Chúa Nguyễn Phúc Nguyên với Hội An

Chủ nhật - 05/01/2020 20:37
Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613). Trong lịch sử dân tộc, ông được xem là người đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hóa và phát triển đô thị, thương cảng ở Việt Nam. Năm Nhâm Dần (1602), ông được cha là chúa Tiên Nguyễn Hoàng giao phó trấn thủ dinh Quảng Nam, kể từ đây vùng đất xứ Quảng thực sự bắt đầu bước vào thời kỳ vận hội thăng hoa. Đóng vai trò là người trực tiếp nắm giữ vùng đất “yết hầu của miền Thuận Quảng” với ưu thế “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” (1), chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã xây dựng nơi đây trở thành trung tâm về chính trị, kinh tế và văn hóa của cả khu vực phía Nam, trong đó Hội An là một thương cảng quốc tế sầm uất, giữ vai trò đầu mối quan trọng trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế và ngoại giao của chính quyền Đàng Trong.
Trên cương vị là người trực tiếp quản lý vùng đất xứ Quảng công việc đầu tiên của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là mở rộng, phát triển cảng thị Hội An thành thương cảng quốc tế và xây dựng nơi đây thành trung tâm thương mại sầm uất nhằm phục hưng lại cảng thị Champapura đã từng vang bóng một thời dưới các triều đại vương quốc Chăm Pa: “Cảng đẹp nhất có nhiều sản vật quý hiếm mà người ngoại quốc thường ghé thăm, cảng đó thuộc khu vực Quảng Nam” (2). Đồng thời, xuất phát từ vị trí hết sức quan trọng về kinh tế ngoại thương ở Hội An, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho đặt tại dinh Quảng Nam một cơ quan chuyên trách về ngoại thương gọi là Ty Tàu vụ gồm có 185 người, bao gồm các chức danh: cai tàu, tri tàu, cai bạ, cai phủ, ký lục, tấn thủ súng binh, các đội lính tàu và thông sự, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ rà soát hàng hóa, cân lường và ấn định giá cả các loại hàng hóa xuất, nhập, thu mua hàng cho nhà nước, làm thông dịch viên… Bên cạnh đó chúa còn giao/đặt các xã Minh Hương, Hội An, Lao Chiêm (Cù Lao Chàm), làng Câu giữ việc thám báo. Ty Tàu Vụ là cơ quan tự trị về mặt tài chính, lấy từ thuế thu được, hưởng 4 phần, còn 6 phần nộp nhà nước. Đây là cách quản lý khá tiến bộ của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ (3). Có thể thấy rằng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thành công trong việc phát triển Hội An từ một cảng thị bị lãng quên sau khi vương quốc Chăm Pa suy tàn thành một đô thị - thương cảng quốc tế sầm uất từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XVII, đồng thời đã thiết lập được một hệ thống tổ chức quản lý kinh tế chặt chẽ, có quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng.

Về vấn đề ngoại giao, chúa Nguyễn Phúc Nguyên luôn giữ thái độ thân thiện, cởi mở trong các mối quan hệ với bên ngoài. Một giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri trong chuyến đi Đàng Trong khoảng từ năm 1618 - 1622 (năm 1613 Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi chúa) đã ghi chép khá đầy đủ về thái độ tích cực của chúa Nguyễn Phúc Nguyên: “Chúa không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc… Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với Trung Hoa” (4).

Trong bối cảnh quan hệ thương mại khu vực và quốc tế trở nên sôi động, Hội An trở thành tụ điểm quan trọng, nơi thu hút thương thuyền nhiều nước đến giao thương buôn bán như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... trong đó, giới thương nhân Nhật Bản được chúa Nguyễn Phúc Nguyên ưu đãi hơn cả bởi những lợi ích mà họ mang lại phù hợp với nhu cầu và bối cảnh lịch sử của Đàng Trong. Theo đó, chúa Nguyễn Phúc Nguyên luôn chủ động xúc tiến mối quan hệ giao thương giữa hai nước, nhất là sau khi chính quyền Mạc Phủ thực thi chính sách Shuinsen (Châu ấn thuyền) vào năm 1602. Không những thế, chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn ưu ái, khuyến mãi đặc biệt đối với thương nhân Nhật Bản trong việc cho phép họ lựa chọn địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán và định cư lâu dài ở Hội An. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái của mình là công chúa Ngọc Hoa cho Araki Sotaro, một thương gia thuộc dòng dõi Samurai Kumamoto của Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Giáo sư Iwao Seiichi cho biết trong suốt thời kỳ Châu ấn thuyền, từ năm 1602 - 1635, đã có 356 thương thuyền Nhật Bản xuất dương ra nước ngoài giao lưu buôn bán, trong đó có 124 thương thuyền buôn bán trực tiếp với Đại Việt và 87 thương thuyền cập cảng thị Hội An (5). Như vậy, giai đoạn trước đây chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chủ trương mở rộng, xây dựng cảng thị Hội An thành thương cảng quốc tế thì về sau chính ông là người đã kết nối, kích thích và thúc đẩy các hoạt động thương mại tại nơi này phát triển.

Trong khoảng hơn 30 năm kể từ khi nhậm chức trấn thủ dinh Quảng Nam, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã xây dựng vùng đất xứ Quảng phát triển toàn diện về nhiều mặt, biến nơi đây thành một trung tâm về kinh tế, chính trị và văn hóa của cả khu vực Đàng Trong. Không chỉ là người có công đầu trong việc mở rộng, xây dựng cảng thị Hội An thành thương cảng quốc tế, chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn đóng vai trò là người kết nối, kích thích và thúc đẩy hoạt động ngoại thương tại nơi này phát triển, từ đó đã tạo tiền đề cho thương cảng Hội An hưng thịnh suốt nhiều thế kỷ trong lịch sử.
 
* Tài liệu tham khảo

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.1, Bản dịch Nxb.Giáo dục, Hà Nội, tr.35-36.

(2) Christoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Bản dịch Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.91.

(3) Dẫn theo Nguyễn Chí Trung, Vận hội thăng hoa của xứ Quảng thời các chúa Nguyễn, bài viết đăng trên website Tạp chí Văn hóa Quảng Nam ngày 6/5/2018.
 
(4) Christoforo Borri, Bản dịch đã dẫn, tr.92.
 
(5) Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.125-126.
 

Tác giả: CN.Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây