Vài nét về tài liệu Hán Nôm đang lưu trữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường

Thứ ba - 16/04/2019 21:07
Tài liệu Hán Nôm được xem như một minh chứng sống cho những giá trị lịch sử, cho một nền văn học nước nhà từ những thế kỷ trước. Trong sự giao thoa giữa các nền văn hóa, giữa sự chuyển biến đầy khó khăn, Hán Nôm vẫn phát triển một cách mạnh mẽ để trở thành chữ viết của dân tộc ta trong một thời gian dài. Đặc biệt, tài liệu Hán Nôm phản ánh những giá trị chân thật nhất về vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, những nếp sống, vấn đề con người mà không ở đâu có thể lột tả một cách chân thật và sâu sắc đến vậy.
          Những thông điệp trong các tài liệu di sản này tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị được lưu giữ và truyền tải cho các thế hệ sau.

          Tại Hội An, trong các gia đình dòng họ hiện nay còn rất nhiều tài liệu Hán Nôm được lưu giữ và bảo tồn như một giá trị di sản của mỗi dòng họ. Các nhà thờ tộc họ, nhà ở hiện còn giữ được rất nhiều văn bằng quý hiếm như nhà Võ Công Khanh (Thanh Hà), nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Trương (Minh An) hay tiêu biểu là nhà thờ tộc Nguyễn Tường. Hiện nay, các tài liệu Hán Nôm tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường có hơn 195 đơn vị tư liệu, với tổng số 449 trang, rất đa dạng về thể loại: gia phả, hành thuật, văn bằng (sắc, chiếu, bằng cấp, tấu, đơn, khế ước …), các sáng tác thơ, văn, đối liên được bảo quản khá nguyên vẹn. Niên đại chủ yếu của nguồn tư liệu này từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Ngoài các thông tin chúng ta biết được về khoa bảng Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Tường Vĩnh, hay các bút tích của Tự lực văn đoàn, nhà thờ còn lưu giữ di bút của cụ Phạm Phú Thứ về lời bình thơ Nguyễn Tường Phổ, hay thơ gửi Nguyễn Tường Phổ về việc làm Văn chỉ, hay “bài thơ khuyên người làm quan trong sạch” do vua Tự Đức thủ bút. Những tài liệu này, không chỉ lột tả được những câu chuyện văn học, những giá trị lịch sử, mà còn làm rạng rỡ thêm những truyền thống văn hóa của mảnh đất Hội An.

          Trong những tài liệu ghi chép về những vị khoa bảng của tộc Nguyễn Tường, đều là những người được vua coi trọng, cất nhắc trong các vị trí trọng yếu như cụ Nguyễn Tường Vân thì có bản hành thuật miêu tả đầy đủ nhất về con đường làm quan của ông như:“năm 1796 ông thi đỗ Tam trường, được bổ vào chức Phủ Lễ Sinh, sau đó nâng lên chức Nhập thị Thư viện, trong nhiều năm phò vua đánh giặc, chinh chiến nơi xa trường, phụng mệnh đi sứ sang Quảng Đông, nhanh chóng nắm bắt tình hình dân chúng đói nghèo mà cứu tế rộng rãi khắp nơi, giúp đỡ được hàng vạn người. Tháng 7 năm 1820, ông được triệu về kinh thăng làm Thự bộ Thượng thư, chánh nhị phẩm bậc Tư chính đại phu, thụy Cung Nguyện. Một đời bề tôi trung hiếu vua thần, dốc sức vì đại nghĩa, an dân, trăm năm lo lắng vì nghĩa bề tôi ở biên cương, lại tròn đạo hiếu với mẹ già. Khi ông qua đời, vua nhớ mà dụ rằng: Nguyễn Tường Vân có đầy đủ văn học, lo toan được chính sự, được sai nhận lãnh việc binh khu, mệnh cử đi đến Bắc thành để thi hành điển chế. Trẫm mới nghe ông nhiễm bệnh đã qua đời rồi.Tiếc thương ôi cho người ấy, chí chưa tròn mà thân đã mất, lòng trung trinh bền vững ở tờ di sớ này. Trẫm xem tấu sớ mà rơi lệ […], bên cạnh đó vua còn dạy bảo những người thờ tự lo lễ an táng đầy đủ, ban chỉ làm đúng nghi thức của bậc khanh tướng”.

          Hay như cụ Nguyễn Tường Vĩnh, tự là Tử Tu, hiệu Cẩm Giang, là con trai trưởng của cố Binh bộ Thượng thư Cung Nguyện công (Nguyễn Tường Vân). Năm Minh Mệnh thứ 16 được bổ làm ấm sinh trường Quốc tử giám. Năm Minh Mạng thứ 18 đỗ cử nhân thứ 2 khoa Đinh Dậu. Kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất là phó bảng thứ nhất. Năm Minh Mạng thứ 19 được bổ Kiểm thảo. Năm Minh Mạng thứ 20 được bổ làm tư vụ phủ Tôn nhân. Thiệu Trị năm đầu sung lên Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Ông được xem là một người hiền lành, chẳng tranh đua với ai, sống giản dị mà sâu sắc.

          Ông Nguyễn Tường Phổ, hiệu Thứ Trai, tự Quảng Thúc. Năm Thiệu Trị 1842 đỗ Tiến sĩ, giữ chức Hàn Lâm viện Biên tu, vào Nội các, sau được cất nhắc lên chức Hoằng An Tri phủ. Sau năm Tự Đức thứ 3, ông được trao chức Giáo thọ Điện Bàn, rồi thay thế trông coi việc học ở phủ Học chánh tỉnh Quảng Nam. Phàm có việc gì tiện lợi cho dân, ông đều làm cả, đến như việc cầu mưa nguyện gió, ông không thể không hết sức thành kính khẩn cầu, lấy việc cầu nguyện đó để ứng cho dân mọi bề yên ổn. Ông dạy người thì lo phần đôn hậu, thực hành thì vứt bỏ hư danh, đọc sách thánh hiền thì thông hiểu đạo nghĩa, rồi sau đó mới dạy đến nghề cử tử. Ông tính nghiêm nhưng khí chất hào sảng. Ông hay nói rằng ta bình sinh chẳng hay khoan thứ cho người, nên lấy Thứ Trai làm tự vậy.

          Ngoài những sử liệu về hành thuật của các vị khoa bảng, còn có các loại văn bằng với hơn 177 trang, như sắc phong thăng chức cho ông Nguyễn Tường Vĩnh làm Thừa biện ti Tư vụ phủ Tôn nhân, thăng làm Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, hay sắc thăng chức cho ông Nguyễn Tường Tiếp, Nguyễn Tường Tranh, Nguyễn Tường Hân,… bằng cấp của các Tổng đốc, lệnh truyền cho Tham luận Vệ túc trực ông Nguyễn Tường Vân làm Chính doanh Tri bạ Vân Thành hầu vào năm Cảnh Hưng 60 (1799).

          Bên cạnh đó, đặc sắc nhất vẫn là những bản tấu của cụ Nguyễn Tường Vân về việc mở rộng đường ăn nói để người trên thấu rõ được tình hình mà người dưới cũng được sáng tỏ minh bạch, cầu người can gián, hòa dịu để tiếp nhận kẻ sĩ; cầu người hiền tài, sáng tỏ trung thành, lấy sự thanh liêm trong sáng mà phân phát phong hóa; giảng tỏ đạo lí để biết cách tề gia trị quốc, chính tâm tu thân; chọn người tài mà bổ dụng; an được lòng dân là cái vui lớn của bậc vua tôi, việc lưu thông tiền đồng bền chắc thì dùng lâu có thể truyền tới vô cùng; nước lấy dân làm gốc, dân lấy binh mà bảo vệ nên hai điều không thể thiếu một…

          Ngoài ra, tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều sáng tác thơ văn, đối liễn gồm những sáng tác của Nguyễn Tường Phổ, những bài sao chép, sưu tầm được hơn 72 trang đầy đủ những thể loại thơ văn chúc mừng, khóc thương. Trong đó có bài thơ về Hội An “Lai Viễn kiều tây xuân phiếm điếu đĩnh, hồi vọng Hội An phố thư hoài” (Thả thuyền câu bên phía tây cầu Lai Viễn nhìn về phố Hội An viết nỗi niềm).

         Tài liệu Hán Nôm hiện nay tuy còn lại khá nhiều, nhưng việc bảo quản đang ngày càng bị hạn chế. Vì vậy, một hành trình cho những giá trị đầy nhân văn đối với chúng ta và những thế hệ mai sau là cần phải bảo tồn và phát huy tốt những giá trị tài liệu này hơn nữa để không bị mai một và mất đi tính lịch sử, đó là những điều mà chúng ta đang hướng đến.
 
 
 

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây