Tác phẩm này sau đó đã được in lên đồng bạc 500 piastres do Banque de L’Indochine phát hành vào giai đoạn 1942-1945, là chuyện nhiều người đã biết.
Tuy nhiên, trong những lúc trà dư tửu hậu các bậc cao niên lại cho biết có một người nữa ở Hội An cũng đã từng đoạt giải ảnh quốc tế trong thập niên 50 của thế kỷ XX. Chỉ biết rằng đó là một trong những người con trai của nhiếp ảnh gia Huỳnh Sau, nhưng cụ Huỳnh Sau lại có đến bảy người con trai, hầu hết đều theo nghiệp nhà nên rất khó minh định.
Dư luận cho rằng đó là nhiếp ảnh gia Huỳnh Sỏ, tuy nhiên lại không có một tư liệu nào còn lại để minh định về việc này, nên câu chuyện vẫn cứ là một dấu hỏi lớn cho đến những ngày gần đây…
Vào năm 1921, cụ Huỳnh Sau khai trương hiệu ảnh Huỳnh Sau tọa lạc ngay tại đầu ngã tư Lê Lợi - Trần Hưng Đạo, Hội An. Nhiếp ảnh gia Huỳnh Sỏ (1917- 1965) là con trai trưởng trong gia đình cụ Huỳnh Sau.Theo lệ thường khi nối nghiệp nhà, những người con trong gia đình này lúc ra mở cửa hiệu riêng tại Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ… vẫn giữ nguyên thương hiệu Huỳnh Sau. Nhưng là người có tinh thần tự lập cao nên khi ra mở hiệu ảnh riêng, ông lại xin cha cho lấy thương hiệu riêng là hiệu ảnh Huỳnh Sỏ. Được sự đồng ý của cha, hiệu ảnh Huỳnh Sỏ ra đời, lúc đầu tọa lạc ở giữa đường Nguyễn Thái Học, sau chuyển về địa điểm đối diện với cửa hiệu hiện nay tại đầu ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học.
Chân dung nhiếp ảnh gia Huỳnh Sỏ. Ảnh từ sưu tập gia đình ông Huỳnh Nam Sinh
Thời đó, hầu hết các hiệu ảnh đều có studio chụp tại chổ trong cửa hiệu, nhưng chủ yếu vẫn phải đi tìm khách hàng ở các vùng lân cận.Người dân vùng ven có điều kiện vẫn hay mời các nhiếp ảnh gia về tận nhà để chụp ảnh cho thân nhân gia đình mình và thường gọi họ là “quan thợ chụp ảnh”. Nhờ nằm ở vị trí đắc địa, đón đầu được những người dân vùng ven qua phố bằng thuyền, nên khách hàng của ông cũng khá đông.
Chụp tại studio còn đỡ, khổ nhất là những lúc khách hàng mời về nhà riêng để chụp ảnh cho thân nhân của họ. Máy ảnh thời kỳ này còn to lớn, chân máy cồng kềnh, nặng hàng chục ký nên phải thuê lao công mang vác đã đành, nhưng phim mới là chuyện đáng nói. Thời đó chưa có phim cuộn, lá phim được tráng bằng brom, nitrat, và iot bạc trên một tấm… gương, dày hai ly. Gương nặng nề, lại dễ vỡ do đó mỗi khi đi chụp xa cần phải có người cẩn thận, mang vác phim gương đủ cỡ khác nhau để dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Các cỡ phim gương thời này gồm các loại quatre-six (4x6), six-neuf (6x9), neuf- douze (9x12) nên rất lỉnh kỉnh khó mang vác. Về kỹ thuật phòng tối và sang ra giấy ảnh cũng tương tự như các loại phim tráng nhựa sau này.
Huỳnh Sỏ là một người có chất nghệ sĩ nên ngoài công việc mưu sinh, ông cũng thường săn được nhiều tác phẩm chân dung và phong cảnh về Hội An có giá trị nghệ thuật cao, nhất là những tác phẩm về biển và phong cảnh ngoại ô Hội An. Dựa vào những tư liệu gia đình còn lưu lại, ngoài việc được tuyển chọn tham gia những triển lãm nhiếp ảnh trong nước, có vài lần tác phẩm của ông được tuyển chọn tham gia tại các triển lãm quốc tế được tổ chức trong các thập niên 50- 60 của thế kỷ XX.
Ảnh từ sưu tập gia đình ông Huỳnh Nam Sinh
Có ít nhất hai chứng thư được cấp cho nhiếp ảnh gia Huỳnh Sỏ xác nhận tác phẩm của ông đã được tuyển chọn tham dự Triển lãm Nhiếp ảnh - mỹ thuật quốc tế tại Sài Gòn vào những năm 1960,1961.
Bìa sau của tạp chí Hình ảnh Việt Nam số 52 phát hành năm 1962 có in ảnh tác phẩm “Mầm Non Kiến Tạo” của Huỳnh Sỏ chụp tại biển Hội An, được đánh giá cao với sáu ưu điểm: bố cục, ánh sáng, đường nét, trang trí, sắc điệu, ý nghĩa. Với những tiêu chuẩn khắc khe về nghệ thuật của thời đó, tác phẩm này đã được tuyển chọn để “mang chuông đi đánh xứ người” tại Triển lãm quốc tế Nhiếp ảnh, được tổ chức tại Đông Kinh, Nhật Bản năm 1959, cũng đủ để bây giờ hình dung được khả năng nghệ thuật của ông trong đánh giá của giới nghệ thuật đương thời lúc đó.
Ngày trước, người dân Hội An vẫn thường được chiêm ngưỡng những tác phẩm nhiếp ảnh có chất lượng nghệ thuật cao, được phóng khổ lớn treo tại hiệu ảnh Huỳnh Sỏ mỗi khi ghé thăm hoặc chụp ảnh tại hiệu ảnh của ông. Chỉ tiếc rằng chiến tranh loạn lạc, những cơn lũ lụt bất ngờ hàng năm đã cuốn đi không biết bao nhiêu tác phẩm của con người tài hoa này. Thời gian trôi nhanh, những tư liệu còn lại ít ỏi, nên câu chuyện về ông ngày càng đi về phía quá vãng.
May mắn thay vào những ngày cuối năm, ông Huỳnh Nam Sinh người con trai kế nghiệp của ông, tìm lại được một tư liệu quý giá về ông đăng trên tạp chí Đời Mới số 119 phát hành vào tháng 06.1954. Dựa vào tư liệu này có thể minh định rằng tác phẩm “Cấy lúa” của nhiếp ảnh gia Huỳnh Sỏ (Hội An) đã trúng giải quốc tế tại Paris năm 1953. Chấm dứt sự hồ nghi trong giới nhiếp ảnh kéo dài nhiều năm nay.
Trang bìa tạp chí Đời Mới. Ảnh từ sưu tập gia đình ông Huỳnh Nam Sinh
Tác phẩm “Cấy lúa” miêu tả ba người phụ nữ dàn theo hàng ngang, đang cấy lúa nước trên một mảnh ruộng nhỏ, ngập nước. Ánh sáng tương phản mạnh trên chiếc nón của người phụ nữ ở giữa trong tiền cảnh kéo hướng nhìn của người xem theo những lung linh bóng nước ở phần trung cảnh, điểm xuyết nhẹ bằng hình ảnh một mái nhà tranh ở trên góc phải, cộng với độ sáng tối hợp lý ở phần hậu cảnh tạo nên chiều sâu không gian không giới hạn, tất cả như diễn tả sự cảm thông của tác giả cũng như người thưởng ngoạn đối với những vất vả, bất trắc trước tương lai của những người phụ nữ nông dân trong một bối cảnh quê nghèo. Tác phẩm này đoạt được giải thưởng quốc tế Paris - 1953, cũng là điều xứng đáng.
Ngày xuân, nhận được tin vui của các tác giả trẻ của Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng đã gặt hái được nhiều giải nhiếp ảnh tại các triển lãm trong nước và quốc tế. Nhắc lại chút chuyện xưa để nhớ lại cụ Huỳnh Sỏ - một nghệ sĩ nhiếp ảnh tiền bối, và để mừng rằng mạch ngầm nghệ thuật từ xưa đến nay vẫn chảy liên tục không hề dứt trên mảnh đất “chưa mưa đã thấm” này.
Tác giả: Trương Nguyên Ngã
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn