Trở lại lịch sử, vào tháng 3/1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam giành được thắng lợi mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên. Thắng lợi này tạo thêm khí thế quyết tâm cho các địa phương tiến lên giải phóng hoàn toàn, trong đó có Hội An. Nhận định thời cơ giải phóng đã chín muồi, ngày 22/3/1975 (1), Thị ủy Hội An chủ trương thành lập Ủy ban khởi nghĩa thị xã bao gồm các đồng chí trong Ban thường vụ Thị ủy, đồng chí Võ Hiên – Bí thư Thị ủy làm trưởng ban. Ủy ban khởi nghĩa thị xã cùng nhiều cán bộ, bộ đội chủ lực về vùng Thượng Phước thuộc xã Cẩm Kim trực tiếp chỉ đạo, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp đến.
Thượng Phước là một trong những di tích lịch sử cách mạng của xã Cẩm Kim, hiện thuộc thôn Phước Thắng và nằm về phía nam xã Cẩm Kim. Từ tháng 2 năm 1967 đến tháng 3 năm 1975, Thượng Phước là căn cứ cách mạng của xã Cẩm Kim. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt của quân và dân xã Cẩm Kim chống lại các cuộc càn quét lớn của địch, tiêu biểu là trận đánh ngày 28/02/1973, một Tiểu đoàn Ngụy có máy bay, xe tăng, ca nô yểm trợ, mở một trận càn quét vào đây bị quân và dân Cẩm Kim tiêu diệt 42 tên, bắn cháy 1 ca nô, 1 máy bay, đẩy lùi tất cả các đợt tiến quân của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng (2).
Là vùng giải phóng nên lúc bấy giờ, Thượng Phước không chỉ an toàn mà còn thuận tiện cho việc phát triển lực lượng khởi nghĩa cũng như tiếp cận vùng nội ô thị xã. Cán bộ, bộ đội ta về đây được nhân dân đùm bọc, che chở, tích cực đào hầm, công sự, dựng lán trại để làm nơi ăn, ở, hội họp. Những ngày sau đó, nhằm mở thông tuyến hoạt động từ Thượng Phước đến Ngọc Thành để tiếp cận vùng nội ô, quân ta đã tiến công tiêu diệt một số cứ điểm của địch nằm trên hành lang này.
Một di tích khác ở Cẩm Kim liên quan đến sự kiện này là di tích nhà thờ tộc Phan Xuân. Di tích này hiện nằm trên địa bàn thôn Phước Thắng. Đây là ngôi nhà thờ tộc có giá trị kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Hội An. Tại đây, vào ngày ngày 26/3/1975, đồng chí Võ Hiên – Bí thư thị ủy Hội An cùng các đồng chí được Đặc khu ủy, Tỉnh ủy tăng cường về chỉ đạo giải phóng Hội An (3).
Trong thời gian này, trên khắp chiến trường miền Nam, quân, dân ta giành được những thắng lợi liên tiếp. Ở Hội An, trong khi khí thế cách mạng càng lúc càng dâng cao thì kẻ thù càng hoang mang cực độ.
Trong số các địa điểm quan trọng của địch lúc này có nhà lao Hội An, thường gọi tên khác là nhà lao xóm Mới, lao xá Hội An. Nhà lao này hiện nay thuộc khối An Hòa, phường Sơn Phong. Nhà lao được chính quyền tay sai của Mỹ xây dựng, đưa vào giam giữ từ năm 1960. Lúc bấy giờ, bên trong nhà lao đang giam giữ hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta. Đề phòng tình huống địch thủ tiêu tù nhân để trả đũa khi ta tấn công vào nội ô thị xã, ngày 26/3/1975, Ủy ban khởi nghĩa thị xã giao nhiệm vụ cho Đội công tác K3 xã Cẩm Hà đột nhập hỗ trợ giải phóng nhà lao. Phối hợp với lực lượng bên ngoài đánh vào, Ủy ban khởi nghĩa cũng giao cho đồng chí Trần Thị Hai (Á) là Phó đoàn công tác nội ô khẩn trương bắt liên lạc với cơ sở nội tuyến của ta đã được cài vào trong nhà lao trước đó để mở các cửa nhà lao giải thoát toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đây (4). Đây là một thắng lợi quan trọng, vừa tăng thêm sức ép cho kẻ thù, vừa bổ sung một lực lượng đáng kể cho sức mạnh tấn công của ta.
Đến ngày 27/3/1975, khi nhận định thời cơ đã đến, Ủy ban khởi nghĩa thị xã phát lệnh tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Ở các khu dồn, trại tập trung, nhân dân ta nổi dậy làm chủ hoàn toàn các xã ngoại ô. 2 giờ sáng ngày 28/3/1975, lực lượng vũ trang chia làm các mũi tiến vào nội ô, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, ta làm chủ được toàn bộ các mục tiêu.
Lúc này, các cánh quân và lực lượng quần chúng khởi nghĩa từ các xã tiến về Tòa hành chính Quảng Nam. Đây là một trong những di tích thuộc địa phận phường Minh An. Vị trí di tích này hiện nay là khu vực khách sạn Hội An. Tòa hành chính Quảng Nam là nơi làm việc của tên tỉnh trưởng ftrong chính quyền tay sai Mỹ, là cơ quan đầu não quan trọng nhất, thể hiện cho uy quyền của địch. Không chỉ lúc bấy giờ mà trước đó, nơi đây đều được các chính quyền thực dân Pháp rồi đến chính quyền tay sai Mỹ chọn làm cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Nam với những tên gọi: Tòa công sứ, Tỉnh đường và lúc này là Tòa Hành chính Quảng Nam. Trước đó vài ngày, tên đại tá tỉnh trưởng đã tháo chạy ra sân bay lên trực thăng tẩu thoát. Lực lượng cách mạng với khí thế hừng hực đã nhanh chóng chiếm được mục tiêu này. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng được treo lên trên dinh lũy của kẻ thù đánh dấu cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Hội An giành được thắng lợi hoàn toàn.
Có thể nói, những di tích/dấu tích liên quan đến ngày giải phóng Hội An trên đây là những “địa chỉ đỏ” không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn có giá trị lớn về mặt giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ Hội An hôm nay và mai sau để thế hệ tương lai của mảnh đất này mãi vững tin trên chặn đường xây dựng và bảo vệ quê hương thân yêu này.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồi ký Đời Tôi, Nguyễn Đức Minh, NXB Đà Nẵng, 2011, trang 179.
(2) Theo nội dung bia di tích vùng giải phóng Thượng Phước.
(3) Di tích - Danh thắng Hội An, NXB Đà Nẵng, 2015, trang 258 – 259 và Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930-1975), 1996, trang 328.
(4) Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hội An (1945-1975), NXB Quân đội nhân dân, 2014, trang 312.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền