Trở lại bối cảnh lịch sử của cả nước nói chung, ở Quảng Nam nói riêng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta diễn ra sôi nổi nhưng đều bị thất bại. Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc lên tàu xuất ngoại thực hiện ước mơ cháy bỏng là giải phóng đất nước khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Sau nhiều năm bôn ba, Người tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin và xác định đây là con đường cứu nước cho dân tộc.
Nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến đến thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào tháng 6/1925, tiến hành mở các lớp huấn luyện, in tác phẩm Đường Kách mệnh để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Sự phát triển của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên dẫn đến sự phân hóa của tổ chức này trong những năm 1929 - 1930, cụ thể là sự ra đời của 3 tổ chức Cộng sản, gồm: Đông Dương Cộng sản đảng vào tháng 6/1929, An Nam Cộng sản đảng vào tháng 9/1929 và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào tháng 01/1930. Mặc dù có những điểm tích cực nhưng sự hoạt động của 3 tổ chức Cộng sản này gây khó khăn cho sự phát triển chung của phong trào cách mạng cả nước. Vì thế, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản này.
Cùng với sự vận động của phong trào cách mạng chung của cả nước, ở Quảng Nam, những tiền đề, điều kiện cần thiết để thành lập tổ chức Đảng ở địa phương cũng đã được các nhân tố đỏ tích cực chuẩn bị. Vào tháng 9/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam được thành lập. Cuối tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - đại diện Xứ ủy Trung kỳ vào truyền đạt thông tin về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và theo gợi ý của Xứ ủy, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng, quyết định ngày làm lễ chính thức đổi tên Đảng của mình (1).
Tối ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một đã diễn ra Hội nghị có ý nghĩa lịch sử mở ra chặng đường đấu tranh mới cho phong trào cách mạng của tỉnh, đó là thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, bầu Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư, đồng chí Phạm Thâm làm phó Bí thư. Hội nghị đã ra Thông cáo thành lập, trong đó nêu rõ:
“Chúng tôi nói để các đồng chí và anh chị em biết phong trào cộng sản nước ta phát triển qua một con đường mới, tức là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập, Đảng của thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ bị áp bức bóc lột ở nước ta…
Phong trào cộng sản tỉnh Quảng Nam ta cùng xu hướng chung với cả nước, nó phát triển trên cơ sở tranh đấu của vô sản dân cày và và những người bị áp bức trong tỉnh… 3 tổ chức cộng sản đều vận động thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ hoạt động cộng sản, việc ấy làm cho quần chúng cách mạng xôn xao không biết nên thế nào cho phải, còn quân thù lăm le chực đàn áp.
May thay, phái viên Đảng Cộng sản Việt Nam đến Quảng Nam báo tin Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập làm cho những người cộng sản thợ thuyền, dân cày và quần chúng lao khổ hết sức hoan hỉ.
Sau khi nghe phái viên của Đảng truyền đạt sách lược và điều lệ của Đảng, chúng tôi, những người trong Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương cộng sản đảng nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ.
Chúng tôi bố cáo cùng các đồng chí cộng sản, các đồng chí Đảng Tân Việt biết Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập, để hướng đạo công nông binh và những người lao khổ bị áp bức tranh đấu thực hiện Chính cương của Đảng” (2)
Như vậy từ đây, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và thống nhất với phong trào đấu tranh của cả nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hồi ký của mình, đồng chí Phan Văn Định kể rằng “giờ phút thiêng liêng ấy làm nhiều đồng chí xúc động. Tôi lúc ấy cũng bùi ngùi không tả nổi… Hôm nay tôi đã được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản, có sức mạnh đoàn kết. Việc thống nhất lại các Đảng cho tôi hiểu, Đảng của mình sắp sửa bước vào cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù” (3).
Thực tế lịch sử cho thấy trên chặng đường 90 năm trôi qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã không ngừng trưởng thành, phát triển, khẳng định vai trò lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà đấu tranh giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến cứu nước và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay. Địa điểm Cây Thông Một trở thành địa chỉ đỏ, mãi mãi khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn trên chặn đường 90 năm đã qua cũng như chặng đường đi lên phía trước của Đảng bộ tỉnh nhà.
Di tích lịch sử Cây Thông Một
* Tài liệu tham khảo:
(1) Theo Mầm giống của Phan Văn Định trong Hồi ký Buổi đầu gieo hạt, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Hội văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, trang 63, 64 và Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Tỉnh ủy Quảng Nam-Thành ủy Đà Nẵng, NXB Chính trị Quốc gia, trang 77-79.
(2) Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Tỉnh ủy Quảng Nam-Thành ủy Đà Nẵng, NXB Chính trị Quốc gia, trang 79.
(3) Theo Mầm giống của Phan Văn Định trong Hồi ký Buổi đầu gieo hạt, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Hội văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, trang 64.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền