Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa dân gian ở Hội An

Chủ nhật - 09/06/2019 23:45
Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ và lâu dài giữa cư dân Đại Việt, chủ yếu là cư dân vùng Thanh - Nghệ đến sinh sống ở vùng đất phương Nam với cư dân Chăm-Hoa-Nhật-Phương Tây ở đô thị - thương cảng Hội An trong nhiều thế kỷ đã dần kết tinh trong các truyền thống văn hóa vật thể, phi vật thể ở vùng đất này, mà trong đó các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo có vai trò khá quan trọng. Nội dung dưới đây của bài viết là những thông tin ban đầu về ảnh hưởng của Phật giáo đối với các di tích văn hóa tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Hội An qua những cứ liệu điền dã với mong muốn góp phần tìm hiểu những nét đặc trưng của văn hóa địa phương.
Người Việt vào vùng đất mới đã mang theo trong tâm thức những sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục, tập quán… những thành tố văn hóa dân gian từ cố hương. Người Việt vốn ở vùng đất mà như giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã tường thuật: “Có rất nhiều đền thờ và thần thánh, không một làng xã nhỏ bé nào mà không có chùa chiền và dân chúng rất mê theo” cho thấy Phật giáo đã hòa quyện cùng văn hóa dân gian bản địa rất nhiều thế kỷ. Phật giáo Đàng Trong có sự gặp gỡ với văn hóa Chăm, với văn hóa Trung Hoa, tạo sự hỗn dung văn hóa và tôn giáo với nhiều sắc thái biểu hiện đa dạng.

Trong tín ngưỡng tổ tiên từ rất sớm đã được Phật giáo “khế hợp” với tín ngưỡng dân tộc, nhất là Phật giáo Đại thừa - không những thờ Thích Ca và Đức A Di Đà mà còn thờ cả các vị thần thánh, các tổ sư truyền thừa qua nhiều đời. Ở Hội An, những gia đình theo đạo Phật vẫn còn giữ tục lệ mời các thầy sư đến nhà tụng kinh “siêu sinh tịnh độ” khi có người thân bị bệnh sắp mất; trong tang lễ có thiết bàn Phật trước linh sàng, rước bàn thờ Phật theo đám tang ra đến huyệt và sau tang 3 năm (mãn khó) đưa bát hương, bài vị, di ảnh vào thờ trong chùa. Ở nông thôn còn có tục “bán khoán” những đứa trẻ hay đau ốm, tật bệnh cho chùa “nuôi”, hớt tóc 3 chỏm hoặc một chỏm “làm con” Phật. Dịp mồng 8 tháng Giêng âm lịch, có mời thầy cúng sao giải hạn, ngày rằm mồng một mua chim, cá “phóng sinh”. Những nhà có người chết nạn (chết “bất đắc kỳ tử” thì làm lễ cầu siêu, giải trừ oan nghiệp). Trong sinh hoạt ẩm thực, ngày rằm, mồng một âm lịch, nhiều người ăn chay dù không phải là Phật tử (người đã quy y Tam bảo được chùa ban pháp danh). Tục khi gia đình, bản thân gặp nhiều hoạn nạn, bệnh tật - gia chủ hay bản thân người gặp khó khăn, hoạn nạn “ăn chay nằm đất bảy ngày, nửa tháng” hay xuống tóc (cạo trọc đầu) với tâm nguyện được Trời - Phật độ trì tai qua nạn khỏi.

Ở Hội An và vùng phụ cận, nhiều chùa được lập/dựng gắn với các truyền thuyết (Phật tích) về sự xuất hiện của Phật Bà Quan Thế Âm hiện trong giấc mơ mách bảo người gặp khó khăn, hoạn nạn như sự tích chùa Bồng Lai, chùa Quan Âm. Ở Cù Lao Chàm, chùa Hải Tạng gắn với công tích trừ yêu ma quấy nhiễu dân làng của Thiền sư Hương Hải. Đáng lưu ý là trong truyền thuyết về “Tục thờ Cá Ông” dân gian tuyên truyền rằng, khi ngư dân gặp bão tố chìm thuyền liền niệm “A Di Đà Phật”, thì Phật A Di Đà phái Quan Thế Âm đến giúp. Quan Thế Âm xuất hiện nhưng bão tố quá hung dữ, Ngài dùng đủ mọi pháp thuật vẫn không làm cho sóng yên biển lặng. Cuối cùng vì quá thương xót dân chúng, Ngài dùng phép xé tấm áo cà sa đang mặc thành trăm nghìn mảnh rồi ném xuống biển. Mỗi mảnh vải biến thành một Ông (cá voi) bơi đến đưa thuyền, người đến chốn bình an.

Những lời dạy của Đức Phật về “khuyến thiện, làm lành về tu nhân tích đức, đoạn trừ phiền não”… đã ảnh hưởng rất lớn đến nội dung của thành ngữ, tục ngũ, ca dao… ở địa phương như “Thứ nhất tu tại gia, Thứ nhì tu chợ, Thứ ba tu chùa” hay “Ăn chay, niệm Phật lễ chùa, Không bằng lượm một cành gai giữa đàng”.

Ở Hội An, các ngôi chùa thuộc phái Đại thừa gồm: Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức, Viên Giác, Long Tuyền, Hải Tạng, Pháp Bảo,… (niên đại từ thế kỷ XVII đến XX); Các ngôi chùa thuộc tiểu thừa và các hệ phái khác gồm Ngọc Cẩm, Ngọc Châu, Ngọc Hương… Các chùa thuộc hệ phái Đại thừa trong chánh điện đều thờ Phật, Tam thế Phật (Pháp thân, Báo thân và Ứng thân), riêng các ngôi chùa cổ như Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức thờ đủ 7 lớp tượng: Tam thế, Di đà tam tôn, Hoa Nghiêm tam thánh, Cửu Long, Tứ thiên vương, Tứ bồ tát, Bát bộ kim cương. Các chùa thuộc hệ phái Tiểu thừa chỉ thờ Phật.

Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt gặp gỡ với tín ngưỡng thờ Nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm (Pô-Inư-Na-Gar), Thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa - hội tụ trong tín ngưỡng thờ Quan Thế Âm của Phật giáo. Người Hoa ở Hội An đã lập chùa Quan Âm rất sớm (trước 1653), có tên “Minh Hương Phật tự”, thờ Bồ Tát Quan Thế Âm, về sau thêm một số vị Phật và Bồ Tát. Một trường hợp điển hình cho sự giao hòa văn hóa đó là chùa Kim Sơn (nằm bên trong hội quán Phúc Kiến). Chùa Kim Sơn được xây dựng năm 1697 thờ Quan Thế Âm, dần về sau thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Vị thánh có công cứu hộ độ sinh của cư dân sinh sống trên biển của người Trung Hoa) và nhiều vị khác, thứ tự như sau: Quan Thế Âm - Thiên Hậu Thánh Mẫu - Thần Tài - Ba bà Chúa Sinh Thai - Mười hai bà Mụ - Ba mươi sáu vị tướng linh thiêng - Thần Thiên lý Nhĩ (tai nghe nghìn dăm) - Thần Thiên Lý Nhãn (mắt trông xa nghìn dặm)… Như vậy, từ chùa Kim Sơn thực tế đã biến thành hội quán/đền. Phía trước thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, cung Thần phụ trợ, còn phía sau thờ Tiền hiền, Chúa Thiên Thai, Thần Tài.

Cùng với quần thể di tích văn hóa - tín ngưỡng. Hội An có rất nhiều lễ hội. Tín ngưỡng Cầu mùa - Cầu dân khang vật thịnh (phồn thực) của cư dân nông nghiệp đã ảnh hưởng qua lại với Phật giáo và ngược lại, như GS. Đặng Nghiêm Vạn nhận định: “Đạo Phật thấm sâu vào dân chúng nhờ hòa quyện không những với đạo Nho mà với các tôn giáo bản địa, đặc biệt là lễ tiết nông nghiệp với tục thờ phồn thực”. Lễ Cầu Bông ở một số làng nông nghiệp, có tục vẩy nước Cam Lộ với nhành dương liễu. Tục cúng cá Ông (Lễ hội Cầu ngư) trong nghi thức, trong trò diễn có màn Đưa linh Ông với bài kinh tán tụng công đức Đức Phật A Di Đà.

Phật giáo không có “hội” và nếu có thì là ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa. Ở Hội An vào dịp lễ Vu Lan (Rằm tháng bảy), trong phần hội ở các chùa có trò Xô Cộ. Tăng ni, Phật tử dựng một tòa tháp 7 đến 9 tầng bằng tre, cao từ 7 đến 9 thước, bày đầy bánh, trái cây, gạo, nếp. Vào hội sư trụ trì đọc kinh, làm phép, nhà chùa điểm một tiếng trống thì già, trẻ, trai, gái ùa vào xô cộ, tranh nhau hưởng “hương hoa” của Phật. Lễ Vu Lan còn điển tích “Mục Kiền Liên tìm mẹ ở âm ti” với các trò chơi dân gian như qua cầu độc mộc (1 cây tre), trò bịt mắt “đập nồi” đọc thuộc lời một đoạn kinh… với ý nghĩa thử thách lòng con hiếu thảo với mẹ. Lễ Phật Đản (Rằm tháng tư), sau phần lễ có màn rước cộ Phật với tích Phật sinh “Bảy bước hoa sen, chín rồng hiện” (tòa Cửu Long) đi vòng quanh các đường phố, làng. Như vậy đúng như một nhà nghiên cứu nhận định: “Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào đã được dân tộc ta tiếp nhận vì có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng truyền thống. Có thể nói Phật giáo đã hòa vào tín ngưỡng truyền thống, bổ sung cho tín ngưỡng truyền thống tạo một cơ sở triết lý để tạo nên một tôn giáo của dân tộc đó là Phật giáo Việt Nam”.

Hầu hết các chùa ở Hội An đều xây dựng dạng chữ Tam, chữ Đinh, gần gũi phong cách đình làng. Tòa chính điện thường là nhà 3 gian hai chái (chùa Quan Âm, chùa Phước Lâm…). Nhà hậu thường là nơi thờ các sư qua đời, có nơi là Tổ đình của hệ phái như Chuc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức… Nhà tu học của các sư thường bố trí một bên hoặc trái, hoặc phải tòa chính điện. Trước chùa có ao thả sen, cổng Tam quan và lối dẫn vào chính điện. Trước tòa chính điện có miếu thờ Thổ Địa (Đức Ông). Xung quanh chùa có các Bảo tháp, kiểu thức Tu di tọa là tháp mộ các sư có công đức lớn với chùa. 

Hơn nữa, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tinh thần - tín ngưỡng Phật giáo vẫn luôn thấm đậm trong đời sống cộng đồng dân cư và cùng với Đàng Trong - ở Hội An, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu thì ở đây tín ngưỡng Phật giáo đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ từ yếu tố Trung Hoa sang màu sắc dân tộc. Biểu hiện của nó chính là sự tác hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng truyền thống; với Đạo lão, Nho giáo. Đến cuối thế kỷ XIX, các ngôi chùa Phật, nhất là ở các ngôi chùa làng - xã vẫn còn phối thờ: các chư Phật, Bồ Tát bên cạnh thờ Thập Điện Diêm Vương, Ngọc Hoàng thượng đế có cả Nam Tào, Bắc Đẩu; Quan Thánh đế quân có Châu Thường, Văn Bình theo hầu... Hình thức thờ tự này đến nay ở chùa Hải Tạng - Cù Lao Chàm vẫn còn tồn tại. Ở đây, tín ngưỡng Phật giáo không có kinh luận uyên ảo của các tông phái Thiền Tông, Nghiêm Tông... mà chỉ bằng con đường an ủi, phủ dụ, nguyện cầu của Tịnh Độ Tông, kết hợp với Thiền Tông, Mật Tông... để có nghi thức biến hóa cho phù hợp với tâm thức truyền thống. Tâm nguyện bản nguyên của người Việt Nam ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác bắt gặp nguyên lực từ bi, hỉ xả, bố thí của Phật giáo, cũng như quan niệm “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác” của Nho giáo. Chính vì thế, người dân Hội An vốn hiền hòa bình dị, phần lớn không theo con đường tu tập triệt để của Phật giáo Thiền Tông. Dẫu có ngày rằm, mồng một ăn chay, niệm Phật, đến chùa lễ bái, hoặc tham dự các đạo tràng, luân phiên tụng niệm từ nhà này sang nhà khác, cũng chỉ là một sự nguyện cầu của con người phàm tục, sống giữa đời cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người quá cố được siêu thoát ở thế giới bên kia. Người dân vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh. Dẫu có người thuộc lòng nội dung phương châm tam quy Phật giáo nhưng trong tâm thức vẫn hướng về bất cứ lực lượng siêu nhiên nào, thế lực thần linh nào, miễn lực lượng ấy có thể giải cứu cho thân nhân khỏi bệnh tật, đau ốm...

Hình tượng đức Phật được ngưỡng mộ nhất là Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát. Do vậy, câu niệm thường xuyên là “Nam mô A Di Đà Phật” và “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” và nếu ở bàn thờ tại gia ( nhà) thì còn có thêm “Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân”... Người dân quan tâm đến ngày vía A Di Đà (rằm tháng giêng), ngày lễ Phật Đản (rằm tháng 4), ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7). Những ngày này người dân không chỉ đến chùa mà ngay tại tư gia cũng dâng lễ chư Phật, Bồ Tát, cầu nguyện giải thoát cho vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người quá cố. Trong ngày giỗ kỵ, tang ma các nghi thức cúng thí thực cho thập loại cô hồn, cầu an, cầu siêu... đều hướng về chư Phật, Bồ Tát, khẩn cầu cho linh hồn người quá cố tiếp độ vong linh về thế giới cực lạc và còn rất nhiều lễ tục khác ảnh hưởng của Phật giáo liên quan đến tang ma như Thiết bàn Phật trước linh sàng; rước bàn thờ Phật theo đám tang đến huyệt; phóng sinh chim, cua... tại mộ; nghi thức cúng tuần... Đặc biệt người dân Hội An luôn quan tâm đến những linh hồn người chết không ai thờ tự, những tử sĩ, liệt sĩ mất thây, những người bị tai nạn tử vong, vất vưởng nơi cõi âm... Chính vì thế làng nào cũng có chùa làng, xóm - thôn có miếu để thờ âm linh liệt vị.

Nhìn chung, trong lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân Hội An, Phật giáo đã có ảnh hưởng rất sâu đậm và tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến nếp sống, cách ứng xử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng nơi đây và góp phần tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An.
        

Tác giả: ThS. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây