Nhìn chung, địa bàn Cẩm Phô bị chia cắt bởi cồn, bãi cát ven sông và sông, lạch (lạch Chùa Cầu – khe Ồ Ồ). Đặc điểm về địa hình, thủy đạo này đã tạo nên địa bàn cư trú của dân làng Cẩm Phô khá đa dạng và chia cắt ở từng địa bàn khác nhau. Có nhóm cư dân sống trên cồn (sông), nhóm khác sống ven bờ sông, hoặc trên những bãi, cồn cát. Vì vậy, làng Cẩm Phô thuở ban đầu được chia cắt thành các khu vực dân cư: Trên cồn (nay là Cẩm Nam) có 3 châu (Tam châu): Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung. Ven bờ sông có ấp Tu Lễ, Xuân Lâm và lùi sâu vào vùng cồn, bãi cát có ấp Trường Lệ. Đặc điểm này cũng tạo nên sự đa dạng phong phú trong hoạt động kinh tế và sinh hoạt văn hóa của dân làng Cẩm Phô theo từng địa bàn cư trú trong lịch sử hình thành và phát triển.
Kết quả nghiên cứu khoa học tại di tích khảo cổ học Xuân Lâm (nay là khối Xuân Lâm, Cẩm Phô) nói riêng và ở Hội An nói chung, cho chúng ta biết đến trên mảnh đất Cẩm Phô cách ngày nay hơn 2.000 năm đã có cư dân sinh sống. Đây là lớp cư dân thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Tiếp theo là lớp cư dân thời kỳ vương quốc Champa từ thế kỷ II sau công nguyên đến thế kỷ XV. Bước sang thời kỳ Đại Việt, bắt đầu từ thế kỷ XIV, qua nhiều nguồn sử liệu cho biết sau sự kiện Huyền Trân Công chúa (Nhà Trần) năm 1306, Cẩm Phô và phần lớn phía Bắc, Tây - Bắc khu vực Hội An đã là một phần lãnh thổ của nhà nước Đại Việt. Nhưng trên thực tế nơi đây vẫn đang là vùng tranh chấp quyết liệt bởi sự phản kháng của người Champa. Đến năm Nhâm Ngọ 1402 (tức vào đời Hồ Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2), vào tháng 3, vua cho “sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu, dọc đường đặt phố xá để truyền thị, gọi là đường Thiên Lý ”. Rồi Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly “tháng 7, cử đại binh đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba - Đích - Lại dâng đất Chiêm động và Cổ Lũy động. Quý Ly nhận chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ bộ Thăng Hoa để cai trị... Đem những dân không ruộng mà có của dời đến ở Thăng Hoa biên làm quân ngũ, khuyên dân nộp trâu thì cho quan tước để lấy trâu cấp cho dân di cư” (2) và “Người đến ở châu nào phải khắc tên châu ấy trên cánh tay hàm ý giữ đất đến cùng" (3). Nhưng sự nghiệp của nhà Hồ sớm chấm dứt, không thể làm được gì hơn ngoài việc đưa dân đến đây sinh sống, bởi vào cuối năm 1406, quân Minh tràn sang xâm lược nước ta, cuộc chiến tranh vệ quốc do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng thất bại, cho nên từ năm 1407 đến 1427 quân Minh thiết lập chính quyền đô hộ trên toàn cõi nước ta. Trong khi đó quân nhà Minh vì nhiều lý do đã không đủ sức cai quản vùng đất mới chiếm được của nhà Hồ từ phía Nam đèo Hải Vân ngày nay trở vào nên sử quan triều Nguyễn chép rằng “trong thời kỳ thuộc Minh đặt Thăng Hoa phủ... đồ tịch chỉ biên hư danh đó thôi, còn đất đai thì người Chiêm Thành chiếm giữ. Đến đầu thời Lê mới đặt làm đất Kymi (đất ràng buộc)” (4). Như vậy, ở thời kỳ này cùng với khu vực Hội An, Cẩm Phô là một mảnh đất tranh chấp, quyền quản lý về mặt nhà nước, khi thì thuộc Minh, Đại Việt, khi thuộc Champa. Người Việt cùng chung sống với người Chăm chắc hẳn phải khôn khéo, dũng mãnh và tế nhị để có được cuộc sống ổn định làm ăn. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức) đã đánh Chiêm Thành lấy lại đất này đặt làm Thừa Tuyên Quảng Nam và vua đã ban dụ rằng “Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nay lấy lại được hết, sai các người trấn thủ, ai dám không theo lệnh thì chém trước tâu sau. Lại sai Đỗ Tử Quý làm Đồng Tri châu coi việc quân dân Đại Chiêm, Lê Ỷ Đà làm Tri châu coi việc quân dân Cổ Lũy. Người Chiêm ai dám làm loạn thì cho chém trước tâu sau” (5). Đây là thời kỳ phát triển thịnh vượng của chế độ phong kiến Việt Nam với vị vua Lê Thánh Tông. Thời kỳ nhà nước Đại Việt đủ sức lực để bảo vệ ổn định vùng đất này với việc xây dựng chính quyền phong kiến ở đây. Và cũng rất cần thiết phải tổ chức hành chính xuống tận các làng - xã - thôn - xóm để làm cơ sở cho chính quyền trung ương và địa phương. Đó là cơ hội để các làng xã ở khu vực Hội An nói chung và làng Cẩm Phô nói riêng ra đời.
Lúc này, cùng với các làng khác ở khu vực Hội An như Võng Nhi, Thanh Hà, Hoài Phô, Cổ Trai... Làng Cẩm Phô đã được hình thành. Trong gia phả tộc Huỳnh, hiện còn lưu giữ tại nhà thờ ở Châu Trung, phường Cẩm Nam ngày nay được biết “dòng dõi Huỳnh môn ở tại quận Giang hạ, sinh từ đất Bắc vào đến làng này. Thời kỳ Nam tiến Bình Chiêm - triều Lê Hồng Đức, hạ thành Đồ Bàn bắt sống Trà Toàn, tiên tổ chúng ta theo phong trào ấy vào Nam di dân lập nghiệp, đến nơi đây cùng liệt quý vị tôn hiển các tộc phái xưng là Đông phái tộc, khai lập xã hiệu lấy tên là làng Cẩm Phô. Long phi Giáp Dần niên” (6). Đây có thể nói là một chứng cứ đáng chú ý về việc di dân lập làng ở Cẩm Phô từ cuối thế kỷ XV trên mảnh đất Hội An này.
Ngoài ra, tác giả Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục” viết vào thế kỷ XVI (năm 1553) đã cho chúng ta biết được tên của 2 làng - xã trên mảnh đất Hội An ngày nay có vai trò, vị trí quan trọng và cùng với quy mô của nó đã được nhà nước phong kiến lúc bấy giờ công nhận, đó là làng Hoài Phô và Cẩm Phô. Hẳn là quá trình di dân, lập làng ở đây đã được diễn ra từ trước năm 1553.
Các lớp dân cư Cẩm Phô ngày một đông hơn cùng với việc di dân lập làng ở Hội An - xứ Quảng, tiếp tục được diễn ra mạnh mẽ gắn với kế sách tạo nghiệp lâu dài của các chúa Nguyễn, với câu sấm truyền “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa rồi đến năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam và rồi tháng 7 năm Nhâm Dần - 1602 cho lập Trấn Dinh Quảng Nam vì xem: chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng... đồng thời sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ, sau đó vào năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đã cho chia đặt lại hệ thống đơn vị hành chính của Thuận Quảng, tách huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong ra để lập phủ Điện Bàn. Vào thời điểm này Cẩm Phô thuộc huyện Diên Phước/Diên Khánh, phủ Điện Bàn của Trấn Quảng Nam.
Ở Cẩm Phô hiện nay, được biết có 4 tộc tiền hiền là Huỳnh, Trần, Lê, Nguyễn. Qua tấm bia mộ cụ tổ tộc Lê có viết: “... Đời truyền trước Gia Dũ Hoàng Đế (tức Nguyễn Hoàng) khai khẩn Thuận, Quảng, cụ từ miền Bắc vào (không rõ tỉnh) cùng thời các cụ trong tộc họ: Huỳnh, Trần, Nguyễn đến khai phá đất Thuận, Quảng. Các cụ khai khẩn mấy trăm mẫu đất ruộng, phía Đông, Tây có sông bao bọc trở thành một làng tuyệt đẹp” (7). Như đã trình bày trước, làng Cẩm Phô được lập khá sớm. Đến đây chắc là trong đợt di dân này đã tiếp nhận thêm nhiều tộc họ, nhóm cư dân khác có thế lực góp sức cùng mở mang xây dựng Cẩm Phô phát triển lớn mạnh.
Về địa giới, Cẩm Phô là một trong 4 địa danh làng/xã ở Hội An (Cẩm Phô, Thanh Châu, Thanh Hà, Kim Bồng) có quy mô diện tích rộng lớn ngay từ lúc hình thành và không ngừng gia tăng, mở rộng qua nhiều thời kỳ. Đồng thời cũng không có hiện tượng nhập với bất cứ làng/xã nào để tạo thành một khu vực dân cư làng/xã với tên gọi mới từ trước đến nay. Mà ngược lại được chia/tách thành các làng/xã/phường mới. Đặc biệt, tên gọi “Cẩm Phô” cũng không hề bị biến đổi từ khi lập làng cho đến nay với gần 500 năm lịch sử. Phải chăng, hiện tượng nêu trên được xuất phát từ quy mô diện tích, dân số, vị trí, vai trò, kinh tế của làng/xã Cẩm Phô mà nó còn xuất phát từ hàm nghĩa đẹp đẽ của hai chữ Cẩm Phô: Cẩm (錦) nghĩa là Gấm, một tiếng để khen ngợi; Phô (鋪) - nghĩa là phô trương, phô diễn (8).
Quả đúng như tiền nhân của cư dân làng Cẩm Phô đã để lại đôi câu đối trên đình làng, còn lưu truyền lại cho con cháu hôm nay: “Cẩm tú giang sơn, khai khẩn, khai cơ, thiên tải tại” (Gấm vóc, non sông, khai sáng xây nên lưu vạn thuở) và “Phô trương công đức, phỉ thừa, phỉ hiển vạn niên xuân” (Phô bày công đức, kế thừa tô điểm rạng ngàn năm).
Trên thực tế, địa giới của làng Cẩm Phô tính từ thuở khởi lập đến trước năm 1945 gồm: Lúc đầu có các địa danh Xứ Tam Châu gồm: ấp Xuyên Trung, Hà Trung, Châu Trung - Nay là toàn bộ thuộc phường Cẩm Nam; Xứ Tam ấp gồm: ấp Tu Lễ, Xuân Lâm (nay là cáckhối Hoài Phô, Tu Lễ, Xuân Lâmphường Cẩm Phô) và Trường Lệ (nay là khối Trường Lệ - phường Cẩm Châu). Sau xứ Tam Châu mở rộng thêm ấp Trung Châu gồm Trung Giang Thượng và Trung Giang Hạ (nay Trung Giang thượng thuộc phường Sơn Phong và Trung Giang hạ là khu vựcthuộc khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu); ấp Nam Ngạn, Trung Tín (nay cũng thuộc phường Cẩm Nam) (9). Về phía Tây mở rộng thêm ấp Chương Phô (nay thuộc địa phận Lai Nghi - xã Điện Nam, Điện Bàn); Làng Hòa Yên/hòa An ( nay là khu vực khối Hòa Yên, phường Thanh Hà ) (10). Sau 1945 có thêm các ấp Xuân Mỹ (nay thuộc khối Xuân Mỹ, Tân An); ấp Xuân Quang (nay thuộc khối Xuân Quang, Tân An). Tháng 3 năm 1946, các ấp thuộc xứ Tam Châu được tách ra khỏi Cẩm Phô, để lập thành Khu Lương Như Bích (tức khu 4), năm 1949 thuộc Khu Hội Hà, đến năm 1951 đổi thành khu Nam (sau này phần lớn thuộc xã Cẩm Nam, tức phường Cẩm Nam ngày nay) ; còn các ấp của xứ Tam Ấp thuộc khu Châu Thượng Văn (khu II), năm 1949 thuộc khu Hội Thành, đến năm 1951 đổi thành khu Nội ô (11). Năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm cho lập Khu hành chính Cẩm Phô gồm 9 xã, các ấp thuộc xứ Tam Ấp của Cẩm Phô lập thành thôn Cẩm Phô, thuộc xã Hội An (12). Sau năm 1975 thôn Cẩm Phô, xã Hội An chuyển thành phường Cẩm Phô cho đến nay và cũng sau năm 1975 ấp Ngọc Thành (Kim Bồng/Cẩm Kim) được sát nhập vào Cẩm Phô.
Về nguồn gốc cư dân ở Cẩm Phô, các tộc họ tiền hiền hầu hết đều từ vùng Bắc Trung Bộ - cụ thể là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh vào đây tạo dựng nên làng/ xã. Người Việt kế tiếp người Chàm là một bộ phận cư dân cơ bản, chủ nhân chính của cộng đồng cư dân làng Cẩm Phô. Trong buổi sơ khai lúc ban đầu vào đây họ chủ yếu sinh sống bằng các nghề cổ truyền là nghề nông - làm ruộng lúa nước, trồng các loại cây rau màu, hoa quả... Một số cư dân đã dựa vào địa thế biển rộng, sông ngòi chằng chịt khai thác đánh bắt hải sản (cá, tôm, mực)... và một số ngành nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu của buổi sơ khai ban đầu đó. Có kết hợp nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp từ đó tất nhiên có chợ, bến để trao đổi buôn bán giữa các làng với nhau và với thuyền buôn nước ngoài. Trên cơ sở có đứt gãy, gián đoạn mà cũng có tiếp nối truyền thống của người Chàm với người Việt trong làm ăn sinh sống, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sản xuất và kinh tế buôn bán, cùng các hình thức sinh hoạt kinh tế, văn hóa tương ứng.
Rồi cùng với năm tháng, thời gian lịch sử, với bản tính cần cù, thông minh, sáng tạo của con người Đại Việt trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, Làng/xã Cẩm Phô không ngừng phát triển theo hướng chuyên nghề, chuyên ngành, nhưng cơ bản là nghề nông, buôn bán/thương nghiệp và một số ít làm nghề thủ công, ngư nghiệp. Đi cùng với các ngành nghề này nền sản xuất kinh tế hàng hóa giản đơn, hoạt động thương mại cũng phát triển, đó là những yếu tố cơ bản, là nguyên nhân sâu xa, cùng với yếu tố vị trí địa lý thuận lợi tạo thành điều kiện đủ - yếu tố nội sinh đầy sức sống, hấp lực thu hút sự nhập cư của các thành phần cư dân khác như người Nhật, người Hoa... trên mảnh đất Cẩm Phô. Trên hành trình phát triển đó đã có sự hội nhập một phần lớn của làng Hoài Phô vào Cẩm Phô, góp phần tạo dựng nên phố chợ Hội An, Đô thị thương cảng thuyền buồm quốc tế, một trung tâm thương nghiệp - ngoại thương nổi tiếng của Đàng Trong - Việt Nam ở Châu Á vào thế kỷ XVII, XVIII và là Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới hôm nay.
* Tài liệu tham khảo:
- (1) Sông Hoài thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, chảy qua làng Hoài Phô ngày xưa, tức khu vực Hội An sau này (gọi sông Hội An).Nguyên lúc ban đầu Cẩm Phô có 3 châu nằm trên cồn được bao bọc bởi sông Hoài và có 1 trong 3 ấp nằm ven bên bờ Bắc của sông này.
- (2) Lê Qúi Đôn (1977): Phủ biên tạp lục. Hà Nội: NXB KHXH, tr 23, 24.
- (3) Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, tr 88.
- (4) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, bản dịch: Nguyễn Tạo, Sài Gòn,tr. 104.
- (5) Lê Qúi Đôn (1977): Phủ biên tạp lục, sđd, tr 33
- (6) Tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
- (7) Tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
- (8) Thương nhân Diệp Ngộ Xuân (Sinh khoảng 1808 và mất năm 1890) đến lập nghiệp tại Hội An, đã có nhiều bài thơ hay về Hội An, trong đó có bài: Cẩm Giang châu bạc/Thuyền đậu bến Cẩm Phô, trong tập Hội An bát cảnh/Tám cảnh đẹp Hội An:
Hè đi, xuân đến rộn ràng buôn
Trăm thứ hàng qua biển chở thông
Cảnh ấy xưa nay dồn dạy tiếng
Hàng năm thuyền ghé Cẩm Phô đông.
Hay bài:
Trời xuân dạo ngắm cảnh ven hồ
Cỏ nội hoa đồng sắc gấm phô
Nước biếc vỗ bờ trong suốt gợn
Mây giăng lặc lối ánh loang mờ
Buông câu ngư phủ xâu luồng sóng
Ngả nón nhà nông vẽ bức đồ
Ước dặng mây trôi, chim trắng liệng
Phỉ tình qua lại mặt sông xao
Sưu tầm và dịch : Nguyễn Bội Liên
- (9) Ngày nay phần lớn diện tích đất ấp Xuyên Trung, Trung Tín đã bị lở xuống sông.
- (10) Ngày trước, trai gái làng Cẩm Phô với làng AnHòa Yên dù khác họ cũng không được đính hôn. Bởi theo lời truyền khẩu của làng này thì xưa là hai anh em ruột tách ra làm hai làng.
- (11) Khu là đơn vị hành chính thuộc cơ cấu tổ chức các khu kháng chiến chống Pháp theo chủ trương phân chia của tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An.
- (12) 9 xã thuộc Khu hành chính Cẩm Phô là: Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Hải, Xuyên Long và Hội An. Ngoài Cẩm Phô, các địa danh xã mang chữ Cẩm bắt đầu từ thời gian này.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền