Tri thức bản địa - nền tảng phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An

Chủ nhật - 21/04/2019 22:14
Thuật ngữ Indigenuos Knowledge (Tri thức bản địa) được Robert Chambers dùng lần đầu tiên trong một ấn phẩm xuất bản năm 1979, sau đó được Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển, phổ biến cho đến nay (1). Tri thức bản địa được hiểu là một dạng tri thức địa phương, tri thức truyền thống gắn liền với những kinh nghiệm trong ứng xử, tương tác với môi trường tự nhiên và trong tổ chức đời sống cộng đồng được tích luỹ, kế thừa liên tục từ đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác. Với những kết quả nghiên cứu, thực nghiệm ở nhiều địa bàn/cộng đồng dân cư cho thấy tri thức bản địa có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội theo hướng hiệu quả và bền vững. Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng “Tri thức bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương” (2).
          Cù Lao Chàm là một vùng đảo có lịch sử lâu đời và có nhiều lớp dân cư kế tục nhau sinh sống. Trải qua quá trình cư trú chí ít cũng từ 3000 năm trở lại đây (3), các lớp cư dân địa phương đã tích luỹ nên một hệ thống tri thức liên quan đến nhiều lĩnh vực: 1/Tri thức về quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên biển; 2/Tri thức về quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên rừng; 3/Tri thức về quản lý và tổ chức đời sống cộng đồng; 4/Tri thức về nông nghiệp và các nghề thủ công; 5/Tri thức về y dược và chăm sóc sức khoẻ; 6/Tri thức về ăn uống và sử dụng các nguồn thức ăn;…

          Tri thức về quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên biển thể hiện ở các kinh nghiệm liên quan đến cách thức bảo vệ, khai thác các nguồn lợi từ biển đảo; đến các nghề đánh bắt trên biển; thời vụ khai thác; thời điểm sinh trưởng của các giống loài gắn với môi trường biển địa phương; đến thời tiết khí hậu biển; môi trường phạm vi đánh bắt và phòng tránh các mối nguy hiểm; đến cách thức khai thác và nuôi dưỡng nguồn lợi yến sào tại các hang đảo; bảo vệ, khai thác các bãi biển tại các đảo…

          Tri thức về quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên rừng thể hiện ở các kinh nghiệm liên quan đến bảo vệ, khai thác các nguồn lợi từ rừng; giữ gìn, sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên; quản lý, khai thác các loại đất rừng, đất ven đồi núi phục vụ canh tác; cách thức bảo vệ động thực vật rừng; bảo vệ các cánh rừng gần khu dân cư…

          Tri thức về quản lý và tổ chức đời sống cộng đồng thể hiện ở các kinh nghiệm về tổ chức - liên kết cộng đồng; tổ chức các vạn nghề; các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng; các quy ước ứng xử của cộng đồng dân cư…

          Tri thức về nông nghiệp và các nghề thủ công thể hiện ở các kinh nghiệm về sử dụng các loại đất đai trong canh tác, cư trú, về thời vụ canh tác gắn với giống cây trồng, về sự hình thành và phát triển của các nghề thủ công như đan võng ngô đồng; khai thác yến sào; chế biến hải sản; hái lá Lao; làm tranh lá mây; làm mắm…
 

Nghề làm tranh lá mây - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An



Nghề đan võng ngô đồng - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
          Tri thức về y dược và chăm sóc sức khoẻ thể hiện ở các kinh nghiệm về phòng chữa bệnh; sử dụng các loại cây lá, vật liệu tại chỗ để chữa bệnh; cách thức chữa một số bệnh thời khí và bệnh thông thường…

          Tri thức về ăn uống và sử dụng các nguồn thức ăn thể hiện ở các kinh nghiệm về tìm kiếm, sử dụng các nguồn thức ăn trên rừng dưới biển, cách thức chế biến các món ăn thức uống, cách thức dự trữ và thay thế các nguồn lương thực, thực phẩm…

          Việc vận dụng, ứng dụng tri thức bản địa trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, các dự án phát triển sinh kế cộng đồng, các đề tài nghiên cứu thực nghiệm ở Cù Lao Chàm trong các năm qua đã dẫn đến sự thành công trên nhiều khía cạnh, mức độ. Có thể xác định sự thành công này ở Dự án bảo tồn loài cua đá, Dự án nuôi trồng, nhân giống san hô, rùa biển; Dự án đồng quản lý tại Bãi Làng, Bãi Hương; Các hợp phần của dự án phát triển sinh kế cộng đồng… Kinh nghiệm rút ra từ các dự án, chương trình này là sự kết hợp hợp lý giữa tri thức chuyên môn, khoa học với tri thức bản địa trong đó tri thức bản địa là nền tảng, tri thức khoa học là chìa khoá mở đường. Một kinh nghiệm nữa là từ sự kết hợp này sẽ lôi cuốn, tranh thủ được sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là sự đồng thuận của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình thực hiện.

          Để tri thức bản địa thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển, bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ tốt môi trường kể cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá, bản sắc văn hoá địa phương chúng ta còn nhiều việc phải làm:

          Trước hết cần xúc tiến ngay việc sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, toàn diện về hệ thống tri thức bản địa tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Công việc này trước đây cũng đã có làm nhưng mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và khoa học, lại chỉ mới tập trung ở một số lĩnh vực thuộc về truyền khẩu. Các tri thức bản địa thể hiện qua thực hành chưa được khảo sát, nghiên cứu bài bản. Ví dụ chưa có một đĩa phim ghi lại đầy đủ các giai đoạn, các thao tác về kỹ thuật đan võng ngô đồng từ khâu khai thác, chế biến nguyên liệu đến các khâu đan thành phẩm. Nhiều nghề khai thác và những thực hành khác cũng ở trong tình trạng như vậy. Việc phân tích, đánh giá, xác định giá trị của hệ thống tri thức bản địa ở đây vẫn còn nhiều khoảng trống cần phải bổ khuyết để làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách và triển khai các chương trình, dự án.

          Thứ hai, tuyên truyền, giới thiệu để các bên liên quan và cộng đồng dân cư địa phương nhận thấy được vai trò quan trọng và những giá trị tích cực của tri thức bản địa trong các hoạt động phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

          Thứ ba, xây dựng các tiêu chí, cơ chế chính sách để tri thức bản địa trở thành là cơ sở, nền tảng, hệ tham chiếu trong việc hoạch định các chính sách, các chương trình hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, kết hợp chặt chẽ phù hợp giữa tri thức khoa học và tri thức bản địa trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, chủ trương, chính sách này.

          Thứ tư, do tri thức bản địa là sản phẩm của cộng đồng và mang tính tập thể nên nó dễ bị cá nhân chiếm hữu làm tài sản riêng, vì vậy cần phải hỗ trợ cộng đồng đăng ký bản quyền sở hữu đối với những tri thức bản địa có giá trị như tri thức về trà lá Lao, đan võng ngô đồng, khai thác yến sào, chế biến hải sản, chế biến một số món ăn…

          Tri thức bản địa được xem là tài sản quý giá, là lợi thế so sánh của các quốc gia và các địa phương trong quá trình phát triển. Để phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An không thể không dựa trên nền tảng hệ thống tri thức bản địa tại chỗ. Tuy nhiên để thực hiện điều này công tác sưu tầm, đánh giá, xác định giá trị hệ thống tri thức bản địa của địa phương là hết sức quan trọng và phải tiến hành khẩn trương.
 
* Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1] Vũ Trường Giang, “Tri thức bản địa”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6/2012, tr.55.

[2] Nguyễn Thị Thu Hà, “Tri thức bản địa những bước thăng trầm”, Báo cáo tại Hội thảo “Vai trò của tri thức bản địa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường của các cộng đồng dân tộc thiểu số”, Ninh Thuận - 2008.

[3] Tại Bãi Ông, Cù Lao Chàm vào năm 2000 đã phát hiện di chỉ khảo cổ học có niên đại cách đây 3000 năm, trong di chỉ có nhiều hiện vật chứng tỏ lúc bấy giờ ở đây đã có cư dân sinh sống.

 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây