Kiến trúc sư Ba Lan - Kazimierz Kwiatkowski với Hội An

Chủ nhật - 24/11/2019 20:14
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về Hội An, trong bài “Quê hương” có đoạn:

Hội An chẳng là QUÊ
Mà là HƯƠNG, khổ thế
Quên QUÊ, ai có thể
HƯƠNG ư ? Ôi dễ gì!

Quả thật, điều gì đã cuốn hút mọi người đến Hội An để rồi như một lẽ tự nhiên lại coi Hội An là nơi thân thương gửi gắm những nghĩ suy và kỷ niệm yêu dấu của đời mình. Sau hơn 20 lần đến sống và làm việc tại Hội An, mãi đến khi trở lại Hội An lần cuối, Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (Kazic) vẫn không cắt nghĩa nổi lòng mình. Anh chỉ có thể nói với các bạn Việt Nam rằng: “Tôi bị Hội An mê hoặc và Tôi tương tư Hội An”.
Tháng 7.1982, bước ra khỏi thung lũng Mỹ Sơn hừng hực hơi nóng nung người, đầy ve vắt và mìn, lựu đạn của cả hai bên gài còn lại sau chiến tranh, Kazic, chuyên gia phục hồi bảo tồn di tích Ba Lan đang công tác tại Hà Nội đã đến Hội An. Người cán bộ phiên dịch cùng đi tiết lộ mục đích đến Hội An là nhân ngày nghỉ cuối tuần, muốn thăm một bãi tắm đẹp. Tiếp Anh trong buổi sơ giao này như một sự tình cờ thật trang trọng nhưng thật thân ái. Trang trọng bởi Anh là người nước ngoài, còn thân ái vì Anh là bạn Ba Lan, vì Ba Lan từ lâu rất quen thuộc trong vai trò giám sát đình chiến ngăn chặn tội ác chiến tranh ở miền Nam Việt Nam khói lửa. Vì hai bên khách và chủ hình như cảm nhận được những điều cần gửi gắm nên ngoài đại diện một số ngành liên quan còn có thêm đồng chí Bí thư và Chủ tịch Thị xã. Sau những thủ tục xã giao thường lệ, Anh xin phép đi thăm phố một vòng, dường như muốn cảm nhận cuộc sống dân gian sau chiến tranh. Còn mang tác phong người lính sâu sát “ba cùng” và không yên tâm để một bạn nước ngoài lội phố, hay vì một lẽ định mệnh thầm kín nào khác, đồng chí Bí thư cùng cán bộ phòng Văn hóa đã trực tiếp hướng dẫn Anh đi. Phố Hội An nghèo, buồn, lặng lẽ. Những ngôi nhà cũ nát dọc đường Trần Phú dưới nắng trưa hè càng thêm tàn tạ vắng vẻ… Nhưng thật lạ lùng, dưới mắt Anh, các ngôi nhà là di tích này “thật tuyệt vời”, ngôi nhà kia “vô cùng giá trị”... Bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, chính Anh lại là người dẫn đường thuyết minh. Như muốn truyền cái đam mê sôi nổi của mình sang cho mọi người cùng đi. Anh nói với đồng chí Bí thư rằng, các bạn đang nắm giữ trong tay mình cả một kho báu... Sự xuất hiện của Anh giữa phố như một sự kiện lạ và truyền vào di tích luồng sinh khí mới. Với ngoại hình to cao cùng mái tóc và bộ râu quai nón trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, Anh say sưa ghi chép, giảng giải. Đứng trước các chủ di tích, Anh bày tỏ những cử chỉ kính trọng và gọi họ bằng từ tiếng Anh-Engel (Thiên thần), ngược lại, những người dân phố lại gọi Anh là Thầy Lang. Đấy là tên một nhân vật thật tốt bụng đầy lòng nhân ái cao thượng trong bộ phim cùng tên của Ba Lan rất hấp dẫn với mọi người vừa chiếu ở rạp 29/3 mấy tháng trước. Nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu ngọn gió nào đã đưa đẩy Thầy Lang đến Hội An điều tra chuẩn bị dựng phim. Một đồn mười, mười đồn trăm, họ tụ tập từng nhóm ở vỉa hè bàn tán xôn xao. Anh không thể ngờ kể từ đó, cùng với những việc làm sau này của Anh cho Hội An, Anh dần dần được người dân phố khắc họa trong lòng mình bức tượng ANH-KAZIC-THẦY LANG.
          
Trở về lại Văn phòng UBND Thị xã, Anh bày tỏ sự xúc động đặc biệt của mình về một Khu phố cổ còn nguyên vẹn. Anh khẳng định quyết tâm của mình dành những ngày nghỉ cuối tuần trong công việc ở Mỹ Sơn để vẽ ghi di tích kiến trúc Hội An mà không cần bất cứ một thù lao hoặc đãi ngộ nào khác. Cá tính mạnh mẽ, dứt khoát. Anh nói là Anh làm. Khởi đầu từ cuối năm 1982 rồi liên tục trong các năm 1983, 1984, Anh cùng các kiến trúc sư của Trung tâm Thiết kế Tu bổ Di tích Trung ương cặm cụi vẽ ghi di tích, lên các loại bản đồ, sơ đồ mặt bằng Khu phố cổ để hướng dẫn các nhà chuyên môn địa phương thiết lập 8 loại của bộ hồ sơ như quy định để trình Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Quốc gia Khu phố cổ Hội An. Hồi ấy chỉ vẽ tay trên giấy Troky oly và scan bằng giấy bóng mờ trên bàn gỗ, chưa có các phương tiện hiện đại và phần mềm Autocad. Toàn bộ công tác phí, mua sắm văn phòng phẩm, trả lương cho đội ngũ KTS hơn 10 người liên tục bám Hội An hàng tháng đều do TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Giám đốc Trung tâm quyết định trích quỹ của đơn vị mình theo yêu cầu của công việc và Kazic với tinh thần “tất cả vì Hội An, cho Hội An”. Để củng cố và quảng bá những giá trị lịch sử - văn hóa của quần thể di tích này, Anh tiếp tục kêu gọi và tác động các nhà khoa học, các cơ quan chức năng tổ chức Hội nghị Khoa học về Khu phố cổ Hội An. Năm 1985, bạn bè gọi đùa Anh là ngòi nổ của 2 sự kiện chấn động trong, ngoài nước. Một là vào tháng 3, Khu phố cổ Hội An đón nhận bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Hai là, vào tháng 7, Hội An mở Hội nghị Khoa học cấp Quốc gia về Khu phố cổ Hội An tại trường Đảng Tỉnh, quy tụ 268 đại biểu, trong đó có 203 nhà khoa học thuộc 40 cơ quan Bộ, Cục, Vụ, Viện, trường Đại học. Riêng Anh, có một bài tham luận khoa học đầy tâm huyết, đánh giá chuẩn xác, mẫu mực về giá trị kiến trúc cổ Hội An. Cũng bắt đầu từ đây, Anh luôn cổ động cho tương lai gần của một trung tâm du lịch miền Trung-Hội An. Anh nói rằng Hội An đang chứa một kho báu di sản, rằng “nếu Anh có một ngôi nhà cổ ở phố Hội An thì chẳng mấy chốc Anh sẽ là tỷ phú”, rằng “nếu ngủ ở khách sạn cao tầng sang trọng bậc nhất ở Đà Nẵng chỉ 10 USD thôi nhưng vẫn là đắt thì Anh sẵn sàng trả 100 USD cho một đêm để được ngủ trong ngôi nhà cổ ở Khu phố cổ Hội An”. Lý do đơn giản là chỉ được đắm mình trong không gian lịch sử văn hóa mới cảm nhận được giá trị của chính mình. Không dừng lại ở những tâm sự ngoài lề của mình với bạn bè, Anh còn viết nhiều bài báo gửi đăng ở Ba Lan, ở Pháp. Vào những năm 86-87 khi đến lại Hội An, Anh thường mang theo những số báo có in bài giới thiệu và ảnh dãy phố cổ Hội An do chính tay Anh chụp để động viên các đồng nghiệp Hội An rằng công việc thầm lặng bảo tồn di tích Hội An đã và đang được thế giới biết đến, rằng hãy yên tâm chỉ vài năm nữa thôi, dân số Hội An sẽ được cộng thêm hàng vạn khách du lịch đến từ nhiều nước, hàng ngàn người từ nơi khác đến làm dịch vụ. Để chứng minh thêm những ý tưởng của mình về tiềm năng du lịch Hội An, Anh đã bỏ nhiều công sức nghiền ngẫm thiết kế tu bổ thích nghi nhà 33-Nguyễn Thái Học thành khách sạn mini, như lời Anh nói, thành một loại Donation box (Phước sương) cho di tích Hội An. Từ những năm 90, đất nước Ba Lan nhiều biến động, điều kiện cho Anh đến Việt Nam ít hơn nhưng Anh vẫn cố gắng vận động những người hảo tâm ở CHLB Đức tài trợ cho việc tu bổ các di tích Mỹ Sơn. Ngay trước khi đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng lúc đang thực hiện chương trình trùng tu các di tích ở Huế bằng nguồn viện trợ của chính phủ Ba Lan, Anh thầm lặng đến Hội An như một chuyến giã từ. Có người hỏi Anh sao nặng lòng với Hội An đến vậy, Anh trầm tư trả lời: Vì ở đấy tôi tìm thấy niềm tự hào nghề nghiệp, vì người Hội An rất tốt, rất mến khách - “ôtrin kharasua”. Và quả thực, Anh đã thương mến gắn bó Hội An bằng cách của riêng mình và bằng chính những việc làm cụ thể đầy ấn tượng. Hình ảnh người kiến trúc sư Ba Lan cao lớn cùng bộ râu quai nón trên gương mặt phúc hậu đứng tựa vào bức vách gỗ đã cũ mục trên đường Trần Phú đang vẽ dãy phố cổ để lên phương án bảo tồn sẽ mãi mãi in đậm trong tâm trí của nhiều người dân Hội An.
          
Sau Anh, nhiều người nước ngoài cũng có trái tim chân tình khác nữa như Anh đã đến với Hội An thật vô tư, tự nguyện. Việc đánh giá họ thuộc về nhân dân công bằng, khách quan, mến khách. Nhưng để di sản Hội An được thân yêu trong lòng bạn bè quốc tế thì nhân dân Hội An cũng vẫn một câu nói khiêm tốn “Hội An nhờ các bạn nhiều lắm”.
 

Tác giả: Nguyễn Đức Minh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây