TÓM TẮT:
Hội quán của người Hoa là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng trên cơ sở những người cùng quê và mang đậm truyền thống của thương nhân Trung Hoa. Đây là nơi hội họp của người trong bang, nơi cộng đồng người Hoa tha hương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, gởi gắm tình cảm. Hội quán thờ nhiều vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa và là nơi sinh hoạt tế lễ hàng năm của cộng đồng dân cư. Kiến trúc cổ các hội quán của người Hoa ở Hội An đã góp phần tạo nên diện mạo khu phố cổ Hội An trong lịch sử và cả hiện tại.
Trong giai đoạn hiện nay, để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thế giới – khu phố cổ Hội An, các loại hình kiến trúc cổ, bao gồm các hội quán người Hoa rất cần được nghiên cứu chuyên sâu, nhằm có định hướng tôn tạo và khai thác tốt các giá trị di sản. Qua đó, sẽ góp phần vào sự nghiệp phát triển toàn diện và bền vững kinh tế – văn hóa – du lịch của thành phố Hội An hiện tại và cả tương lai.
Từ khóa: Hội quán, người Hoa, Hội An, kiến trúc cổ.
Sơ lược về các hội quán của người Hoa ở Hội AnHội An (Quảng Nam) là vùng đất có nhiều điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, được kết tinh qua nhiều thời đại. Nhờ có các yếu tố trong và ngoài nước, sau thế kỷ XV, thương cảng Hội An được hình thành. Đến thế kỷ XVII–XVIII, Hội An trở thành một đô thị – thương cảng phồn thịnh. Thương thuyền các nước đã cập bến đến buôn bán ở Hội An. Trong số đó, người Hoa đóng một vai trò quan trọng. Người Hoa ở Hội An có nguồn gốc từ các địa phương ven biển phía Đông Nam của Trung Hoa. Khi đến định cư, sinh sống tại Hội An, họ lập ra năm bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam Gia Ứng và xây dựng các công trình kiến trúc như nhà ở, cửa hàng, chợ, trường học, bệnh viện, ngân hàng, chùa miếu, nghĩa trang, hội quán... Người Hoa ở Hội An đã cho xây dựng bốn hội quán riêng của bốn bang và một hội quán chung. Theo đại tự bằng chữ Hán trên các hoành phi treo ở cổng chính và cửa ra vào tiền điện, các hội quán ở Hội An có tên gọi chính thức bằng chữ Hán là: “Phúc Kiến hội quán” 福 建 會 館; “Trung Hoa hội quán” 中 華 會 館; “Triều Châu hội quán” 潮 州 會 館; “Quỳnh Phủ hội quán” 瓊 府 會 館 và “Quảng Triệu hội quán” 廣 肇 會 館. Bang Gia ứng không có hội quán và sinh hoạt tại hội quán chung: hội quán Trung Hoa.
Hội quán Quỳnh Phủ: tọa lạc số 10 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, có hướng nam lệch đông 8o. Khuôn viên kiến trúc có diện tích 1233m2, rộng 26,8m, sâu 46m. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước tiền điện, tiền điện, sân giữa tiền điện, phương đình, chính điện, nhà Đông và Tây.
Hội quán Phúc Kiến: tọa lạc số 46 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, nằm ở hướng nam lệch tây 23o. Tổng diện tích kiến trúc 2000m2, sâu nhất 100m, rộng nhất 24m. Bố cục mặt bằng tổng thể theo kiểu “tứ hợp viện” hay còn gọi là “hình ấn”, trật tự từ trước ra sau gồm: tiền môn – sân trước – tam quan – sân trước tiền điện – tiền điện – sân thiên tĩnh giữa tiền điện và chính điện có mái che – chính điện – sân thiên tĩnh giữa chính điện và hậu điện – hai bên là hai dãy nhà đông và tây. Kiến trúc chính sắp xếp theo kiểu chữ “三” Tam với tiền điện, chính điện và hậu điện song song nhau. Đây là kiểu bố cục mặt bằng đặc trưng của các miếu người Hoa trên một diện tích khá rộng.
Hội quán Trung Hoa: tọa lạc số 64 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, trước mặt là đường Hoàng Văn Thụ dẫn thẳng ra sông Hoài, nằm ở hướng nam lệch tây 14o. Diện tích kiến trúc: 1160m2, rộng nhất 24m, sâu nhất 57,6m, và có khu vực phía sau rộng khoảng 600m2. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước, tiền điện, sân giữa, phương đình, chính điện, nhà Đông và Tây.
Hội quán Triều Châu: tọa lạc số 157 đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, thành phố Hội An, có hướng nam lệch đông 20o. Khuôn viên kiến trúc có diện tích 824m2, rộng 27m, sâu 30.5m. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: cổng chính, sân trước, tiền điện, sân giữa, chính điện, nhà Đông và Tây.
Hội quán Quảng Triệu: tọa lạc số 176 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, trước mặt là đường Châu Thượng Văn chạy thẳng ra sông, nằm ở hướng nam lệch tây 12o, tổng diện tích kiến trúc 948m2, ngang 23m, sâu 41,2m, khoảng sân vườn ở sau rộng 300m2. Bố cục mặt bằng tổng thể gồm: tam quan, sân trước, tiền điện, sân giữa, chính điện, hai bên là hai dãy nhà Đông và Tây.
2. Đặc điểm kiến trúc cổ các hội quán của người Hoa ở Hội An
2.1. Môi trường cảnh quan
Các hội quán ở Hội An được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống Trung Hoa với quan niệm vũ trụ âm dương hài hòa, thẩm mỹ, chủ trương đối xứng vững vàng và chỉnh tề nghiêm ngặt. Năm hội quán đều tọa lạc ở khu vực trung tâm, vùng đông dân cư, gần chợ, về phía đông của cầu Nhật Bản, thuận tiện cho hoạt động sinh hoạt và tín ngưỡng của cư dân. Hiện nay các hội quán nằm ở phía bắc, phía số chẵn đường Trần Phú – con đường chính của phố cổ. Trước đây đường này có tên gọi là đường Cường Để hay đường cầu Nhật Bản, là con đường cổ nhất hay phố cũ nhất của Hội An[1]. Các hội quán đều được kiến tạo trên nền đất rộng, cao ráo, thiên về chiều sâu theo trục Bắc Nam. Về địa hình và phương hướng, phía sau cao hơn trước, quay mặt về hướng nam, hướng sông Hội An và đều được xây dựng lệch đi so với trục Bắc Nam do người Hoa rất coi trọng việc xem phong thủy, khi xây dựng họ nhờ thầy địa lý xem hướng đất. Việc chọn hướng nam và thế đất cao thể hiện ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa nhằm đề cao khả năng chi phối của thần linh[2]. Đây còn là hướng của dòng sông để tận dụng nhiều ưu thế về mặt thời tiết, như hưởng được làn gió mát trong lành quanh năm, đảm bảo sự vững chãi cho công trình, tránh được gió mùa đông bắc và những cơn mưa bão liên tục của miền Trung. Đồng thời, còn thuận lợi cho việc chuyên chở nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang vì vào thời điểm các hội quán xây dựng, sông Hội An còn vào tận sát phía nam đường Trần Phú.
2.2. Tổ chức không gian và công năng sử dụng
Năm hội quán ở Hội An có quy mô khiêm tốn, phong cách giản dị và có nhiều điểm tương đồng với nhau. Về diện tích kiến trúc hiện tại, hội quán Phúc Kiến rộng nhất, tiếp đến là hội quán Quỳnh Phủ, hội quán Trung Hoa, hội quán Quảng Triệu và hội quán Triều Châu có diện tích nhỏ nhất. Các hội quán thường hẹp về chiều ngang (từ 23–26,8m) nhưng sâu về chiều dài (chiều dài công trình kiến trúc hội quán Phúc Kiến lên tới 100m). Bố cục mặt bằng tổng thể kiến trúc các hội quán theo hình chữ “Quốc 国”, “nội công 工, ngoại quốc 国” (trong hình chữ công ngoài hình chữ quốc) hay cũng có thể được gọi là hình cái ấn. Trên cùng một trục chủ đạo Bắc–Nam, các đơn nguyên kiến trúc được sắp thành ba trục nhỏ: trục chính ở giữa và hai trục phụ hai bên đối xứng qua trục chính, gồm: cổng tam quan, tiếp đến là sân trước, tiền điện, sân, chính điện, hai bên các điện thờ nằm ngang là hai dãy nhà đông tây nằm dọc, nối từ trước ra sau, giữa các tòa nhà tạo thành một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh. Các nếp nhà trong từng hội quán hình chữ nhật hay vuông. Kiến trúc ở trục giữa là nơi tôn nghiêm dành cho các hoạt động tín ngưỡng với hai hay ba tòa nhà nằm ngang là tiền điện, chính điện, hậu điện. Hội quán Trung Hoa và hội quán Quỳnh Phủ còn có thêm phương đình, hội quán Phúc Kiến có thêm tiền môn và hậu điện. Khu vực phía sau cùng là vườn cây. Trong các sân có trồng cây xanh, hồ nước.
Các đơn nguyên kiến trúc được bố trí theo quy luật từ trước ra sau, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, nhưng cũng gần kề nhau, vừa phân định rạch ròi giữa địa phận linh thiêng của thế giới Thần, Phật với khu vực sinh hoạt thế tục, vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi với con người. Cách tổ chức không gian, giải pháp kiến trúc phù hợp với khí hậu địa phương, với chức năng của hội quán nên các hội quán luôn được bảo tồn khá tốt trước những gió mưa, nắng, bão lũ… Mỗi đơn nguyên kiến trúc có công năng sử dụng riêng. Cổng chính: nằm án ngự mặt tiền hội quán. Sân trước: rộng, trồng cây cảnh, cho khách đến cúng bái, tham quan đồng thời tạo cảnh quan cho hội quán. Sân thiên tỉnh: là khoảng sân trống nằm giữa lòng kiến trúc khép kín của hội quán và thấp hơn xung quanh. Thường được đặt trước chính điện. Đây là đặc điểm của nhiều chùa, miếu Hoa, giúp hội quán có đủ diện tích thoáng, rộng để thông gió, đón nhận khí trời, lấy được ánh sáng tự nhiên đầy đủ cho khu vực thờ cúng, thoát khói hương và thoát nước. Có ba hội quán có sân thiên tỉnh: hội quán Quảng Triệu, hội quán Triều Châu và hội quán Phúc Kiến (có hai sân: trước và sau chính điện). Tiền điện: để tiếp khách, một số hội quán bố trí bàn thờ. Nhà đông–tây: được bố trí đối xứng qua trục chính, kéo dài từ trước ra sau. Nửa phía trước thường dùng làm nhà ở, cơ sở sản xuất. Phần giữa có một bên là nơi tiếp khách – trụ sở của ban quản trị; bên còn lại là nơi hội họp, sinh hoạt của hội viên. Phần sau cùng để thờ cúng hay nhà kho. Phương đình: nằm tiếp nối với sân giữa, có một mặt nối với chính điện, ba mặt là khoảng trống. Là nơi tiến hành các nghi lễ. Chỉ có 2 hội quán có nhà phương đình là hội quán Trung Hoa và hội quán Quỳnh Phủ. Chính điện: là tòa nhà chính, quan trọng nhất, lớn nhất của tổng thể, là khu vực thờ cúng chính và làm lễ của các hội quán nên bài trí nhiều bàn thờ. Hậu điện: chỉ có ở hội quán Phúc Kiến, nằm ở sau cùng khuôn viên kiến trúc, cấu tạo và chức năng giống chính điện.
2.3. Kết cấu kiến trúc
Kết cấu kiến trúc các hội quán (hay từng khối kiến trúc) gồm các bộ phận chính: phần mái; phần thân (khung, cột, tường) và phần nền móng. Các hội quán ở Hội An được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với mái lợp ngói ống, tường chỉ có chức năng che, ngăn cách giữa các nhà với nhau, kết cấu chịu lực chính là bộ khung gỗ.
Phần mái
Các hội quán ở Hội An có tổng thể kiến trúc phần mái khá đồ sộ, với nhiều kiểu mái khác nhau:
– Kiểu mái một tầng có bờ nóc mái thẳng, bốn đầu đao kéo xéo về các góc mái.
– Kiểu mái hai tầng là đặc trưng của miếu Hoa, gồm mái của gian giữa cao, hai gian bên thấp tạo thành bốn đầu kìm, tám đầu đao. Lớp mái trên chồng lên lớp mái dưới, bờ nóc võng xuống giống hình ảnh con thuyền đang cưỡi sóng. Kiểu mái này phổ biến ở tiền điện các hội quán, tạo không gian thoáng đạt và là nơi thể hiện các đề tài trang trí; mái tiền điện hội quán Phúc Kiến được tạo tác và trang trí công phu nhất.
– Kiểu mái có đầu hồi có bờ nóc thẳng, hai bờ hồi vuông góc. Có trường hợp bờ hồi cao hơn bờ nóc (mái hội quán Quảng Triệu). Bờ hồi trang trí thẳng, trang trí cong và trang trí giật cấp. Trong đó, trang trí cong được sử dụng nhiều, với đỉnh nóc của hai bờ mái không tạo bằng một góc thẳng mà tạo dáng cong trước khi chạy thẳng xuống diềm, phần cong được nhô cao; trang trí giật cấp là kết hợp cả đường thẳng và đường cong, chỉ có trường hợp mái nhà đông tây hội quán Quảng Triệu. Mặt dựng đầu hồi kẻ chỉ uốn lượn thành nhiều tầng giống các bậc cấp, hai bên bờ hồi có lợp ngói ống (hội quán Quảng Triệu). Kiểu mái có đầu hồi là ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa, cụ thể là kiến trúc vùng Quảng Đông.
– Kiểu song mái chỉ có ở phương đình hội quán Quỳnh Phủ và là kiểu mái độc đáo nhất ở Hội An.
– Kiểu mái kết hợp mái hai tầng và mái có đầu hồi chỉ được sử dụng ở chính điện hội quán Triều Châu.
Trong đó, kiểu mái có đầu hồi được sử dụng phổ biến. Mái hai tầng chỉ được lợp cho tiền điện một số hội quán. Phần lớn hội quán có kiểu mái của mỗi nếp nhà khác nhau, riêng hội quán Triều Châu, tất cả khối nhà đều có chung một kiểu mái.
Các kiểu mái trên có đặc điểm chung: đường bờ nóc võng nhẹ, hai đầu kìm uốn cong lên trên và nhọn, cuối các đầu đao, đầu hồi hay góc mái đều hơi cong nhẹ lên trên và trang trí hình rồng hay hồi long cách điệu bằng hồi văn, mây cuộn và dây lá. Các đề tài trang trí chung của các hội quán gồm: thực vật, động vật, phong cảnh, tĩnh vật, hình học, chữ Hán. Đặc biệt là đề tài phong cảnh: cảnh sinh hoạt của vua quan triều đình theo tích Trung Quốc, “bát tiên quá hải”, bà chúa tiên cưỡi con long mã, người và hổ, người ngựa, người và cây tùng, người cưỡi trâu, quan võ cầm vũ khí theo cặp đôi đối xứng gồm: hai quan võ hay một quan võ với một người hầu và một ngựa … Tượng “ông Nhật bà Nguyệt”, ba ông “Phúc Lộc Thọ”. Dạng tượng rồng “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long chầu nhật”, “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”... Các chữ Hán ít gặp trên trang trí mái, nhưng qua đây cung cấp thông tin niên đại hội quán như: Quang Tự thập niên và Văn Như bích tạo ở mái hội quán Quảng Triệu, chữ Phúc Lộc Thọ ở mái hội quán Quỳnh Phủ, hội quán Triều Châu. Các trang trí trên có số ít là các tượng, phù điêu gốm tráng men, đa số đều được đắp bằng hợp chất được để nguyên hay khảm thêm mảnh sành sứ, thủy tinh. Một số trang trí đã bị bám rêu đen, bong tróc, mất gãy, số ít được gắn lại bằng tượng gốm mới. Các đề tài trang trí trên mái tượng trưng âm dương hoà hợp, sung túc, no đủ và tạo vẻ tôn nghiêm cổ kính.
Ngói lợp: các hội quán lợp bằng ba loại chính là: ngói ống, ngói âm dương và ngói vảy cá. Trong số đó, ngói ống được sử dụng phổ biến nhất. Ngói âm dương và ngói vảy cá chỉ được lợp ở sân trời và chính điện hội quán Phúc Kiến. Ngói ống có đầu bằng đất nung có thể là đầu ngói nguyên thủy và có niên đại sớm, các đầu ngói tráng men mới được các hội quán thay vào sau này. Số lượng dãy ngói dương của mái các nếp nhà của hội quán có thể chẵn hay lẻ chứ không phải là số lẻ như các nhà cổ ở Hội An[3]. Các loại ngói này có nhiều khe rãnh, dày và được cố định bằng vữa sẽ giữ cho các nếp nhà mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa mưa và thông thoáng quanh năm, thích hợp với khí hậu nóng bức và nhiều gió bão của miền Trung.
Hệ khung đỡ mái (bộ giàn trò):
Bộ khung đỡ mái các hội quán được cấu tạo gồm: rui, đòn đông, đòn tay, bộ vì... Bộ khung làm bằng các loại gỗ tốt như mít, lim, kiền kiền… Bộ vì có vai trò quan trọng nhất, vừa là yếu tố cơ bản liên kết tất cả cấu kiện gỗ, vừa là kết cấu chịu lực nâng đỡ mái, lại vừa là đơn vị cấu thành tổ chức không gian của công trình[4].
Kết cấu các bộ vì: bộ vì theo tên gọi ở Hội An là bộ vài. Các hội quán ở Hội An có hai loại vì: vì ở giữa và vì sát tường, trong từng bộ vì lại có vì nóc và vì nách. Vì nóc là khoảng không gian giữa hai mái, thường có hình tam giác cân, tạo thành giữa hai cột cái. Vì nách (hay cốn) là cách liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian có hình tam giác vuông tạo thành giữa cột cái và cột quân. Các hội quán còn có kết cấu đỡ mái hiên. Đa số bộ vì không có kèo nên không gọi là bộ vì kèo mà chỉ gọi là bộ vì. Trên cùng một kiến trúc, sử dụng kết hợp một số loại vì khác nhau cho thấy kỹ thuật và khả năng khéo léo của các nghệ nhân mộc nơi đây.
Các hội quán sử dụng các kiểu vì cơ bản sau:
– Kiểu vì trính chồng – trụ đội được sử dụng phổ biến nhất cho vì nóc ở các hội quán.
– Kiểu vì vỏ cua được sử dụng cho phần hiên trước của chính điện và hiên nhà đông tây để đưa các mái hiên của các nếp nhà vươn rộng ra. Ở các hội quán còn có kiểu vì kết hợp của vì vỏ cua và vì trính chồng – trụ đội tạo nên nét độc đáo riêng.
– Kiểu cốn mê được sử dụng cho liên kết vì nách mái hiên trước tiền điện và hậu điện hội quán Phúc Kiến.
– Kiểu vì chồng rường – giả thủ chỉ sử dụng cho một trường hợp duy nhất là vì nóc sát tường của chính điện hội quán Trung Hoa.
– Kiểu vì kèo vì có cấu tạo đơn giản được sử dụng cho công trình phụ là vì nóc nhà đông tây hội quán Quảng Triệu và có niên đại muộn.
– Kiểu vì chồng rường: chỉ được sử dụng ở hội quán Quỳnh Phủ.
Các bộ vì của các hội quán vừa có chức năng đỡ mái, vừa là những tác phẩm nghệ thuật về điêu khắc gỗ tuyệt vời. Các đề tài trang trí phong phú và đa dạng: thực vật, động vật, phong cảnh, tĩnh vật, chữ Hán: và các trang trí khác như: hoa văn hình học, hồi văn, kỷ hà, hình mây cuộn, các đường xoắn cong…
Điểm đặc biệt trong hệ khung đỡ mái các hội quán ở Hội An là trang trí trên các đòn đông và xà cò. Các đòn đông được vẽ ở giữa thân với các đề tài: “lưỡng long chầu bát quái”, “âm dương, bát quái”, “lưỡng long tranh châu”, sơn các màu sắc sặc sỡ. Xà cò (xà dưới đòn nóc): thường đặt dưới đòn đông, đòn tay hay khắc trực tiếp lên đòn đông và quay mặt xuống đất, riêng hội quán Phúc Kiến còn một số xà cò nhìn ra đường. Hầu hết hội quán ở Hội An đều có xà cò trừ hội quán Trung Hoa, tổng cộng: 16 xà cò, trong đó có năm xà cò ghi niên đại trùng tu trước thế kỷ 20, hội quán Phúc Kiến: 11 xà cò (hai xà cò ghi năm 1849, một xà cò ghi năm 1895), hội quán Quảng Triệu: một xà cò ghi hai niên đại 1884 và 1970, hội quán Quỳnh Phủ: hai xà cò ghi niên đại muộn, hội quán Triều Châu: hai xà cò, một ở chính điện ghi hai năm 1885 và 1969.
Hệ cột và giằng cột:
Các hội quán ở Hội An có số lượng cột nhiều: hội quán Phúc Kiến: số lượng cột nhiều nhất: 86 cột, hội quán Trung Hoa: 66 cột, hội quán Triều Châu: 30 cột, hội quán Quỳnh Phủ: 44 cột, hội quán Quảng Triệu: số lượng ít nhất: 24 cột. Trong từng hội quán, các cột phân bố không đều nhau giữa các nếp nhà: các nếp nhà chính có số lượng cột lớn hơn các nếp nhà phụ. Mỗi nếp nhà có cột nội thất nhiều hơn cột hiên, cột phân bố thành hai hàng theo chiều sâu hay thành bốn hàng theo chiều sâu.
Cột làm bằng ba chất liệu chính là: gỗ, đá và xi măng tô đá rửa. Trong đó, cột gỗ chiếm đa số: 176 cột gỗ (chiếm 70,4% tổng số lượng cột của năm hội quán). Loại gỗ được sử dụng ở đây gồm: gỗ lim (cột lớn), những cột phụ bằng gỗ xoan. Cột đá có số lượng ít: 24 cột, chỉ đặt ở những vị trí tiếp xúc nắng mưa bên ngoài như hiên các nếp nhà. Cột gỗ có tiết diện tròn, vuông và chữ nhật. Cột đá tiết diện vuông. Trong loại cột gỗ, cột tròn chiếm số lượng lớn (giống nhà gỗ Hội An). Cột tròn được đặt trong nội thất các nếp nhà chính (cột cái, cột quân), đường kính lớn nhất trong các loại chất liệu cột khác, đường kính từ 26–46cm, trong đó mỗi nhà có bốn cột cái ở trung tâm của kiến trúc gọi là “Tứ Thiên trụ”, đường kính lớn nhất từ 38–46cm. Các hội quán có niên đại muộn cột vuông càng được sử dụng nhiều giống nhà cổ ở Hội An, nhà có quy mô lớn và niên đại muộn, cột vuông càng được sử dụng nhiều[5].
Đa số cột gỗ của các nếp nhà chính được sơn màu đỏ, các cột gỗ vuông ở nhà phụ thường sơn màu nâu đen. Đặc biệt, trên thân một số cột đá còn gắn bộ tượng đá theo tích Trung Quốc như: ông Nhật bà Nguyệt, Hòa Hợp nhị tiên… (cột đá hiên trước tiền điện, chính điện… hội quán Quảng Triệu). Có các trường hợp các đôi cột sử dụng lối vẽ hay đắp nổi hình rồng phụng và sơn các màu sắc sặc sỡ, các cột này được gọi là “long trụ”. Các cột được trang trí dạng này phần lớn là cột gỗ tròn ở vị trí cột cái (cột tiền điện hội quán Quảng Triệu, cột hiên hội quán Phúc Kiến). Một số “long trụ” còn khắc chìm các chữ Hán trên thân ghi tên người phụng cúng hoặc tạo khắc (cột tiền điện và nhà đông tây hội quán Quảng Triệu).
Các cột không chôn xuống mặt đất mà được đặt trực tiếp lên bệ đá nhỏ gọi là chân đá tán hay chân đá tảng để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột và mặt đất vì các hội quán nằm gần sông nên mỗi năm thường xảy ra lụt lội. Sức nặng toàn bộ công trình rơi vào các chân tảng do thân kiến trúc dựa vào các cột chứ không phải tường. Các chân đá tảng tạo sự cổ kính cho hội quán.
Kết cấu bao che:
Kết cấu bao che gồm tường bao che và cửa, có tác dụng che chắn mưa gió, làm cho hội quán kín đáo hơn chứ không có chức năng chịu lực chính. Các nếp nhà cấu tạo đơn giản với tường bao che ở ba mặt, mặt còn lại là các lối đi để trống hay che kín bằng hệ cửa gỗ. Tường bao che của các nếp nhà xây bằng gạch và vôi vữa. Mặt trong tường gắn các bia đá, phù điêu đắp nổi bằng vôi vữa, xi măng.
Mặt tiền các hội quán ở Hội An được trang trí khá đơn giản, đều có hiên, ngăn cách hiên và sân trước thường đặt hàng rào cao 50–80cm. Mặt tiền có ba gian bằng nhau hay gian giữa bị thu hẹp chiều sâu ở phần trước so với hai gian bên như: hội quán Phúc Kiến, hội quán Trung Hoa, hội quán Triều Châu. Gian giữa có một cửa chính lớn, khung cửa được ghép bằng nhiều mảng đá, cánh cửa bằng gỗ. Bên dưới các lối ra thường có một ngạch cửa. Ngạch cửa được sử dụng như một chướng ngại vật, dân gian thường gọi là “lục địa” để rủ bỏ những phiền toái, thế tục bên ngoài, đồng thời nhắc nhở mọi người phải đi chậm lại, nhẹ nhàng và cúi đầu bước qua để vào bên trong hội quán. Cửa vào chính điện, hậu điện có thể có hay không có ngạch cửa nhưng bên dưới các cửa vào khu vực tiền điện đều có ngạch cửa, trừ hội quán Quỳnh Phủ vì nhà tiền điện mới làm lại. Nhà ở truyền thống ở Trung Hoa (cũng như nhà ở Việt Nam) nơi cổng lớn bao giờ cũng có “ngạch”. Ngạch cửa có giá trị cực kỳ quan trọng, giúp xác định ranh giới giữa bên ngoài và bên trong, đồng thời còn ngăn cản các nhân tố độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào trong như gió bụi và côn trùng, đồng thời tránh tiết thoát tài khí từ bên trong ra. Bên trên cửa có gắn hai mắt cửa là hai chữ triện (hội quán Quảng Triệu), hình hai con sư tử (hội quán Trung Hoa), hình hai con sư tử và chữ triện (hội quán Triều Châu). Mắt cửa là một họa tiết trang trí độc đáo, thể hiện đôi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân làng Kim Bồng, đồng thời nó cũng thể hiện tín ngưỡng thờ Môn thần của người Hoa ở khu phố cổ Hội An, mắt cửa trở thành linh hồn cho những ngôi nhà cổ[6]. Mặt trước cửa có hoành phi bên trên ghi tên hội quán và hai câu đối hai bên, một số hội quán có thêm dải lụa đỏ buộc bên trước như hội quán Quảng Triệu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quỳnh Phủ.
Bên trên cửa chính tiền điện gắn hoành phi, câu đối, mắt cửa, vải lụa. Bên trên các cửa phụ được trang trí đắp nổi bằng xi măng với các đề tài “bát bửu”, phong cảnh, thực vật, chữ Hán: tất các cửa hai bên tiền điện các hội quán đều trang trí mỗi bên hai chữ Hán: “hòa bình và bác ái” (hội quán Trung Hoa), “cư nhân và do nghĩa” (hội quán Quỳnh Phủ và Triều Châu), các chữ Hán ở hội quán Quảng Triệu và hội quán Phúc Kiến đắp theo lối triện nên chưa đọc được. Riêng hội quán Quảng Triệu còn trang trí chữ “Phúc” trên hai chữ Hán. Ngoài ra, còn có các chữ “Nghĩa từ đường và Vạn thiện đường” (khu vực thờ cúng cuối nhà đông tây hội quán Quảng Triệu), “hội tế và an cư” (mặt sau cửa hai gian bên chính điện hội quán Phúc Kiến). Các trang trí được đắp nổi bằng vôi vữa trực tiếp trên tường hay trên các ô chữ nhật, cuốn thư, hình nửa vầng trăng bên trên lối đi.
Phần lớn các cửa đều làm bằng gỗ, số ít là cửa sắt. Các cửa chính chỉ có một lớp cánh cửa, có một cánh (cửa hông gian giữa chính điện), hai cánh (cửa chính của tiền điện), ba cánh, bốn cánh, sáu cánh và tám cánh. Các cửa sổ có hai loại: loại có khung ở giữa bằng xi măng hình hồi văn và không có cánh cửa và loại khung gỗ, song sắt, có một hay hai lớp cánh cửa. Các bộ cửa chính của tiền điện các hội quán là những cửa có niên đại sớm và có giá trị. Bộ cửa thường gỗ lim, dày, nặng nề. Các trang trí trên cánh cửa gồm: động vật, thực vật, phong cảnh, trang trí hình học… Đặc biệt nhất là hình hai vị thần Môn thần (hội quán Triều Châu và hội quán Quảng Triệu) để ngăn chặn được những xấu xa tai hại xâm nhập vô khu vực bên trong của hội quán, vì người Hoa tin tưởng rằng đất đai có Thần trấn giữ. Các đề tài khác: “Bát tiên kỵ thú”, chữ Hán: bốn chữ Quốc thái dân an (cửa tiền điện hội quán Quảng Triệu, hội quán Phúc Kiến), Thần Trà Uất Lũy (mặt sau cửa tiền điện hội quán Triều Châu), Bình an đại (hội quán Quảng Triệu). Các trang trí được chạm thủng, chạm nổi, chạm chìm hay được vẽ trên gỗ, trên gương. Cánh cửa tiền điện thường sơn màu đỏ hay nâu. Hội quán Triều Châu có bộ cửa chính điện trang trí độc đáo nhất.
Phần nền móng
Để phù hợp với điều kiện thiên nhiên, khí hậu của miền Trung nói chung và khu vực Hội An nói riêng thường xuyên bị mưa bão, lũ lụt, cũng như bao nhiêu công trình kiến trúc có cấu trúc gỗ cổ truyền của người Việt, nền và móng của các hội quán cũng được xử lý và xây dựng thật vững chắc với nền móng khá cao, có những bậc thang trên một mặt phẳng nghiêng để bước lên. Hội quán Phúc Kiến được xây dựng cao nhất so với các hội quán khác ở Hội An nên các trận lụt khó lên đến khu vực thờ tự chính.
Các khu vực của hội quán có độ cao không bằng nhau để tạo không gian thoáng đoảng và phù hợp với các công năng khác nhau của các đơn nguyên hội quán. Nơi thờ tự và cúng lễ được phân bố trên khu vực cao nhất để tăng tính chất trang nghiêm. Các nếp nhà chính có độ cao gần bằng nhau, chính điện là khu vực cao nhất của hội quán với nền móng cao hơn sân giữa 30 – 60cm.
Trang trí nội thất kiến trúc
Tiền điện: thường thoáng rộng, không có hay có rất ít bàn thờ, nếu có thì chỉ thờ các thần thánh phối tự chưa được thờ ở chính điện. Ngày nay, tiền điện là khu trung tâm tiếp khách với bộ bàn ghế để du khách ngồi nghỉ, gắn các phù điêu hay bia đá trên tường, treo các tranh, ảnh, hoành phi, liễn đối, lồng đèn.
Chính điện: là trung tâm thờ tự, trang trí theo một sơ đồ nhất định: chính giữa lối ra vào đặt một bàn thờ lớn, trên bày bộ tam sự, ngũ sự, lư hương và các đồ thờ tự để khách tham quan đến thắp nhang. Các hiện vật thờ tự khác như giá bát bửu, lỗ bộ, “Túc tịnh, hồi tỵ”, ngựa, chuông trống, mô hình thuyền được bố trí đối xứng hai bên trục giữa thành từng cặp đôi, chuông trống đặt theo quy tắc “tả chuông hữu trống” hay hai chuông và trống treo cùng giá và đặt bên hữu. Trong cùng chính điện có ba khám thờ đặt lên bệ cao và xếp theo hàng ngang ở ba gian, trừ hội quán Phúc Kiến chỉ có khám thờ gian giữa. Khám thờ giữa to lớn, lộng lẫy hơn để thờ vị thần chủ, khám thờ hai bên tả hữu giống nhau và nhỏ hơn để thờ hai vị thần phối tự của hội quán. Đa số khám thờ có tượng thờ, nhưng cũng có khám thờ được thay bằng các bài vị. Trước các khám thờ bao giờ đặt thêm một hay hai bàn thờ. Hội quán Phúc Kiến và Trung Hoa không có lối đi hai bên tả hữu trước chính điện mà khu vực này đặt tượng thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ đối xứng nhau. Các hội quán thường thờ riêng từng đối tượng cho từng gian thờ, ít có hiện tượng thờ chung nhiều đối tượng. Trong cùng một khu vực có tổ chức "phối tự" (thờ chung) theo kiểu thần chính ở giữa, hai thần phụ hai bên hay “tiền Phật, hậu thần”… Cùng một gian thờ với một đối tượng thờ nhưng có nhiều loại tượng lớn nhỏ, mới cũ, được bố trí cân xứng hài hòa theo thứ tự cao thấp, lớn nhỏ. Nội thất chính điện treo hoành phi, liễn đối, bảng lễ cúng tế hàng năm, tranh ảnh, lồng đèn, hương vòng.
Phương đình: đặt hai bộ bàn nhỏ và ghế ở hai bên, treo hoành phi, liễn đối.
Nhà Đông – Tây: thường có cấu trúc đơn giản. Giữa tường thường gắn bộ liễn chữ Phúc và Thọ (hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Triệu và hội quán Triều Châu), bên trước đặt bàn gỗ, ở giữa đặt một bộ bàn ghế gỗ. Trên tường đắp phù điêu hay treo các tranh ảnh. Khu vực thờ cúng cuối nhà đông tây có khám thờ đặt các bài vị tiền hiền, bang trưởng và cô bác, bên trước có bàn thờ đặt đồ thờ cúng, trên tường gắn bia đá, phù điêu.
Nội thất của các hội quán trang trí, bày biện hết sức nhã nhặn nhưng tạo không gian tín ngưỡng linh thiêng, cổ kính. Các di vật trang trí theo thứ tự lớn nhỏ, trước sau, đối xứng thể hiện sự hòa hợp âm dương, cân bằng giữa người, thần và thiên nhiên.
3. Kiến trúc cổ các hội quán - giá trị đặc trưng và định hướng bảo tồn
3.1. Giá trị đặc trưng của kiến trúc cổ các hội quán
Các hội quán người Hoa ở Hội An là thành tố quan trọng góp phần tạo nên cảnh quan đặc biệt cho khu phố cổ Hội An, phản ánh những giá trị to lớn về nhiều mặt như: khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật, tôn giáo. Nghệ thuật chạm đá, chạm gỗ, gạch… khá tinh xảo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân Trung Quốc và địa phương. Các nghệ thuật khác như: thư pháp, hội họa... cũng đặc sắc không kém. Kiến trúc những bộ vì rất riêng, kết cấu hệ mái, kết cấu mặt tiền, trang trí không gian nội–ngoại thất, di vật… đã làm cho các hội quán Hội An đã trở thành những di sản kiến trúc đặc sắc.
Niên đại ra đời của các hội quán ở Hội An trong khoảng thế kỷ XVIII – XIX. Hội quán Trung Hoa và hội quán Phúc Kiến ra đời sớm nhất: đầu thế kỷ XVIII. Các hội quán khác có niên đại muộn hơn: hội quán Triều Châu: 1845, hội quán Quỳnh Phủ: 1875, hội quán Quảng Triệu nửa cuối thế kỷ XIX. Các kiến trúc của các hội quán phần lớn là những kiến trúc cổ được xây dựng trong thời điểm này.
Kiến trúc cổ trong các hội quán phản ánh triết lý nhân sinh của nhiều lớp người qua các giai đoạn lịch sử, cung cấp thông tin về mức độ hưng thịnh của hoạt động thương mại ở Hội An trong từng thời kỳ. Tất cả thể hiện tài năng và sự sáng tạo của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc mỹ thuật cổ ở Hội An, đặc trưng nghệ thuật truyền thống Trung Hoa. Kiến trúc hội quán là một phần diện mạo kiến trúc Hội An và tiêu biểu cho kiến trúc đô thị Việt Nam thời cận đại nói chung. Các hội quán góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử từng nhóm cộng đồng người Hoa nói riêng, người Hoa nói chung khi đến buôn bán, định cư và lập nghiệp ở Hội An. Qua đó góp phần làm sáng tỏ tiến trình phát triển của đô thị – thương cảng Hội An. Các hội quán không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của riêng cộng đồng mà còn là bằng chứng cụ thể nhất thể hiện sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa tại cảng thị ngoại thương quốc tế thời trung–cận đại.
Các hội quán ở Hội An được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt hơn các nơi khác, nó gắn liền với quá trình buôn bán của các thương nhân Hoa trong giai đoạn lịch sử Hội An phát triển với vai trò là đô thị – thương cảng lớn. Do tính chất đặc biệt của một đô thị thương cảng và hoạt động kinh tế, thương mại của người Hoa ở Hội An đã quy định nên những nét đặc trưng cho các hội quán người Hoa ở Hội An. Ban đầu, các hội quán ở Hội An là nơi hội họp của người trong bang, nơi để cộng đồng người Hoa tha hương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nơi sinh hoạt tế lễ hàng năm của các cộng đồng, nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa. Trong đó, chức năng hội họp cộng đồng nổi trội hơn chức năng tín ngưỡng.
Khi hoạt động của thương cảng Hội An không còn nữa, người Hoa ở Hội An không còn mạnh về hoạt động thương nghiệp như trước kia và dần hòa nhập với cộng đồng người Việt thì các hội quán vẫn là những nơi gặp gỡ của cộng đồng người Hoa, người Việt gốc Hoa ở Hội An. Đặc biệt, ngày nay các hội quán đã trở thành những cơ sở tín ngưỡng chung cho cả người Việt và người Hoa, thành điểm du lịch của phố cổ Hội An.
3.2. Định hướng bảo tồn kiến trúc cổ các hội quán
Cũng giống như các di tích khác ở Hội An, các hội quán tuy mang nhiều giá trị và trải qua thử thách ác liệt của bom đạn chiến tranh, sự tác động khắc nghiệt của môi trường khí hậu và xu thế hiện đại hóa của con người, nhưng chúng vẫn hiện tồn nguyên vẹn, mang đậm dáng nét cổ xưa. Tuy có nhiều giá trị to lớn nhưng các hội quán cũng đứng trước tình trạng hư hại, xuống cấp, nhất là các cấu kiện gỗ bị mối mọt, trang trí bằng hợp chất bị gãy vỡ, bám rêu đen.
Trước hiện trạng trên, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các bang hội, cùng tất cả quần chúng nhân dân, kể cả du khách. Theo đó, từng hội quán rất cần được bảo vệ, trân trọng, giữ gìn bằng những giải pháp phù hợp. Đó là việc tiếp tục đẩy mạnh công tác nguyên cứu khoa học để đánh giá đầy đủ, chuẩn xác hơn về giá trị của di sản kiến trúc độc đáo này. Tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong nhân dân. Đầu tư kinh phí để tu bổ, cứu nguy khẩn cấp cho những công trình xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ, giúp đỡ các bang bằng nhiều cách khác nhau để họ có điều kiện tự tu sửa hội quán. Các cấp chính quyền cần sử dụng hợp lý nguồn vật liệu, kỹ thuật truyền thống và đội ngũ cán bộ để phục vụ tu bổ di tích, chống mối mọt, bảo vệ các hiện vật… Các hội quán bộ phận hữu cơ cấu thành quần thể khu phố cổ và của văn hóa xứ Quảng, bởi vậy, bảo tồn các hội quán là góp phần quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. Hiện nay, thành phố Hội An là nơi giàu tiềm năng về du lịch, trong đó các di tích lịch sử văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng.
Các hội quán của người Hoa ở Hội An nói riêng và kiến trúc cổ Hội An nói chung còn gợi ra nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu ở các lĩnh vực: di tích, di vật, mối quan hệ với các di tích cổ khác ở Hội An, các di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa ở những nơi khác, đặc điểm của từng cộng đồng người Hoa trong mối quan hệ với các nơi khác, hội quán trong bối cảnh rộng hơn… Các nghiên cứu về lịch sử nói chung hay nghiên cứu liên ngành để có thể cung cấp thêm những cứ liệu khoa học về lịch sử – văn hóa vùng đất Hội An nói riêng, về hội nhập văn hóa của người Hoa ở Việt Nam nói chung. Hy vọng trong tương lai gần, các hướng nghiên cứu trên sẽ được triển khai nhằm phục vụ tốt cho việc nghiên cứu toàn diện về phố cổ Hội An trong lịch sử để phục vụ cho sự phát triển của Hội An trong hiện tại và tương lai.
Kết luận
Thương cảng Hội An ra đời và trù phú nhờ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có vai trò đặc biệt của người Hoa. Các hội quán của người Hoa ở Hội An là những công trình kiến trúc đặc sắc có giá trị nhiều mặt, đánh dấu sự định cư và phát triển của người Hoa, phản ánh các giai đoạn lịch sử hình thành, hưng hịnh và suy tàn của vùng đất Hội An – Quảng Nam. Kiến trúc cổ các hội quán của người Hoa ở Hội An là những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của đô thị cổ Hội An, góp phần tạo nên diện mạo cho khu phố cổ Hội An trong lịch sử và cả hiện tại. Nghiên cứu các hội quán ở Hội An sẽ cho thấy quá trình người Hoa tụ cư ở Hội An, sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa trong lịch sử và chủ nhân di sản – những người Hoa tha hương đã dần hội nhập vào đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thành phố Hội An hiện nay, các công trình kiến trúc cổ, trong đó có kiến trúc các hội quán của người Hoa, cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, nhằm khai thác tốt các giá trị di sản mà tiền nhân để lại và định hướng phát triển kinh tế – văn hóa – du lịch của thành phố Hội An.
Huiguan Architecture of the Hoa in Hoian
(Quang Nam Province)
ABSTRACT:
Huiguans in Hoian are great archivements built by countrymen who come from southeast coastal provinces of China and bearing traditions of the Chinese merchants. Those are places for Hoa people could give their regards, business experiences or express sentiments toward fellow – countrymen. As the same time, huiguans are temples for them to offer their belief to the god or goddess worshiped in folk belief of the Hoa and places to make the festivals every year. The ancient architectures of huiguans in Hoian are buildings which symbolise to Hoian and contribute to compose the shape of Hoian ancient town in the past and present.
Nowadays, Hoian are in the time of rapidly development, the ancient buildings including the huiguans of the Hoa must be done in researching as well as in preserving and bringing into play. Concurently, we need to exploit effectly these heritage to make plans to develop our economy, culture and tourism in Hoian.
Keywords: Huiguan, the Hoa, Hoian, ancient architectures.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chen Ching Ho (1960), “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, tr.35.
Nguyễn Hồng Kiên (1996), “Kiến trúc gỗ cổ truyền Việt”, Tạp chí kiến trúc, số 03, tr.36.
Nguyễn Quốc Hùng (1995), Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr.23.
Trần Ánh (2005), Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo toàn, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An, tr.94.
Trần Lâm Biền (1998), “Giao lưu mỹ thuật Hoa – Việt”, Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt – Hoa trong lịch sử. Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr. 149–168.
Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, trường Đại học nữ Chiêu Hòa (2000), Kiến trúc phố cổ Hội An – Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr.124.
[1] Chen Ching Ho (1960), “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, tr.35. [2] Trần Lâm Biền (1998), “Giao lưu mỹ thuật Hoa–Việt”, Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt–Hoa trong lịch sử. Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr: 152. [3] Trần Ánh (2005), Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo toàn, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An, tr.94. [4] Nguyễn Hồng Kiên (1996), “Kiến trúc gỗ cổ truyền Việt”, Tạp chí kiến trúc, số 03, tr.36. [5] Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, trường Đại học nữ Chiêu Hòa (2000), Kiến trúc phố cổ Hội An – Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr.124. [6] Nguyễn Quốc Hùng (1995), Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, tr.23. Nguồn: “Kiến trúc cổ các hội quán của người Hoa ở Hội An (Quảng Nam)”, Tạp chí Phát triển KHCN - ĐHQG TP. HCM, X5/2015, Tập 18, ISSN 1859 – 0128, tr.51-63.