Giới thiệu một số di tích xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia ở Cù Lao Chàm

Thứ hai - 13/05/2019 21:11
Hiện nay, trên địa bàn xã đảo Tân Hiêp có 37 di tích - danh thắng nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Trong đó, có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2006, 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2016, các di tích còn lại nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố Hội An. Dưới đây là một số thông tin về các di tích được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia.
          * Di tích khảo cổ Bãi Ông nằm tại thôn Bãi Ông, được phát hiện và đào thám sát năm 1999, khai quật tháng 6/2000 với tổng diện tích 25m2. Tại di tích, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật gốm thô với loại hình đa dạng; hiện vật đá gồm rìu tứ giác ngắn, rìu có vai, lưỡi ghè, bàn mài, hòn kê, chày, hòn đập, bàn nghiền, dụng cụ miết gốm, chì lưới...; răng hàm cá, kim bằng xương, mảnh nhuyễn thể, hạt cây, than tro... Những hiện vật này nằm trong tầng văn hóa ổn định, có niên đại xác định bằng phương pháp các-bon phóng xạ qua mẫu than (C14): 3.100 ± 60 BP. Di tích này có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu về thời kỳ Tiền - Sơ sử ở Hội An, Quảng Nam và khu vực, được xếp hạng cấp quốc gia năm 2006.

​​​​​​

Hố khai quật Bãi Ông - Ảnh: Hồng Việt
 
          * Di tích khảo cổ Bãi Làng nằm ở thôn Bãi Làng, có toạ độ 1501515’’ vĩ Bắc và 10802310’’ kinh Đông, được phát hiện và đào thám sát năm 1998, khai quật tháng 5/1999 với tổng diện tích 13,7m2. Tại di tích đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm, sành, sứ nguồn gốc Chămpa, Trung Quốc, Trung Cận Đông cùng nhiều đồ gia dụng, đồ trang sức bằng thuỷ tinh, đá, mã não. Trong di tích cũng xuất hiện những dấu vết sản xuất thuỷ tinh tại chỗ ở Bãi Làng. Từ vị trí địa lý, hiện vật và thư tích cổ cho thấy Bãi Làng, Cù Lao Chàm là điểm dừng chân, trao đổi thương mại của các thương thuyền quốc tế thời kỳ Chămpa từ thế kỷ VIII-X. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2006.
 


Hiện vật di tích Bãi Làng - Ảnh: Hồng Việt
 
          * Giếng xóm Cấm tọa lạc tại thôn Bãi Ông. Tương truyền giếng Xóm Cấm do người Chăm xây dựng và được người Việt kế thừa sử dụng cho đến ngày nay trong sinh hoạt thường nhật và tín ngưỡng. Giếng cổ này cũng là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho thuyền đánh cá và các thương thuyền trong hành trình trên “Con đường gốm sứ, tơ lụa, hương liệu trên biển” vào các thế kỷ trước mà thư tịch cổ đề cập. Giếng kiểu hình ống tròn với đường kính 118cm, thành xây bằng gạch đặt trên khung gỗ đỡ bên dưới, nguồn nước giếng luôn dồi dào, trong, ngọt, mát. Giếng Xóm Cấm là một trong những giếng cổ tiêu biểu ở Cù Lao Chàm, là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với quần đảo xinh đẹp này. Giếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006.
 


Giếng xóm Cấm - Ảnh: Hồng Việt
 
 
          * Đình Tiền Hiền Tân Hiệp tọa lạc tại thôn Bãi Làng, trên khu đất sát chân núi với hai bên là hai con suối nhỏ đã cạn dòng. Đình được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII để thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công lập nên làng xã ở Cù Lao Chàm, đồng thời phối thờ những vị thần bảo trợ cư dân trong cuộc sống thường ngày. Kiến trúc đình kiểu cuốn vòm đặc trưng với trụ cột lớn và tường bao xây bằng gạch khá dày, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc đắp cong và trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu”, bờ hồi giật cấp uyển chuyển được trang trí hình rồng, lân. Nội thất rộng, chia làm nhiều nếp và được trang trí các cặp câu đối Hán Nôm giàu giá trị về mặt văn học và các bức tranh, đề tài trang trí ý nghĩa. Các án thờ tại đình được trang trí công phu, rực rỡ các đề tài phong cảnh, hoa lá, đồ án bát bửu, cát tường, chim phượng, rồng,... và câu đối có nội dung ca tụng công đức các bậc tiền hiền, hậu hiền và các vị thần. Hằng năm, vào ngày 6/6 âl, các chư tộc phái ở Cù Lao Chàm và các địa phương liên quan tập trung về đây tổ chức lễ cúng tiền hiền, hậu hiền nhằm tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập xóm ấp và cầu mong quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.



Đình Tiền hiền Tân Hiệp - Ảnh: Hồng Việt
          
          * Chùa Hải Tạng tọa lạc tại thôn Bãi Làng. Chùa có lưng tựa vào núi, mặt xoay hướng Tây Nam, nhìn ra khu ruộng bậc thang với tên gọi dân gian là Đồng Chùa. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi đây khoảng 200m về hướng Đông Bắc. Sau, do bão làm hư hại nặng, đồng thời để thuận tiện cho các tín đồ đến lễ bái nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa được chuyển đến xây dựng ở vị trí này. Ngôi chùa là công trình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng gắn với biển đảo có giá trị tiêu biểu về mặt nghệ thuật. Phía trước là tam quan có mái che và cổ lầu. Ngoài các câu đối Hán Nôm, trên tam quan còn có bức tranh vẽ màu đặc sắc. Chính điện là tòa kiến trúc cổ kính với hai bên là lầu chuông, lầu trống. Mái lợp ngói âm dương được trang trí những đồ án tinh xảo. Hệ khung bằng gỗ được xử lý tinh tế qua hình thức bào nhẵn, chạy chỉ,… nhằm tạo cảm giác mềm mại uyển chuyển. Vì kèo kiểu “trính chồng trụ đội”, hiên trang trí 4 bông trính chạm hình cánh hoa sen và hoa dây. Ngôi chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là hệ thống tượng thờ bằng gỗ, chuông đồng. Qua hệ thống thờ tự cho thấy ngôi chùa thờ Phật kết hợp thờ Thánh Thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào lễ bái. Ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006.



Chùa Hải Tạng - Ảnh: Hồng Việt
 
          * Thờ cúng cá Ông là một tín tục cổ truyền của ngư dân ven biển miền Trung. Triều đình phong kiến đã nhiều lần sắc phong và gia tặng các mỹ tự cho cá Ông với ý nghĩa tôn vinh, đồng thời cho lập lăng thờ, cấp đất hương hỏa để tạo điều kiện cho việc thờ cúng. Ở Cù Lao Chàm, người dân biển thờ cúng cá Ông trong tinh thần tôn kính bởi tương truyền họ luôn được cá Ông cứu giúp khi gặp nạn trên biển. Lăng Ông Ngư nằm ở thôn Bãi Lãng xã Tân Hiệp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, là công trình kiến trúc thờ cá Ông điển hình nhất ở Hội An. Lăng nằm ở Bãi Làng, mặt nhìn ra biển, bố cục kiểu chữ “丁” (đinh). Phía trước là bình phong hình cuốn thư, trang trí đề tài Long mã, Thần Ngư hí nguyệt. Kiến trúc chính điện và hậu tẩm kiểu cuốn vòm đặc trưng, mái lợp ngói âm dương, trang trí đề tài tứ linh, lưỡng long tranh châu. Hậu tẩm là nơi quàng các hòm xương cá Ông. Bàn thờ chính đặt 13 bài vị cá Ông, hai bên thờ tả hữu ban và các vị phò tá. Hằng năm, vào ngày 4/4 âl, người dân biển Cù Lao Chàm tổ chức lễ Cầu Ngư tại đây theo nghi thức truyền thống. Sự hiện diện của lăng không những phản ánh tín ngưỡng của cư dân làm nghề biển mà còn cho thấy sự phong phú về sắc thái văn hóa của cư dân vùng đảo Cù Lao Chàm.Lăng được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006.

         
Lăng Ông Ngư - Ảnh: Hồng Việt
 
          * Miếu Tổ nghề yến là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo và quy mô ở Cù Lao Chàm. Miếu tọa lạc trên gò cát bên cạnh khe Cây Cừa, thuộc Bãi Hương. Những nguồn tư liệu hiện còn cho biết ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu để thờ Tổ nghề khai thác yến sào và các vị thần bảo hộ nghề. Miếu nhìn ra biển, phía trước là tam quan đề tên miếu và các cặp câu đối Hán Nôm. Sát bên trong là cây nánh và cây kén cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sân miếu lát gạch lục giác với chính giữa là bình phong hình cuốn thư trang trí hình long mã và phong cảnh biển đảo. Công trình chính gồm hai nếp liên tiếp, hệ khung bằng gỗ với các chi tiết trang trí chạm trổ và bào soi chỉ mềm mại, mái lợp ngói âm dương với bờ nóc và bờ chảy trang trí giao lá, đề tài “lưỡng long tranh châu”. Không gian nội thất thiết trí bàn thờ những bậc tiền nhân khai sáng nghề khai thác yến sào và chư thần liên quan đến sông biển. Các khám thờ được chạm lộng, chạm nổi nhiều đề tài, đồ án, câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng rực rỡ. Hiện tại ngôi miếu còn lưu giữ tấm bia đá và nhiều bức hoành, bài vị có giá trị. Hằng năm, vào ngày 10/3 âl, lễ tế Tổ nghề khai thác yến sào được tổ chức long trọng tại ngôi miếu nhằm cầu cho việc khai thác yến sào được bình an, thuận lợi, nghề yến ngày ngày phát triển. Ngôi miếu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.
 
 

Miếu Tổ nghề yến - Ảnh: Hồng Việt
 
          * Miếu Âm Linh, tên gọi khác là lăng Cô Hồn, tọa lạc tại Bãi Ông, Hòn Lao. Lăng được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX để thờ các vong hồn vô chủ gặp nạn trên biển. Lăng có khuôn viên rộng được bao bọc bởi tường rào xung quanh. Bình phong kiểu cuốn thư với mặt trước đắp nổi hình hổ hạ sơn, mặt sau trang trí đề tài “Long mã phụ hà đồ”. Kiến trúc lăng kiểu cuốn vòm rất đặc trưng với mặt tiền cẩn những câu đối Hán Nôm, hệ mái trang trí nhiều đề tài giàu tính mỹ thuật hàm chứa ý nghĩa cát tường như Lưỡng long triều dương, hoa điểu, chim phượng, dơi,… Bên phải lăng là Nghĩa Trủng an táng những người xấu số trôi dạt vào đảo. Hằng năm, vào dịp Thanh Minh, cư dân trên đảo tổ chức lễ cúng tại đây với quy mô lớn nhằm cầu mong cho các vong hồn được siêu thoát, cuộc sống của cộng đồng cư dân trên đảo được bình yên. Lăng được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2016.



Miếu Âm linh - Ảnh: Hồng Việt
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây