Đội văn nghệ của Hội An ra mắt vở nhạc kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy – 1950.
( Ảnh sưu tập từ gia đình ông Huỳnh Nam Sinh)
Vậy văn nghệ Hội An bắt nguồn từ bao giờ, có những ai, diện mạo nó ra sao và quá trình phát triển như thế nào… luôn là những dấu hỏi lớn trong suy tư của người viết và có lẽ cũng là những dấu hỏi trong lòng khách mộ điệu trong những thập niên qua.
Chương trình “70 năm tình ca Việt Nam” của ban Việt ngữ Đài phát thanh Úc Đại Lợi có đề cập đến sự hình thành của tân nhạc Việt Nam, tạm xác định mốc khởi đầu kể từ tháng 4 năm 1938, lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc để diễn thuyết và cổ động cho âm nhạc cải cách – một trào lưu mới sáng tác nhạc theo hệ thống nhạc lý phương Tây nhưng được đặt lời Việt, cho dù trước đó các nhạc sĩ trong Nam ngoài Bắc đã sáng tác nhiều nhưng chưa phổ biến rộng rãi.
Từ trước đó cho đến thập niên 40, âm nhạc dân tộc cổ truyền, dân ca Quảng Nam, đàn ca tài tử, hát bội, cải lương vẫn đang rất thịnh hành và có nhiều nhóm biểu diễn được hình thành từ những người dân Hội An. Họ hoạt động tại tư gia hoặc tại các lễ hội hay các chương trình từ thiện. Theo hồi tưởng của nhạc sĩ Trương Đình Quang: “Ở đây hầu như ít có gia đình nào không có nhạc cụ dân tộc”, thiết nghĩ riêng điều này cũng đã thể hiện được phần nào tinh thần yêu âm nhạc của người dân Hội An. Cũng vào thời điểm này, giới thanh niên theo Tây học tại đây cũng đã bắt đầu mày mò sử dụng các nhạc cụ từ phương Tây du nhập vào Hội An. Họ cũng đã hình thành những nhóm hòa tấu các tác phẩm âm nhạc phương Tây.
Tuy nhiên, phong trào vẫn còn hạn chế trong không gian gia đình hoặc các nhóm nhỏ, cho đến khi La Hối trở về từ Sài Gòn. La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920. Là con thứ 10 của gia đình La Thiên Thái, một hiệu buôn nổi tiếng tại Hội An thời bấy giờ. Vào thời điểm tân nhạc bắt đầu phát triển tại Việt Nam, La Hối đang học tại Sài Gòn. Là một người có năng khiếu về âm nhạc, ông học hỏi thêm về lý thuyết nhạc cổ điển phương Tây đang thịnh hành tại đây. Sau khi trở về Hội An, với ý tưởng muốn phát triển tân nhạc, La Hối đã chiêu mộ những thân hữu yêu thích và có khả năng trình tấu âm nhạc thành lập Hội Ái hữu âm nhạc Faifoo (Societe philharmonique de FaiFoo) tại Hội An năm 1942. Hội Ái hữu âm nhạc Faifoo thuê ngôi nhà của một người tên Sấn hành nghề thợ vàng, tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt ngày nay để làm trụ sở. Thoạt đầu trụ sở này là nơi những thành viên trong hội trao đổi, bổ sung lý thuyết âm nhạc phương Tây và biểu diễn hòa tấu những nhạc phẩm Tây phương đang thịnh hành vào thời bấy giờ. Khởi thủy hội gồm các thành viên: La Hối sử dụng piano; Vương Quốc Mỹ, Vương Quang, La Gin, Trần Can sử dụng violon; Lâm Cự sử dụng bangio alto hoặc accordion; La Xuân, Thái Chí Hải sử dụng bagnio; Ghibou sử dụng saxophone alto hoặc trompet; Lê Văn Miêng, La Thiều sử dụng trống; Duy Liễu sử dụng saxophone tenor. Đồng thời, nhạc sĩ La Hối cũng dùng trụ sở này mở lớp dạy ký âm, hướng dẫn lý thuyết và thực hành cho thanh niên yêu âm nhạc ở địa phương theo học. Nhiều thanh niên yêu âm nhạc tại Hội An đã theo học và tham gia vào hội như: Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lê Trọng Nguyễn, Lê Khuê, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang,… hầu hết họ sau này đều trở thành nhạc sĩ. Có thể gọi trụ sở hội Hội Ái hữu âm nhạc Faifoo là lớp dạy tân nhạc đầu tiên tại Hội An.
Hai năm sau đó (1944), La Hối sáng tác bản nhạc “Le Printemps et la Jeunesse”. Thoạt đầu đây chỉ là bản nhạc hòa tấu, một thời gian sau một người bạn của ông là Diệp Truyền Hoa mới viết lời Hoa với tựa đề “Thanh niên dữ xuân thiên”. Năm 1946, khi Đoàn kịch nói Anh Vũ vào Nam biểu diễn, Thế Lữ rất thích bản nhạc này nên đặt lời Việt cho bản nhạc với tựa đề: “Xuân và tuổi trẻ”. Lời Việt đã chắp cánh cho bản nhạc này được lan truyền rộng rãi hơn và nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
Sau khi Hội Ái hữu âm nhạc Faifoo ra đời, những người yêu âm nhạc Hội An một mặt vẫn giữ lối chơi nhạc cổ truyền, mặt khác vẫn tiếp thu cái mới. Nắm bắt được lý thuyết họ chuyển dần sang hình thức tân nhạc. Họ đã thành lập những nhóm nhạc gia đình, vừa biểu diễn vừa sáng tác nhạc Việt trên nền nhạc lý phương Tây. Tiêu biểu như gia đình nhà nhiếp ảnh Huỳnh Sau tọa lạc tại ngôi nhà ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Trường Tộ ngày nay, gồm các thành viên trong gia đình: Huỳnh Bá sử dụng bangio, mandolin; Huỳnh Phụng sử dụng piano; Huỳnh Đồng sử dụng kèn saxophone; Huỳnh Cầm, Huỳnh Sỏ, Huỳnh Liên sử dụng violon.
Các gia tộc La, Vương, Thái, Trương, Dương cũng có những nhóm riêng. Tuy nhiên, do Hội An là một thị xã nhỏ, mọi người đều quen biết nhau nên nhiều khi mọi người ở những nhóm khác nhau đều có thể chơi chung với nhau trong một chương trình cũng là chuyện thường tình và cho mãi đến các thế hệ kế tiếp cũng vậy. Trong ảnh chụp một chương trình được biểu diễn năm 1950 tại Hội An, ta có thể nhận diện được hầu hết những thành viên của các tộc họ nói trên tham gia trong chương trình ca kịch và tân nhạc này. Từ năm 1949-1952, giới học sinh cũng thành lập nhóm nhạc Trung học Hội An biểu diễn tại các chương trình văn nghệ học đường, những thành viên của nhóm nhạc này về sau đều là những trụ cột của những nhóm nhạc được thành lập trong giai đoạn kế tiếp.
Trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng đến và tá túc tại Hội An trong ngôi nhà trụ sở của Hội Ái hữu âm nhạc Faifoo. Trong hồi ký của mình, tuy Phạm Duy không nhắc đến điều này nhưng ông công nhận: “Khi gánh hát vào Faifoo tôi còn thấy thanh niên ở đây yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua”.
Thực vậy, trong thời gian này ở Hội An không chỉ có mỗi một mình nhạc sĩ La Hối sáng tác các nhạc phẩm “Xuân và tuổi trẻ”, lời Thế Lữ và “Gió thiêng liêng”, lời Duy Liễu mà còn có nhiều các tác giả khác vừa chơi nhạc vừa sáng tác như: La Xuân – “Hội An ngày về” – lời Hoa của Diệp Truyền Hoa. Doãn Chánh “Mộng” – lời Hoa của Diệp Truyền Hoa, lời Việt của Đằng Vân”; Dương Minh Ninh: “Bài ca tự túc”, lời Lưu Trùng Dương (Giải thưởng âm nhạc Cửu Long – 1952), “Vọng Sơn Hà”, lời Duy Liễu, Thái Trữ, “Đường chiều”, “Trai đất Việt”, “Tiếng đàn xe nước”, “Quân nhân hành khúc”, “Sông Lô”, lời Phan Quang Định. Nhạc kịch “Gấm vàng”- thơ Vũ Hân, biên đạo múa Tố Nga; Vương Gia Khương: “Cờ Việt minh”, “Không khuất phục”, “Bài hát trường ta”, “Chiến sĩ lục quân” Vũ Trọng Sáng lập ban kịch Cương Quyết, cùng Thái Trữ viết kịch bản “Chim chiều không tổ” và nhiều vở cải lương khác.
Ban nhạc trường sĩ quan tham mưu tác chiến Liên khu V – 1951.
(Ảnh sưu tập cá nhân của ông Trương Bách Lương).
Vào giai đoạn kháng Pháp lên cao trào, ông Võ Toàn (Võ Chí Công) mời Huỳnh Bá về khu V phụ trách mảng văn nghệ. Huỳnh Bá kéo theo Hoàng Tú Mỹ tham gia, tại đây họ gặp lại nhiều nhạc sĩ đồng hương như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu… họ cùng nhau thành lập Ban văn nghệ mang tên “Xung phong” cho trung đoàn vệ quốc Liên khu V. Theo ký ức của nhiều người, tại những đại hội văn hóa – văn nghệ hoặc những chương trình nghệ thuật thường niên tổ chức ở Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), nòng cốt của ban nhạc đều là những nghệ sĩ phố Hội.
Có thể xem đây là giai đoạn khởi đầu trong trào lưu sáng tác và biểu diễn tân nhạc tại Hội An. Từ các ban nhạc gia đình, những nghệ sĩ của phố đã tạo nên một nếp văn hóa mới hòa chung vào quá trình phát triển văn hóa Hội An một cách có chọn lọc. Ở giai đoạn này, những người đi trước đã đặt được một nền móng nhạc thuật tân nhạc khá vững vàng, đồng thời những hoạt động của họ cũng đã làm tiền đề cho sự phát triển tân nhạc tại Hội An cho đến mãi về sau này.