Về Hội An nghe giọng Quảng thôi cũng đủ thấy yêu rồi! Yêu không phải vì nó ngọt ngào, trau chuốt, không phải vì nó đài các, sang trọng mà yêu vì chính chất mộc mạc, giản dị trong từng câu chữ với những “răng, rứa, hỉ, chi” đầy chất phác, thấm đượm nắng gió và nghĩa tình. Nhiều khi đùa với bạn bè phương xa mà lòng đầy tự hào rằng dân Hội An không biết nói ngọt, thô thô gãy gãy vậy mà trong bụng không có chi ác ý, còn tình cảm thường không thể hiện bằng lời, muốn cảm nhận thì cứ yêu đi rồi sẽ hiểu…
Những con đường nhỏ, những ngõ hẻm chỉ đủ một người đi như một bức nền hài hòa để điểm xuyết những gánh hàng rong, những quán cóc vỉa hè cùng dăm ba cái ghế hay mẹt bánh, thúng xôi, đôi ba nồi than rực đỏ. Vị ngon thì khó tả thành lời nhưng nếp ăn, nếp sống giản dị của con người phố Hội thì bộc lộ rõ nét. Ngồi dọc vỉa hè trên chiếc ghế đóng từ gỗ tạp, chờ mấy xiên thịt nhả khói thơm ngút ngàn được nướng chín rồi xúm nhau cuốn cuốn chấm chấm, tất cả diễn ra bên một chiếc mẹt tre chưa đầy nửa mét, tự nhiên thấy người với người gần nhau đến lạ. Một bờ tường, một góc sân nhỏ cũng đủ làm thành quán cà phê, không đèn không nhạc, khách tự do ngồi bệt lên nền xi măng không cần ghế, tĩnh lặng và thảnh thơi ngắm phố đông người qua. Sáng sớm tinh mơ, mùi hương trầm quyện lẫn trong sương và không gian trầm mặc của phố cũng đủ làm ấm lòng khi xuất hiện mấy tấm áo bà ba lúp xúp cùng chiếc nón lá của các bà, các mẹ xách giỏ đi chợ…
Thử đặt những hàng vá dù, vá áo mưa, sửa giày, sửa dép, tủ sửa đồng hồ, hộp quẹt, sửa ổ khóa giữa thành phố lớn hoa lệ, chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy lạc lõng cô đơn. Nhưng đối với phố cổ, đó lại là những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh đất và người Hội An. Dù thu nhập chẳng là mấy nhưng có những cái nghề gắn bó mấy mươi năm đã hóa thành hơi thở, mỗi ngày được dọn hàng, được khâu khâu, đục đục, vá vá cũng là một lời an ủi vô hình. Cùng với sự phát triển của du lịch, Hội An ngày càng thay da đổi thịt giàu đẹp hơn nhưng cốt cách giản đơn, chắt chiu, dành dụm thì muôn đời vẫn còn in đậm trong con người nơi đây…
Những ngày đầu mở cửa làm du lịch, người dân Hội An bước ra con đường giao lưu văn hóa rộng lớn bằng tâm thế của một vị chủ nhà luôn luôn niềm nở, hiếu khách với một tấm chân tình chất phác, thiệt thà. Những khách Tây dáng cao, da trắng thích thú khi được một bầy con nít bu theo, hò reo, cười đùa vui vẻ. Hầu như sự bất đồng ngôn ngữ không làm gián đoạn những cuộc vui. Bà con phố Hội buôn gánh bán bưng được nhiều phen bối rối vì phải chạy theo thối lại rất nhiều tiền cho những ông Tây, bà Tây ngây thơ, lạ lẫm với tiền Việt. Bà con coi họ như khách quý, như luồng gió mới cần phải nâng niu để hồi sinh phố cổ đã từng có một thời vắng lặng và buồn đến nao lòng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những cậu thanh niên, những dì những cô những chị nhiệt tình chỉ đường cho khách thập phương, nhiều khi khách tìm đường không ra lại được bà con dẫn đi tận nơi… Những ngôi nhà cổ kính vốn đã dang rộng cửa đón gió trời, nay lại dang rộng vòng tay của chủ lẫn khách, mời nhau chén nước trà, vào nhà ngồi chơi, ngắm nhìn đồ vật, kiến trúc cổ rồi cùng chuyện trò lõm bõm tiếng được tiếng mất, xen kèm động tác tay chân múa máy để đôi bên được hiểu hơn, gần hơn…
Với Hội An giàu đẹp hôm nay, bất cứ người con phố Hội nào cũng mừng vui và tự hào khôn xiết. Tuy nhiên, chiếc bánh ngọt ngào mang tên phố cổ không chỉ hấp dẫn du khách phương xa mà còn thu hút rất nhiều cư dân vùng khác về đây lao động và sinh sống. Giữa một bức tranh đa sắc màu như vậy, gìn giữ nét riêng của con người Hội An là một việc làm thật sự cần thiết và bức thiết. Bởi lẽ bên cạnh những luồng gió mới góp phần giúp phố cổ thêm khởi sắc, một số cá nhân không đứng vững trước vòng xoáy hấp dẫn của đồng tiền đã để lại những ấn tượng không đẹp trong mắt bạn bè bốn phương. Sẽ rất đau lòng khi đâu đó nghe tin có khách du lịch bị chặt chém giá cao, một người mua mà hai ba người chèo kéo… Tại sao vậy? Con người Hội An hồn hậu, chất phác, nhiệt tình, mến khách và vô tư đi đâu rồi?
Tất cả chỉ là thiểu số nhưng tiếng lành đồn xa, tiếng xấu càng đồn xa gấp bội. Vì vậy, cần lắm một bến bờ neo đậu, giữ gìn cốt cách Hội An nhân tình thuần hậu giữa dòng chảy ngược xuôi của thời buổi kinh tế thị trường. Cần nhiều hơn những chị bán nước vỉa hè, đứng lên tố cáo gánh trái cây hàng rong chặt chém khách Tây. Cần nhiều hơn những anh trai sẵn sàng đuổi theo kẻ móc túi để lấy tài sản trả lại cho khách bị hại. Cần nhiều hơn cô bé phục vụ nhà hàng sẵn sàng trả lại tiền cho khách khi nhầm những con số. Cần lắm câu nói “giấy rách phải giữ lấy lề” của bác xe ôm khi thấy du khách bị nài nỉ, chèo kéo… Không một ai có thể gìn giữ được bản sắc văn hóa Hội An trừ chính con người Hội An. Chúng ta có quyền tự hào và bảo toàn niềm tự hào đó cho con cháu mai sau. Hãy để tiếng nói và hành động của số đông loại bỏ những cái xấu rơi rớt của thiểu số. Hãy có ý thức gìn giữ những nét đẹp nhân văn mà ông bà xưa truyền lại cho chúng ta hôm nay và mai sau…
Không phải vô tình mà bến nhỏ trên sông Hoài lại neo đậu nhiều con đò chở khách đi thăm thú dòng sông và cũng không phải vô tình mà Hội An lại neo đậu được nhiều tâm hồn và tình cảm đến thế! Cùng đi trên con đường vươn lên phát triển, nhưng Hội An sẽ chọn cho mình lối đi riêng để làm nên một thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, một điểm đến gửi nhiều thương nhớ như chính cái tên Hoài Phố lâu nay…
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền