Đất Quảng qua du ký của người Đài Loan xưa

Thứ ba - 13/11/2018 04:03
Trong lịch sử, có nhiều người nước ngoài đi thuyền bị trôi dạt vào đất Quảng, chủ yếu là người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Sau đó, họ đã viết lại những điều tai nghe mắt thấy về vùng đất này, tạo thành một thể tài du ký “phiêu dạt”.
image001

Trang bìa bản sao chép tay Hải Nam tạp trứ. Hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (kí hiệu VHv.80/2)

Ban đầu, những tác phẩm du ký này chỉ thuần túy là sự ghi chép của những người phiêu dạt, nhưng về sau nó lại trở thành nguồn tư liệu của nước ngoài có giá trị về Việt Nam nói chung và đất Quảng nói riêng. Hải nam tạp trứ của Thái Đình Lan là một ví dụ.

Từ câu chuyện thuyền buôn

Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn có chép một sự kiện: “Có chiếc thuyền buôn của người Phúc Kiến nước Thanh đi sang đảo Đài Loan, bị gió bão trôi dạt (…). Trên thuyền có lẫm sinh Thái Đình Hương được đặc cách gia ơn cấp thêm cho tiền 50 quan, gạo 20 phương, đợi khi thuận tiện sẽ cho đưa về nước”. Theo nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên (Đại học Thành Công - Đài Loan), Thái Đình Hương trong sử tịch trên chính là Thái Đình Lan, do triều Minh Mạng kiêng húy, quy định đổi chữ Lan thành chữ Hương.
Thái Đình Lan (1801 - 1859) “húy Sùng Văn, tự Trọng Chương, húy Hương Tổ”, là một người “Thất tuế năng văn, Bành vị hữu; Thập tam nhập phán, Đài hy văn” (Bảy tuổi làm văn, đất Bành Hồ chưa từng có; Mười ba nhập học, Đài Loan cũng hiếm nghe”). Qua mấy lần khảo hạch ông đều đứng đầu (…) Năm Đạo Quang thứ 24 (1844) dự thi Hội, đỗ tiến sĩ” (những trích dẫn ở đây do Ngô Đức Thọ dịch). Hải nam tạp trứ gồm 2 quyển. Quyển Thượng chia làm 3 thiên là Thương minh kỷ hiểm (Biển khơi gặp nạn), Viêm hoang kỷ trình (Đi đường trên đất phương Nam), Việt Nam kỷ lược (Lược ghi về Việt Nam). Quyển Hạ đều là thơ xướng họa dọc đường bộ từ Quảng Ngãi ra đến Lạng Sơn, song chưa được khắc in phát hành. Văn bản Hải nam tạp trứ có tương đối nhiều, lưu trữ ở nhiều quốc gia bao gồm bản khắc in đời Thanh, bản sao ở Việt Nam, bản in xếp chữ, bản dịch (Nga văn, Pháp văn, Nhật văn, Việt văn).

Lâu nay những thư tịch sử - địa như Phủ biên tạp lục, Quảng Thuận đạo sử tập, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí hay Đại Nam nhất thống chí thường mô tả đường đi ở đất Quảng theo chiều Bắc - Nam, nhưng Thái Đình Lan đã “vẽ” lại theo chiều từ Nam ra Bắc, đi từ Quảng Ngãi ngược ra đến tỉnh thành Quảng Nam. Tác phẩm du ký Hải nam tạp trứ chép: “Từ tỉnh thành Quảng Ngãi đi 40 dặm đến bến Đò Ván (…). Ngày hôm sau đi bốn mươi dặm nữa đến Bàn Khẩn (từ Bản Khẩn nếu ngồi thuyền một ngày đêm đến Quảng Nam). Qua sông đi 20 dặm đến Chợ Ván (Đường Âm gọi là Zuo Wan). Lại đi 160 dặm nữa đến tỉnh thành Quảng Nam (tục gọi là Huệ An (tức Hội An - NV); thành tỉnh ấy tục gọi là Thành Quỳ). Cách thành tỉnh 20 dặm là phố Huệ An (người Trung Quốc ở đây rất đông)”.
image003
Tác phẩm Hải nam tạp trứ in trong bộ Đài Loan văn hiến sử liệu tùng san (xuất bản ở Đài Loan).
 
 
Thái Đình Lan bắt gặp một loại thuyền đặc trưng của đất Quảng, đã ghi chép chi tiết và khảo cứu tỉ mỉ: “Có loại thuyền gọi là thuyền Nha Tử (loại lớn chứa được 200 tạ). Đài Loan quận chí ghi: Năm Khang Hy thứ 56 (1717), có chiếc thuyền đinh nhỏ, gặp bão dạt đến Bành Hồ, tức loại thuyền này. Đáy thuyền dùng phên tre đan thành, phía ngoài phết dầu dừa, chỉ trên thuyền thì dùng phiến gỗ. Những thuyền nhỏ khác đều thế cả. Cũng có thuyền đáy gỗ, dùng mây buộc kín chỗ phiến gỗ ghép nhau. Khi nước rỉ vào thì dùng gáo gỗ múc nước ra (ở đây không sản xuất thép, nên thuyền nhỏ không dùng đinh sắt). Sách Hải quốc văn kiến lục nói có loại thuyền cán không có đầu không có đuôi, chìm trong nước, đóng đinh dày, buộc dây nhiều ở ván dưới đáy thuyền, từ xa, dùng vài trăm chiếc thuyền khua mái chèo mà kéo cho thuyền mắc trên cạn. Thuyền phương Tây rất sợ khi thấy loại thuyền cán Quảng Nam, có thể là loại thuyền Nha Tử đã thấy”.

Đến nhận định có thể tham khảo

Thái Đình Lan nhận định Hội An là thương cảng quan trọng đứng thứ 2 trong cả nước: “Nơi tụ tập thuyền Trung Quốc, phần nhiều ở Gia Định, thứ đến Quảng Nam (tức Huệ An)… Phố chợ đông vui hay tiêu điều, thuế thu nhiều hay ít, lễ vật hậu hay bạc đều phải xem buôn to hay nhỏ, nhiều hay ít. Thuyền buôn mùa đông thì tới, mùa hạ thì quay về” và khẳng định: “Đại thể thì vùng biển mừng nhất là thuyền bè tấp nập, hàng hóa lưu thông”.

Hệ thống canh giữ, phòng thủ trên đường đi rất nghiêm cẩn, nhất là đèo Hải Vân. Dưới chân đèo bố trí “đồn binh”, qua một đèo nhỏ thì “đến mé ngoài một thôn nhỏ có đồn canh của quan thủ tấn, xét hỏi rất nghiêm ngặt”, trên đỉnh đèo thì “đặt một viên đồn thủ và mấy chục tên lính cứng mạnh, khí giới súng ống bày la liệt, đúng là con chim cũng không bay qua nổi”. Tiếp tục “xuống khỏi ba đèo nhỏ” thì “có một thị tứ nhỏ có đặt đồn xét hỏi”. Thái Đình Lan rất ấn tượng với Tuần phủ Nam Ngãi: “Quan tuần phủ họ Phan tên Thanh Giản hiệu Mai Xuyên, là tiến sĩ xuất thân, từng sang sứ Trung Quốc. Trước quan nhậm chức Đông các Đại học sĩ, vì việc gì đó bị giáng đi giữ chức ở ngoài, điều bổ giữ chức hiện nay. Phan công là người tài học uyên bác, tính tình khiêm tốn, nhã nhặn, một ngày hôm ấy mời tôi ngồi nói chuyện hai lần, tặng tôi 5 quan tiền cùng mấy thứ trà, bánh. Tôi có làm thơ xướng họa cùng Phan công”.

Bóng dáng Ngũ Hành Sơn được miêu tả: “Núi Tam Thai sừng sững mọc lên giữa biển (Giữa biển có ba ngọn núi đá gọi là núi Tam Thai, trong núi có hang động rộng lớn, vòm vách do thiên nhiên tạo thành). Núi cao nhô lên mặt biển chừng hai trượng, trông xa thấy sừng sững”. Với tài năng “xuất thân văn học” như lời khen của vua Minh Mạng, Thái Đình Lan đã khắc họa Hải Vân trở thành một hình ảnh đậm chất văn chương: “Tiếp đó theo chân núi mà đi lên, quanh co theo đường bậc đá hơn 10 dặm, hai bên gai góc um tùm, lau lách tua tủa như lông nhím. Từng bầy chim nhỏ kêu ríu rít trong các lùm cây, tiếng kêu trăm điệu biến hóa. Hoa dại nở tung khắp nơi, cánh rụng lả tả đầy núi, phong cảnh thật không bút nào tả xiết. Lên được quá nửa thấy thế núi cao lưng trời, bậc đá chồng nhau như vảy cá, trông như chiếc thang mây nghìn trượng”. Hoặc cảnh làng quê yên bình, trù phú: “Đi đường trên đất Quảng Nam, thấy lúa má tươi tốt, những chân ruộng mạ mới gieo xanh mượt như nhung, cò trắng đậu giữa đồng im phắc không cử động, những rặng cây mờ xa tít tắp”.

Học giả Đài Loan nhận định tác phẩm du ký Hải nam tạp trứ hay còn gọi Việt Nam kỷ lược “đáng được coi là một công trình bước đầu môn dân tộc chí, có những hiểu biết ở một mức độ nào đó về Việt Nam. Trước thuật của người Đài Loan viết về lịch sử, văn hóa dân tộc của nước ngoài, có thể sách này là cuốn đầu tiên”. Hải nam tạp trứ của Thái Đình Lan là một thư tịch cổ quan trọng để tìm hiểu về đất Quảng.

Tác giả: Nguyễn Dị Cổ

Nguồn tin: baoquangnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây