Nhưng trãi qua biến thiên của thời gian, nghề y cổ truyền đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, với ý thức trách nhiệm của mình, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của đơn vị, từ sau năm 2000, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để hướng tới thiết lập một bảo tàng về nghề y truyền thống ở Hội An. Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương bố trí địa điểm nhà số 46 Nguyễn Thái Học để tổ chức thành điểm trưng bày các hiện vật, tư liệu về nghề y truyền thống ở Hội An.
Tiếp theo đó, để triển khai thực hiện, Trung tâm đã tham mưu lựa chọn đơn vị tư vấn để tiến hành nghiên cứu khảo sát, lập đề án, đề cương tổng quát, chi tiết trưng bày mỹ thuật, tổ chức góp ý thông qua lãnh đạo thành phố và các ban ngành liên quan.
Ngày 12/10/2015, hồ sơ đầu tư công trình Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An đã được phê duyệt tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng. Công trình do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Mỹ thuật Hà Nội, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Khang Thịnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng thành lập Tổ sưu tầm, trưng bày hiện vật để tham gia thực hiện. Đến tháng 5/2016, công trình được bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ về phương án thiết kế cũng như nội dung trưng bày, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, với tinh thần tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực liên quan, cũng như sự chủ động tiếp cận các công nghệ, thiết bị, vật liệu hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực trưng bày bảo tàng, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An đã phối hợp với các ban ngành liên quan tích cực nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố điều chỉnh một số nội dung thiết kế, dự toán nhằm nâng cao yếu tố kỹ, mỹ thuật và hiệu quả đầu tư công trình. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã thống nhất và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hồ sơ đầu tư với tổng kinh phí sau điều chỉnh là 1,7 tỷ đồng. Sau một thời gian thi công, vào đầu tháng 3 năm 2019 công trình đã hoàn thành toàn bộ nội dung đầu tư, đảm bảo điều kiện đưa vào hoạt động và phát huy giá trị.
Cùng với sự tham gia của các đơn vị được chỉ định thầu thiết kế, thi công, giám sát công trình Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An, đội ngũ cán bộ chuyên môn của Trung tâm, đặc biệt là cán bộ nghiệp vụ bảo tàng đã tập trung thực hiện công tác sưu tầm, thẩm định, lập hồ sơ hiện vật và tiến hành trưng bày bảo tàng đảm bảo các nguyên tắc về chuyên môn với gần 200 hiện vật và tài liệu khoa học phụ trợ.
Nội dung trưng bày được thiết lập trong ngôi nhà cổ với kiến trúc gỗ truyền thống có kết cấu 2 tầng, với 6 gian trưng bày diện tích hơn 500m2, Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An đã tái hiện không gian tiệm bán thuốc Bắc truyền thống với các khu vực trưng bày tủ thuốc, nơi bắt mạch, chẩn trị, nơi chờ đợi của bệnh nhân, khách hàng đến khám bệnh, cắt (mua) thuốc, cảnh bốc thuốc, cảnh phơi và bảo quản thuốc, cảnh chế biến một số loại thuốc, phòng nghỉ ngơi của thầy thuốc. Bên cạnh đó, bảo tàng còn có không gian trưng bày, giới thiệu về nghề y truyền thống của Việt Nam, nghề y truyền thống của Quảng Nam và Hội An cùng phòng thông tin tư liệu gồm nhiều cuốn sách quý về nghề đông y.
Sự ra đời của Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An đã tạo nên sự liên hoàn của hệ thống Bảo tàng chuyên đề trên các trục đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ nhằm phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo tàng và di tích dựa trên nguyên tắc bảo tồn tính nguyên gốc, tính mỹ thuật của di tích và đảm bảo các nguyên tắc trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của bảo tàng, lấy hiện vật làm trung tâm, vừa gìn giữ bảo quản hiện vật vừa phát huy gia trị vốn có của hiện vật nhằm giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, cung cấp thông tin khoa học cho công chúng. Đặc biệt, thông qua bảo tàng Nghề y truyền thống, thế hệ trẻ của địa phương nói riêng và du khách nói chung sẽ hiểu rõ hơn về các hiệu thuốc Bắc ở Hội An trong lịch sử, về thương cảng Hội An sầm uất một thời với hoạt động giao lưu buôn bán, trong đó các mặt hàng thuốc Bắc, thuốc Nam được trao đổi giữa các vùng miền trong nước và ngoài nước, trong tác phẩm Hải Ngoại kỷ sự, khi đến Hội An vào năm 1695, thiền sư Thích Đại Sán đã ghi chép như sau: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước,... thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hoá không có thì người ta vào mua ở đây...” . Hay theo lời kể của một lái buôn người Quảng Đông (Trung Quốc) cho ta thấy đương thời nghề thuốc ở phố Hội An Quảng Nam rất phát triển, sự phong phú, đa dạng về chủng loại thuốc của địa phương “... ở Quảng Nam có rất nhiều vị thuốc, nhiều nhục quế, trầm hương, kỳ nam...” .
Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An ra đời không chỉ mang ý nghĩa giới thiệu về giá trị di sản của tiền nhân để lại mà còn thể hiện yếu tố bảo tồn nghề truyền thống. Vì vậy, trong tương lai, bảo tàng cần phối hợp hướng đến những hoạt động nghề thực thụ như châm cứu, bắt mạch,... để phục vụ bà con và du khách.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền