Về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ nữ thần, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hương cho rằng: “để được bình yên trong cuộc sống, được an toàn trong lao động sản xuất, các cộng đồng cư dân đã tin tưởng vào sự hỗ trợ của các vị thần linh, trong đó có vai trò của các Nữ thần/Mẫu”[1]. Nữ thần là những người phụ nữ có thể là những nhân vật lịch sử hoặc là những nhân vật huyền thoại được phong làm thần linh bởi chính quyền phong kiến hoặc theo quan niệm dân gian. Họ là những đối tượng được nhân dân sùng bái vì họ là những lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra vũ trụ, loài người hoặc là những anh hùng văn hóa có công giúp dân dựng nước, lập làng bản, truyền thụ, mở mang tri thức nghề nghiệp, nêu tấm gương sáng về nghĩa tình, trung hiếu.
Dưới thời kỳ các chúa Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII), Cù Lao Chàm có tên gọi là phường Tân Hợp, thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vào cuối thế kỷ XIX, trong thời kỳ trị vì của triều đình nhà Nguyễn, Cù Lao Chàm có tên gọi phường Tân Hợp, thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Cù Lao Chàm là xã Tân Hiệp, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 18km về phía Đông, là vùng đất có lịch sử cư trú của con người khá lâu đời, đồng thời còn là nơi có cảnh sắc thiên nhiên đẹp với hệ sinh thái tự nhiên vô cùng phong phú. Trải qua thời gian, các thế hệ cư dân ở Cù Lao Chàm đã tạo dựng và để lại cho thế hệ ngày nay một kho tàng di sản văn hóa đa dạng. Trên phương diện văn hóa vật thể, có thể ít ở nơi đâu có số lượng di tích nhiều và đa dạng như ở Cù Lao Chàm. Trên địa phận Cù Lao Chàm hiện nay có 23 di tích tôn giáo – tín ngưỡng phân bố ở Hòn Lao, Hòn Tai và Hòn Dài, trong đó số lượng di tích tập trung nhiều nhất ở Hòn Lao với 20 di tích; cùng với một kho tàng văn hóa dân gian phong phú còn được lưu truyền, bảo lưu. Tất cả đã minh chứng cho bề dày lịch sử - văn hóa của vùng đất Cù Lao Chàm [2]. Bên cạnh các loại hình di tích liên quan đến tín ngưỡng dân gian như thờ cá Ông, Âm Linh, Thành Hoàng, thờ tổ nghề như nghề Yến, nghề cá… còn có các di tích thờ nữ thần. Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Cù Lao Chàm khá đa dạng và phổ biến thông qua sự hiện diện của các thiết chế tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, thực hành nghi lễ thường ngày gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ thần.
Quảng Nam xã chí có ghi chép về các vị nữ thần được thờ phụng ở Cù Lao Chàm, gồm có: Thiên Y Chúa Ngọc, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Ngũ Hành Tiên Nương. Những vị nữ thần nêu trên được triều đình nhà Nguyễn sắc phong để nhân dân phụng thờ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có các vị nữ thần khác được cư dân Cù Lao Chàm lập miếu thờ như: Bà Mụ, Bà Bạch (Bạch Thố Kim Tinh), Bà Mộc, và một vị nữ thần không rõ tên mà cư dân địa phương thường gọi là Cô (lăng Cô).
Tính đến thời điểm hiện nay, có thể thống kê tạm thời ở Cù Lao Chàm có 9 di tích thờ nữ thần trên tổng số 21 di tích tín ngưỡng cộng đồng. Trong lịch sử, có một số tư liệu đã ghi chép về các miếu thờ nữ thần ở Cù Lao Chàm. Quốc Sử quán triều Nguyễn mô tả về Cù Lao Chàm: “Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trán sơn cho cửa biển Đại Chiêm; dân phường Tân Hợp/Hiệp ở phía Nam núi; ruộng đất trên núi có thể cầy cấy, thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đây để lấy củi, nước. Trên núi có nhiều đền thờ như đền thờ 3 vị Phục Ba Tướng quân, đền thờ Cao Các, đền thờ thần Bô Bô và các đền thờ thần: Ngọc Lân, Thành Hoàng, Chúa Lồi, Bạch Mã, Ngũ Hành…” [3]. Rất tiếc, hiện nay những dấu tích về đền thờ các vị nữ thần như Bô Bô, Chúa Lồi trên Cù Lao Chàm không còn(?). Sau đây là một số vị nữ thần được cư dân Cù Lao Chàm sùng bái, tôn thờ.
* Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi: Đây là vị nữ thần đứng đầu trong các vị nữ thần ở Việt Nam thời kỳ phong kiến. Theo cách gọi dân gian thì tục danh của vị nữ thần này có khá nhiều danh xưng khác nhau như: bà Lồi, bà Yang, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ,… Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi nguyên là một vị nữ thần Champa, có tên gọi là Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar. Trong quá trình cộng cư, người Việt đã tiếp thu, biến đổi nhằm phù hợp với phong tục của người Việt. Vị nữ thần này đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong: Hoàng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên - Y -A - Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần. Về tên gọi khác là Bà Chúa Ngọc, có giả thuyết cho rằng: “Bà được thờ ở thôn Hòa Diễn nay thuộc huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tương truyền ở đây có nhiều cọp hay về quấy nhiễu. Người dân lập đền thờ bà, thì bọn sói cọp không hại dân làng nữa. Có lẽ bà Chúa Ngọc này cũng là Thiên Y Ana thánh mẫu. Bà con ở Huế đã rước bà về tôn là bà Chúa Ngọc”[4]. Câu chuyện về Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi theo hướng Việt hóa chủ yếu được xoay quanh theo cốt truyện về một người phụ nữ là con nuôi của hai vợ chồng già làm nghề trồng dưa ở xã Đại An, gần cù lao Huân, Khánh Hòa. Một hôm, người cha có lỡ lời trách mắng nên cô tủi thân khóc lóc, lúc này ngoài bờ biển sóng dâng lên cao, nước chảy cuồn cuộn, một cây gỗ kỳ nam ở đâu trôi lại, cô liền nhập thân vào cây gỗ ấy để xuôi ra biển đến phương Bắc thì dạt vào bờ, sau đó cô gái kết hôn với hoàng tử nước ấy và sinh hạ được một người con gái tên là Quý, người con trai tên là Tri. Sau này bà nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kì nam, vượt biển trở về đúng cù lao Huân thuở trước, nhưng cha mẹ nuôi đã mất. Bà bèn ở lại, lập đền thờ cha mẹ, cùng dân làng khai khẩn ruộng vườn làm cho quê hương trở nên đông vui, giàu có. Cho đến một hôm, bà cùng hai người con bay vút lên trời. Bà tuy đã về trời nhưng sau đó vẫn thường hiển linh để cứu nhân độ thế. Tưởng nhớ ơn đức, tại Nha Trang, dân chúng cùng nhau xây một cái tháp cao sáu trượng để thờ bà. Tại Huế, bà được thờ ở núi Ngọc Trản. Trước đây, đền này thờ thần núi có tên là Ngọc Trản, nhưng về sau Thánh Mẫu Thiên Y A Na được được đưa vào thờ phụng và đổi thành một điện. Nhà vua Đồng Khánh do một số lần cầu cúng thấy có linh nghiệm nên chính thức công nhận bà là Thánh Mẫu, cho đổi tên đền Ngọc Trản thành điện Huệ Nam, dân gian thường gọi là điện Hòn Chén. Thánh Mẫu được tôn xưng là Thiên Y Ana Diễn Phi Chúa Ngọc. Vua ra lệnh mỗi năm có hai lần tế lễ vào mùa xuân, mùa thu với sự tham gia của viên quan Khâm mạng đại thần của triều đình (năm Đồng Khánh thứ nhất – 1886) [5].
Quảng Nam xã chí có ghi lại các lần vị nữ thần Thiên Y A Na được triều đình nhà Nguyễn sắc phong ở làng Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), cụ thể như sau:
Stt | Tên hiệu | Gia phong | Năm tháng |
1 | Thiên Y Chúa Ngọc | Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm thượng đẳng thần | Ngày 17/9 năm Minh Mạng 7 (1826) |
2 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm thượng đẳng thần | Diệu thông | Ngày 12/4 năm Thiệu Trị 3 (1843) |
3 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông thượng đẳng thần | Mặc tướng | Ngày 14/5 năm Thiệu Trị 3 (1843) |
4 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Mặc tướng thượng đẳng thần | Trang huy | Ngày 25/9 năm Tự Đức 3 (1850) |
5 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Mặc tướng, Trang huy thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 24/11 năm Tự Đức 33 (1880) |
6 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Mặc tướng, Trang huy thượng đẳng thần | Dực bảo Trung hưng | Ngày 1/7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) |
7 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Mặc tướng, Trang huy, Dực bảo, Trung hưng thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 11/8 năm Duy Tân 3 (1909) |
8 | Thiên Y Chúa Ngọc Hồng nhơn, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Mặc tướng, Trang huy, Dực bảo, Trung hưng thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 25/7 năm Khải Định 9 (1924) |
* Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương: Đây là vị nữ thần thường hiển linh cứu giúp những tàu thuyền gặp nạn trên biển, bảo vệ bình an cho người dân, có tên gọi dân gian là bà Đại Càn, danh hiệu được triều đình gia phong đầy đủ là: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương thượng đẳng thần. Đây là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất tại nhiều đình làng tại Hội An cũng như nhiều địa phương. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng biển trong cộng đồng dân cư tại chỗ [6]. Theo Quảng Nam xã chí có ghi thông tin về sắc thần vị Đại Càn tại làng Tân Hiệp. Trong tổng số sắc phong của làng là 20 thì có đến 5 sắc phong cho vị Đại Càn, cụ thể như sau:
Stt | Tên hiệu | Gia phong | Năm tháng |
1 | Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương | Trang huy thượng đẳng thần | Ngày 2/11 năm Tự Đức 5 (1852) |
2 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Trang huy tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 24/11 năm Tự Đức 33 (1880) |
3 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Trang huy tứ vị thượng đẳng thần | Dực bảo, Trung hưng thượng đẳng thần | Ngày 1/7 năm Đồng Khánh 2 (1887) |
4 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Trang huy, Dực bảo, Trung hưng tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 11/8 năm Duy Tân 3 (1909) |
5 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Trang huy, Dực bảo, Trung hưng tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 25/7 năm Khải Định 9 (1924) |
Về lai lịch vị Đại Càn đến nay có nhiều câu chuyện kể theo dân gian là chủ yếu. Đại Càn tứ vị thánh nương là các bà thánh mẫu được thờ phụng ở khắp vùng duyên hải nước ta. Các truyền thuyết về vị thần này đều tập trung kể về bà hoàng hậu nhà Tống gặp nạn trên biển cùng hai con gái trôi dạt vào Cửa Cờn, Diễn Châu, Nghệ An, được một vị hòa thượng cứu sống, một thời gian sau, vị hòa thượng này đem lòng yêu mến bà hoàng hậu nhưng bị cự tuyệt, vị hòa thượng cảm thấy hối hận vì đã không giữ được ý chí tu hành bèn tự vẫn. Vì thấy cái chết của ân nhân quá đột ngột, hoàng hậu cảm thấy có lỗi cũng nhảy xuống biển tự vẫn, hai người con gái thấy vậy, quá đau lòng bèn nhảy xuống biển chết theo. Mấy hôm sau, dân chài ở cửa Cờn vớt được xác của ba người xấu số trên, cùng lúc đó những người dân địa phương còn tìm thấy xác của vị hòa thượng tự tử trong ngôi chùa. Từ đó, dân chúng dần hiểu ra câu chuyện đau lòng trên bèn lập đền thờ gọi là đền Cờn để thờ 4 vị trên [7]. Câu chuyện này có phần tương đồng với nội dung ghi chép về đền thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Nghệ An của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục [8]. Có một truyền thuyết khác lại cho rằng thần là hai mẹ con thuộc dòng dõi vua Hùng Vương, bị kẻ xấu hãm hại, bị đầy ra ngoài đảo, đến cửa Càn thì chết, về sau thường hiển linh giúp ngư dân nên được lập đền thờ phụng [9]. Tại Cù Lao Chàm, có hai ngôi đình với quy mô lớn, là đình Tiền Hiền và đình Đại Càn. Rất tiếc, đình Đại Càn hiện nay đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại bình phong dạng cuốn thư, một trụ biểu, một tấm bia đá với hoa văn rồng mây mang phong cách hậu Lê đã bị bào mòn chỉ còn sót lại một số chữ. Theo những chữ còn sót lại trên văn bia cho biết đình được xây dựng vào thời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (năm 1761). Theo hồi cố từ các vị cao niên cùng những dấu vết hiện tồn cho biết trước đây ngôi đình có quy mô rất lớn, được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, có tiền đường và hậu tẩm. Trong đình có bố trí các gian thờ lớn để thờ Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương [10]. Như vậy, có thể nhận thấy vị Đại Càn được cư dân thờ phụng khá sớm ở Cù Lao Chàm. Phần lớn các chư phái tộc các làng biển ở Quảng Nam có nguồn gốc từ vùng Thanh – Nghệ. Theo đó, khi từ vùng quê gốc di cư vào Quảng Nam, người dân Thanh – Nghệ cũng mang theo tín ngưỡng thờ Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương để được thần phù hộ, độ trì trong cuộc sống mưu sinh trên biển. Nguồn gốc dân cư (Đại Việt) trên đảo Cù Lao Chàm từ nhiều nơi khác nhau. Căn cứ vào gia phả các tộc Mai, Nguyễn Văn, Hồ, Lê có thể xác định được các tộc này có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ và một số địa phương ở đất liền (Quảng Nam) ra đây sinh sống [11].
* Ngũ Hành Tiên Nương: Ngũ Hành Tiên Nương là tên gọi chung cho năm vị nữ thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Dân gian gọi chung năm Bà là Bà Ngũ Hành, danh hiệu được triều đình nhà Nguyễn gia phong mỹ tự là: Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang huy Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần. Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp hay sinh sống ở những khu vực khác nhau. Con người thờ Ngũ Hành và cầu mong được thần phù hộ, độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn [12]. Quảng Nam xã chí có ghi lại các lần vị nữ thần Ngũ Hành Tiên Nương được triều đình nhà Nguyễn sắc phong ở làng Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), cụ thể như sau:
Stt | Tên hiệu | Gia phong | Năm tháng |
1 | Ngũ Hành Tiên Nương | Trang huy thượng đẳng thần | Ngày 2/11 năm Tự Đức 5 (1852) |
2 | Ngũ Hành Tiên Nương Trang huy thượng đẳng thần | Đăng trật, không phong mỹ tự | Ngày 24/11 năm Tự Đức 33 (1880) |
3 | Ngũ Hành Tiên Nương Trang huy thượng đẳng thần | Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần | Ngày 1/7 năm Đồng Khánh 2 (1887) |
4 | Ngũ Hành Tiên Nương Trang huy, Dực bảo, Trung hưng thượng đẳng thần | Đăng trật | Ngày 11/8 năm Duy Tân 3 (1909) |
5 | Ngũ Hành Tiên Nương Trang huy, Dực bảo, Trung hưng thượng đẳng thần | Đăng trật | Ngày 25/7 năm Khải Định 9 (1924) |
Hiện nay, tại Cù Lao Chàm còn hiện diện 4 ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương, gồm có: Miếu Ngũ Hành Bãi Hương, miếu Hiệp Hòa, miếu Bà xóm trong, miếu Bà xóm giữa.
- Miếu Ngũ Hành
(thôn Bãi Hương): Miếu Ngũ Hành thuộc địa phận Bãi Hương được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX để thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Miếu có quy mô nhỏ nhưng được xây kiểu cuốn vòm, mái ngói âm dương lợp chặt để phòng gió bão. Bờ nóc trang trí đồ án cá hóa rồng chầu mặt trăng. Đầu đao đắp hình nghê. Miếu có mặt tiền quay về hướng Tây – Tây Nam, nằm trên gò cao, lưng tựa núi, mặt quay về hướng biển. Trong miếu hiện còn lưu giữ được 05 linh tượng Ngũ Hành Tiên Nương đặt ở giữa khám thờ trang nghiêm, hai bên khám thờ đề cặp câu đối chữ Hán:
Nguyên, uy linh phù vũ trụ, hanh / Lợi, ân trọng phước sinh dân, trinh. [13]
- Miếu Hiệp Hòa: Cư dân địa phương thường gọi là lăng Bà, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và đã qua nhiều lần tu sửa. Ngôi miếu tọa lạc trên gò đất cao, bằng phẳng nằm sát biển tại khu dân cư thôn Bãi Làng. Miếu xoay mặt ra biển theo hướng Tây Nam, lưng tựa vào núi. Án ngự trước miếu là bình phong xây bằng gạch vữa vôi, hai bên được tạo dáng thành hai trụ vuông, trên đầu trụ đặt quả cầu. Mặt trước bình phong đắp chữ Thọ tròn, phía trên chữ Thọ có đắp đường cong nối 2 trụ vuông của bình phong. Mặt trong của bình phong có gắn bệ thờ và đắp một khám thờ. Chính giữa khám thờ đắp nổi chữ Hán:
Thần. Miếu xây theo kiểu cuốn vòm, một hình thức kiến trúc lăng miếu phổ biến ở miền trung Việt Nam. Mặt bằng miếu được kiến trúc theo hình thức tiền đường hậu tẩm. Tường bao khá dày vừa chịu lực vừa mang chức năng bao che, được xây bằng gạch vữa vôi và san hô, một loại vật liệu có sẵn tại địa phương. Hệ mái lợp ngói âm dương, điểm kết thúc của các vồng ngói ở mái trước gắn trang trí vỏ con điệp – một loại nhuyễn thể ở biển. Phía trên mái trước, tại vị trí phân cách giữa tiền đường và hậu tẩm có bờ đắp ngang cong hình thuyền giả làm bờ nóc của tiền đường. Trên bờ ngang này trang trí đề tài
“lưỡng phụng chầu nguyệt”. Bờ chảy của tiền đường đắp giật cấp, đỉnh bờ chảy ngang, cuối bờ chảy trang trí dao lá. Bờ nóc của hậu tẩm đắp cong hình thuyền, chia thành 3 ô, trong đó ô ở giữa đắp/cẩn đồ vật trong bát bửu, ô hai bên đắp/cẩn hoa quả. Bên trên bờ nóc trang trí đề tài
“quỳ long mặt trời”. Bờ chảy của hậu tẩm cũng giật cấp, đỉnh bờ chảy nhọn, cuối bờ chảy trang trí các dao lá. Đầu hồi của hậu tẩm đắp/cẩn mảnh sứ đồ vật trong bát bửu. Hai bên cánh cửa chính dẫn vào miếu đắp câu đối chữ Hán:
Ngũ sắc tường vân lung thánh tọa / Thiên thu ân vụ phúc dân lư. Nội thất miếu hẹp, chỉ bố trí các bệ thờ xây bằng gạch, bên trên bệ đặt đồ tự khí. Tường phía trên bệ thờ bên phải hậu tẩm đề chữ Hán:
Hữu ban (trong khuôn viền hình chữ nhật, bên trên vẽ trang trí đề tài hoa dây – chim). Tường phía trên bệ thờ bên trái hậu tẩm đề chữ Hán:
Tả ban (trong khuôn viền hình chữ nhật, bên trên vẽ trang trí đề tài hoa dây). Phía trên vòm cửa vào hậu tẩm có hoành đề chữ Hán:
Hiệp Hòa. Giữa tẩm có bệ thờ xây bằng gạch, chính giữa mặt trước bệ thờ trang trí chữ Thọ tròn, hai bên vẽ trang trí hai đóa sen mềm mại. Trên bệ đặt khám thờ kiểu khung gỗ lắp kính và bộ tam sự. Bên trong khám có đặt thờ 04 linh tượng trong bộ tượng Ngũ Hành Tiên Nương. Hằng năm, vào ngày 14 tháng giêng, nhân dân thôn Bãi Làng tổ chức cúng cầu an tại miếu, lễ cúng diễn ra rất linh đình với sự tham gia của các cụ cao niên cùng đông đảo nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ đến công đức của các vị Tiên Nương đã độ trì trong năm cũ và cầu mong năm mới làm ăn được thuận lợi, mọi việc được hanh thông. [14]
- Miếu Bà xóm trong: Miếu có tên chữ là:
Quang Bích Đường, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX. Miếu có kết cấu kiểu chữ T với hậu tẩm ở sau. Nội thất cuốn vòm. Mái giả âm dương, có 2 bờ nóc. Bờ nóc hiên đắp cá hóa rồng, mặt trời; bờ nóc dưới hình cuốn thư, mặt trăng; đầu đao đắp tượng lân. Tường vôi, gạch, xung quanh miếu có tường bao bọc, ngoài cùng có bình phong, mặt trong đắp cẩn trang trí chữ Thọ bằng vôi, sành sứ, mặt ngoài trang trí đề tài sơn thủy. Trên bình phong tạo khám thờ có mái, giữa khám trang trí đề tài chim phượng. Về thờ tự, trong hậu tẩm có khám thờ bằng xi măng, hai bên tường đối diện nhau, về phía bên trái đề chữ Hán:
Danh tài, bên phải đề:
Đức hiển. Trong tiền đường, bệ thờ bên trái đề chữ Hán:
Quang Tiền; bệ thờ bên phải đề:
Hiển hậu; trên vòm đắp chữ Hán:
Quang Bích Đường, tường hai bên có liễn đối chữ Hán:
Nhị khí bố dân an vật cách / Tứ thời chiêu hải yến ba bình. Trên vòm lối vào miếu đắp bức hoành, bề mặt khảm sành các chữ Hán:
Trung Lộc ấp. Bình phong mặt trong có bệ thờ bằng xi măng, chính giữa bình phong khảm sành chữ Thọ vuông, phía trên có khám thờ đúc bằng xi măng, trong khám thờ vẽ đề tài chim hạc, hai đỉnh trụ biểu bình phong có dạng hình hoa sen. Lễ cúng tại miếu được nhân dân địa phương tổ chức hằng năm nhằm ngày rằm tháng giêng với sự tham gia đông đảo của bà con địa phương. [15]
- Miếu Bà xóm Giữa: Ngôi miếu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX để thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Miếu có mặt tiền quay theo hướng Tây, nằm sát núi, cao hơn mực nước biển khoảng 10m. Miếu dựng trên một vị trí cao, lưng dựa vào núi, xung quanh xây nền cao bằng xi măng, đá. Miếu có diện tích hẹp, nội thất tạo dáng cuốn vòm, tường bao bằng gạch. Mái có cổ diêm, bờ nóc trang trí đề tài giao long mặt trời, cổ diêm đắp cẩn hoa lá. Trước miếu có sân nối với bình phong. Mặt trước bình phong đắp nổi đề tài hình con hổ, mặt sau đắp chim phượng, nai. Kế đến phía sau bình phong có xây bệ thờ thấp. Trong miếu bố trí một bàn thờ, có khám thờ gỗ, trán chạm đề tài
“Lưỡng Long tranh châu”, trong khám thờ đặt 05 tượng Ngũ Hành Tiên Nương bằng chất liệu đất nung. Hằng năm, cư dân địa phương tổ chức lễ cúng tại miếu vào các ngày 15, 16 tháng giêng với sự tham gia đông đảo của cư dân địa phương. [16]
* Bà Mụ: Bà Mụ là danh xưng dùng để chỉ chung cho 15 vị thánh gồm
“Ba bà Chúa Sanh Thai” còn gọi là
“Sanh Thai nương nương” và
“12 bà mụ” còn gọi là
“thập nhị Hoa Bà” hay
“Kim Hoa nương nương”. Có nhiều nguồn tài liệu nhắc đến sự tích Bà Mụ, trong tác phẩm Lược khảo về thần thoại Việt Nam tác giả Nguyễn Đổng Chi viết:
“Sự tích của 12 vị nữ thần này hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách lờ mờ. Có thuyết nói đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loại người…”, hay Lê Quý Đôn trong tác phẩm Vân đài loại ngữ viết:
“Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bày tiệc ăn mừng…”. Theo quan niệm dân gian của cộng đồng người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên - Bà chúa Đầu thai và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 Tiên Nương - hay còn gọi là 12 Bà Mụ nặn ra ban cho. Tục thờ cúng bà Mụ là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, lệ tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong nhiều tác phẩm. Sanh thai nương nương là 3 bà Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu; 3 bà đã được phong thần và có nhiệm vụ chuyên lo nặn tạo bào thai, 12 bà Mụ - Kim Hoa nương nương thì chuyên lo việc dạy cho đứa trẻ sau khi sinh biết khóc, biết cười, biết ngủ, biết lật,... Tại Hội An, từ xa xưa đã có các công trình tín ngưỡng thờ Bà Mụ như chùa Bà Mụ của người làng Minh Hương, hội quán Phước Kiến và miếu Bà Mụ ở Cù Lao Chàm. Miếu Bà Mụ ở Cù Lao Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19 trên một vị trí cao của Hòn Gieo nhìn ra biển, nơi trước đây tấp nập tàu thuyền qua lại. Di tích liên quan đến tín ngưỡng phồn thực, đến sự sinh sôi phát triển, thể hiện qua việc thờ Bà Mụ cùng những vị nữ thần bảo trợ bà mẹ, trẻ em, bảo trợ việc sinh nở cùng các sinh hoạt liên quan đến lĩnh vực này. Tuy miếu có quy mô nhỏ, thấp nhưng với lối kiến trúc cuốn vòm đặc trưng ở Cù Lao Chàm. Mái lợp ngói âm dương, cửa ra vào trổ ở đầu hồi. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến di tích này cùng các tục lệ về cầu tự, cầu được bình an khi sinh nở hiện lưu truyền tại địa phương phần nào thể hiện sự quan trọng của di tích miếu Bà Mụ trong đời sống tinh thần của cư dân dân vùng đảo Cù Lao Chàm trước đây cũng như hiện nay. Các cụ cao niên cho biết tại đây mỗi khi có sự cố sinh đẻ khó khăn thì các bà thường đến đây cầu khẩn để mẹ tròn con vuông. Đối chiếu với các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hội An, ngoài chùa Bà Mụ
(trước đây) và hội quán Phước Kiến có thờ Bà Mụ thì chỉ có Cù Lao Chàm là có cơ sở thờ tự Bà Mụ, có thể xem là một hiện tượng khá thú vị. [17]
* Bà Chúa Mộc: Bên cạnh các công trình thuộc thiết chế văn hóa – tín ngưỡng làng xã, cộng đồng cư dân Việt sinh sống tại Cù Lao Chàm còn xây dựng một số công trình khác để thờ tự các vị thần liên quan đến nghề nghiệp, đất đai, khe suối, núi rừng, biển cả…theo quan niệm của mình. Miếu Bà Mộc tại rừng Cấm thuộc xóm Cấm được hình thành trên cơ sở đó. Ngôi miếu được cư dân địa phương xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Về lai lịch vị thần này, hiện cư dân địa phương không rõ là thờ bà nào nhưng qua khảo sát thì ngôi miếu này có thể là miếu thờ Mộc trụ thần xà, một loài vật liên quan đến biển [18].
* Bạch Thố Kim Tinh: Về lai lịch vị Bạch Thố Kim Tinh, hiện nay chưa có tư liệu để xác định danh tính vị nữ thần này. Trong Quảng Nam xã chí ghi chép về các vị nữ thần được sắc thần của triều đình ở Cù Lao Chàm cũng không thấy nhắc đến. Qua tra cứu các vị nữ thần được triều đình sắc phong trong tập Quảng Nam xã chí đối với các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hội An, chỉ thấy ở làng Cẩm Phô được triều đình sắc phong vị nữ thần Bạch Thố Kim Tinh này 2 lần vào ngày 18/3 năm Khải Định thứ 2
(năm 1917) tước phong: Trinh Uyển hạ đẳng thần và ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9
(năm 1924) gia tặng mỹ hiệu: Trai Tịnh trung đẳng thần. Tại làng Điển Hội
(Hội An xã), tra trong Quảng Nam xã chí thì không thấy nhắc đến việc sắc phong vị Bạch Thố Kim Tinh, nhưng ở mục thần tích thì có nhắc đến như sau:
“…Bạch Thố, theo lời truyền khẩu của các kỳ lão thì là một vì sao, nhưng không rõ thần tích”[19]; hiện nay, trong đình Hội An
(đình Ông Voi) còn lưu giữ bài vị với nội dung: Bạch Thố Kim Tinh Thần Nữ Chi Linh Vị. Tại thôn Cấm, Cù Lao Chàm hiện nay còn hiện diện ngôi miếu thờ Bạch Thố Kim Tinh, cư dân địa phương thường gọi là lăng Bà Bạch hay lăng Bà Lớn. Hiện nay chưa tìm thấy tư liệu để xác định niên đại xây dựng của ngôi miếu này. Song, theo hồi cố của những vị cao niên thì lăng đã trải qua nhiều lần tu bổ tôn tạo thêm ở các hạng mục, trong đó có nơi thờ bà Mộc, Hỏa, Thổ. Ngôi miếu tọa lạc trên sườn núi cao khoảng 9m so với mặt nước biển, dưới chân sườn núi ở phía Tây Nam là đường đi nằm sát bờ biển nối thôn Bãi Làng với thôn Cấm. Trong khuôn viên di tích, ngoài công trình chính thờ Bạch Thố Kim Tinh Thần Nữ còn có một số công trình khác thờ bà Mộc, bà Thổ, bà Hỏa và Chúa Ngọc Lân Long Vương Ngư Thủy. Những công trình thờ bà Mộc, Hỏa và Chúa Ngọc Lân Long Vương Ngư Thủy có quy mô nhỏ
(như khám thờ), được xây bằng gạch có thêm tấm bê tông cốt thép lót làm bệ, có cửa ở phía trước, mái có trang trí dao lá và đĩa đất nung tráng men vẽ màu, bên trong đặt tượng và bài vị. Riêng công trình thờ bà Thổ có quy mô lớn hơn với phía trước là bình phong đề chữ Thọ tròn, cửa chống làm bằng khung gỗ đóng tôn, nội thất có bệ thờ cao giật thành ba cấp được xây bằng gạch và vẽ nhiều đề tài như chim phượng, hoa sen, tường xây bằng gạch với hai bên trang trí hình con dơi, mái dốc lợp bằng những tấm bê tông, bờ nóc và bờ chảy trang trí đề tài gồm lân, chim phượng, quả cầu. Công trình chính thờ Bạch Thố Kim Tinh Thần Nữ có mặt tiền xoay theo hướng Tây Nam, có quy mô khá lớn gồm Tiền đường và hậu tẩm, ngoài ra còn có một gian nhỏ nối hậu tẩm với tiền đường, được trang hoàng bởi những bức hoành, liễn đối đắp bằng xi măng hay liễn vải nhiều màu sắc… và những đề tài tranh vẽ ở vị trí các bàn thờ, bố trí 7 bàn thờ, trong đó ở tiền đường có 4 bàn thờ, gian nối tiền đường với hậu tẩm bố trí 2 bàn thờ, hậu tẩm bố trí 1 bàn thờ. Bàn thờ ở hậu tẩm là bàn thờ chính được trang trí bằng hình thức vẽ màu với đề tài chim phượng, rồng, hoa quả và một số đồ án khác, trên bàn thờ đặt tượng Ngũ Hành và bài vị đề chữ Hán:
Bạch Thố Kim Tinh Thần Nữ. [20]
* Thờ Cô: Về lai lịch vị nữ thần này hiện nay chưa được rõ, tương truyền đây là vị nữ thần thường hiển linh cứu giúp những người ngư dân gặp nạn trên biển. Hiện nay, tại thôn Bãi Làng, Cù Lao Chàm có miếu thờ vị thần này, có tên gọi là miếu Cô, cư dân địa phương thường gọi là lăng Cô. Ngôi miếu có quy mô nhỏ, niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc và bờ hồi được trang trí các con giống và hoa lá cách điệu. Phía trước đắp nổi bức hoành gồm 4 chữ
Anh linh hiển hách. Xa xưa nơi này là nghĩa địa, những người làm nghề lưới sòng cùng dân xóm Đình đóng góp kinh phí xây dựng ngôi miếu để thờ vị nữ thần này. Về sau, do chiến tranh nhiều người trong đất liền đổ đến cư trú thành Xóm Mới nên miếu nằm giữa xóm. [21]
Có thể nói, tín ngưỡng thờ nữ thần đã đi sâu vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm, phản ánh vai trò quan trọng của tín ngưỡng nữ thần trong đời sống tâm linh của con người nơi đây, đồng thời thông qua đó còn thể hiện sự giao thoa văn hóa của vùng đất Cù Lao Chàm trong tiến trình lịch sử, góp phần làm phong phú, đa dạng loại hình di sản văn hóa địa phương - Cù Lao Chàm nói riêng, Hội An nói chung.
* Tài liệu trích dẫn:1. Nguyễn Xuân Hương (2011),
Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, tr.12.
2.
https://hoianheritage.net/vi/ebook/NGHIEP-VU-BAO-TON-BAO-TANG/Di-tich-danh-thang-Cu-Lao-Cham-9.html.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam Nhất thống Chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr 358-359.
4. Vũ Ngọc Khánh – Mai Ngọc Chúc – Phạm Hồng Hà (2002),
Nữ thần và Thánh mẫu Việt Nam, Nxb Thanh niên, tr.224.
5. Vũ Ngọc Khánh – Mai Ngọc Chúc – Phạm Hồng Hà (2002),
Nữ thần và Thánh mẫu Việt Nam, Nxb Thanh niên, tr.176 – 187.
6. Trần Văn An, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, số 02 (34)-2016,
Các vị thần biển được thờ/tôn sùng tại các đình làng, lăng, miếu ở Hội An, tr.31.
7. Vũ Ngọc Khánh – Mai Ngọc Chúc – Phạm Hồng Hà (2002),
Nữ thần và Thánh mẫu Việt Nam, Nxb Thanh niên, tr.156 – 162.
8. Dương Văn An,
Ô Châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.95-97.
9. Dương Văn An,
Ô Châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.97-98.
10.
https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/Dinh-Dai-Can-Tan-Hiep-193.html11. Ngô Đức Chí,
Đời sống cư dân Cù Lao Chàm dưới triều Nguyễn, tạp chí Văn hóa Quảng Nam – 5 năm tạp chí Văn hóa Quảng Nam 2013-2017, Nxb Đà Nẵng, tr320.
12. Ngô Đức Thịnh,
Ba dạng thức thờ Mẫu của người Việt, Website của khoa Văn hóa học, trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM.
13,14,15,16,17,20, 21. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
18. Trần Văn An,
Các vị thần biển được thờ/tôn sùng tại các đình làng, lăng, miếu ở Hội An, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, số 02 (34)-2016.
19. Viện Viễn Đông Bác cổ
(1941-1943), Quảng Nam xã chí.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền