20 năm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới Hội An

Thứ hai - 09/12/2019 02:07
Khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3.1985; Thủ tướng Chính phủ cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt vào tháng 8.2009 và được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1999. Khu di sản này được đánh giá với ý nghĩa như một bảo tàng sống “Bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành ở Trung ương, tỉnh; sự giúp đỡ, hỗ trợ đầy thiện chí của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học trong và ngoài nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hội An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với tinh thần đầy sáng tạo, trách nhiệm nên Di sản văn hóa Hội An (cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận vào tháng 5.2009) không những được bảo tồn hoàn hảo mà còn được phát huy có hiệu quả, đạt được nhiều giải thưởng, bình chọn của các tổ chức quốc tế và trong nước. Di sản văn hóa, thiên nhiên Hội An đã trở thành nguồn lực quan trọng để đưa kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố phát triển vượt bậc.
Trước hết, có thể nói các thế hệ lãnh đạo thành phố Hội An đã có quan điểm đúng, nhất quán, xuyên suốt được thể hiện thông qua Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ; Nghị quyết Hội đồng nhân dân; các quy hoạch, đề án/ dự án của UBND thành phố, cơ bản đó là: Bảo tồn Khu phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới phải gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (sông nước, biển – bãi biển, đảo và các cồn bãi trên sông); gắn với bảo tồn các làng quê sinh thái, nghề – làng nghề truyền thống; đặc biệt phải gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể; gắn với mục tiêu phát tiển kinh tế du lịch, dịch vụ; đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Và với mục tiêu lâu dài xây dựng, phát triển Hội An: Thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
         
Nhờ thế, việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa – khu phố cổ nói riêng, toàn bộ hệ thống di tích văn hóa ở Hội An nói chung được cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và cả cộng đồng người dân Hội An chung tay giữ gìn, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong nhiều năm qua, các văn bản pháp quy của Trung ương và tỉnh về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được nhân dân Hội An thực hiện một cách chu đáo. Ngoài ra, với điều kiện đặc thù là thành phố di sản văn hóa thế giới với hàng ngàn “di tích sống”, trong đó hầu hết di tích thuộc sở hữu tư nhân – tập thể nên chính quyền thành phố đã sớm chủ động ban hành một số quy chế được cộng đồng nhân dân ủng hộ, góp phần nâng cao nhận thức; nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng, của từng cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị trong việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn và sử dụng, phát huy có hiệu quả quần thể di sản văn hóa của nhân loại. Hơn nữa, từ nguồn thu vé tham quan, để góp phần quản lý, bảo tồn tốt khu phố cổ, thành phố đã thành lập đội ngũ cộng tác viên (với số lượng 33 người là những tổ trưởng, khối trưởng các khối phố trong khu phố cổ), được hỗ trợ kinh phí 120.000đ/tháng/người. UBND thành phố Hội An cũng ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người bảo vệ di tích thuộc sở hữu cộng đồng, Nhà nước theo 3 mức: Di tích xếp hạng cấp Quốc gia: 350.000đ/tháng/người; di tích xếp hạng cấp Tỉnh: 300.000đ/tháng/ người; di tích thuộc danh mục bảo vệ của Thành phố: 270.000đ/tháng/người. Và dựa theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, thành phố cũng đã ban hành: Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong khu phố cổ Hội An. Ở Hội An, các di tích đều được lập hồ sơ pháp lý nhằm phục vụ cho việc quản lý, sửa chữa, tu bổ, sử dụng, phát huy di tích. Ngoài các di tích được cấp bằng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, số còn lại đều được cấp giấy chứng nhận thuộc Danh mục bảo vệ của thành phố; lập hồ sơ lý lịch di tích; hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, trích lục bản đồ; dựng bia giới thiệu di tích và cắm mốc khu vực bảo vệ; đặc biệt các di tích thuộc sở hữu Nhà nước/ cộng đồng đều có quyết định thành lập tổ quản lý (thành phần bao gồm đại diện thôn/ khối phố và cộng đồng dân cư địa phương) và gắn với chức năng quản lý Nhà nước của các địa phương xã/ phường có di tích.
         
Việc hướng dẫn và thực hiện công tác cấp phép, giám sát sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trong khu phố cổ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định công khai và được thực hiện kịp thời, hiệu quả, thông qua hình thức “một cửa liên thông” tại trung tâm hành chính công của thành phố (trung bình mỗi năm thành phố thực hiện việc cấp phép trên 200 lượt/ trong khu phố cổ). Công tác phòng chống thiên tai (bão lụt), phòng chống cháy – nổ được thành phố đặc biệt quan tâm, chu đáo (ngoài đầu tư theo các dự án, hàng năm đều có phương án, biện pháp, giải pháp cụ thể cho công tác này). Từ nguồn thu bán vé tham quan khu phố cổ, cùng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Trung ương, tỉnh, trong nhân dân và tài trợ của các tổ chức quốc tế, thành phố đã thường xuyên quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, nông thôn, và riêng cho tu bổ các di tích. Tổng kinh phí tính từ năm 2008 đến nay là: 146,232 tỷ đồng (trung bình mỗi năm hơn 14 tỷ đồng), cho tổng số 255 lượt di tích thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, tập thể (trong diện được hỗ trợ). Ở đây đã có sự gắn kết hiệu quả các chương trình đầu tư bảo tồn, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng biển đảo… đều hướng đến cùng mục tiêu giữ gìn di sản văn hóa, thiên nhiên, phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt, việc thực hiện dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ” theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2005 đến nay cho gần 100 di tích – nhà ở từ nguồn vốn ngân sách 40% của tỉnh, 60% của thành phố, cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, và tham gia đóng góp của các chủ nhà ở, di tích, quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích và liên quan đến tính mạng con người.
         
Trong quá trình quản lý, ngành văn hóa thành phố Hội An phối hợp với các địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo tồn di tích. Công tác này được tập trung thực hiện thông qua nhiều hình thức xuất bản; tổ chức tuyên truyền Luật di sản văn hóa, các văn bản dưới luật, các quy chế, các ấn phẩm như cẩm nang hướng dẫn tu bổ di tích, sách danh mục di tích, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, các sách – ấn phẩm về kết quả nghiên cứu,… phổ biến đến từng hộ dân, chủ di tích. Các văn bản, quy định pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của thành phố, trang thông tin (hàng quý) và chuyên mục phát thanh bảo tồn di sản hàng tuần; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ở xã/ phường, khu dân cư, tại các hội thảo, lễ hội, sự kiện; Xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 9, cùng với các chương trình chúng em khám phá bảo tàng; thi tìm hiểu qua sách báo tại thư viện; các trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng,… đem lại hiệu quả nâng cao nhận thức của học sinh về giá trị di sản. Ngoài ra, ngành văn hóa đã thường xuyên chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hơn 50 buổi sinh hoạt báo cáo các chuyên đề: “Đô thị cổ Hội An – Những giá trị đặc trưng”, “Xây dựng Hội An – Thành phố văn hóa”;“Xây dựng Nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ, giao tiếp ứng xử, đề án “Hội An – nhân tình thuần hậu”… cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Từ năm 2015-2016, thành phố đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Di sản văn hóa Hội An qua internet” kéo dài 24 tuần với hàng ngàn lượt người tham gia mỗi kỳ; tổ chức hội thi “Chúng em với di sản và môi trường” trong tất cả các trường THCS, hội thi “Thanh niên Hội An với di sản văn hóa Hội An”… Nội dung bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa từ năm 1993 đưa vào tiêu chí xây dựng Nếp sống văn minh – Gia đình văn hóa, năm 1997 đưa vào tiêu chuẩn thôn/ khối phố văn hóa, xã/ phường văn hóa và đến nay là một trong những nhiệm vụ then chốt xây dựng và phát triển văn hóa, con người của thành phố.
         
Trên lĩnh vực phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, việc kiểm kê, nhân diện di sản văn hóa phi vật thể (theo thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được quan tâm chú trọng, trên cơ sở đó Bộ đã công nhận nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác Yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (hiện đang tiếp tục trình hồ sơ đề nghị Lễ hội Trung thu ở Hội An). Thành phố cũng sớm đề ra chủ trương đầu tư, định hướng bảo tồn và khôi phục các hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian và các giá trị văn hóa truyền thống khác. Trò chơi Bài chòi đã được hồi sinh và thực sự đi vào công chúng một cách mạnh mẽ, thường xuyên diễn ra hằng đêm tại khu phố cổ. Đây cũng là hoạt động rất có hiệu quả trong việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm văn hóa – du lịch khá độc đáo của Hội An. Việc bảo tồn và phát triển, mở tuyến tham quan các làng nghề truyền thống, làng quê sông nước như: gốm Thanh Hà, Rau Trà Quế, Mộc Kim Bồng, làng quê sinh thái Cẩm Thanh…đem lại cơ hội mở ra từ du lịch, góp phần nuôi giữ nghề truyền thống. Từ đó những giá trị của loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo này cũng đã thoát khỏi nguy cơ lụi tàn, ngược lại được bảo tồn để tồn tại và tiếp tục vươn lên trong thời kỳ mới. Cùng với quần thể di sản văn hóa kiến trúc khu phố cổ Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: “Đêm phố cổ”, “ phố đi bộ”, “phố không có tiếng động cơ xe máy”, các khu Chợ đêm; gắn với nhiều lễ lệ, lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu và với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Hiện nay thành phố đã xây dựng được các lễ hội, sự kiện định kỳ hàng năm gồm: Hội Tết dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, các Giỗ Tổ nghề, cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với nhiều địa phương trong nước, và ở các nước: Hồng Kông – Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, thành phố cũng đã thường xuyên tham mưu và làm nhiệm vụ thường trực tổ chức các sự kiện văn hoá thể thao của tỉnh như Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản”, Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế, các sự kiện quốc gia và quốc tế như các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất, hội nghị APEC… Các hoạt động trên góp phần làm cho hình ảnh Hội An ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thêm hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, hưởng thụ. Đến nay Di sản văn hóa thế giới Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước. Hội An bây giờ như một cái tên quen thuộc chỉ cần vào mục tìm kiếm trong google đã có hơn 13,6 triệu thông tin. Đồng thời Hội An cũng đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức quốc tế bầu chọn về bảo tồn và phát huy di sản, về du lịch, sinh thái. Tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng nhanh ngoạn mục, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân Hội An được thay đổi, nâng cao rõ rệt. Lượng du khách đến Hội An ngày một tăng nhanh. Trong năm 1999 chỉ có gần 100 ngìn lượt khách tham quan thì đến năm 2018 con số này đã lên đến hơn 2,3 triệu lượt khách. Năm 1999 mới chỉ có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ; đến cuối năm 2018, Hội An có thể sẵn sàng đón một ngày hơn 21.000 khách lưu trú. Tính đến 12.2018, toàn thành phố có 621 cơ sở lưu trú với 10.017 phòng (khách sạn, biệt thự du lịch, Homestay). Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch – Thương mại năm 2018 chiếm hơn 71,28%. Đời sống kinh tế của người Hội An được phát triển và đi theo là mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội của cả cộng đồng được thay đổi, nâng cao vượt bậc (thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 46 triệu đồng/năm). Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang: xanh, sạch, đẹp theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
         
Tuy nhiên, Hội An đang đứng trước những hạn chế, bất cập và cả những nguy cơ thách thức đối với sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổng quát chung đó là: Những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ – du lịch gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi, chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn, phản cảm… làm ảnh hưởng nghiệm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình, tộc họ, ảnh hưởng đến đạo đức lối sống thuần hậu của con người Hội An xưa. Mặt khác, về cơ sở hạ tầng các tuyến giao thông du lịch chính đang quá tải, và xuống cấp nghiêm trọng; nguồn lực lao động có đào tạo, có chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch thiếu trầm trọng, không đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển hiện nay; đó là  nguy cơ do biến đổi khí hậu toàn cầu mà khu vực Hội An cũng là trọng điểm ở miền Trung, Việt Nam, đáng quan tâm là bão, lụt đi theo nguy cơ là sóng và nước biển dâng, là xói lở bờ sông, bờ biển, là tình trạng bồi cạn, ngập úng, và cả hệ lụy bởi xả lũ ở đầu nguồn; rồi nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải bởi các hoạt động dịch vụ của con người trong khu phố cổ; Sự thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; thiếu hoặc không còn các nghệ nhân/ tay nghề truyền thống cao cho tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian…; Kể cả sự hạn chế, bất cập về năng lực quản lý của cán bộ các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương, nhất là ở các xã/ phường… bởi không theo kịp với tốc độ phát triển, thay đổi/ biến đổi nhanh chóng do tác động mạnh mẽ của sự phát triển (nhất là phát triển du lịch), các tệ nạn xã hội, các vấn đề về trật tự – an ninh, an toàn xã hội phát sinh nóng hàng ngày, bởi sự bất cập về các văn bản pháp quy chưa theo kịp với nhiều biến đổi ở địa phương đặt ra…; và những thách thức cần phải giải quyết về các mối quan hệ đó là: Bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đến các mối trong quan hệ cộng đồng, trong tộc họ, gia đình; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể…
         
Bài học thành công ở Hội An có thể khái quát nhận thấy là: Bảo tồn di sản văn hóa không tách rời với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – nhân văn; phải gắn với kinh tế du lịch và phát triển thành phố: sinh thái – văn hóa – du lịch; trên 3 nhân tố trụ cột: 1/ Có tầm nhìn, quan điểm định hướng, quy hoạch đúng, nhất quán; 2/ Có hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế quản lý, đầu tư thích ứng, phù hợp, nhận được sự đồng thuận cao; 3/ Đặc biệt phát huy được vai trò, ý thức trách nhiệm cao của cả cộng đồng. Nhưng cả thế giới ngày nay đang bước vào thời kỳ mới – thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn bao giờ hết, được ví với tốc độ công nghệ 4.0. Do đó đòi hỏi các nhân tố trên phải được vươn cao, vươn xa và bao quát hơn gấp nhiều lần. Nghĩa là tầm nhìn quy hoạch định hướng Hội An trong tương lai không chỉ ở phạm vi hơn 60km2; với chỉ hơn 90.000 dân địa phương; và với những văn bản pháp quy, cơ chế quản lý chỉ mang tính quy ước cộng đồng, mà phải tính đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đông đảo người nhập cư, những tổ chức, cá nhân liên quan đến khai thác, hưởng lợi từ khu di sản này, đến nguồn nhân lực có chất lượng… Tất cả đòi hỏi phải đặt trong cơ chế đặc thù của chính phủ, từ công tác quản lý, bảo tồn đến khai thác, phát huy để đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
 

Tác giả: ThS.Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây