Ăn Tết và chợ buôn hàng Tết ở Hội An ngày trước

Thứ năm - 31/01/2019 21:04
Đầu thế kỷ đến thập kỷ 30 (1), Đà Nẵng chưa được người Pháp khai thác lớn từ hải đạo đến hàng buôn thì Hội An vẫn còn là trung tâm thương mại lớn của Quảng Nam. Đà Nẵng tuy có hãng L’Ucia và công ty Đông Lợi Long, Quảng Hòa Mỹ nhưng hàng xuất nhập không thường xuyên, vài ba tháng mới có một chuyến tàu từ Hải Phòng vào, hay Sài Gòn ra, đậu ở Vũng Thùng có ghe vợi ra chuyển hàng vào bờ. Tàu chở dầu lửa, vải sợi và các thứ tạp hóa như hương đèn, pháo hàng Tàu đều đựng thùng gỗ đến Đà Nẵng rồi thì có ghe chở vào Hội An cho các tiệm phát hàng. Lúc bấy giờ vận chuyển bằng đường sông rất thuận tiện. Từ Tam Kỳ ra, các ngõ nguồn xuống như sông con, sông cái Đại Lộc đều xuống Hội An. Cho nên các hiệu buôn ở Hội An từ tháng mười một âm đã có hàng bán Tết về sớm.
          Bắt đầu từ nửa tháng mười một thì các hiệu đều đầy nhắp các thứ hàng gọi là hàng Tàu: hương, đèn, vàng, bạc, pháo, bánh, kẹo… Các hàng buôn tơ lụa thì từ tháng 10 đã có sẵn các loại hàng mặc áo dài, vải quyến, vải lãnh, vải bóng, lãnh lụa... Các thứ này được khách hàng từ thôn quê ra mua về may mặc tết rất sớm.

          Ngày ấy bến chợ Hội An là một bến đất lài, dưới sông sát bờ những chiếc ghe trường đậu chong mũi ra bán gạo, có cầu lên xuống bến. Từ bến chợ lên, theo dọc bờ sông Bạch Đằng ngày nay là ghe trường từ các ngõ nguồn xuống đậu dùng để chở hàng về. Đầu tháng chạp thì đến chở hàng Tàu, hương, đèn, vàng, bạc, vào bao lớn. Nhiều nhất là giỏ cần xé chất đường, rượu chai, đóng khèn dán nhãn. Ở Hội An có tiệm Quân Thắng Sạn có thứ rượu trắng rất ngon và mùi rất thơm ở thôn quê rất thích mùi rượu ấy. Rượu được vô chai, hai loại, loại lớn và chai nhỏ đóng khèn dán nhãn Quân Thắng Sạn. Trên nhãn có vẽ hình Lý Thái Bạch viết thơ trả lời cho Hung Nô có cung nữ đứng mài mực, nhãn in màu rất đẹp. Rượu này về thôn quê để làm lễ tết thường, tết sui,... rất trang nhã.
 
ban hang

Gian hàng Tết ở chợ Hội An hiện nay - Ảnh: Hồng Việt
 
          Ghe nào về chợ nhà quê cũng đều chở đầy nhắp rượu chai. Chẳng thế mà còn chở cả rượu chum lớn. Rượu này của công ty SICA, vô mỗi chum, làm da chu bỏ vào trong một cái rọ bằng tre đan lớn, có quai khiêng. Mỗi chum đựng 10 gàu, mỗi gàu 5 lít, có nắp trét vôi kỹ lại. Rượu chum này thì có sổ đại bài, hay trung, tiểu bài mới mua được, vì công ty SICA làm độc quyền nên phải có giấy phép của Thương chính mới được buôn. Rượu này về chợ nhà quê bán lẻ rượu lít cho quán nhỏ có bài sổ tiểu thương. Khi mua phải ghi vào sổ để có khi tuần đinh Thương chính đi kiểm soát giữ rượu nấu lậu. Nếu không biên thì có nhà phải bị phạt tiền nghi bán rượu lậu. Khi bán xong trả chum lại và nhận kỳ phúc. Ngày gần Tết thì chở càng nhiều để bán lại trong dịp Tết. Cho nên ghe trường từ các chợ nguồn xuống đậu dày các bến sông. Hết lớp ghe này đến lớp khác. Khi ghe xuống thì chở chuối, bòng để bán tết. Cho nên bến sông từ chợ lên thì rất rộn ràng, kẻ lên người xuống hoặc hàng về rất nhộn nhịp. Bắt đầu tháng chạp thì chở hàng Tàu nhiều nhất là hương đèn, vàng bạc, bánh kẹo, pháo. Có loại pháo trái, pháo nhỏ bằng đầu cây nhang dài chừng 2cm, kết lại, hai liếp thành một dây dài chừng 17cm, mỗi gói 10 dây, pháo tuy là nhỏ nhưng rất kêu, người ta dùng rất nhiều. Cũng có loại pháo lớn 10 tống, 5 tống, thứ đẩu quang, 1 ngàn pháo nhỏ thứ bách đẩu, 1 trăm pháo nhỏ có 3 tống loại kêu to, hay 1 tống loại kêu to, xa. Loại này thì đắt tiền hơn. Trên những ghe trường ấy đến ngày 25 tháng chạp trở lên thì ngoài việc chở hàng còn chở các hoa chậu, nào là hường, thược dược, cúc trắng, cúc vàng, vạn thọ vàng đỏ đủ màu mua về chưng tết. Cũng từ ngày 25 tháng chạp, ghe bơi ở các nơi gần chợ chung quanh sáng ra tấp nập, đậu dày từ bến chợ xuống (khi ấy không có dãy nhà ở bờ sông mà có thành thấp, dưới bến sông lái ghe bơi, xuồng vào ra sát bờ chở đồ lên xuống chợ đến ngang ngõ trường học Kim Đồng có cái bến đò ngang qua Cẩm Phô). Ghe bơi xuống đậu dày cả. Có kẻ chuyên giữ ghe dầm như giữ xe bây giờ. Đồ thổ sản ở vườn đem lên chợ Phố bán rồi mua hàng về đầy cả. Các nơi giữ ghe ấy cũng rất rộn ràng la ó chửi nhau dành, đánh ồn ào. Sông cái thì tháng này chưa có ghe bầu đậu nhiều vì mùa gió nồm chưa đến ghe bầu chở gạo Sài Gòn chưa về.

          Từ ngày 23 thì đường phố đã đông người. Kẻ buôn bán, người đi sắm sửa đồ Tết ở thôn quê đến đây. Các cửa hàng trước hiên đổ bày thêm hàng ra bán, nào là chén bát, đồ ngang, đồ kiểu, lư đồng, lư sành, chân đèn bằng thiếc sơn đỏ. Hàng thì bày đủ thứ hương, hương thẻ cộng nhỏ, hương trầm 3 cây lớn, hương vàng, đèn cầy các loại lớn nhỏ. Cây đèn cầy lớn có vẽ hoa màu. Nơi bày bán các thứ đèn thắp dầu lửa, loại tọa đăng, huyền đăng, đèn chưng nhỏ không có phòng phong, loại đèn bóng trứng vịt (phòng phong). Trên các ngã đường phố bày bán không thiếu thứ gì. Đường phố những người bưng bánh tổ đi dạo khắp, đủ các loại, thứ bánh đường trắng, đường đen, có mặt mè, mặt trơn các cỡ đưa kiểu đến cho các hiệu lớn đặt hàng, tính cân yến mà bán (mỗi yến 4 quan tiền, mỗi chồng 6kg). Chợ Hội An lúc bấy giờ chỉ có một chợ ngói ở ngoài bờ sông, còn lại phía trong là đất trống tráng ciment thì các lều dọn bán hằng ngày. Từ 28-29 tết thì các lều thêm vào bán các thứ rau quả chuối, trái cây dày khít chen chân mà đi. Hàng thịt thì ở trong chợ ngói, cũng dọn thêm bàn treo thêm thịt heo, người bán cũng thêm đông hơn. Kẻ vô người ra rộn ràng. Phía sau thì các hàng thợ mã bày treo đủ thứ đồ giấy, mũ, áo, hoa, giày, đồ cúng thổ thần, đồ cúng chúa Tiên, đồ cúng ông Táo, đủ các màu sắc, gió bay phất phới. Thêm vào có những tấm giấy điều in chữ ngang bằng kim nhũ những chữ nghinh xuân, tiếp phước, ngũ phước lâm môn, tân xuân nghinh phước, mua về dán ngay trên cửa chính nhà để đón xuân. Trong hiên hè phố có những vị đồ nho viết liễn bán, giấy hồng đỏ, sọc dài, viết rồi treo lên phía sau. Những câu chúc tụng thông thường như “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ, xuân mãn càn khôn phúc mãn đường”. Cùng những giấy đỏ mua về dán trên khám thờ ngũ tự. Giấy có trang trí thì đắt tiền hơn giấy trơn màu hồng. Các tiệm bán hương đèn đều có bán giấy để thờ. Sau ba bữa tết thì đốt. Giấy có 2 thứ khổ rộng cũng 80cm2, gọi là giấy bông và giấy kiểu. Giấy bông thì có hoa, chữ thọ lớn [màu in nổi lên (?)] và giấy kiểu thì trơn thôi đủ màu sắc.

* Chú thích:
- (1) Của thế kỷ XX (BBT).

Tác giả: Nnc. Nguyễn Bội Liên

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây