Nữ công Học hội Hội An

Thứ ba - 30/07/2019 05:53
(QNO) - Trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa và văn minh Pháp - Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hệ giá trị chuẩn mực lối sống, ứng xử, đạo đức luân lý truyền thống Việt Nam bị tác động ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong vấn đề công - dung - ngôn - hạnh với vai trò “Nội tướng”, nguồn năng lượng đảm bảo hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Chính sự phân công theo giới và lứa tuổi đã mang lại cho bà nội, bà mẹ một vai trò và sứ mệnh độc đáo, lo việc “tề gia nội trợ” luôn cần đến đức tính thủy chung, cần cù chịu khó, khéo tay của phẩm chất “nữ công gia chánh”, trong khi người đàn ông “làm quan” bên ngoài xã hội.
Khởi đầu từ Nữ công Học hội Huế ra đời ngày 15.6.1926 gắn liền tên tuổi Đạm Phương nữ sử, phong trào nhanh chóng lan ra các tỉnh thành, trong đó có Nữ công Học hội Hội An. Hội Nữ công với tinh thần cốt lõi là tân tiến hợp thời đại nhưng phải gìn giữ nền nếp gia phong, gốc phong hóa qua “cái nết” của hồn dân tộc, như là thông điệp, sứ mệnh của hội, trở thành một hiện tượng mang nhiều dấu ấn thời đại trong bối cảnh xã hội đương thời.

Theo “Chương trình và điều lệ” làm tại Hội An ngày 22.9.1926 thì Nữ công Học hội Hội An ra đời để giúp dạy dỗ các bạn thiếu nữ, từ 10 tuổi trở lên. Hội là nơi để tập luyện nữ công thực nghiệp, phụ nữ chức vụ và khai đạo tri thức nữ tử. Do vậy, sinh hoạt tại hội quán, tuyệt đối không được bàn chuyện chính sự, bài xích tôn giáo hoặc những chuyện dị đoan hoặc hiềm khích, gây rối lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến hội.

Ban Trị sự hội có các vị Chánh Chủ hội, Phó Chủ hội, Thủ bản, Thư ký, Kiểm khán và Cán sự. Các thành viên Ban Trị sự được chọn từ hội viên theo phương thức bỏ phiếu, ai cao phiếu hơn sẽ được chọn và ban nhóm họp định kỳ hàng tháng hoặc trong trường hợp cần thiết, do Chánh Chủ hội triệu tập. Nhiệm vụ của ban là chăm nom thi hành điều lệ hội, xem cách thức mở mang trong hội và chi tiêu thu nhập của hội. Nếu chi tiêu vượt quá mức 100 đồng thì phải thông qua kỳ họp đại hội đồng có đủ các hội viên.

Trong cơ cấu tổ chức của hội, có thể thấy thành viên bao gồm các Sáng tạo viên (người sáng lập, tổ chức ra bản điều lệ), Thường trực hội viên (những người xin gia nhập hội về sau), Danh dự hội viên (những người có thể trợ giúp hội những việc quan trọng, không kể đàn ông hay phụ nữ) và Tán trợ hội viên (những người có thể giúp cho hội khí tài, vật chất).

Người gia nhập hội phải viết đơn gửi bà Chánh Chủ hội, trong đó nói rõ nhận biết và tuân theo điều lệ hội và trong trường hợp xin ra, cũng phải có đơn và đóng đủ số tiền hàng tháng. Trong 3 tháng không đóng hội phí, làm mất danh dự và nhiều điều bất lợi cho hội, sẽ bị mời ra khỏi hội. Những trường hợp xin ra hoặc bị mời ra khỏi hội đều không được đòi lại số tiền đã đóng góp.

Đáng chú ý, chức trách của người thư ký thứ nhất là lo việc từ hàng, làm các tờ biên bản, giữ sổ sách thơ từ, sổ ghi tên các hội viên; còn người thư ký thứ hai lo việc sắp đặt thư hẹn của hội, những quyển nhật ký về các bài đã dạy và sưu tập các bài diễn thuyết; người thứ ba lo việc sổ sách chi tiêu, thu nhập, đóng góp tiền tháng và làm giấy nhận tiền tại Thủ bản, giữ sổ biên lai và gửi dự toán.

Về mặt tài chính thì vốn hoạt động của hội có được từ sự đóng góp theo từng cấp độ. Sáng lập hội viên lúc đầu góp mỗi người 10 đồng và hàng tháng góp ba giác (0,3đ), hội viên nộp 2 đồng và hàng tháng nộp ba giác. Học trò hàng tháng nộp 0,4đ; riêng những học trò có cha mẹ, chị em trong hội và học trò tại trường thì được trả một nửa là 0,2đ.

Từ đầu thế kỷ XX, vấn đề nữ công gia chánh và vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã đặc biệt được chú ý, tái khẳng định và đề cao thông qua hoạt động hữu hiệu của Hội Nữ công, lan tỏa dần từ kinh đô Huế ra các tỉnh như trường hợp Nữ công Học hội Hội An. Đây là một khía cạnh đặc biệt khi nghiên cứu về lịch sử văn hóa xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng. Việc kiếm tìm tài liệu để làm rõ các nội dung, chương trình hoạt động, gắn liền với những nhân vật, địa điểm cụ thể về Nữ công Học hội Hội An sẽ càng nêu bật lên được những giá trị độc đáo của tổ chức này, đặc biệt là ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Trần Đình Hằng

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây