Theo nhận định của Giáo sư Trương Dĩnh trong bài nghiên cứu "Tìm hiểu thêm về một câu ca dao kỳ lạ của xứ Quảng", in trong Kỷ yếu hội thảo "Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng" (2001), đây chính là bản gốc của nhiều dị bản đang lưu truyền tại Quảng Nam trong đó có Hội An. Câu ca dao là tiếng lòng mộc mạc, chân tình về vùng đất đầy nắng gió khắc nghiệt nhưng cũng dễ khiến người ta say mê. Không đài các, hoa lệ như miền Bắc, không mênh mông, hào sảng như miền Nam, đất và người Quảng Nam quyện cùng hơi muối biển, gió Lào, đem đến một vẻ đẹp hồn hậu, chân chất, tưởng thô cứng nhưng lại hết sức mặn mà. Không phải ai cũng biết đến rượu Hồng Đào, càng không phải ai cũng từng được nếm thử, nhưng câu ca dao gắn liền Quảng Nam với thứ thức uống đầy si mê kia lại trở thành lời mở đầu cho hàng chục biến thể. Trong kho tàng văn học dân gian Quảng Nam, có lẽ, đây là câu ca dao được người dân thuộc nhiều nhất và cũng là mệnh đề được sử dụng phổ biến nhất để các tác giả sáng tạo.
Đợt điều tra, khảo sát, sưu tầm ngữ văn dân gian Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019 trên toàn địa bàn thành phố đã ghi nhận được nhiều dị bản của câu ca dao trên như sau:
1. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Em thương anh cha mẹ không hay
Như ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào (1)
2. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Bạn về đừng ngủ gác tay
Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo (2)
3. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Thử nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta (3)
4. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào mới nhấm đã say
Người dân đất Quảng xưa nay
Cần cù chất phác đêm ngày lo toan (4)
5. Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Đất anh hùng trung dũng là đây
Chín năm kháng chiến đánh tây
Hai mươi mốt năm chống Mỹ đến ngày vinh quang
Tiễn con đi mẹ vẫn mãi ngóng trông
Năm cùng tháng hạn mà con không về (5)
6. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say
Bạn về đất Quảng mà hay
Dân ca mộc mạc nghĩa tình lạ thay (6)
7. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
Tình ta như chén rượu đầy
Hương kia càng đượm càng say càng nồng (7)
Năm 2010, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Quy Nhơn có tổ chức đợt sưu tầm văn học dân gian tại Hội An. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, sinh viên trường Đại học Quy Nhơn đã sưu tầm được rất nhiều đơn vị ngữ văn dân gian. Trong số đó có 01 dị bản của câu ca dao trên:
8. Đất Quảng Nam, chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Ðối với ai ơn trọng, nghĩa dày
Một hột cơm cũng nhớ, một gáo nước đầy chưa quên (8)
Lần theo các công trình sưu tầm, biên khảo, những bài báo của nhiều thế hệ đi trước, chúng tôi đã thống kê được 21 di bản của câu ca dao trên. Trong đó, sách "Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng" do tác giả Nguyễn Văn Bổn biên soạn, được Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1983, có tổng cộng 12 dị bản (09 dị bản được sưu tầm tại Quảng Nam và 3 dị bản được sưu tầm ở Thừa Thiên Huế) (9); sách "Văn học dân gian Quảng Nam - Miền biển" do tác giả Nguyễn Văn Bổn biên soạn, được Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam xuất bản năm 2001, ghi nhận thêm 02 dị bản (10); Sách "Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian - Ca dao, dân ca đất Quảng" do Hoàng Hương Việt - Bùi Văn Tiếng chủ biên, được Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng liên kết với Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2001, ghi nhận thêm 07 dị bản. (11)
Qua đối sánh 08 dị bản được sưu tầm ở Hội An với 21 dị bản được tổng hợp từ các công trình nghiên cứu đã nêu chúng tôi nhận thấy có 03 di bản đã được sưu tầm giới thiệu trong các công trình nghiên cứu (các dị bản số: 1, 2, 3), 05 dị bản (các dị bản số: 4, 5, 6, 7, 8) là những phát hiện mới tại Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Trong tổng số 08 dị bản được ghi nhận, từ hai câu mệnh đề "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm – Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say", các tác giả dân gian tại Hội An đã kế thừa và sáng tạo nên nhiều bài ca dao với nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Cụ thể là:
Nội dung | Quê hương đất nước – Con người | Tình yêu – Tình nghĩa | Lịch sử - Kháng chiến |
Đánh số câu | 4 - 6 | 1 – 2 – 3 – 7 – 8 | 5 |
Tổng số | 2 đơn vị | 5 đơn vị | 1 đơn vị |
Hình thức | Thể bảy chữ | Thể lục bát | Thêm 2 câu | Thêm nhiều câu |
Đánh số câu | 1 | 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 | 1 – 2 – 3 – 4 | 5 |
Tổng số | 1 đơn vị | 7 đơn vị | 4 đơn vị | 1 đơn vị |
Tại Hội An, tần số xuất hiện của các dị bản của câu ca dao trên khá nhiều. Cụ thể là 13/13 xã, phường có người dân biết đến câu ca dao trên, 10/13 xã, phường có người dân thuộc đủ một bài trọn vẹn (độ dài thông thường là 4 dòng). Sự khác nhau giữa các dị bản không nhiều, chỉ thay đổi một số từ ngữ theo trí nhớ của người dân. Đặc biệt trải qua thời gian dài lan tỏa, những biến thể mới ra đời tại Hội An khẳng định được đặc trưng riêng của văn học dân gian là tính truyền miệng, tính dị bản và tính tập thể. Nội dung của mỗi dị bản còn phản ánh được bước tiến của thời gian và lịch sử khi nội dung về kháng chiến được đề cập. Số lượng dị bản mang nội dung tình yêu - tình nghĩa chiếm đa số thể hiện đúng bản chất của văn học dân gian. Đó là những tiếng nói tâm tình, những bài học nhân văn, mộc mạc, gần gũi giữa người với người.
Điều thú vị là dù được tác giả bình dân sáng tạo bao nhiêu đi chăng nữa, cặp mệnh đề mở đầu "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm – Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say" gần như được bảo tồn nguyên vẹn, nếu có cùng chỉ biến đổi đôi chút về cách nhấn nhá giữa "đã với đà", giữa "nhắm với nhấm". Phải chăng, đó là ý thức tôn trọng của thế hệ đi sau dành cho cha ông đời trước hay là vì câu ca dao kia đã chuyển tải quá trọn vẹn phẩm chất con người Hội An - Quảng Nam đậm đà tình nghĩa qua từng lời từng chữ, ăn sâu vào máu thịt mỗi người con xứ gió Lào cát nóng từ thủa mới lọt lòng? Hai câu đầu lặp đi lặp lại qua các dị bản trở thành một điệp khúc in sâu vào lòng người về đặc trưng thổ nhưỡng và nông sản (đất và rượu) Quảng Nam. Dù nói về chủ đề quê hương đất nước, tình yêu tình nghĩa hay lịch sử, kháng chiến thì tất cả các dị bản trên đều có một mẫu số chung là khẳng định tấm chân tình thủy chung son sắt, coi trọng nhơn ngãi hơn cả vật chất lẫn sinh mệnh…
Có thể thấy rằng, suối nguồn văn nghệ dân gian chưa bao giờ ngừng tuôn chảy, văn học bình dân vẫn có sức sống tiềm tàng và mãnh liệt dù cuộc sống ngày một thêm hiện đại. 05 dị bản được ghi nhận tại Hội An do chính người dân gốc Hội An cung cấp, người trẻ nhất năm nay đã ngoài 45 tuổi, người lớn nhất cũng đã 92. So với 02 dị bản do cụ Phùng Văn Phú và cụ Nguyễn Sáu cung cấp, ngôn từ đậm chất bình dân, phản ánh những nội dung quen thuộc của ca dao như tình yêu – tình nghĩa, ngợi ca quê hương, đất nước, con người thì 03 dị bản còn lại được cung cấp bởi thế hệ tiếp sau, phản ánh những nội dung mang tính thời sự hơn như là kháng chiến chống Mỹ, dân ca đương đại, bài chòi... Đối với di sản văn hóa phi vật thể Hội An nói chung, công tác bảo tồn và phát huy của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn không chỉ bảo toàn được tài sản vô giá cha ông để lại mà còn nuôi dưỡng và phát triển. Cụ thể là một bộ phận các tác giả bình dân tại Hội An, đặc biệt là các nghệ nhân bài chòi, dân ca, hò khoan… vẫn đang ngày đêm kế thừa, sáng tạo và lan tỏa. 3/5 dị bản được ghi nhận là do các nghệ nhân bài chòi cung cấp, tuy không còn nhớ được người đầu tiên sáng tạo nên câu ca nhưng đến nay, các biến thể này đã được lan truyền rộng rãi qua hình thức hô hát bài chòi, hát dân ca, đối đáp, hò khoan...
Công tác sưu tầm, tập hợp những dị bản của câu ca dao nổi tiếng "Đất Quảng chưa mưa đã thấm – Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say" tuy không phải là thành tựu to lớn trong công tác nghiên cứu về Folklore nhưng cũng đã góp phần mang đến một cái nhìn rõ nét hơn về sức sáng tạo không giới hạn của cha ông ta. Riêng với Hội An, chắc chắn, câu ca trên sẽ còn sống rất lâu trong lòng người dân Hoài phố, là lời ngợi ca cho mảnh đất "nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu" nói riêng và Quảng Nam quê hương nói chung. Bên cạnh các dị bản, đó còn là chất men say đưa hương để tạo nên tiếng nhạc thiết tha về Quảng Nam yêu thương:
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Chớ rượu Hồng Đào chưa nhắm mà đã say
Lời hát xưa nghe sao thấm đượm tình
Xao xuyến trong tim mình
Con chim cũng bay về đâu nghĩa nặng tình sâu
Đồng xanh lúa phơi bốn mùa tươi màu đất lạnh
Mà ai đã qua đây rồi thì chân bước không đành
(Quảng Nam yêu thương – Phan Huỳnh Điểu)
Chú thích:
(1) Người cung cấp: Võ Thị Hắt, sinh năm 1932, ở khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam.
(2) Người cung cấp: Hứa Thị Hòa, sinh năm 1955, ở khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu.
(3) Người cung cấp: Cụ Nguyễn Lự, sinh năm 1932, ở thôn Phước Thắng, Cẩm Kim.
(4) Người cung cấp: Cụ Nguyễn Sáu, sinh năm 1928, ở khối An Phong, phường Tân An.
(5) Người cung cấp: Cô Phùng Thị Ngọc Huệ, sinh năm 1965, ở khối Sơn Phô II, phường Cẩm Châu.
(6) Người cung cấp: Chị Nguyễn Thị Lệ Nga, sinh năm 1975, ở khối Tân Lập, phường Tân An.
(7) Người cung cấp: Anh Lê Viết Trọng, sinh năm 1975, ở nhà số 23 Hoàng Hữu Nam, phường Tân An.
(8) Người cung cấp: Cụ Phùng Văn Phú, ở khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu. Sinh viên sưu tầm: Bùi Vy Nhân (câu số 43, thuộc phích số 70).
(9) 9 câu ca dao sưu tầm ở Quảng Nam gồm: 1. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Em thương anh cha mẹ không hay, Như ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào[1.Tr.62], 2. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Hai đứa ta ơn trọng nghĩa dày, Chưa nên duyên nợ đã mấy trăm ngày nhớ thương [1.Tr.62], 3. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Bạn về nhịn ngủ gác tay, Coi ai ơn trọng nghĩa dày cho bằng em [1.Tr.62], 4. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Chàng đi mô đã mấy hôm rày, Phòng văn vắng vẻ, sách bày cho ai [1.Tr.62], 5. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Lòng ta như chén rượu đầy, Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi [1.Tr.62], 6. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Anh hùng thước lụa trao tay, Nước non một gánh vơi đầy ai hay [1.Tr.63], 7. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Bạn về đừng ngủ gác tay, Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo [1.Tr.63], 8. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Tình non nghĩa nước bao ngày, Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương [1.Tr.63], 9. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Thương nhau chưa đặng mấy ngày, Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi [1.Tr.63]. 03 dị bản được Đinh Thị Hựu – lúc bấy giờ là cán bộ giảng dạy ở Đại Học Sư Phạm Huế sưu tầm được ở vùng Thừa Thiên Huế, gồm: 10. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Nợ nhà giàu không trả hết thời vay, (Chớ) tình chồng nghĩa vợ trả mấy ngàn ngày cho xong [1.Tr.63], 11. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Anh tới đây cất nón vòng tay, Em hỏi ba quân thiên hạ có ai công trượng nghĩa dày như anh [1.Tr.63], 12. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Kể từ ngày đó xa đây, Sầu đêm quên ngủ sầu ngày quên ăn [1.Tr.63].
(10) Gồm: 1. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Sầu tình ai muốn đi vay, Nợ tình em trả biết mấy ngàn ngày cho xong [2.Tr.256], 2. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Trường Giang dòng nước vơi đầy, Bao giờ sông chảy tới ngày đoàn viên [2.Tr.257].
(11) Gồm: 1.
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Bạn về nằm nghĩ gác tay, Thử nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta [4.Tr.71], 2. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Bậu về nằm nghĩ gác tay, Nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng qua [4.Tr.72], 3.Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Lòng ta như chén rượu cay, Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi [4.Tr.73], 4. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Lòng ta như chén rượu đầy, Bên nhau còn nhớ những ngày thương yêu, Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu, Trăm năm một dạ ngọn cờ điều quyết theo [4.Tr.73], 5. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Tay nâng hai chén rượu đầy, Xa xôi còn nhớ những ngày thương yêu, Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu, Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau [4.Tr.75], 6. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Lòng ta như chén rượu cay, Lời thề nhớ chén rượu đầy bạn ơi, Câu hò từ thuở xa xôi, Bao năm còn đọng tiếng đôi bến bờ, Từ ngàn xưa đến bây giờ, Tiếng ru vẫn chẳng phai mờ tình yêu, Từ trong uất hận ta đi, Vì tự do độc lập sá chi đường dài [4.Tr.74] (Tác giả Nguyễn Khắc Phục sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được bà con nhân dân Quảng Nam lưu truyền nhưng vẫn còn nhớ được tác giả), 7.
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say, Lòng ta như chén rượu đầy, Ai ơi còn nhớ những ngày thương yêu, Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu, Mưa mai có bạn nắng chiều có ta [4.Tr.74].Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Văn Bổn, (1983), “Văn nghệ dân gian Quảng Nam Đà Nẵng (tập 1)”, Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam Đà Nẵng.
2. Nguyễn Văn Bổn, (2001), “Văn học dân gian Quảng Nam – Miền biển”, Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam.
3. Giáo sư Trương Dĩnh, (2001) "Tìm hiểu thêm về một câu ca dao kỳ lạ của xứ Quảng", Kỷ yếu hội thảo "Văn hóa Quảng Nam – Những giá trị đặc trưng".
4. Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng chủ biên, (2010), “Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian ca dao, dân ca Quảng Nam”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.