Châu Ấn thuyền trong hành trình giao thương Việt – Nhật ở Hội An

Thứ sáu - 29/03/2019 04:15
Hội An là một trong số cảng thị được hình thành khá sớm ở khu vực duyên hải miền Trung nước ta. Với vị thế địa lịch sử - văn hóa, Hội An từng là nơi thu hút thương thuyền nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đến giao thương, buôn bán như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…
          Kể từ sau năm 1592, sau khi thống nhất Nhật Bản, Tướng quân Tokugawa Ieyasu đã thi hành nhiều chính sách nhằm chấn chỉnh nền ngoại thương Nhật Bản. Ông đã ban hành chế độ Shuin - sen (Châu Ấn thuyền) - "Thuyền mang giấy phép có đóng dấu đỏ". Theo đó, chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã cấp phát các Goshuinjo (Ngự chu ấn trạng), một giấy phép thông hành được đóng dấu đỏ, cho phép thương thuyền Nhật Bản vượt biển đi giao thương, buôn bán ở hải ngoại, trong đó có Việt Nam. Với chế độ này thì chỉ những thương thuyền có giấy phép đóng dấu đỏ của chính quyền Mạc phủ mới được phép vượt biển ra hải ngoại buôn bán. Ngược lại, các thương thuyền nước ngoài muốn đến Nhật Bản buôn bán cũng cần phải có giấy phép đặc biệt này. Qua đó, chính quyền Mạc phủ muốn xác lập uy thế của mình, cũng như muốn dễ dàng kiểm soát hệ thống thương thuyền trong nước và của các nước mỗi khi đến Nhật Bản. Đồng thời việc nhà Minh ban hành chính sách hải cấm (cấm biển) từ năm 1371, nghiêm cấm các thương nhân người Hoa giao thương hàng hải với các nước, nhất là đối với Nhật Bản, từ đó đã khiến cho một số hàng hóa thông thương như trầm hương, tơ lụa, gốm sứ… giữa hai nước này bị cấm vận hoàn toàn. Để đảm bảo hoạt động giao thương hàng hải của mình, các thương thuyền Nhật Bản đã phải tìm đến các quốc gia như Ấn Độ, Xiêm La, Campuchia và Đại Việt… để mua các mặt hàng thay thế, hoặc dùng hải cảng của các nước này làm nơi trung chuyển hàng hóa từ Nhật Bản đi Trung Hoa và ngược lại.

          Theo các số liệu từ Viện Nghiên cứu Quốc tế của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), khoảng từ năm 1600 đến năm 1635, chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã cho phép 354 Châu Ấn Thuyền ra hải ngoại buôn bán dưới giấy phép thông hành này. Trong đó có 130 Châu Ấn thuyền trực tiếp buôn bán với Đại Việt và 86 Châu Ấn thuyền của Mạc phủ cập cảng thị Hội An. Ngoài ra, còn có một số thương thuyền đến Hội An nhưng không có giấy phép, hoặc những thương thuyền lưu thông trên con đường giao thương hàng hải quốc tế đã ghé vào cảng thị Hội An để nghỉ ngơi, mua nước ngọt, hay tránh bão… Trong hai bức tranh cuộn “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ(thế kỷ 17) và bức “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển(thế kỷ 17 – 18), hiện đang lưu giữ tại chùa Jomyo, ở Gen Chozan Nichiren Shu, phố Tsutsui, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi và Bảo tàng quốc gia Kyushu của Nhật Bản đã phác họa khá rõ nét về hình ảnh Châu Ấn thuyền cũng như hải trình vượt biển từ Nagasaki đến cảng thị Hội An của thương gia Chaya, một gia đình quyền lực có quan hệ mật thiết với Mạc phủ Tokugawa. Như vậy, có thể nhận thấy rằng ngay từ rất sớm các thương nhân Nhật Bản đã dùng Châu Ấn thuyền vượt đại dương ra hải ngoại để giao thương, buôn bán, trong đó có Hội An thuộc Xứ Quảng - Đàng Trong của Việt Nam.

          Vào cuối thế kỷ 16, các Chúa Nguyễn đã thiết lập quyền lực chính trị của mình ở Đàng Trong. Do yêu cầu xây dựng tiềm lực về chính trị, kinh tế và quân sự lớn mạnh để đối đầu với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các Chúa Nguyễn đã tích cực thực thi chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo và cởi mở. Đặc biệt, về kinh tế, các Chúa Nguyễn đã chủ trương mở cửa ngoại thương và chọn lựa một số cảng thị để làm thương cảng quốc tế, từ đó nhiều cảng thị đã được hình thành và phát triển ở vùng duyên hải miền Trung, mà Hội An là một trong các thương cảng điển hình. Năm 1591, thông qua bức thư gửi cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, các Chúa Nguyễn đã chính thức xác lập mối quan hệ giao thương Việt – Nhật. Nhờ vào vị trí nằm trên con đường giao thương hàng hải quốc tế nối liền Đông – Tây và được che chắn, bao bọc bởi Cù Lao Chàm, là tiền tiêu, nơi dừng đỗ của các thương thuyền mỗi khi cập cảng thị Hội An; lại cách không xa Dinh trấn Quảng Nam - thủ phủ thứ hai của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vì vậy, Hội An hội đủ mọi yếu tố quan trọng để trở thành thương cảng quốc tế và giữ vị thế suốt nhiều thế kỷ. Không những thế, các Chúa Nguyễn còn ưu ái, khuyến mãi hợp lý đối với hai giới thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa trong việc cho phép họ tìm địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán và định cư lâu dài, từ đó đã hình thành nên “Phố Nhật” và “Phố Khách” của người Hoa tại thương cảng Hội An.

          Trong thời gian này, cùng với thương nhân Trung Hoa, các thương nhân Nhật Bản được các Chúa Nguyễn ưu đãi về nhiều mặt, kể cả chính trị. Họ có quyền tự trị, được tư do buôn bán và phải nộp thuế với mức thấp; một số thương nhân còn được các Chúa Nguyễn trọng dụng vào các công việc quan trọng như thông ngôn, hay làm Cai Phủ tàu chuyên coi trách, điều khiển thương thuyền, quản lý các công việc buôn bán ở phố cảng, hoặc giữ vai trò lãnh sự tại nơi này. Vào thời kỳ hoàng kim của giao thương Việt – Nhật, phố Nhật ở Hội An có khoảng hơn một ngàn kiều dân Nhật Bản định cư, và có đến 10 dòng họ thương gia giàu có bậc nhất ở Nhật Bản đến buôn bán, lập hiệu buôn tại đây như Suminokura, Araki, Kiya, Sueyoshi, Funamoto, Hashito, Suetsugu, Hirano... Để đảm bảo hoạt động giao thương trên các vùng biển xa, chính quyền Mạc Phủ đã cho đào tạo nhiều đội thợ đóng tàu dựa trên cơ sở học tập kỹ thuật đóng tàu của Phương Tây, vì vậy, Nhật Bản đã có thể tự đóng được nhiều loại tàu có trọng tải từ 300 đến 600 tấn. Như thế, mỗi Châu Ấn thuyền có thể chở cùng lúc nhiều loại hàng hóa khác nhau với trọng tải lớn. Các mặt hàng mà người Nhật mang đến Hội An chủ yếu là vũ khí, hàng sơn, ngũ cốc, lưu huỳnh, vàng bạc hay các kim loại quý… và họ thu về chính quốc của mình nhiều mặt hàng có giá trị như tơ lụa, đồ gốm, trầm hương, ngà voi, gỗ quý, sừng tê giác, yến sào, hạt tiêu, da trâu, đường… đây là các hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của nhân dân Nhật Bản. Một điểm đáng chú ý là các mặt hàng mang đến cảng thị Hội An được ưu ái thu mua nhiều chủ yếu là các mặt hàng khan hiếm, hoặc các mặt hàng về quân sự, qua đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của các Chúa Nguyễn trong việc duy tân đất nước (Đàng Trong) cũng như xây dựng tiềm lực quốc phòng để đối kháng với các thế lực thù địch.

          Mối quan hệ giao thương Việt – Nhật ở Hội An kéo dài không được bao lâu thì đến năm 1633, lấy lý do chế độ Châu Ấn thuyền bị vi phạm, chính quyền Mạc phủ Nhật Bản đã cắt đứt quan hệ giao thương với Hà Lan, Bồ Đào Nha, và ra lệnh Sakoku (tỏa quốc), cấm công dân nước họ không được ra hải ngoại giao thương, buôn bán, đồng thời buộc kiều dân Nhật Bản đang định cư ở nước ngoài phải hồi hương về nước trong một thời hạn nhất định, nếu bất tuân sẽ nghiêm trị. Đến năm 1635, chế độ Shuin - sen (Châu Ấn thuyền) chính thức được xóa bỏ hoàn toàn, chấm dứt hơn 40 năm tồn tại, về sau không còn một Châu Ấn thuyền nào của Nhật Bản được phép vươn khơi ra hoải ngoại cũng như đến Hội An, đồng thời toàn bộ địa bàn sinh sống, buôn bán của kiều dân Nhật Bản ở Hội An rơi vào tay người Hoa. Tuy quan hệ giao thương Việt – Nhật ở Hội An diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng nó đã cho thấy Hội An trong quá khứ là một thương cảng quốc tế nhộn nhịp, hưng thịnh, và là một trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế với sự xuất hiện của thương thuyền nhiều nước, trong đó có Châu Ấn thuyền của Nhật Bản.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây