Thứ nhất, sự ra đời của các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An là kết quả tất yếu của quá trình phát triển đô thị nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của các tầng lớp cư dân ở đô thị - thương cảng Hội An cũng như của thương khách nước ngoài. Có thể nói việc phát triển của các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An và các vùng ven Hội An là biểu hiện sinh động của quá trình phát triển kinh tế thương nghiệp - ngoại thương, của quá trình đô thị hóa mà cụ thể là sự tách ra mạnh mẽ khỏi nông nghiệp của các ngành nghề truyền thống, của các hoạt động dịch vụ.
Thứ hai, các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An phát triển đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều nhóm nghề khác nhau, trong đó nổi bật là các nhóm nghề truyền thống liên quan đến hoạt động buôn bán, dịch vụ. Căn cứ vào các nghề hiện tồn và một số nghề đã mai một nhưng vẫn được lưu lại trong các nguồn tư liệu thư tịch, ta có thể hình dung hoạt động nhộn nhịp của các nghề truyền thống ở Hội An bao gồm các nhóm sau:
- Nhóm nghề thủ công mỹ nghệ: Gốm (Nam Diêu), làm đồ sừng (Xuân Mỹ), dệt, làm kim hoàn; làm giày, dép; đan mây tre, thêu, làm lồng đèn, chạm trổ gỗ; cẩn, khảm gỗ; sơn thiếp, may, làm chiếu, làm tranh dân gian, làm đầu Thiên cẩu...
- Nhóm nghề dịch vụ - khai thác: Rèn, mộc dân dụng, đóng ghe thuyền, làm công cụ nông nghiệp, làm bao bì, khai thác Yến sào, chài lưới, đan lưới, đan võng; làm lưỡi câu, làm thau cước.
- Nhóm chế biến, gia công: Chế biến các món ăn, làm mắm, làm đậu hũ, nấu rượu, ép dầu, làm bánh kẹo, chải cau, chọn bó quế, làm vi cước cá…
- Nhóm nghề đặc biệt: Nghề đông y, làm thầy cúng, nghề phong thuỷ, chụp ảnh, nghề chơi cây cảnh…
Thứ ba, sự phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An là sự tiếp nối truyền thống ngành nghề từ các vùng châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong điều kiện cư trú, sinh thái - nhân văn mới có sự tiếp thu, hoà nhập với truyền thống ngành nghề của cư dân bản địa là người Chăm, với cư dân các nước đã đến cư trú, buôn bán ở Hội An, đặc biệt là cư dân Trung Hoa và Nhật Bản.
Một thực tế cho thấy nhiều làng nghề truyền thống ở Hội An gắn sự phát triển lịch sử của mình với các tộc họ tiền hiền có nguồn gốc từ các vùng Thanh Nghệ như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế... Một số truyền thuyết về ngành nghề cũng cho thấy chúng có nguồn gốc từ các địa phương ở Bắc Trung Bộ như nghề làm thau cước Mậu Tài, nghề gốm Nam Diêu...
Việc chung cư với người Chăm, với cư dân Trung Hoa, Nhật Bản và Phương Tây đã tạo điều kiện để cư dân địa phương hình thành, phát triển một số nghề thủ công mang đậm dấu ấn giao lưu - hội nhập về văn hoá như nghề đóng ghe bầu, nghề làm kim hoàn, nghề làm vàng mã, nghề chụp ảnh và một số nghề dịch vụ khác...
Thứ tư, do quá trình chuyển vùng, quá trình giao lưu - tiếp biến nên phần lớn các ngành nghề, làng nghề ở Hội An không xác định được danh tánh, lai lịch cụ thể của tổ nghề như ở Đàng Ngoài. Hiện tượng chung là nhiều nghề thờ những vị thần cổ đại có nguồn gốc từ Trung Hoa như Cửu Thiên huyền nữ, Ngũ hành tiên nương, Lỗ Ban, Lỗ Bốc hoặc dùng một danh hiệu chung là Bách nghệ tiên sư, Tổ sư, Thiên công...
Một số ít làng nghề, ngành nghề còn lưu truyền danh tánh những vị khai sáng, hoặc truyền nghề thì đó là những nhân vật có lai lịch muộn, gắn với quá trình di dân của người Việt vào các thế kỷ XVI - XVII như truyền thuyết về ông Trần Tiến, người làng Thanh Châu có công phát hiện ra yến sào, hoặc bà Phước và bà Tích, có công phổ biến nghề gốm ở Nam Diêu.
Thứ năm, các làng nghề, ngành nghề ở Hội An cũng gắn với một không gian văn hoá nhất định, với một địa bàn cư trú và một nhóm cư dân nhất định có mối liên quan về ngành nghề. Tuy vậy, cách thức tổ chức quản lý thường không chặt chẽ như các làng nghề ở Đàng Ngoài. Không gian cư trú, không gian văn hoá của nhiều làng nghề, xóm nghề ở Hội An là không gian mở, thông thoáng với nhiều đường giao thông cả về thuỷ lẫn bộ. Cho đến nay hầu như chúng tôi chưa tìm thấy một văn bản nào liên quan đến quy định, quy chế về tổ chức quản lý của các ngành nghề, làng nghề ở Hội An. Các hiệp thợ, nhóm thợ và những người cùng nghề ở đây cũng tổ chức hành nghề theo các phường, hội, phổ, vạn. Tuy nhiên qua khảo sát chúng tôi thấy rằng mối liên kết của các tổ chức này cũng mang tính mở, không gò bó, ép buộc. Mục đích tương tế, tín ngưỡng nổi lên như một yếu tố để liên kết các cá nhân trong cùng một tổ chức nghề nghiệp hơn là các quy định, quy chế mang tính nhà nước. Mỗi phường, hội, phổ, vạn thường có những địa điểm thờ tự các vị tổ nghề, các vị thần bảo hộ riêng, có ngày cúng vào dịp khai trương mở nghề đầu năm và tạ tổ cuối năm. Đây là một đặc điểm cần lưu ý khi khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở địa phương.
Thứ sáu, một thực tế khá phổ biến ở Hội An là một làng thường chuyên về một số nghề, trong đó có những nghề nổi trội, phát triển mạnh tại một số xóm ấp của làng. Từ đó hình thành nên các xóm nghề, các vạn nghề nằm trong làng. Hiếm thấy trường hợp một làng chỉ chuyên về một nghề, có chăng thì chỉ thấy ở một số làng chài lưới mà thôi. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải định danh các làng nghề, xóm nghề một cách phù hợp cũng như việc xác định không gian văn hoá mang tính đặc trưng của từng xóm nằm trong làng hoặc xã. Có thể thấy điều này qua xóm gốm Nam Diêu, xóm rau Trà Quế, khai thác yến Trà Quân...
Thứ bảy, phương thức truyền nghề lưu hành phổ biến của các làng nghề, ngành nghề ở Hội An cũng được thực hiện chủ yếu theo quan hệ gia đình, thân tộc. Tuy vậy, yếu tố giữ bí mật, bí quyết ngành nghề không nặng nề như một số nơi ở Đàng Ngoài, trừ trường hợp đối với một số nghề đặc biệt như làm vi cước cá, chế biến một số món ăn đặc sản. Quyết định sự phát triển của nghề là sự tiếp nối, kế thừa kỹ năng, kỹ xảo giữa các thế hệ thợ, nghệ nhân. Một thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, sự kế thừa này càng về sau càng yếu dần do lực lượng thợ trẻ không còn mặn mà với nghề cũ của cha ông chứ không phải do sự bí mật về nghề nghiệp. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp về đào tạo, về tăng mức thu nhập của những người làm nghề thủ công truyền thống nếu muốn khôi phục, phát huy một số nghề của địa phương.
Nghề, làng nghề truyền thống Hội An có bề dày phát triển như vậy nhưng dưới tác động của quá trình đô thị hoá theo hướng hiện đại với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, vật dụng mới có tính tiện ích cao, chi phí thấp nên cũng như tình trạng chung của cả nước, một số nghề, làng nghề ở Hội An đã dần mai một, mất đi. Một số nghề thì thu hẹp phạm vi, quy mô hoạt động so với trước. Có thể thấy thực trạng này ở các nghề chải cau, làm quế, làm vi cước cá, làm đồ thau thiếc, nghề sông nước…
Tuy nhiên thực tế tại Hội An cho thấy rằng một số nghề, làng nghề truyền thống ở đây không nằm trong tình trạng chung đó mà đã có những hướng đi tích cực để tồn tại và phát triển. Đặc biệt, một số nghề, làng nghề do biết cách khai thác, phát huy gắn với du lịch nên từ chỗ hoạt động nhỏ lẽ hoặc đứng bên bờ vực của sự mai một đã hồi sinh một cách ngoạn mục như làng gốm Thanh hà, làng rau Trà Quế, nghề hái lá Lao, đan võng ngô đồng, nghề mây tre Cẩm Thanh, nghề chế biến một số món ăn đặc sản… Một số hoạt động nghề gắn với nông nghiệp, ngư nghiệp đã có sức hấp dẫn đối với du khách trong các chương trình: Một giờ làm ngư dân Cẩm Thanh, Một giờ làm nông dân Trà Quế… Hoặc trên nền tảng truyền thống, một số nghề đã mở rộng quy mô, đổi mới hoạt động trở thành điểm sáng của sự phát triển như nghề may nhanh, nghề làm lồng đèn, nghề làm đồ tre mỹ nghệ; làm đồ lưu niệm từ nguyên liệu lá dừa nước… Ở đây hoạt động du lịch thể hiện rõ vai trò là nhân tố xúc tác quan trọng để vực dậy một số nghề, làng nghề truyền thống của địa phương, tạo được đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sự kết hợp giữa nghề, làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy các nghề, làng nghề này.
Một vận hội mới đang mở ra đối với các nghề, làng nghề truyền thống của địa phương. Để tranh thủ vận hội này cũng như để bảo tồn, phát huy tốt các nghề, làng nghề truyền thống cần tiếp tục thực hiện một số vấn đề:
- Khảo sát, nắm bắt, tư liệu hoá các tri thức bản địa về nghề truyền thống của địa phương, xác định giá trị của hệ thống tri thức này để bảo tồn và phát huy, xem hệ thống này là tài sản quý của quá khứ truyền lại cho các thế hệ hôm nay và tương lai.
- Có kế hoạch, chương trình, dự án để bồi dưỡng tay nghề, xây dựng đội ngũ thợ lành nghề kế cận nhằm đối phó nguy cơ thất truyền tri thức, kỹ năng thực hành nghề truyền thống.
- Tiếp tục duy trì các hoạt động Festival hàng năm của nghề gốm Thanh Hà, nghề dệt, ươm tơ dệt lụa; ngày hội quật cảnh Cẩm Hà, liên hoan ẩm thực thế giới ở Hội An; tổ chức Festival mộc Kim Bồng, rau Trà Quế và một số nghề đặc trưng khác của Hội An.
- Tiếp tục và đi vào thực tế việc xây dựng chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thủ công tiêu biểu, đặc trưng. Tổ chức các hội thi để trưng bày, giới thiệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.
- Tăng cường quan hệ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương trong nước và quốc tế để mở rộng đầu ra cho sản phẩm và để giới thiệu, quảng bá về nghề thủ công truyền thống của địa phương.
Các làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống ở Hội An là những thực thể văn hoá sống động, gắn với quá trình phát triển của các xã phường và cộng đồng dân cư, với không gian văn hoá, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể. Vì vậy, có thể nói rằng, nếu đánh mất những thực thể này hoặc làm biến dạng chúng cũng có nghĩa là đã đánh mất đi vốn di sản văn hoá mà cha ông đã dày công bồi đắp và truyền lại từ hàng trăm năm trước. Việc bảo tồn và phục hồi lại diện mạo sống động, nhộn nhịp của một số làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống đặc trưng của địa phương tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đạt được kết quả nếu có những nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí, giá trị văn hoá của chúng, có những biện pháp phù hợp, có sự tham gia góp sức của nhiều cấp chính quyền, nhiều nhà chuyên môn và sự đồng thuận cao của nhân dân.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền