Dưới thời Pháp thuộc, Hội An vốn là thị xã - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, một trung tâm văn hoá xã hội lớn của miền Trung sau kinh đô Huế từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
Bởi những lý do nêu trên, thật là sai lầm khi có ai đó cho rằng vùng đất Hội An không hề có folklore! (1). Trong bối cảnh xã hội như vậy, tuổi trẻ Hội An trong các thời kỳ đó, đặc biệt dưới thời các Chúa Nguyễn, qua những tiếp xúc trong đời sống hàng ngày, những giao tiếp trong kinh doanh mua bán, đã sớm có một quan hệ luyến ái tự do, tiến bộ, từ đó dễ nảy sinh ra những mối tình giữa những đôi trai gái Việt giữa các vùng khác nhau của đất nước và cả những mối tình giữa những cô gái Việt với những chàng trai nước ngoài là người Nhật, người Hoa như các tư liệu cổ đã cho thấy.
Kho tàng văn học dân gian Hội An còn lưu lại cho đến tận nay, qua truyền miệng hoặc ghi chép, đã cho chúng ta thấy rõ tình yêu đôi lứa của tuổi trẻ Hội An ngày trước qua ca dao dân gian địa phương, thật là chân chất mộc mạc mà thắm thiết, sâu sắc làm sao…
Người con trai phố Hội thuở ấy, dù có giàu kinh nghiệm bao nhiêu trong sản xuất đồng ruộng, xông pha sông biển, lăn lộn thương trường… vẫn tỏ ra vụng về, chất phát đến đáng yêu khi bày tỏ nỗi lòng với người thương:
Trèo lên cây ổi Hội An,
Biên thơ gửi xuống em khoan lấy chồng!
Và
Anh thương em đút bánh ít qua rào,
Tai nghe con chó sủa, rớt xuống rào lòi nhưn…
Qua những câu ca dao dân gian nói trên, người ta dễ dàng nhìn thấy những hình tượng “bánh ít lá gai, cây ổi ta” thật gần gũi, quen thuộc đối với người dân Hội An.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tỏ tình được thể hiện một cách kín đáo, tế nhị nhưng đầy ấn tượng:
Ngã tư nơi hẹn chốn hò (2),
Gặp nhau liếc mắt, dặn dò đôi câu.
Chàng đưa thuốc, thiếp trao trầu,
Thắm tình Cẩm Lệ, mặn vôi Thanh Hà…
Ở đây, ca dao dân gian Hội An cũng đã khéo léo vận dụng các hình tượng đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương là việc mới nhau một miếng trầu quệt vôi Thanh Hà (3), trao cho nhau một điếu thuốc lá quấn đượm hương vị Cẩm Lệ (4) để biểu đạt tình cảm giữa những đôi trai gái yêu nhau, bởi lẽ đối với người Việt Nam chúng ta, “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Và chúng ta hãy nghe một lối tỏ tình khéo léo của một chàng trai tình cờ gặp người con gái mình thương trên một chuyến đò dọc vào ban đêm trên sông Thu Bồn xuôi về Phố Hội:
Đêm khuya phảng phất gió tây,
Người thương thức dậy lời bày đón đưa.
Ghe xuôi qua bến Phó Thừa (5),
Hội An tới đó trời đà rạng ra.
Hỡi người hoa nguyệt, nguyệ hoa,
Sáng mai đến phố đôi ta trao lời…
Một khi đôi trai gái đã kết nghĩa thề nguyện với nhau, nhất là người con gái, tình yêu giữa họ thật thiêng liêng, keo sơn, thắm thiết biết bao. Ca dao dân gian Hội An đã khắc hoạ nỗi khát vọng tình yêu sâu nặng của những mối tình lứa đôi nồng thắm đó:
Chiều chiều ra đứng gốc bàng,
Nhớ anh nước mắt hai hàng láng lai…
Hay
Nhớ ai lòng dạ bồi hồi,
Như đứng trong lửa, như ngồi trong than..!
Hay
Anh đi đâu đi miết không về,
Để em mong đợi hết hè lại thu…
Và
Thương em thương đã quá chừng
Trèo đèo không mệt, ngậm gừng không cay!
Ca dao dân gian Hội An, quá nhiều thời kỳ, cũng đã ghi lại được một cách tuyệt vời mối giao cảm trong chiều sâu tâm hồn của những đôi trai gái yêu nhau với những cảnh quan thiên nhiên hay di tích lịch sử của đô thị thương cảng Hội An mà mỗi khi nhìn thấy lại chúng, nỗi nhớ nhung người thương trong lòng họ lại rộn ràng lên.
Mỗi lần bước đến Chùa Cầu, nhìn thấy dòng sông Sài Thị Giang trôi xuôi về Cửa Đại, cô gái lại thổn thức bồi hồi (6):
Qua cầu ngó xuống dòng sông,
Sóng bao nhiều gợn thương chàng bấy nhiêu…
Cù Lao Chàm ngoài khơi thấp thoáng những cánh buồm xa xa đã khơi dậy trong lòng cô gái bao nỗi nhớ thương da diết:
Ngó ra ngoài biển cù lao (7),
Thấy buồm anh chạy nao nao tấc lòng…
Ngày xưa, vào thế kỷ XVI – XVII, khi con sông Sài Thị Giang (tên sông Thu Bồn một thời) còn chưa bị bồi lấp ven bờ, Chùa Ông nằm sát bên sông. Mỗi lần đưa người yêu ra khơi, hoặc vượt biển trở về Đàng Ngoài hay hồi hương về đất Phù Tang, Trung Hoa sau mỗi lần hội chợ quốc tế, những đôi trai gái yêu nhau chọn Chùa Ông làm điểm hẹn để tiễn đưa nhau. Và mỗi lần tạm biệt hẹn ngày gặp lại, các cô gái lẫn các chàng trai đều nặng lòng tương tư…
Gặp nhau trước bến Chùa Ông,
Ghe lui khỏi bến lòng còn nhớ thương…
Nỗi nhớ thương thắm thiết trong tình yêu đôi lứa ở mảnh đất cổ xưa này đã được ca dao dân gian địa phương mô tả dưới những khía cạnh sâu sắc khác nhau và bằng những hình thức thể hiện phong phú và giàu tính trữ tình:
Thiếp xa chàng, hái dâu quên giỏ,
Chàng xa thiếp, cắt cỏ quên liềm,
Xuống sông gánh nước, hũ chìm gióng trôi…
Về nhà than đứng thở ngồi,
Đập bàn tay xuống chiếu, thôi rồi còn chi!
Bộ nút vàng tra áo cổ y,
Chàng mà xa thiếp tài chi không phiền!
Hay
Thiếp gặp chàng bên đàng chợ Phố,
Chàng gặp thiếp nơi chỗ Chùa Cầu,
Nhìn nhau nước mắt thấm bâu,
Bạn về xứ bạn, không biết giải sầu cùng ai!
Và
Gió nam thổi xuống lò vôi,
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn,
Kể từ ngày bước xuống ghe buôn,
Sóng bao nhiêu gợn, dạ anh buồn bấy nhiêu!
Một điều đặc biệt, dễ nhận thấy là ca dao dân gian Hội An, trong nhiều trường hợp, đã làm nổi bật đạo đức về lòng nhân nghĩa, niềm tin và sự thuỷ chung mà nó là cốt lõi, cội nguồn, là cái tạo nên hương vị và vẻ đẹp của những mối tình đôi lứa ở vùng đất vốn giàu ân tình trong quan hệ xã hội này.
Thiếp gặp chàng tại đàng xe lửa (8),
Chàng gặp thiếp tại cửa nhà ông Rôbe (9).
Mấy lời chàng dặn thiếp nghe,
Thức khuya dậy sớm, lượm chè mười hai xu.
Mãn mùa hè, đệm cuốn sàng treo,
Ra về bỏ bạn cheo veo một mình…
Bạn ơi, bạn chớ phiền tình,
Mùa ni không gặp, chuyện tình mùa sau.
Trăm lạy ông trời mưa xuống cho mau,
Chè kia ra lộc, trước sau thiếp cũng gặp chàng!
Mối tình chung thuỷ sắt son giữa cô thợ hái chè nghèo với người bạn tình cùng cảnh ngộ đã được ca dao dân gian Hội An khắc hoạ bằng những lời dung dị mà làm xúc động biết bao con tim!
Và
Gió nam thổi xuống lò vôi (10),
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn.
Bao giờ cạn nước Thu Bồn
Ngập Chùa Ông Bổn lời đồn em mới tin!
Làm sao lại có thể cạn được dòng sông Thu Bồn ngàn năm chảy mãi ra khơi? Có bao giờ Chùa Ông Bổn bị ngập lụt qua hàng bao thế kỷ đã trôi qua? Đó là niềm tin khẳng định của những mối tình lứa đôi chung thuỷ ở mảnh đất này.
Và những dòng ca dao dân gian Hội An dưới đây càng tô đậm thêm cái triết lý nhân sinh trong quan hệ luyến ái đầy tính nhân văn đó.
Tội gì mà đi cho xa,
Kể từ Phố Hội bước qua Kim Bồng (11).
Cách nhau chỉ một dòng sông,
Thương nhau ta lấy tấc lòng mà đo.
Và
Vì ai đi nói cũng không,
Dốc lòng chờ thợ Kim Bồng mà thôi,
Vì Kim Bồng khéo chọn xứng đôi,
Chồng cao vợ thấp, đi đứng ngồi đều xinh…
Chín giờ kém thổi cu sê (12),
Chào em ở lại, anh về lập binh…
Tình yêu lứa đôi sắt son giữa vợ chồng của người lính không chuyên bị thực dân Pháp bắt buộc phục vụ tại “mẫu quốc” và nỗi đau ê chề của người dân thuộc địa cũng đã được ghi lại một cách xúc động trong ca dao dân gian Hội An:
Kể từ lính mộ ra đi (13),
Ở nhà nhiều nỗi sầu bi bất bình.
Việc này là việc trào đình,
Đêm nằm nghĩ lại phần mình gian nan.
Rủ nhau ra tới ngoài Hàn (14),
Thấy đang tập lính dư ngàn dư trăm.
Thương chàng thiếp phải ra thăm,
Chàng đi qua bên ấy, biết mấy năm chàng về!
Tình cảm vợ chồng thắm thiết của người dân Phố Hội không lệ thuộc vào kinh tế mà vào tình nghĩa sâu đậm, chân tình đã dành trọn cho nhau:
Em nghe anh đau đầu chưa khá,
Em bằng đồng chỉ sá, bẻ ngọn lá về cho anh xông.
Ở làm ri cho trọn đạo vợ chồng,
Đổ mồ hôi ra em dặm, ngọn gió đồng em che…
Trong tình yêu trai gái ở Hội An vào thời kỳ xa xưa có nhiều trường hợp thuận lợi dẫn đến hôn nhân nhanh chóng như trường hợp của một cô hàng xén tại hội chợ quốc tế hàng năm trước đây:
Phố Hoài (15) bốn tháng một phiên
Gặp cô hàng xén anh kết duyên vợ chồng.
Tuy nhiên, trong tình yêu của tuổi trẻ Hội An không phải lúc nào cũng dễ dàng mà không gặp phải trắc trở, có lẽ bởi lẽ:
Thương nhau đâu dễ thương thầm,
Thương thời rượu hũ, trầu mâm đến nhà.
Con còn quyền lệnh mẹ cha,
Dễ chi quyền bạn, quyền ta mà thành.
Chính nhờ niềm tin và lòng chung thuỷ mà đôi trai gái đã thông cảm với nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để gìn giữ được tình yêu:
Ngọn dừa bóng ngả mái tranh,
Trăng tà em mới hỏi anh đôi lời
Ai làm cho bong trăng rơi,
Cho mây lơ lửng, cho trời tối trăng?
Khoan, khoan vội tối bớ trăng,
Để ta phân giải, nỉ năng đôi lời…
Khoan, khoan vội sáng bớ trời,
Để ta phân giải đôi lời kẻo xa..!
Và
Chàng đi đừng có ưu phiền,
Tóc xe trăm ngọn ta nguyền gỡ xong.
Rối tơ ta gỡ còn xong,
Rối đầu có lược, rối lòng ta phân!
Nhưng không phải mối tình đẹp đẽ nào cũng mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Ca dao dân gian Hội An đã phản ánh khá sinh động đầy tính hiện thực và giàu tính trữ tình về nỗi đau của sự tan vỡ, chia ly đó.
Một cô gái Hội An ngày xưa, mỗi lần đặt chân đến cầu Nhật Bản không khỏi nhớ tới người yêu phương xa trong nỗi buồn thương về mối tình tan vỡ năm xưa:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Anh qua Phố Hội đến Viễn Kiều thăm em…(16)
Qua cầu chợt nhớ người yêu
Nào đâu lời nguyện Viễn Kiều hỡi anh!
Chắc chắn nỗi đau ly biệt giữa những phụ nữ Việt và những thương nhân Nhật trong gia đình vợ Việt chồng Nhật cũng như giữa cô gái Việt và các chàng trai Nhật vào giữa thế kỷ XVII là thương tâm nhất (17). Những thương nhân Nhật thời xa xưa đó buộc phải hồi hương và để lại những người vợ Việt, những người phụ nữ Việt dịu dàng, đảm đang trong nỗi xót xa.
Có lẽ những dòng ca dao dân gian Hội An còn lưu lại đến tận nay đã nói lên nỗi đau lúc vĩnh biệt của các cô gái Việt và nỗi sầu thương kéo dài qua năm tháng của người vợ Việt, nghe đến não lòng:
Cạnh buồm gió thổi hiu hiu,
Nước mắt sa lai láng, dây lưng điều không khô.
Sự tình thảm biết chừng mô,
Con cá lui về biển Bắc để chiếc nơm khô một mình!
Và
Tình ơi! Đã khổ ta chưa?
Dế ngâm giọng thảm, ve đưa giọng sầu!
Duyên về đâu, nợ về đâu?
Tai nghe trống điểm trên lầu mấy hơi!
Cuốc than phận cuốc lẻ loi,
Đó lênh đênh phận, đây bồi hồi thân..!
Đọc những câu ca dao dân gian trên, chúng tôi có cảm nghĩ rằng có lẽ ít có địa phương nào ở nước ta đã mô tả được sự bất hạnh trong tình yêu lứa đôi sâu sắc, hiện thực và đậm đà bản sắc dân tộc như vậy (18).
Tóm lại, ca dao dân gian Hội An nói chung và về tình yêu lứa đôi nói riêng, đã được sản sinh ra trong bối cảnh của một vùng đất không rộng nhưng có những nét đặc thù về thiên nhiên, về xã hội, về con người, bởi vậy mà nó không những thấm đượm bản sắc văn hoá dân tộc mà còn đậm đà sắc thái địa phương riêng biệt, giàu tính sáng tạo, tính thực tiễn cũng như tính thẩm mỹ và tính trữ tình, nhờ vậy mà nó sống mãi trong lòng nhân dân địa phương qua bao thế hệ.
Từ trước tới nay, kho tàng ca dao dân gian Hội An chưa được giới thiệu nhiều trên quê hương mình cũng như trong khu vực và trong cả nước qua các tuyển tập ca dao dân gian đã xuất bản trong tỉnh và trong cả nước. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, các nhà nghiên cứu về folkor địa phương và trung ương quan tâm đến việc giới thiệu nhiều hơn về kho tàng ca dao dân gian Hội An sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức mà bước đầu chúng tôi cố gắng giới thiệu trong bài viết này.
* Chú thích:
- (1) Folklor: bắt nguồn từ tiếng Anh là folklore (folk: dân tộc, lore: khoa học), có nghĩa tổng quát là văn học nghệ thuật dân gian, những truyền thống dân tộc, bao gồm cả văn hoá phi vật thể dân gian (như tín ngưỡng, thờ cúng, lễ hội, nghi lễ, truyền thuyết, truyện kể, ca dao, làn điệu dân gian). Ngược lại các nhà nghiên cứu địa phương và ở nước ta và cả nước ngoài đều khẳng định rằng Hội An dưới thời Phong kiến và Pháp thuộc trước đây đã để lại một tầng văn hoá dân gian khá phong phú, đậm đà sắc thái địa phương dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là ca dao.
- (2) Ngã tư: trước Cách mạng tháng 8 – 1945, ngã tư có hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên (nay là ngã tư đường Lê Lợi - Trần Phú) hoặc ngã tư có hiệu buôn Trịnh Liên (nay là ngã tư đường Lê Lợi - Nguyễn Thái Học) là những điểm hẹn họ vào buổi tối của các đôi trai gái yêu nhau.
- (3) Thanh Hà: trong thế kỷ 16 – 19 là một làng nổi tiếng sản xuất đồ gốm, gạch thẻ, ngói âm dương, vôi với một hệ thống lò gốm, lò gạch, lò vôi lớn, chuyên cung cấp vật liệu gia dụng và xây dựng cho các di tích lịch sử của đô thị cổ Hội An. Nay làng Thanh Hà thuộc Cẩm Hà, nằm ở phía Tây Hội An trên đường từ thị xã Hội An đi ra thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, vẫn còn sản xuất gạch ngói đồ gốm
- (4) Cẩm Lệ: là một làng trước đây nổi tiếng sản xuất thuốc lá ngon - thuốc lá Cẩm Lệ - của Quảng Nam, nay thuộc xã Hoà Thọ, huyện Hoà Vang thành phố Đà Nẵng
- (5) Phó Thừa: phó tổng dưới thời Pháp thuộc tên là Thừa, có một ngôi nhà khang trang bên bờ sông Thu Bồn gần thị xã Hội An, ngày trước ở đây có một bến thuyền
- (6) Sài Thị Giang còn gọi là Sông Chợ Củi, nay là đoạn sông Thu Bồn, chảy qua thương cảng đô thị Hội An đổ ra Cửa Đại
- (7) Cù lao: quần đảo Cù Lao Chàm, cách thị xã Hội An 18km ở ngoài biển Đông, nổi tiếng về yến sào, nay gọi là xã Tân Hiệp, thuộc thị xã Hội An
- (8) Đàng xe lửa: dưới thời Pháp thuộc, công ty tàu điện Decauville ngày 09/10/1905 mở tuyến đường sắt Decauville Tourane – Faifoo (đơcôvin Đà Nẵng - Hội An) chạy từ đảo Phòng Hải (lúc đó nối liền với bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng) dọc theo bờ biển đến tận tỉnh lỵ Hội An để chở hành khách và hàng hoá, nên con đường xe lửa được người Pháp gọi là Tramway de l’ll ôt de I’Observatoire à Faifoo (đường tàu điện từ Đảo Đài Quan sát đến Hội An). Ga Hội An là một ngôi nhà nhỏ nằm ở phía sau lưng Toà Công sứ Pháp trước đây, cách Trường Tiểu học nam về phía Tây chừng hơn 100 m (nằm trên khu vực trung tâm văn hoá thông tin hiện nay). Đến ngày 27/10/1916, một trận bão lớn đã thổi bay một số đoạn ray của tuyến đường sắt này. Đến sau 1917, công ty này đã phát mãi những đoạn sắt còn lại cùng đầu máy và các to axe, chấm dứt hoạt động của tuyến tàu điện này. Ga Hội An về sau trở thành trụ sở Câu lạc bộ của người Pháp và bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó cho thấy rằng các câu ca dao đó ra đời trước năm 1917
- (9) Roobe: ông De Roberts là chủ hãng chế biến chè của Pháp đặt tại thị xã Hội An dưới thời Pháp thuộc, ngoài bán chè ra trên thị trường Đông Dương còn cung cấp cho Pháp. Thời đó, hãng chè này nằm tại góc ngã tư đường Phan Châu Trinh - Nguyễn Huệ ngày nay, dọc theo dốc xuống chợ Hội An
- (10) Lò vôi: ở đây muốn nói các lò vôi của làng Thanh Hà chuyên sản xuất vôi và gạch ngói. Xem ghi chú sổ phía trước
- (11) Kim Bồng: làng nghề mộc Kim Bồng nổi tiếng từ xưa đến nay với nhiều thế hệ nghệ nhân tài ba, là những người đã có công lớn trong việc xây dựng các di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng của đô thị Hội An ngày nay; trong số họ, có những người đã tham gia xây dựng các công trình kiến trúc cung đình của cố đô Huế. Hiện nay, làng Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, thị xã Hội An. Một số thợ mộc giỏi tay nghề đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân
- (12) Cu – sê: bắt nguồn từ tiếng Pháp là coucher, có nghĩa là giờ đi ngủ vào buổi tối, ở đây đối với binh lính các đồn trại dưới thời Pháp thuộc, vào đúng chín giờ tối. Đồn lính khố xanh (Garde indochinoise – đồn lính bản địa) ở thị xã Hội An thời đó nằm ở cuối đường Nguyễn Duy Hiệu hiện nay, bị phá huỷ trong tiêu thổ kháng chiến năm 1947
- (13) Lính mộ: trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) và thứ hai (1939 – 1945), thực dân Pháp đã bắt thanh niên ta đi lính, phục vụ chiến tranh ở Pháp mà chúng gọi là lính mộ ONS (Ouvrier non spécialisé có nghĩa là “thợ không chuyên”)
- (14) Hàn: tên xưa kia của Đà Nẵng (như sông Hàn chảy qua thành phố Đà Nẵng)
- (15) Phố Hoài: hay Hoài Phố, tên gọi xưa của Hội An
- (16) Viễn Kiều: tên đầy đủ là Lai Viễn Kiều, nghĩa là “Chiếc cầu của người từ phương xa đến”, tên gọi của Cầu Nhật Bản hay Chùa Cầu.
- (17) Mạc Phủ nước Nhật, dưới thời tướng quân Tôkưgawa lêyasu đã ra lệnh cấm công dân nước họ không được ra nước ngoài để buôn bán hay theo đạo và buộc kiều bào nước họ đang sống ở nước ngoài phải hồi hương nếu không sẽ bị xử tội. Bởi vậy mà đã xảy ra cảnh suy tàn phố Nhật ở cảng thị Hội An từ năm 1633 – 1639 và cảnh chia ly của nhiều gia đình chồng Nhật vợ Việt ở nơi này
- (18) Theo ý kiến của chúng tôi nghiên cứu về Hội An, những câu thơ sai không có nguồn gốc ca dao và ca dao địa phương Hội An, nên tác giả không đưa vào nội dung bài viết này:
Ai qua Phố Hội, Chùa Cầu
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai?
Để sầu cho khách vãng lai,
Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu…
Tác giả mong nhận được ý kiến của những ai quan tâm đến vấn đề này.