Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn là một trong những nếp sinh hoạt văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tại Hội An, tín ngưỡng này thấm sâu vào trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân không chỉ đối với người Việt mà còn đối với cả người làng Minh Hương, người Hoa. Trong lịch sử, bên cạnh những Nghĩa Trủng, Vạn Thiện Đồng Quy để chôn cất, quy tập hài cốt người quá cố không rõ nhân thân, cộng đồng cư dân Việt, Minh Hương, Hoa ở Hội An còn xây dựng những công trình kiến trúc để thờ cúng anh linh, âm hồn được gọi là miếu Âm Linh/Cô Hồn, lăng Nghĩa Trủng, Nghĩa Từ, Thanh Minh Từ, Thanh Minh Đình… Dù trải qua thiên tai, chiến tranh nhưng không ít những công trình này được cộng đồng cư dân gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay đã góp phần tạo nên những giá trị của di sản văn hóa Hội An. Nội dung dưới đây là những thông tin về di tích Nghĩa Từ, tên gọi khác là miếu Âm Hồn, tọa lạc tại số 76/9A Trần Phú, khối An Định, phường Minh An, thuộc khu vực bảo vệ I khu phố cổ Hội An.
Di tích Nghĩa Từ có mặt tiền xoay hướng đông, trước mặt là hội quán Ngũ Bang (tên gọi khác Dương Thương hội quán, Trung Hoa hội quán, chùa Lễ Nghĩa) bên phải là nhà thờ tộc Trần, cách chừng 150m về phía Tây Bắc là đình Ông Voi - đình làng Hội An. Đi vào di tích Nghĩa Từ từ kiệt Âm Hồn nối đường Phan Châu Trinh với đường Trần Phú.
Theo một số văn bản Hán Nôm tại di tích cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 10, tức năm Kỷ Sửu - 1829, cộng đồng Tín Thiện Tộc thuộc xã Minh Hương mua một khu đất thuộc xứ Lâm Sa của xã Hội An để lập Nghĩa Từ, bốn mùa hương hỏa những âm hồn, anh linh của người quá cố chôn ở hoang trủng bên cạnh. Qua lạc khoản ghi trên bức hoành “Nghĩa Từ” và xà cò tại di tích có thể đoán định Nghĩa Từ được xây dựng hoàn thành vào năm Canh Dần (1830). Như vậy, đến nay di tích Nghĩa Từ đã tồn tại gần 200 năm. Trong khoản thời gian đó, di tích đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần. Dưới thời phong kiến, lần tu bổ lớn được ghi lại trên xà cò là vào năm Thành Thái thứ 7 - năm 1895. Từ năm 1975 đến nay, di tích được sửa chữa tu bổ vào các năm 1987, 1996, 2000.
Theo thông tin hồi cố và căn cứ vào những dấu tích, hiện trạng kiến trúc cho thấy, di tích Nghĩa Từ trước đây có khuôn viên rộng, quy mô kiến trúc lớn với chính điện có 5 gian và nhà đông, nhà tây. Tất cả được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch. Trước chính điện là bình phong. Ngoài ra, phía trước và sau Nghĩa Từ có hai giếng nước xây bằng gạch. Trải qua thời gian và do ảnh hưởng của chiến tranh, hai gian bên trái của chính điện đã bị sụp đổ nên hiện nay chính điện chỉ còn 3 gian. Hiện trạng kiến trúc chính điện gồm mái lợp ngói âm dương với diềm mái trước trang trí những đĩa sứ men trắng vẽ lam; hệ khung chịu lực bằng gỗ với cột gỗ tròn lớn đặt trên đá tán, vì kèo kiểu trính chồng trụ đội được chạy chỉ tạo dáng uyển chuyển; tường bao xây gạch thẻ, nền lát đá lục giác, thềm hiên lát đá thanh. Vào nội thất chính điện bằng 3 lối cửa kiểu thượng song hạ bản. Nhà đông và nhà tây cũng được làm bằng gỗ, tường bao xây gạch, mái lợp ngói. Sân trước chính điện được lát gạch thẻ. Giữa sân là bình phong hình cuốn thư được trang trí nhiều đề tài như “long mã phụ hà đồ”, “cá hóa long”, rồng, hoa dây, đỉnh hương, mây, tùng lộc,… bằng thủ pháp cẩn mảnh sành sứ và vẽ màu.
Hệ thống thờ tự bên trong di tích Nghĩa Từ hiện nay gồm có các bàn thờ: Phước Đức chính thần, Âm hồn (bàn thờ chính), Tả ban và Hữu ban, Lịch đại tiền vãng, Tây tự Ký tự chư tiên sinh liệt vị, Tẩy môn lịch đại. Bàn thờ Âm hồn (bàn thờ chính) có khám thờ và quần bàn bằng gỗ. Khám thờ sơn màu đỏ với các chi tiết trang trí được nhụ màu vàng. Mặt trước khám thờ đề câu đối Hán tự với mỗi vế có 7 chữ. Trên bàn thờ đặt bài vị bằng gỗ đề Hán tự “Quý hiển âm hồn liệt vị”. Trước bàn thờ chính là bàn hương án bằng gỗ với bên trên bài trí các đồ tự khí và một bồn hương gỗ có khắc 4 chữ triện. Bàn thờ Phước Đức chính thần với khám thờ làm bằng gỗ, trên bàn thờ đặt đồ tự khí gồm bộ chân đèn bằng kim loại, mâm để quả bằng gỗ, bát hương và bình hoa bằng gốm tráng men, tượng Thần Tài và Thổ Địa. Bàn thờ Tả ban và Hữu ban có quần bàn và khám thờ bằng gỗ. Quần bàn trang trí hình chim phụng, hoa và một số đồ án bát bửu. Khám thờ có khắc cặp câu đối Hán tự giống như cặp câu đối ở bàn thờ chính. Trên bàn thờ này đặt 2 bài vị lớn và các đồ tự khí, trong đó có 2 bát hương bằng gốm tráng men màu nâu. Bên cạnh bàn thờ Tả ban và Hữu ban là bàn thờ Lịch đại Tiền vãng, trên bàn thờ này có khám thờ bằng gỗ, các đồ tự khí và 2 bài vị gỗ. Theo bài vị này, có 49 tộc họ của những người được thờ ở đây. Sát tường bên phải chính điện có bàn thờ Ký tự chư tiên linh liệt vị và bàn thờ Tẩy môn lịch đại. Trên bàn thờ Tẩy môn lịch đại có khám thờ gỗ với mặt trước khắc cặp câu đối Hán tự “Tổ công tông đức bách thế bất thiên, Hiếu tử từ tôn vạn đại như kiến”. Ngoài đồ tự khí, trên bài thờ này còn có bài vị lớn đề Hán tự: Tẩy môn lịch đại, lập vào năm Thành Thái thứ 18 - năm Bính Ngọ (1906).
Nội thất chính điện di tích Nghĩa Từ còn được trang hoàng nhiều bức chữ, hoành phi, liễn đối nhằm tạo thêm tính trang trọng, tôn nghiêm của di tích. Hai bức chữ Hán tự do hương trưởng Trần Hữu Giác cúng được treo ở gian thờ chính ghi chép về lý do việc xây dựng Nghĩa Từ. Bốn bức hoành gồm: Bức “Nghĩa Từ” có niên đại năm Canh Dần (năm 1830), bức “Hoàn doanh sảng khí” niên đại Thành Thái năm Ất Mùi (năm 1895), bức “Tinh thần tụy tụ” niên đại Quang Tự năm Ất Mùi, bức “Khởi phát tiềm hinh” niên đại Thành Thái năm thứ 7 (năm 1895). Có hai cặp câu đối và một vế đối treo trong di tích. Trong đó, một cặp có niên đại năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852) do Hoàng Dư Khánh, Chu Trung Lập, Vương Quần Bảo cúng; một cặp có niên đại năm Đồng Khánh thứ 3 do cử nhân Trương Hoài Bộc cúng. Một vế đối của cặp câu đối do hương trưởng Trần Hữu Giác cúng.
Ngoài việc hương khói vào ngày sóc, vọng, tết Đoan Ngọ, hằng năm tại Nghĩa Từ diễn ra 2 lễ cúng chính vào ngày 21 tháng Giêng và 21 tháng Chạp với sự tham dự của đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Nghĩa Từ là một trong những di tích thờ âm linh, cô hồn tiêu biểu ở Hội An về nghệ thuật kiến trúc lẫn hệ thống thờ tự. Sự tồn tại của di tích một mặt góp phần phản ánh tính đa dạng trong đời sống văn hóa tâm linh, mặt khác thể hiện đạo lý “thấy việc nghĩa không thể không làm” của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử. Với ý nghĩa đó, việc phục hồi, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết đòi hỏi có sự chung tay góp sức giữa nhà nước và cộng đồng. Hiện tại, thành phố Hội An đang lập dự án tu bổ, phục hồi di tích Nghĩa Từ. Hy vọng rằng, khi dự án này được thực hiện, những giá trị vốn có của di tích sẽ từng bước được phục hồi và phát huy tốt.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền