô kể. Xen giữa những mẹt rau, đôi khi rực lên sắc đỏ, xanh, tía của những bó cúc nhiều màu, của vạn thọ vàng rộm, lay ơn phớt hồng nảy mầm, đơm bông từ vùng cát bỏng Cẩm Hà. Những bàn tay ngày nào quen tảo tần chăm bón, nay khéo léo xếp bày, phô từng rổ rau, bó hoa vườn bên đường phố chợ.
Những ngày nắng ấm, hàng rau ngày Tết ở chợ Hội An đặc biệt nhiều củ cải củ kiệu, cà rốt để các bà nội trợ mua về làm dưa món. Độ giòn, dai khác biệt giữa cà rốt, củ cải, củ kiệu cùng vị mặn mòi của nước mắm pha đường tạo nên những trải nghiệm thú vị trong từng miếng ăn. Chỉ vào dịp Tết, các bà các chị mới làm món dưa này. Nhiều năm trở lại đây, chợ Tết bán cả dưa món chế biến sẵn, hoặc các loại củ đã qua sơ chế, cắt tỉa, tạo hình thù đẹp mắt và phơi héo, người mua chỉ việc cho vào hũ, ngâm mắm, rất tiện với những ai không có nhiều thời gian cho việc bếp núc.
Những phụ nữ ở Hội An thích trổ tài làm bánh, mứt đãi đằng khách khứa thường đi chợ từ giữa tháng Chạp để tìm mua nguyên liệu ưng ý. Gừng sẻ (tuy củ nhỏ nhưng thơm và cay nồng), dừa khô, quật vừa hườm chín, hạt sen, đậu trắng là những nguyên liệu làm nên các món mứt truyền thống thơm ngon nơi đây nên được bày bán rất nhiều ở chợ Tết. Thời điểm này cũng có nhiều người đem trứng gà nhà đi bán. Trứng gà quê nuôi thả vườn vừa lành, vừa ngon, bổ, thường được ưa chuộng nhất để làm bánh thuẩn, bánh trái tim. Mấy hàng bán đồ khô như nếp, gạo, đậu, bột, đường cũng tấp nập người ghé mua, không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Lá chuối đã rọc bỏ cuống, cuộn thành từng xấp và ống giang tròn trịa từng đoạn dài bằng nửa sải tay bày đầy các ngả chợ, nhắc các bà, các chị sớm chuẩn bị nếp, đậu cho nồi bánh tét, bánh chưng. Ngày trước, hầu như nhà nào ở Hội An cũng nấu bánh tét, nhà dùng ít thì rủ bà con, hàng xóm góp lại nấu chung, vì đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cơm dâng cúng tổ tiên suốt mấy ngày Tết, và để dành ăn lai rai cũng được tới giữa tháng Giêng. Dưới nắng vàng hanh hao những ngày cận kề Tết, lá chuối gói bánh, những mẹt mứt mới sên, củ cải củ kiệu đủ màu sặc sỡ… giăng khắp các hàng rào, sân phơi từng ngõ xóm khiến lòng người càng thêm khấp khởi, mong chờ thời khắc năm mới đến. Dạo gần đây, không còn mấy nhà tự nấu bánh như vậy nữa vì đi mua hoặc đặt hàng sẽ nhanh gọn hơn, những hàng lá chuối, lạt giang cũng thưa dần trong phiên chợ Tết. Thật tiếc một nét đẹp văn hóa truyền thống đã bị phai nhạt dần theo nếp sống hiện đại.
Các tiệm buôn xung quanh chợ, tại góc các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Trần Quý Cáp cũng gom sẵn hàng Tết rất phong phú, chủ yếu là những mặt hàng bài trí, trang hoàng nhà cửa như đồ sành sứ, chén bát, kệ chạn… Người ra kẻ vào đông vui, nhộn nhịp từ sáng cho đến tận đêm. Cũng như những hàng chợ Tết khác, thịt heo, bò, gà, nem, chả… bày kín các phản phía trong chợ. Ngày trước, ngay sát mé sông chỗ gần cầu Cẩm Nam, ở góc cuối chợ Hội An có một chợ gà. Ngày gần Tết, tập hợp lại đây nào là gà giò, gà thịt, gà trống, chen chân nhau trong những cái lồng tre tròn tròn chật hẹp đan kiểu mắt cáo. Người mua cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng chân gà, lườn gà để chọn con khỏe, đẹp để cúng tất niên, rước ông bà, giao thừa, đầu năm… Bây giờ góc chợ này không còn nữa, nhu cầu của bà con cũng đã thay đổi, đa số chọn gà làm sẵn trong hàng thịt cho nhanh, tiện việc chế biến.
Từ 28 tháng Chạp trở đi, chợ Tết có thêm những rổ, mủng bày mấy quả mãng cầu có vài chiếc lá tươi xanh, quả dừa to bằng nắm tay còn nguyên cọng râu dài, quả đu đủ xanh bé xíu vừa hái từ vườn quê để người mua chưng mâm ngũ quả đặt bàn thờ, thể hiện ý nguyện cầu một năm sung túc, đầy đủ. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng thờ các loại quả tượng trưng cho sự đại cát đại lợi như thơm, dưa hấu, bưởi, mận, thanh long… chủ yếu do những người đi buôn chở hàng từ vùng khác về bán. Những ngày này, chợ lại giãn ra một đoạn nữa dọc con đường Nguyễn Huệ, với những hàng hoa sặc sỡ sắc màu, mỗi năm một thêm đa dạng chủng loại. Người Hội An đi chợ hoa Tết bao giờ cũng ưu tiên tìm chọn cho được chục lay ơn (hoa huệ) ưng ý để cắm lộc bình ngay giữa gian khách, sau đó mới chọn các loại hoa khác. Hồi cuối thế kỷ 20, những chậu hoa Tết ở chợ có vạn thọ, cúc Đà Lạt nhiều màu, thược dược, hường, ớt kiểng là nhiều hơn cả. Sau này, những người bán hoa tập hợp lại một góc chợ đoạn đường Nguyễn Huệ để cho khách dễ ngắm nghía, chọn lựa; rồi dần dần, thành phố bố trí các bờ lề dọc đường Trần Hưng Đạo gần đấy, đoạn không có nhà dân, để hình thành nên chợ hoa Tết như bây giờ. Người bán bắt đầu chuyên nghiệp hơn, chú ý chăm chút về hình thức chậu, dáng cây. Ngoài những giống cây, hoa quen thuộc của địa phương được người dân ưa thích như quật, mai, cúc, mãn đình hồng, thược dược… nhiều chủ quầy còn nhập hàng từ các làng trồng hoa chuyên nghiệp về, khiến chợ hoa Tết ở Hội An trở thành nơi tụ hội sắc hương nhiều loài hoa đẹp, lạ, phục vụ nhu cầu chơi hoa, ngắm hoa của nhân dân, góp thêm không khí rộn ràng, vui tươi trên đường phố trong những ngày giáp Tết.
Những ngày giáp Tết ở Hội An, bên một cái chợ nhộn nhịp, đông đúc từ tờ mờ sáng đến tận đêm muộn là cả một con đường hoa nồng nàn sắc hương; vừa hừng hực sức sống, rất đời thực mà lại thanh tao, trang nhã, lãng mạn vô cùng... Đi chợ ngày Tết, người chen với người mà không thấy chật chội, hàng chen với hàng mà người bán kẻ mua ai nấy đều cởi mở, thân thiện, mới thấy cái mảnh đất này đúng là nơi “nhân tình thuần hậu”.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền