Thông tin về miếu Trung Giang Thượng ở Sơn Phong

Thứ ba - 04/02/2020 02:47
Miếu Trung Giang Thượng là nơi thờ tự các vị thần, tiền vãng, hậu vãng của cư dân xóm Trung Giang Thượng, đặc biệt ngôi miếu còn phối thờ chí sĩ yêu nước tham gia phong trào Cần Vương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thời kỳ trước năm 1945, xóm Trung Giang Thượng thuộc địa phận ấp Trung Châu (gồm có xóm Trung Giang Thượng và xóm Trung Giang Hạ), xứ Tam Châu, làng Cẩm Phô. Hiện nay, vị trí ngôi miếu thuộc địa phận khối Phong Thọ, phường Sơn Phong, thành phố Hội An.

Ban đầu, ngôi miếu tọa lạc tại một vị trí khác cách vị trí hiện nay khoảng 300m, tại số 02 đường Phan Bội Châu (khách sạn Hà An). Ngôi miếu được xây dựng kiểu 3 gian, có hệ cột, cửa, kèo, trính, rui, đòn tay bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có bình phong án ngữ trước miếu, bên cạnh ngôi miếu lúc đó còn có một cây đa rất lớn, bên trong ngôi miếu thờ thần và chí sĩ Cần Vương Trần Trung Tri. Đến năm 1981, ngôi miếu bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 2014, sau những nỗ lực của nhân dân địa phương, ngôi miếu đã được phục dựng tại vị trí hiện nay. Trong quãng thời gian ngôi miếu chưa được phục dựng, nhân dân địa phương vẫn duy trì lễ cúng tại ngôi miếu đều đặn hàng năm vào ngày 20 tháng 7 âm lịch.

Theo truyền khẩu, sau khi chí sĩ Cần Vương Trần Trung Tri bị thực dân Pháp hành quyết tại xóm Trung Giang Thượng (năm 1887), ngài thường hiển linh giúp đỡ nhân dân. Cảm kích trước sự xả thân, hy sinh vì đất nước và sự phù trợ nhân dân địa phương, bất chấp nguy hiểm, nhân dân xóm Trung Giang Thượng đã phối thờ chí sĩ Cần Vương Trần Trung Tri tại ngôi miếu để tiện bề hương khói. Qua gia phả đang lưu giữ tại nhà thờ phái hai tộc Trần Trung ở ấp Tu Lễ, phường Cẩm Phô, được biết ông Trần Trung Tri thuộc đời thứ 4, phái hai tộc Trần Trung. Thân sinh ông là Trần Trung Khanh và bà Lê Thị Sử. Trong gia phả ghi tên ông là Trần Trung Truy, húy là Tri. Ông sinh ngày 16 tháng 10 năm Ất Mùi (năm 1835) tại làng Cẩm Phô, một tài liệu khác thì cho biết ông sinh năm 1830, mất ngày 29 tháng 2 năm Đinh Hợi (năm 1887). Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp từng bước tiến hành xâm chiếm nước ta. Trước tình cảnh đó, vua Hàm Nghi đã hạ chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu trên cả nước cùng hợp lực đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong phong trào Cần Vương, Quảng Nam là nơi ứng nghĩa sớm với tổ chức Nghĩa hội do Trần Văn Dư, về sau là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Nghĩa hội tại Quảng Nam đã thu hút đông đảo sự tham gia của các sĩ phu yêu nước cũng như các tầng lớp nhân dân, được tổ chức quy củ và giữ vai trò quan trọng trong phong trào Nghĩa hội các tỉnh Nam Trung Kỳ. Năm 1885, dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu, lực lượng nghĩa quân ngày một phát triển trên khắp tỉnh, trong đó có Hội An. Tại Hội An, có sự tham gia của các sĩ phu như: Trần Trung Tri, Lương Như Bích ở làng Cẩm Phô; Nguyễn Bính ở làng Sơn Phô; ông Tuy, ông Nhạc ở làng Phước Trạch; Châu Thượng Văn ở làng Minh Hương. Các vị này giữ vai trò khá quan trọng trong phong trào của Nghĩa hội. Trần Trung Tri bị thực dân Pháp bắt giữ và bị xử tử tại xóm Trung Giang Thượng vào ngày 29/2 năm Đinh Hợi (tức ngày 23/3/1887). Theo thông tin về chí sĩ Trần Trung Tri trong phương án đặt tên đường tại thành phố Hội An có ghi như sau: “Trần Trung Tri (1830  - 1887): Sỹ phu yêu nước; quê ở phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và trở thành nhân vật quan trọng của phong trào ở địa bàn Hội An. Năm 1887, ông chỉ huy nghĩa quân tiến vào Hội An; sau đó ông bị bắt và bị thực dân Pháp và tay sai triều Nguyễn xử chém ngày 23/3/1887”. Theo tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, mục tài liệu lưu trữ làng Cẩm Phô cho biết thông tin như sau: “Cấp cho tiền cho ông Trần Trung Tri vì lòng trung mà chết (xem bản chép số 42, đời Hàm Nghi 3)”; “Trác thông sức cho ông Trần Trung Tri 30 quan tiền cấp táng trả cái lòng trung để làm gương. Đời Hàm Nghi 3, tháng 3 ngày 5 (xem bản chép số 43, sắc này của ông Trần Trung Đặng giữ)”. Rất tiếc, cả hai bản chép số 42 và 43 bản thân người viết chưa được tiếp cận tư liệu này. Hiện nay, ngoài ngôi miếu phối thờ ông thì tại nhà thờ phái hai tộc Trần Trung ở ấp Tu Lễ, phường Cẩm Phô là nơi ông được con cháu trong chi phái tộc thờ tự và cúng giỗ hàng năm, mộ ông cũng đã được quy tập về nghĩa trang nhân dân trong khuôn viên nghĩa trang của chi phái. Hiện nay, tên ông cũng đã được chính quyền Hội An đặt tên cho một con đường ở phường Cẩm Nam.
         
Ngôi miếu có mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài mặt tiền nhìn vào giápvới đường giao thông (đường Huyền Trân Công Chúa), kế đến là sông, phía bên phải (hướng Tây) và phía bên trái (hướng Đông) giáp khu đất thuộc tiểu công viên, phía sau (hướng Bắc) giáp đường đi nhỏ và khu dân cư. Mặt bằng tổng thể ngôi miếu gồm có chính điện và một đỉnh hương án ngữ trước miếu. Chính điện kiểu 1 gian, có hiên, tiền đường và hậu tẩm, diện tích: 4,34m x 2,8m. Hiên có diện tích: 0,68m x 2,1m. Tiền đường có diện tích: 2,16m x 2,1m. Hậu tẩm có diện tích: 0,6m x 1,26m. Mái được đúc bằng bê tông, bên trên lợp ngói ống, gồm có 04 mái. Bờ chảy giật cấp mềm mại, trên đầu bờ chảy trang trí đồ án “dao lá”. Hai bên tường bờ chảy đắp nổi đồ án dơi. Bờ nóc trang trí đồ án “Lưỡng long chầu nguyệt” khảm sành sứ. Hậu tẩm kiểu cổ lâu hai tầng bốn mái. Cạnh tường ngoài phía Tây sát hậu tẩm xây 01 khám thờ bằng xi măng. Hiên miếu có 02 trụ tròn bằng xi măng, quét vôi màu nâu, bề mặt ngoài trụ đắp nổi cặp liễn đối chữ Hán, chữ quét vôi màu vàng: 中 江 上 聖 恩 高 照 / 安 夀 铺 神 德 永 光 (Trung Giang Thượng thánh ân cao chiếu / An Thọ phố thần đức vĩnh quang). Ngăn cách giữa hiên và tiền đường là hệ cửa bằng gỗ bốn cánh kiểu “thượng song hạ bản”. Phía trên tường lối vào tiền đường đắp nổi bức hoành sơn màu đỏ, viền màu đen, khảm sành sứ các chữ Hán: 中 江 上 廟 (Trung Giang Thượng miếu). Bên trong tiền đường bố trí 02 bàn thờ có cùng kích thước: Dài 0,6m, rộng 0,77m, cao 0,94m. Nền miếu lát gạch đỏ, tường quét vôi màu vàng. Bàn thờ gian tả xây khám thờ, trán khám thờ vẽ màu các đồ án “hoa dây”, hình bát quái, chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 前 往 (Tiền vãng), trên bàn thờ đặt bài vị viền gỗ, nền giấy, viết các chữ Hán: 志 士 勤 王 陳 忠 知 (Chí sĩ Cần Vương Trần Trung Tri), quần bàn đắp nổi chữ Hán: 祿 (Lộc). Bàn thờ gian hữu xây khám thờ, trán khám thờ vẽ màu các đồ án “hoa dây”, hình bát quái, chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 後 往 (Hậu vãng), trên bàn thờ đặt bài vị viền gỗ, nền giấy, viết các chữ Hán: 歷 代 百 姓 中 江 上 過 往 烈 位 (Lịch đại bách tính Trung Giang Thượng quá vãng liệt vị), quần bàn đắp nổi chữ Hán: 壽 (Thọ). Phía trên tường ngăn cách giữa tiền đường và hậu tẩm đắp nổi một bức hoành, quét vôi màu đỏ, đắp nổi các chữ Hán (quét vôi màu vàng): 護 國 安 民 (Hộ quốc an dân). Bên trong hậu tẩm bố trí 01 bàn thờ, kích thước: Dài 0,6m, rộng 0,86m, cao 0,94m. Sát tường hậu tẩm xây khám thờ, trán khám thờ trang trí đồ án “Lưỡng long chầu bát quái”, trong đó hình tượng rồng được trang trí theo dạng đồ án “dây lá hóa long”. Chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 神 (Thần). Trên bàn thờ bố trí 05 tôn tượng Ngũ Hành Tiên Nương bằng chất liệu gỗ. Quần bàn đắp nổi chữ Hán: 福 (Phúc), bốn góc vẽ đồ án dơi.

Sự tồn tại của ngôi miếu góp phần minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển của xóm Trung Giang Thượng, xứ Tam Châu, làng Cẩm Phô trong lịch sử. Ngôi miếu còn là chứng tích ghi dấu một giai đoạn biến động của lịch sử. Là nơi thờ các vị thần, bách tính quá vãng của xóm Trung Giang Thượng và đặc biệt thờ tự sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương tại vùng đất Hội An, Quảng Nam trong lịch sử. Với những giá trị trên, ngôi miếu đã được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An tại Thông báo số 03/TB-UBND, ngày 03/01/2020.


Mieu Trung Giang Thuong 1

Toàn cảnh miếu Trung Giang Thượng

mieu trung giang thuong 2

Không gian thờ tự bên trong miếu

Mieu Trung Giang Thuong 3


Đồ án "Lưỡng long chầu nguyệt"
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây