Thông tin thêm về nhà ở có kiểu dáng truyền thống tại Cù Lao Chàm

Thứ năm - 21/03/2019 21:11
Cù Lao Chàm có tất cả 08 hòn đảo, trong đó hòn Lao có diện tích lớn nhất và chỉ có hòn Lao là có người cư trú. Địa hình sườn Đông của hòn Lao hiểm trở; sườn Tây thoải, có nhiều bãi cát rộng nên cư dân chỉ tập trung sinh sống ở sườn Tây, chủ yếu là Bãi Làng và Bãi Hương. Theo lời kể của một số vị am hiểu về nhà ở truyền thống ở Cù lao Chàm (1) thì cách đây 3 đến 4 đời, cha ông của họ từng sống trong những ngôi nhà tranh. Đó là kiểu nhà lợp mái và bao che xung quanh (phên) bằng tấm tranh mây.
          Khoảng thời gian trước năm 1960, số lượng nhà ở Cù Lao Chàm không nhiều; giai đoạn từ năm 1960 đến 1968, số lượng nhà tại đây có tăng, khoảng 84 ngôi nhà, trong đó số lượng nhà tập trung nhiều nhất ở Bãi Làng với khoảng 60 nóc nhà, xóm Cấm và Bãi Hương như nhau, cùng 12 nóc nhà. Đặc biệt, vào năm 1968, nhiều gia đình ở Duy Hải, Duy Nghĩa, Hội An… chạy tản cư ra Cù lao Chàm, có sự biến động lớn về dân cư nên ở đây có nhiều nóc nhà hơn sau mốc thời gian này.

          Qua tìm hiểu, trước đây có 2 kiểu nhà tranh mây được làm phổ biến nhất, đó là nhà một gian hai chái và nhà ba gian. Nhà một gian hai chái có kiến trúc kiểu như nhà ông Nguyễn Vinh, số lượng nhà này không nhiều (khoảng 6 - 7 nhà) vì hệ khung gỗ loại nhà này phức tạp hơn, tốn nhiều gỗ hơn, lợp mái cũng khó hơn (xử lý tại các góc giao giữa 4 mái – đường bờ chảy để mái không bị dột), tuy nhiên hệ khung gỗ vững chắc và liên kết với mái tốt hơn nên an toàn hơn trong gió bão. Nhà có 5 hàng cột (cắt ngang), cột cái cùng các cột con, kèo, trính, xiên tạo thành hệ khung chịu lực chính.

          Với nhà ba gian, hệ khung gỗ và việc lợp mái đơn giản hơn nhiều so với nhà một gian hai chái nên loại nhà này phổ biến hơn và chiếm số lượng lớn. Nhà chính có mặt bằng hình chữ nhật, theo kiểu nhà “con tiền cái hậu”. Mỗi gian nhà thường không rộng hơn 2m để tiện việc lợp tranh, do đó nhà thường không rộng hơn 6m. Bề sâu nhà thường dao động từ 4-5m. Nhà thường có 4 hàng cột theo bề ngang, 3 hàng cột theo bề sâu. Với hai hàng cột ở gian giữa, mỗi hàng cột thường chỉ có một cột cái hậu và hai cột con, tại vị trí cột cái tiền sẽ thay thế bằng trụ đội, một đầu gối lên trính, một đầu giúp chống đỡ kèo. Việc trốn cột cái tiền nhằm tạo không gian sinh hoạt phía trước thông thoáng hơn. Trính ở hai hàng cột gian giữa là trính đoản, liên kết cột cái hậu và cột con tiền.

          Ở cả hai loại nhà, hệ khung gỗ chịu lực thường được làm bằng gỗ làu táu, quỷnh, chò, kiền kiền, chàng tim. Các cây gỗ này được khai thác trên sườn núi phía Tây của hòn Lao. Cây được chọn làm đòn đông là loại cây “chết chóc mọc chồi”, tức là cây có nứt chồi lại sau khi bị đốn, nếu không như vậy thì không dùng. Một số người dân còn lấy “chang” của cây da (chang: phương ngữ, có nghĩa là phần rễ phụ đâm xuống đất của cây da, rất to, thẳng và dài) để làm đòn đông. Những ngôi nhà này không có hiên, thay vào đó là cửa chống bố trí ở mỗi gian. Cửa sổ, cửa đi trước đây cũng được làm bằng lá mây, kết thành tấm (phên), đóng mở bằng cách lấy cây chống lên. 

          Cách bố trí công năng bên trong hai loại nhà này tương đối giống nhau. Tuy có diện tích không lớn nhưng nhà chính là nơi diễn ra mọi sinh hoạt trong gia đình: thờ tự, tiếp khách, ngủ nghỉ… Bên trong nhà không có vách ngăn phòng, chỉ ngăn che gian thờ, giường ngủ bằng tấm rèm vải. Bàn thờ đặt tại gian giữa nhà chính, thờ Ngũ tự gia đường, ông bà tổ tiên, người thân trong gia đình. Trước bàn thờ là bộ bàn tiếp khách. Hai gian bên bố trí giường ngủ, tủ, phảng… Các vật dụng nội thất đều bằng gỗ. Hai vật dụng hầu như nhà nào cũng có là phảng gỗ và sập bân.

          Muốn nhà rộng hơn, tăng diện tích sử dụng thì làm thêm chái ở phía sau hoặc hai bên trái, phải. Một cạnh chái bằng cạnh nhà chính, có thể tận dụng hệ khung nhà chính hoặc làm hệ khung độc lập. Chái có bề ngang không lớn (≤3,0m), hệ mái thường là một mái dốc. Gian chái bố trí giường ngủ, tủ, buồng thay đồ, là nơi để các vật dụng nông, ngư cụ.

          Do mái nhà và vách đều được làm từ lá mây nên bếp chỉ dựng theo kiểu chái tạm, tách biệt với nhà chính và nhà chái để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro hỏa hoạn. Những ngôi nhà được cải tạo sau này, sử dụng vật liệu khó cháy như gạch, tôn thì một số gia đình đưa bếp vào phía sau gian chái. Vị trí bếp, chái bếp hay hướng bếp không thực sự quan trọng, tùy vào vị trí, hình dáng lô đất mà bố trí cho phù hợp, thuận hướng nào thì làm hướng nấy. Bếp ngày xưa rất đơn giản, chỉ kê 3 cục đá làm ông kiềng để nấu nướng là phổ biến, đến sau những năm 60 có kiềng sắt, sau nữa là bếp đất nung. Bếp không có bàn thờ riêng (thờ ông Táo), chỉ cúng một lần mỗi năm vào dịp 23 tháng Chạp – đưa ông Táo về trời. Lễ cúng cũng rất đơn giản: cắm 3 cây hương giữa kiềng bếp, đặt một bàn nhỏ phía trước để đồ cúng tế, thường là dĩa bánh, trái cây. Cạnh bếp có lu/ảng nước, múc nước bằng gáo dừa.  
Người dân nấu ăn bằng nồi đồng (với các hộ khá giả) và nồi đất. Bữa cơm được dọn trên mâm thau, một số nhà làm mâm gỗ (từ 2-3 miếng ván gỗ ghép lại, đáy có chân cho mâm cao hơn). Cá biệt có người làm mâm từ một miếng gỗ nguyên, đục đẽo rất đẹp, chân đế có hoa văn trang trí. Cơm, thức ăn đựng trong chén, bát đĩa bằng đất. Đũa được vót từ cây bình lái (gỗ có màu vàng giống kiền kiền, rất chắc), một số nhà dùng đũa tre. Mâm cơm được dọn ở gian bên hoặc gian chái, không ngồi ăn ở gian giữa nhà chính, trước bàn thờ vì kiêng cử và phép lịch sự. Người dân thường trải chiếu, ngồi ăn cơm dưới nền nhà, nếu gian bếp (chái) đủ rộng thì có thêm bộ bàn ghế gỗ (ghế băng) để dọn cơm.

          Trước đây, hầu như nhà nào cũng có “rạp”. Vì trong khuôn viên nhà ít cây cối nên mới làm rạp để che nắng, làm chỗ ăn cơm, mắc võng nghỉ ngơi. Vị trí làm rạp, kích thước rạp tùy thuộc vào thửa đất của từng ngôi nhà, không cố định, tuy nhiên chiều dài rạp thường bằng chiều ngang của nhà, tức là khoảng từ 5 – 6m. Hình thức rạp khá đơn giản, dùng một ít cây gỗ làm hệ khung (trụ chống và các cây để gác mái), gác cây đút lên trên thành nhiều lớp để làm mái, xong lấy cây gỗ chần lên, neo lại cho chắc chắn. Mái rạp lợp ngang, hiếm khi mái xuôi, bởi vậy người dân xứ đảo có thành ngữ “ngang như rạp” để chỉ những người có tính tình “ngang phè”. Cây đút đốn trên núi, để nguyên lá (vì tấm mái gần như nằm ngang nên làm đút tốt hơn lá mây, lâu bị mục). Thân cây đút thẳng, dài, to cỡ ngón tay cái. Mái rạp chỉ che mát chứ không chống được mưa dột, có thể dùng đến 7 năm mới hư hỏng, phải làm lại.

          Ngoài nhà chính, việc bố trí không gian xung quanh ngôi nhà thường rất hạn chế. Nhà có khuôn viên rộng thì làm tường rào, cổng ngõ. Trụ cổng là 2 cây gỗ đốn trên núi, gỗ gì cũng được, miễn là thẳng và chắc. Hàng rào đan chéo chữ X bằng các cây gỗ mật cật. Hàng rào phía trước nhà được chăm chút, làm đẹp hơn hàng rào phía sau.
Nhà nào có khuôn viên đất rộng lắm thì mới trồng cây, bình thường thì người ta không trồng vì sợ gió bão khiến cây ngã đổ làm hư nhà, cành khô gãy làm hư mái tranh mây, gây thấm dột. Nếu có trồng trong sân nhà thì trồng cây có tán thấp hoặc một số cây hoa màu như khoai, sắn… Nhà thường có vườn riêng, tách biệt với ngôi nhà, trồng cây trong vườn chứ không trồng trong sân nhà. Ngoài nhà chính, chái, khu bếp, không có nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ khác. Ở một số nhà có thêm buồng tắm, vách che bằng lá mây hoặc cây gỗ nhỏ.

          Những ngôi nhà tranh mây đã hoàn toàn biến mất ở Cù lao Chàm, tuy nhiên nó vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều bậc cao niên nơi đây như hình dáng nhà, kỹ thuật dựng nhà, kỹ thuật chọn, nứt lá mây… Đặc biệt, nhà ông Nguyễn Vinh được xây dựng cách đây hơn 70 năm ở thôn Cấm, có kết cấu khung gỗ kiểu một gian hai chái duy nhất còn lại ở Cù lao Chàm, trước đây mái lợp tranh mây, tường xây táp lô san hô và vữa vôi. Năm 2018, ngôi nhà đã được phục dựng tại địa điểm rẫy ông Thơ, xã Tân Hiệp, khôi phục lại hệ mái tranh mây. Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và nếp sống, sinh hoạt của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng.

Một số hình ảnh nhà ông Nguyễn Vinh - Ảnh: Hồng Việt


·​


Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây