Trò chơi dân gian của trẻ con ở Hội An

Chủ nhật - 15/09/2019 22:39
Rất nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi trẻ con Hội An bây giờ ít chơi những trò dân gian xưa, những trò mà chỉ mới cách đây một thế hệ, anh chị, cha mẹ của các em đã từng gắn bó, thân thiết vô cùng.
Xưa, trò chơi dân gian là niềm vui bất tận, cuốn hút trẻ con đến quên ăn quên ngủ. Có rất nhiều sự lựa chọn hấp dẫn cho lũ trẻ. Có thể chơi cùng một bạn hay họp thành nhóm, chơi trong hiên nhà, ngoài sân vườn, trước ngõ hoặc í ới nhau ra sân chùa, đình làng, ra đồng ra bãi. Chơi cả ngày và tận buổi đêm nữa, lúc nào cũng có thể nghĩ đến một trò nào đó lý thú khi tụ hội cùng nhau. Chơi để tự tìm kiếm niềm vui lúc cha mẹ bận lo công việc, chơi quên cả giờ cơm để mẹ phải gọi về,trốn cả giờ ngủ trưa để được chơi cho thỏa thích. Như vậy đó, lôi cuốn lắm chứ, hấp dẫn lắm chứ.

Nhiều trò chơi của trẻ con ngày đó giống như sự thách đố, thi thố tài nghệ. Ai khéo léo, lanh tay chân, lẹ mắt, nhanh trí, thính nhạy hơn thì thắng cuộc, như các trò: bắn bi, nhảy dây, lò cò, đánh nẻ, ô làng, bịt mắt bắt dê, chơi keng, bắn bùm, banh lách… Các trò chơi dân gian đều không đòi hỏi cầu kỳ về đồ chơi, rất gần gũi, giản đơn. Có khi, đó là nắm lá vo tròn rồi cột dây lại thành banh ném trong trò chơi banh lách, là trái cam non làm banh chơi nẻ cùng mấy que tre vót đều, thậm chí chiếc tàucau khô quắt rụng trong vườn cũng trở thành món đồ chơi mê thích; với mấy cái nắp nghêu, gáo dừa, que củi, mấy đứa trẻ tha hồ tưởng tượng rồi nhập đủ các loại vai, làm đủ thứ nghề, nấu đủ món ngon.

Điều đặc biệt là tất cả các trò chơi dân gian đều cần có sự kết nối thì mới diễn ra được. Một đứa trẻ con bắt đầu ngồi vững thì đã có thể đùa vui vớingười lớn trong nhà qua những trò thân mật, thường là mặt đối mặt, tăng cường khả năng giao tiếp, nhận biết những nét biểu đạt trên gương mặt người đối diện. Người lớn vừa chơi vừa hát những khúc đồng dao ngắn cho bé vui tai và tập nói. Trò tập tầm vôngvới lời:“Tập tầm vông tay không tay có/ Tập tầm vó tay có tay không/ Mời các bạn đoán sao cho  trúng/ Tập tầm vó tay nào có tay nào không/ Có có không không.Trò làm ngựa cho bé cưỡi có câu:Nhông nhông nhông ngựa ông đã về/Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn.Trò kéo cưa thì có đến mấy lời:

1. Cù cưa cút kít/Ăn ít ăn nhiều/Nằm đâu ngủ đấy/Nó lấy mất cưa/Lấy gì mà kéo.
2. Kéo cưa lừa xẻ/Ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua/Ông thợ nào thua/ Thì về bú tý.
3. Cút kít cù cưa/Đi chợ mua dưa/Về kho mắm thúi.
 
Khi đứa bé lớn lên một chút, có bạn hàng xóm, bạn học, chúng bày ra rất nhiều trò để cùng chơi với nhau.Haiđứa trẻcó thể cùng nhau chơi đồ hàng, nhảy dây, ô làng, bắn bi, đánh nẻ, lò cò, thi bắn ống thụt, đá cỏ gà,cưỡi ngựa tàu mo… Nếu họp được 3 đứa trở lên thì có thể tổ chức các trò vui nhộn hơn như: chơi keng, năm mười, bắn bùm, ma gia lên bờ, kéo co, huých cùi chân, bịt mắt bắt dê, banh lách, đánh trận giả… Có khi người lớn tham gia cùng trẻ con để hướng dẫn, hoặc hỗ trợ làm những món đồ chơi cần có chút kỹ thuật như: gấp lá dừa, làm đèn lồng, đầu lân, làm diều,ná, nặn tò he, làm người nộm…

Với nhiều trò chơi được đặt lời đồng dao, trẻ em vừa mặc sức nô đùa chạy nhảy, vừa nghêu ngao hát hò vui vẻ tạo không khí vô cùng sôi nổi, càng thêm hiệu quả kết nối, phấn khích tinh thần, rèn luyện trí não. Phổ biến nhất có các trò đi chợ về chợ, rồng rắn lên mây, ma gia lên bờ, đánh nẻ… Trò đi chợ về chợ thường được các em gái yêu thích hơn, chắc có lẽ vì gắn với hình ảnh của mẹ, của chị và cả của mình sau này. Đầu tiên, hai em ngồi đối diện nhau, chừa một khoảng ở giữa để một hay những em khác đi qua rồi đáo lại, vừa đi vừa hô. Tương ứng với mỗi lời hô ấy, các em ngồi sẽ chồng thêm chân, tay, cứ thế nâng dần độ cao, tăng thêm thử thách cho cả đôi bên.

“đi chợ/ về chợ                    (chưa đưa chân) 
đi canh một/ về canh một   (đưa một bàn chân) 
đi canh hai/ về canh hai     (chồng thêm một chân, là hai bàn chân) 
đi canh ba/ về canh ba       (chồng thêm, ba bàn chân) 
đi canh bốn/ về canh bốn   (chồng thêm, bốn bàn chân) 
đi sen nụ/ về sen nụ        (chồng thêm một bàn tay chụm lại) 
đi sen nở/ về sen nở            (chồng thêm bàn tay hơi xòe nở) 
đi sen tàn/ về sen tàn”        (bàn tay hoa nở xòe rộng hết cỡ)

Hai em ngồi chồng chân và xòe tay phải giữ thăng bằng, nếu bị đổ chân là thua.  Những em đi qua đi lại nhảy qua nhảy về nếu bị đụng chân hay tay hai em kia là thua.Ai thua thì bị loại, em khác vào thay.Trò này đòi hỏi ở các em nhỏ sự khéo léo, dẻo dai và có sức bật cao, như là tập thể dục vậy.

Trò chơi dân gian có khi đơn giản là ngồi hát với nhau mấy câu đồng dao, vừa hát vừa vỗ nhịp theo lời ca cũng rộn rã niềm vui, tiếng cười. Có lẽ cũng xưa như cổ tích, từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ và dành tặng những gì êm ái, hồn nhiên nhất của ngôn từ để chuyện trò với trẻ conthì khúc hát đồng dao đã đến làm bạn cùng tuổi thơ, dạy cho trẻ con biết nói, dạy trẻ con biết chơi đùa,hình thành những hiểu biết ban đầu về thế giới xung quanh vàcả nhữngkhái niệm khá trừu tượng về các mối quan hệ gia đình, hiện tượng thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước. Ngoài những bài quen thuộc mà ngày nay nhiều trẻ con biết hát như Bắc kim thang, Thằng bờm, trẻ con ở Hội An ngày trước cũng thường hát các bài đồng dao kiểu chọc ghẹo pha trò: Chị ăn cá/ Em mút xương/Chị nằm giường/ Em nằm đất/Chị ăn mật/Em liếm ve/Chị ăn chè/Em liếm bát/Chị coi hát/Em vỗ tay/Chị ăn mày/Em bốc chợ (xách bị), có bài đồng dao như đưa từng nét vẽ, phác dần hình hài của mặt trăng từ đầu đến cuối tháng (theo âm lịch): Mồng một lưỡi trai/Mồng hai lá lúa/Mồng ba câu liêm/Mồng bốn lưỡi liềm/Mồng năm liềm giật/Mồng sáu thật trăng/ Mười rằm trăng náu/ mười sáu trăng treo…Ba mươi chẳng thấy mặt mày trăng đâu.Không chỉ là kho ngôn từ dào dạt, sống động, đồng dao còn ắp đầy tính nhạc, tính họa, dội vào tâm hồn trong trẻo của trẻ con và tất cả nguyên vẹn ở đấy,suốt cả cuộc đời. Con nít con nít/Cái mình nhỏ xít/Đội mũ lá mít/Cưỡi ngựa tàu cau/Đứa trước đứa sau/Rủ nhau một lũ/Ăn rồi đi ngủ/Ngủ dậy đi chơi/Xuống nước tập bơi/Lên bờ đánh đá/Miệng thổi kèn lá/Tay xách cờ tre/Rủ nhau hè hè/Giả đò đánh giặc.

Trò được bọn trẻ con mong chờ nhất là múa lân, rước đèn vì mỗi năm chỉ được chơi có vài ngàyvào đêm rằm Trung thu. Ngày xưa, đường làng ngõ xóm ít xe cộ lại qua, cũng không đầy rẫy đèn điện sáng choang như bây giờ. Đám rước lân kéo hàng dài có đến hơn chục đứalớn nhỏ, đứa múa lân, dũ đuôi, đứa đánh trống, đứa gõ thanh la, xập xõa, đứa làm ông địa, đứa rước đèn, đứa cầm đuốc…Lũ trẻ rước đèn thường đi sau ót vì không dám đi nhanh, sợ đèn bị gió tạt cháy. Thỉnh thoảng có đèn hết bịch lạp, cả đám lại túm tụm vào soi cho bạn thay và mồi lửa. Dưới ánh trăng vằng vặc đêm rằm, lửa đuốc bập bùng, từng chùm sáng từ mấy chiếc đèn lồng cứ lung linh chao liệng, quấn quít theo những bước chân bé nhỏ, tiếng nói cười râm ran khắp cùng ngõ xóm, phố phường.Nhịp trống rộn ràng thúc giục, điệu múa của chú lân sặc sỡ sắc màu lúc oai vệ, khi ngây ngô bé dạitrong không gian ánh sáng huyền ảo ấy có sức cám dỗ kỳ lạvới bọn trẻ, nên không có đứa nhỏ nào là không háo hức. Chúng rủ nhau tập tành từ độ nửa tháng trước rằm, tiếng trống thùng thùng đầu làng cuối xóm càng khiến lòng người thêm hồi hộp mong ngóng; rồi thì làm đầu lân, trang trí sao cho ấn tượng, đẹp hơn năm ngoái,làm đuốc, mặt nạ ông địa, kết các kiểuđèn lồng: ông sao, đèn xếp, đèn kéo quân… cuốn chúng theo đến quên ăn quên ngủ.Tiếc rằng, Trung thu ở Hội An đang thưa dần những đội lân nhímang dáng vẻ ngây thơ, đáng yêu, lục tục kéo nhau đi hết đường ngang ngõ vắng của xóm làng. Bây giờ,nhiều khi nghe tiếng trống, tiếng xập xõa rộn ràng đấy nhưng nhìn ra đường chỉ thấy chiếc xe tải chở đội lân lao đi vun vút, thoáng chút hơi lạnh của sự thương mại hóa thổi vào lòng người dân phố.

Thời gian qua, Hội An đã duy trì nhiều hoạt động ý nghĩa cho trẻ em như tổ chức phá cỗ đêm rằm, hội thi múa lân-rồng-thiên cẩu, rước đèn đêm Trung thutại khu phố cổ, tổ chức dạy hát dân ca hàng đêm- cũng trong khu phố cổ. Các hoạt động này thật sự bổ ích và hấp dẫn, rất cần thành phố đầu tư thêm để phong phú hơn và rộng mở không gian hơn, cũng là để cho nhiều trẻ em được thụ hưởng hơn. Tại những vùng ven phố cổ, lãnh đạođịa phương cần quan tâm tạo nên không gian Trung thu không ánh đèn điện, khuyến khích những đám múa lân, rước đèn vừa đi vừa ê a đồng dao khắp xóm làng thì Đêm rằm sẽ đậm chất cổ hơn, gần gũi mà lung linh với tuổi thơ hơn.Ngoài dân ca, cần bày trẻ hát đồng dao, chơi trò chơi dân gian, khuyến khích các địa phương tổ chức thường xuyên hoặc tập trung trong khoảng thời gian nghỉ hè; bố trí các hoạt động này trong Công viên Hội An và mời tình nguyện viên để giới thiệu, hướng dẫn các cháu nhỏ tham gia.Một khi không gian phố thị và cả nông thôn đang chật hẹp dần, mối quan hệ hàng xóm láng giềng đã ít mặn mà đi,không còn nhiều cơ hội cho trò chơi dân gian diễn ra, hãy dành tặng nhiều khoảng không công cộng cho các cháu nhỏ để tăng sự kết nối, quan hệ giao tiếp cộng đồng của trẻ, cũng là để nỗ lực gìn giữ nét sinh hoạt văn hóa mộc mạc mà sâu sắc, nhân văn của vốn xưa ông cha để lại.
 
 

 

Tác giả: Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây