Chùa Chúc Thánh Hội An (Quảng Nam)

Thứ ba - 04/06/2019 22:42
Chùa Chúc Thánh tọa lạc tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, chùa Chúc Thánh đã được Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Vị Thiền sư này người tỉnh Phước Kiến, sang nước ta vào thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691). Ông đã dự giới đàn tại chùa Linh Mụ, sau đó vào Hội An dựng chùa Chúc Thánh. Dần dần ngôi chùa này trở nên một ngôi tổ đình lớn ở miền Trung và miền Nam.
Chùa được xây theo mô hình chữ tam, có phong cách kiến trúc tổng hợp của truyền thống Trung Quốc và Việt Nam với nhiều tượng lớn, chạm trổ cầu kỳ. ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra trong chùa còn có nhiều ngôi tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), ấn Bích (đời 39), Thiện Quả... Từ đó đến nay chùa đã được trùng tu nhiều lần.
 
Tam quan chua Chuc Thanh
 
Tam quan chùa Chúc Thánh - Ảnh: Hồng Việt

1. Địa thế, phong thủy

Từ Đà Nẵng về Hội An theo đường Non Nước khoảng 30 km, lúc chưa đến Hội An khoảng 1km nhìn qua phía tay trái có một con đường thẳng nằm giữa nhà hát Hội An và trường Trung học Điện, đi vào hết con đường này khoảng 300m là chùa Chúc Thánh, tọa lạc ngay giữa cuối con đường. Địa thế chùa Chúc Thánh nằm quay mặt về hướng Tây - Nam, nằm gọn trên một vùng đất cao thoáng thuộc khối Tân hòa phường Tân An, Hội An, cách trung tâm phố cổ Hội An về hướng Bắc khoảng 1km.

Nơi đây vào những năm 1987, 1988 vẫn còn là nơi thanh tịnh vắng vẻ, chung quanh ngôi chùa nhìn về xa xa chỉ thỉnh thoảng vài ngôi nhà dân, còn lại đa số là những khu rừng thông, những cồn cát trắng và những ngôi mộ xưa. Hàng rào chùa dày từ 8 đến 10m, được tạo nên bởi nhiều loại cây xanh mát. Đứng trong khu vườn chùa, mọi người sẽ có cảm giác như ngôi chùa đang ở giữa khu rừng nguyên sinh đầy hương thơm cỏ lạ, chim chóc 4 mùa hội tụ. Có thể nói đây là một môi trường sinh thái tốt, thanh tịnh, phù hợp với cảnh thiền môn.

Theo phong tục người Trung Hoa thì họ đến đâu thường hay lập chùa, miếu để thờ cúng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp. Như đã trình bày, cùng với thời điểm chùa Chúc Thánh ra đời, Hội An là một thương cảng trù phú, những thương nhân đến từ nước ngoài chủ yếu là người Hoa và có một số người đã định cư ở đây. Vì vậy, Tổ Minh Hải sau khi quyết định ở lại tại Hội An hoằng Pháp, Ngài chọn ra một nơi để tạo lập chùa Chúc Thánh với khoảng cách lý tưởng khoảng 1km không gần lắm cũng không xa lắm so với trung tâm phố cảng. Địa thế này nhằm 2 mục đích: Một là, nơi yên tĩnh vắng vẻ, điều kiện tu hành thiền định thích hợp và hai là, không xa lắm nơi dân cư, để tạo điều kiện cho những người dân ở đây có thể bước bộ đến chùa lễ Phật tụng kinh. Cũng từ lòng tín ngưỡng Phật giáo mạnh của người dân Việt và  Hoa kiều tại đây mà ngôi Tổ đình Chúc Thánh cũng trở nên phong phú về nhiều mặt, phong phú từ lối kiến trúc đến cách thờ phụng, như ngoài việc thờ Phật chính trong Chánh điện, ngoài vườn còn lập miếu Ông, miếu Bà để thờ các Thần Thành Hoàng, Thổ Địa để cho những người đến cầu xin được phù hộ mua may bán đắt, đi đến nơi về đến chốn. Đấy là những tín ngưỡng thuần túy tính nhân gian.

Mặc dù ngày nay chung quanh bên ngoài chùa Chúc Thánh không còn những bãi cát, những đồi thông xanh rì vi vu trong gió nữa, đến chùa không còn phải băng bộ qua những đoạn đường cát nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà đồ sộ và con đường đất cứng vì nhu cầu dân số và phát triển đô thị. Nhưng bên trong vườn chùa vẫn còn giữ được dáng vẻ cổ kính, hàng cây cổ thụ vẫn còn đó, hình ảnh ngôi chùa vẫn cổ kính rêu phong, những lớp bụi thời gian không thể nào xóa nhòa đi được.

2. Ý nghĩa tên ngôi Tổ đình

Tên "Chúc Thánh" có từ lúc Tổ Minh Hải đặt chân đến khai sơn ngôi chùa. Về mặt ý nghĩa 2 chữ Chúc Thánh  có 2 cách giải thích sau đây:

Một là, từ nửa thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn Đàng Trong trọng đãi Phật giáo nói chung và ngài Minh Hải nói riêng, nên khi lập chùa, ngài Minh Hải muốn thể hiện tình cảm của mình đối với các chúa Nguyễn bằng cách đặt tên cho ngôi chùa là Chúc Thánh (tức chúc cho Thánh Thượng được mọi điều tốt lành)

Hai là, lúc bấy giờ tại Trung Quốc cũng có một ngôi chùa tên Chúc Thánh. Vì vậy, Ngài Minh Hải sau khi đến Việt Nam khai sơn ngôi chùa đặt lại tên Chúc Thánh là để làm kỷ niệm nhớ lại quê hương xứ sở của mình. 

Hai cách giải thích tên Tổ đình Chúc Thánh trên, ý nghĩa nào cũng có phần hợp lí. Nhưng cách giải thích thứ 2 thì chưa có cơ sở để chứng minh được. Vậy tạm thời có thể hiểu theo cách giải thích thứ nhất là "Chúc cho Thánh Thượng được mọi điều tốt lành" nói gọn là "Chúc Thánh". Ý nghĩa này cũng trùng lặp câu thứ 3 trong bài kệ của Ngài truyền tại Chúc Thánh: "Chúc Thánh thọ thiên cửu" (Chúc Thánh Thượng muôn tuổi).

3. Quá trình khai sáng và trùng tu
          
Như đã trình bày, Tổ đình Chúc Thánh do thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo thuộc thiền phái Lâm Tế đời 34 từ  Trung Quốc sang khai sáng vào cuối thế kỷ  XVII.

Thiền sư Minh Hải từ Quảng Đông Trung Quốc theo phái đoàn Ngài Thạch Liêm đến Việt Nam  để  dự  Đại giới đàn tại Huế vào năm Ất Hợi (1695 ). Sau khi giới đàn xong, Ngài Thạch Liêm cùng phái đoàn lưu lại, Thuận Hóa đến năm 1696 mới trở về lại Trung Quốc. 

Sau khi Ngài Thạch Liêm về nước, Ngài Minh Hải ở lại Hội An qua năm sau (1697) khai sơn Tổ đình Chúc Thánh tại xã Cẩm Phô.

Tương truyền, vào thời Ngài Minh Hải, chùa Chúc Thánh chỉ là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ. Tại đây, Ngài đã hoằng pháp lợi sanh, tiếng vang khắp mọi nhà. Ngài đã biệt xuất kệ truyền thừa, tạo nên một pháp phái Lâm Tế  riêng tại Hội An. Sau này, các thế hệ truyền thừa của Ngài đã không ngừng phát huy đạo Pháp và phát triển kiến trúc ngôi Tổ Đình thật qui mô và bề thế như ngày hôm nay.

Tổ đình Chúc Thánh sau Ngài Minh Hải hai đời (Ngài Thiệt Diệu và Ngài Đại Dõng), vào năm Ất Mùi (1845), Ngài Toàn Nhâm (Vi Ý) khởi công đại trùng  tu và chuyển hướng ngôi chùa từ hướng Tây sang hướng Tây - Nam để phù hợp với địa thế phong thổ. Qua 4 năm sau (1849), Ngài tiếp tục khởi công xây thêm Tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong Chánh điện. Đến  năm Nhâm Thìn (1892), Hòa thượng Chương Đạo hiệu Quảng Viên trùng tu lại Tiền đường qui mô hơn. Năm Giáp Ngọ (1894), Hòa thượng  Chương Khoáng hiệu Chứng Đạo đời thứ 38 và phó trú trì hiệu Quảng Đạt xây dựng thêm ngôi Hậu Tổ. Năm Tân Hợi (1911), Hòa thượng trú trì húy Ấn Bính hiệu Phổ Bảo đời thứ  39 lại khởi công đại trùng tu ngôi Chánh điện, nâng nền Tiền đường lên cao hơn và xây thêm các dãy Đông đường, Tây đường. Những công trình lần này gần như cố định và qui mô cho đến ngày nay. Từ các năm 1954 đến 1960, Hòa thượng Tăng Cang húy Chơn Chứng hiệu Thiện Quả đời thứ 40 tiến hành trùng tu từng phần, khiến ngôi chùa trở nên hoàn mỹ hơn. Năm Tân Mùi (1991), Hòa thượng Như Truyện hiệu Trí Nhãn tiếp nối trú trì đời thứ 40 (đang trú trì hiện nay) trùng tu lại ngôi tháp Tổ từ 3 tầng lên 7 tầng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp trong khuôn viên chùa.

4. Hình thái kiến trúc, liễn, đối, bia, tháp

Chùa Chúc Thánh quay mặt vêì hướng Tây-Nam nằm trên một mảnh đất thoáng mát với chiều rộng 130m và chiều sâu 96m. Nhìn từ ngoài vào, ngôi chùa nằm lặng dưới những táng cây cổ thụ rợp mát, tạo nên một dáng vẻ trầm hùng, thanh tịnh. Xung quanh chùa được bao bọc bởi một dãy cây đủ loại, bốn mùa đơm hoa kết trái, ong bướm tới lui, chim chóc làm tổ. Khung cảnh thanh bình này được kết hợp giữa thiên nhiên và con người, nó đã làm lắng đọng biết bao tâm tư phiền muộn của những con người bị thất bại trên trường danh lợi và cũng là cái nôi đã nuôi lớn biết bao anh tài đóng góp xây dựng đạo Pháp, dân tộc, ảnh hưởng đến  ngày nay. Vào những đêm trăng thanh gió mát, khung cảnh của chùa lại trở nên mênh mông, quạnh hiu và cô tịch hơn. Thật đúng với câu thơ nói về cảnh chùa miền quê đất Việt:

"Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm 
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi"
.   

          Trước khi vào chùa, nhìn thấy cổng Tam quan rêu phong cổ kính. Vào trong, tiếp theo là  bồn hoa, những ngôi tháp cổ, bình phong, Đông đường, Tây đường, Chánh điện, Hậu tẩm, Phương trượng, Tổ đường ... Tất cả đều được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa kiến trúc Tàu và Việt Nam. Điều đó nói lên một thời vàng son cực thịnh về văn hóa, tôn giáo và thương mại của khu phố cổ này một thời xưa kia nói chung và Phật giáo tại đây nói riêng. Sau đây người viết sẽ lần lược trình bày từng chi tiết kiến trúc của ngôi Tổ đình cũng như ý nghĩa liễn đối, bia tháp trong đó.

* Cổng Tam quan:

Cổng Tam quan cách con đường ngang trước chùa 26m và cách Chánh điện 50m. Cổng tam quan đứng giữa 2 bức tường thành kiên cố và được thiết kế thành 2 tầng. Đỉnh trên cùng là 2 con sư tử trong tư thế ngồi chồm quay mặt vào nhau, tầng dưới là mái ngói giả, lối bước vào gồm 3 cổng; cổng giữa to lớn, cổng hai bên thấp nhỏ hơn, trên cổng giữa  có 5 chữ  Sắc tứ Chúc Thánh tự môn và câu đối:

Phiên âm:
Chúc đối Linh sơn thiên cổ tú
Thánh khai Pháp thủy nhứt nguyên trường.

Dịch nghĩa:
Chúc như Linh sơn ngàn xưa xanh tốt
Thánh mở nước Pháp một dòng dài xa.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

* Chánh điện:

Vào khỏi cổng Tam quan là bồn bông, kế tiếp bồn bông là bức bình phong. Bức bình phong này cũng có niên đại khoảng với việc tu sửa ngôi chùa, trước bình phong là hàng non bộ có tượng Quan Âm lộ thiên ở trên. Bình phong cách Tiền đường và Chánh điện một sân bông. Tiền đường và Chánh điện tổng cộng bề ngang 12m và bề sâu 18m. Thiết kế ngôi chùa bên trong bởi nhiều kèo cột gỗ như "Chồng rường giả thủ" thuộc phong cách Tàu, "Cột trốn kẻ chuyện" thuộc phong cách Việt. Bức tường chùa dày 30cm, mùa hạ ít nóng mùa đông ít lạnh. Hai bên hông Tiền đường và Chánh điện là hai đường thông hành chạy thẳng ra phía sau nhà Tổ. Chánh điện nằm ngay giữa cân đối, hợp lí, một đặc trưng phổ biến trong kiến trúc phố cổ Hội An. Trước hiên chùa có 2 câu đối:

Câu 1:
Phiên âm:
Chúc Nam quốc Chí tôn tứ hải nhơn dân hàm khể thủ,
Thánh Tây Phương liên tòa nhứt đàn Tăng chúng tổng qui y.

Dịch nghĩa:
Chúc đấng Chí tôn Nam quốc, bốn bể nhân dân đều cung kính,
Thánh ngự tòa sen Tây Phương, một đàn Tăng chúng thảy qui y.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 2:
Phiên âm:
Chúc đối Linh sơn vạn cổ vĩnh truyền tâm diệu lí,
Thánh khai Pháp thủy thiên thu kế tục tánh chơn như.

Dịch nghĩa:
Chúc sánh Linh sơn muôn thuở mãi truyền tâm diệu lí,
Thánh mở nước Pháp ngàn năm tiếp nối tánh chơn như.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Mái chùa lợp bằng ngói âm dương uốn cong, mềm mại, trên chóp đỉnh mái là một cặp rồng quay mặt vào nhau đang rướn mình đến mặt trời chính giữa. Phía sau 2 con rồng là 2 con phụng đang bay ra mà ngoảnh đầu nhìn lại. Tiếp xuống  hiên mái chùa trang trí những hoa văn, chạm trổ những hình ảnh Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến nhập diệt và góc cuối cùng của mái hiên là 2 con kỳ lân đang đứng quay mặt ra phía trước.

Bên trong, giữa Chánh điện và Tiền đường được liên kết với nhau bằng một máng xối đúc và 4 hàng cột gỗ cho cả 2 bên. Trên hàng cột của Tiền đường là 4 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, cẩn chạm xà cừ. Một tấm ngay trước cửa Tiền đường quay vô do Hòa thượng Phước Huệ tặng vào năm Giáp Tuất gồm 4  chữ:    Phật Pháp chánh chương, còn lại 3 tấm treo ở 3 gian quay mặt ra, tấm giữa đề tên ngôi chùa  Sắc tứ Chúc Thánh tự, tấm bên phải Tổ ấn trùng quang và tấm bên trái Ân quang phạm vức. Dưới nền Tiền đường, hai bên hông tường gắn 4 tấm bia, nội dung ghi sơ lược lại những lần trùng tu ngôi chùa và các phương danh các chùa, đạo hữu đóng góp xây dựng. Ngoài ra, trong Chánh điện còn có trống lớn, trống nhỏ, đại hồng chung, tiểu hồng chung. Đại hồng chung được đúc vào năm Giáp Ngọ (1894), được dưới sự chứng minh của các Hòa thượng Vĩnh Gia, Chí Thành, Quảng Đạt, Quảng Viên và Bát Nhã. Đại hồng chung cao 120cm, đường kính rộng 55cm. Trong đại hồng chung có khắc niên đại đúc chung, các Hòa thượng chứng minh, các bài kệ phục nguyện về “Chúc Hoàng đồ vĩnh cố, Đế đạo hà xương ...”.

Chánh điện, gian giữa bàn phía trên cao thờ 3 tượng Phật gọi là tượng Tam Thế, bàn dưới thờ tượng đức Phật Di Lặc và 2 bên là A Nan và Ca Diếp. Hai gian 2 bên, trong cùng là 2 tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, mỗi tượng cao 1m 75. Ra ngoài, hai bàn kế tiếp là 18 vị A La Hán (mỗi bên 9 vị) và phía bên ngoài cùng là 2 tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện, mỗi tượng cao 1m 75. Những tượng trên có niên đại cao, đa số làm bằng hợp chất. Chánh điện  chỉ có một bức hoành để tên chùa làm vào Thành Thái năm thứ 4 . Cả Chánh điện và Tiền đường gồm có 5 câu đối (tính thứ tự từ ngoài vào):

Câu 1:
Phiên âm:
Tử trúc lâm trung mỗi dĩ  kim thằng khai giác lộ,
Thanh liên tòa thượng trường tương bảo phiệt độ mê tân.

Dịch nghĩa:
Trong rừng trúc biếc mỗi lấy dây vàng mở  lối giác,
Trên tòa sen xanh thường đem bè báu độ người mê.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 2:
Phiên âm:
Chúc thiên thu cửu phẩm hương liên tự tại,
Thánh Thiên tử vạn gia cam lộ đồng triêm.

Dịch nghĩa:
Chúc ngàn năm chín phẩm hương sen tự tại,
Thánh Thiên tử muôn nhà cùng thấm cam lồ.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 3:
Phiên âm:
Tam Tạng kinh văn giai sử nhứt tâm qui Chánh Pháp,
Thiên ban cụ diệp tổng huề vạn tượng hướng Chơn Như.

Dịch nghĩa:
Ba tạng kinh văn đều khiến nhất tâm về Chánh Pháp,
Ngàn thiên lá bối thảy xoay muôn vật hướng Chơn Như.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 4:
Phiên âm:
Cửu phẩm liên đài Kim tướng đoan nghiêm thùy tiếp dẫn,
Thất trùng bảo thọ Ngọc hào xán lạng phóng quang minh.

Dịch nghĩa:
Chín phẩm đài sen Kim tướng đoan nghiêm thương tiếp dẫn
 Bảy hàng cây báu Ngọc hào sáng lạng phóng quang minh.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 5:
Phiên âm:
Cửu phẩm liên hoa sư hống tượng minh đăng Bảo tòa,
Tam tôn pháp tướng long ngâm hổ khiếu xuất Thiên Thai.

Dịch nghĩa:
Chín phẩm hoa sen voi sư tử cung nghinh đăng Bảo tòa,
Tam tôn pháp tướng rồng cọp kêu gọi xuất Thiên Thai.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch).

* Hậu tẩm, Đông phương tượng, Tây phương tượng và Tổ đường:

Dọc theo 2 đường thông hành từ Chánh điện ra phía sau là Hậu tẩm. Hậu tẩm, gian giữa thờ đức Địa Tạng đang cầm trên tay quả minh châu ngồi trên lưng con sư tử rất hùng hồn, tượng cao 2m, những nét áo, hoa văn chạm trổ rất mĩ thuật. Hai gian 2 bên là bàn thờ Phổ Liên Hoa và Ái Sở Thân. Trước bàn Địa Tạng là sân lộ thiên rộng 7m, dài 10m, dùng để đặt các loại hoa, cây cảnh quý. Hai bên sân là Đông phương tượng dùng để Tăng chúng ở và Tây phương trượng để thờ hương linh. Bước qua khỏi sân là đến Tổ đường. Tổ đường này mặc dù đã có từ lâu nhưng chỉ trong hình thức đơn sơ, mãi đến các đời Ngài Chương Khoáng, Chơn Chứng ngôi Tổ đường mới trở nên qui mô khang trang hơn. Tổ đường bề ngang 11m, bề sâu 9m tính cả đường thông hành vây quanh. Đường thông hành chủ yếu để làm nơi nghỉ ngơi của hàng Tăng chúng các nơi mỗi khi tề tụ về đây an cư kiết hạ và cũng là nơi bảo tồn các kinh sách, bảng gỗ kinh cũ. Ngay chính giữa Tổ đường là nghi án thờ long vị các vị Tổ sư trú trì từ Tổ Minh Hải trở xuống. Nghi án bằng gỗ, những nét chạm trỗ và sơn son thiếp vàng rất công phu. Trên nghi án có 4 chữ thủy thanh nguyệt hiện. Chính giữa nghi án là long vị và di ảnh của Tổ sư Minh Hải, tiếp theo 2 bên là long vị lịch đại chư vị trú trì từ cao xuống thấp. Quanh nghi án trang trí những bộ bê tích trượng và các bình bát của các vị ngày xưa dùng để thọ thực. Trên cửa Tổ đường một bức hoành quay vô gồm 4 chữ: Tổ ấn lưu huy. Chính giữa phía trên cao quay ra 3 bức hoành; bức giữa Thích trạch vinh triêm, hai tấm hai bên là Hoa vũ di thiên và Phật pháp tôn nghiêm. Dãy cuối cùng cũng 3 bức; bức giữa Tổ Tổ tương truyền, hai bức hai bên Tích thụ kim hoa và Lộ ác đàm hoa. Phía dưới, bên phải nghi án Tổ là bàn thờ để thờ Tăng chúng quá cố, bên trái là Phổ Liên Hoa, phía trước là  Phổ Phật Sanh và Phổ Triều Âm. Rường cột Tổ đường toàn bằng gỗ, mỗi cột treo câu đối tính thứ tự từ ngoài vào:

Câu 1:
Phiên âm:
Chúc Thánh triệu sơ cơ mộ cổ thần chung khai giác lộ,
Cao Tăng phu quảng tòa quang phong tiêu nguyệt ấn thiền tâm.

Dịch nghĩa:
Chúc Thánh mới dựng lập, khuya sớm trống chuông mở đường giác,
Cao Tăng trải pháp toà, đêm ngày trăng gió in tâm thiền.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 2:
Phiên âm:
Phật xuất Tây phương pháp diệu túc trung tạng thế giới,
Tổ lai Nam quốc đạo truyền đăng hạ mãn thiền lâm.

Dịch nghĩa:
Phật tại Tây phương nói pháp vi diệu trùm pháp giới,
Tổ đến nước Nam truyền đạo đầy khắp chốn thiền lâm.
(Thượng tọa Thích Hạnh Thiện dịch)

Câu 3:
Phiên âm:
Liên tòa vân khai hương đáo thiên đình long sủng mạng,
Dương chi lộ ấp căn tài địa ấm phát kim hoa.

Dịch nghĩa:
Mây mở tòa sen, hương đến thiên đình hưng mạng vận,
Cành dương nhuần thấm bóng che gốc rễ trổ hoa tươi.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

Câu 4: 
Phiên âm:
Hách trạc thanh linh thiên cổ ngưỡng,
Tôn nghiêm sư phạm ức niên khâm.

Dịch nghĩa:
Thanh linh oai vệ ngàn xưa đều kính ngưỡng,
Sư phạm tôn nghiêm muôn thuở mãi khâm sùng.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)

* Đông đường, Tây đường:

         Đông đường và Tây đường nằm 2 bên trước sân Tiền đường, nối liền với Tiền đường một cái nhà gọi là nhà cầu (cầu bắt ngang giữa Tiền đường và Đông đường, Tây đường). Chiều dài Đông đường và Tây đường dài 11m, nhưng bề rộng của Tây đường chỉ 6 m và Đông đường đến 9m, trên mái của 2 bên đều lợp ngói âm dương, bên trong là rường cột gỗ. Tây đường chỉ để thờ linh và Tăng chúng tu học, Đông đường là nơi tiếp khách, gian giữa là bàn Giám Trai thờ đức Đạt Ma. Trước bàn Giám Trai treo trên cao một bức hoành 4 chữ: Thiên vũ bảo hoa. Hai bức phía trước là Nhựt phương thăng và Huệ nhựt quang vinh. Đông đường chỉ có 2 câu đối:

Câu 1:
Phiên âm:
Chúc Thánh thọ vô cương thiền lâm vĩnh mậu,
 Hộ Pháp luân thường chuyển hải chúng đồng vinh.

Dịch nghĩa:
Chúc Thánh thọ an khương rừng thiền mãi tươi tốt,
Hộ xe Pháp thường xoay hải chúng cùng hiển vinh.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch)
 
Câu 2:
Phiên âm:
Cơ tải phụng hành thiền pháp giới
Tha thần kỳ thọ Phật tâm trai.

Dịch nghĩa:
Bao năm phụng hành thiền môn giới pháp
Ngày sau thọ hưởng Phật Tổ tâm trai.
(Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch.)

* Những ngôi tháp Tổ:
         
Bia tháp quanh vườn chùa trên dưới 20 cái. Đó là những nơi tôn trí nhục thân của chư vị Hòa thượng, Thượng Tọa... đã quá cố. Tháp Tổ Minh Hải cao nhất gồm 7 tầng, cao 15m, tiếp xuống là những tháp 5 tầng, 3 tầng và 1 tầng. Những tháp này vì thời gian nên có cái bị hư sửa lại, lại có cái chỉ còn một tấm bia....  Như tháp của Ngài Đại Dõng (Siêu Căn) chỉ còn lại một tấm bia nhỏ, những chữ trong bia cũng đã bị phai nhạt. 

Ngoài ra, trong vườn chùa còn có ngôi mộ song thân của Tổ Minh Hải là Ông Lương Đôn Hậu và bà Trần Thục Thận. Ngôi mộ nằm chệch về phía trước tháp Tổ.
 

Tác giả: Theo Luận văn Hạnh Thiên - 2001

Nguồn tin: giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây