Múa Thiên Cẩu ở Hội An

Thứ tư - 03/10/2018 04:23
Múa Thiên Cẩu là một loại múa vật linh khá đặc biệt, lưu truyền ở Hội An từ lâu đời và để lại dấu ấn văn hóa đậm nét trong lòng nhiều người dân phố Hội.
Nguồn gốc múa Thiên Cẩu gắn với huyền thoại của nhiều nước ở phương Đông và phương Tây về một con chó thiêng chuyên nuốt mặt trời, mặt trăng gây ra nhật thực, nguyệt thực. Để đuổi con vật này, cứu mặt trời, mặt trăng người ta thường gõ thùng, mõ, xập xõa mỗi khi nhật thực, nguyệt thực xảy ra. Huyền thoại cũng cho rằng nếu quái vật này nuốt mặt trăng, mặt trời mà nhả ra thì năm ấy mùa màng sẽ được bội thu.
 
75%

  Người nông dân nước ta còn tin rằng vào tiết Trung Thu mà có mưa thì mùa vụ năm ấy sẽ thuận lợi, thời tiết sẽ ôn hòa, không có hạn hán. Có thể do quan niệm này người dân Hội An đã tổ chức múa Thiên Cẩu để cầu mưa. Trong quá trình múa mà gặp được một trận mưa, dù trở ngại cho việc biểu diễn nhưng mọi người đều rất hoan hỉ và tin tưởng rằng sắp đến thời tiết sẽ thuận lợi. Việc đánh trống, đánh xập xõa, đốt pháo, rước đèn ông sao, đèn bánh ú dường như thúc giục trời mau đổ mưa.
 
75%

Tại Hội An múa Thiên Cẩu còn gắn với niềm tin về sự trừ tà, tống ôn, cầu mong mua may bán đắt. Với tính chất là một đô thị thương cảng nơi tập trung đông đúc dân cư và khách thương nên dịch bệnh, hỏa hoạn là những nguy cơ đe dọa thường xuyên. Vì vậy cùng với những hoạt động phòng ngừa người dân ở đây còn có niềm tin vào sự trừ tà, tống ôn, ngăn chặn hỏa hạn của Thiên Cẩu. Vì vậy vào dịp Trung Thu, nhiều quán sá, nhà dân thường mời những đoàn Thiên Cẩu vào múa để cầu mong gia đình, hàng quán được bình an, tránh được những hiểm họa này.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở phố Hội An, múa Thiên Cẩu đã có ở Hội An hơn 100 năm trước. Trước năm 1945 mỗi bang người Hoa có một đầu Thiên Cẩu để biểu diễn tại các hội quán vào các dịp lễ tết Trung Thu, Nguyên Đán, Nguyên Tiêu hoặc các ngày lễ tế các vị thánh thần. Làng Cẩm Phô trước đây cũng có một đội Thiên Cẩu để biểu diễn trong các dịp lễ tết, khánh hỉ. Đến năm 1955 Nghiệp đoàn bốc vác Hội An lập ra đoàn Thiên Cẩu chuyên nghiệp để múa theo yêu cầu các gia đình, hiệu buôn, đình miếu. Đó là các đội Thiên Cẩu chuyên nghiệp, ngoài ra còn có rất nhiều đầu Thiên Cẩu của các em thiếu nhi ở các thôn xóm hoạt động nhộn nhịp, sôi động hàng đêm tạo thành một không khí vui nhộn, đặt trưng cho tết Trung Thu phố Hội. Sau ngày giải phóng 1975, hoạt động múa Thiên Cẩu lại có dịp phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nhiều đội múa Thiên Cẩu lại được thành lập. Nhiều làng xã, đơn vị tổ chức các đội múa Thiên Cẩu để thi thố tài năng, giành lấy danh tiếng và các giải thưởng hàng năm. Giai đoạn này nổi lên có các đội Thiên Cẩu mang tên Trung Bắc, Viên Giác, Chùa Ông, Khuân Vác, Khối 6 Cẩm Phô, Sơn Phong… Từ những năm 1995 loại hình múa lân sư từ Sài Gòn ồ ạt tràn vào Hội An thay thế dần, dẫn đến tình trạng ngày càng vắng bóng các “ông Thiên Cẩu” vào dịp tết Trung Thu.
 
image070

Sau một thời gian bị lấn át bởi loại hình múa Lân, múa Sư Tử, những năm gần đây, múa Thiên Cẩu dần dần được khôi phục. Các “ông Thiên Cẩu” đã xuất hiện  trở lại ở các Hội thi Lân – Thiên Cẩu hàng năm. Những đầu Thiên Cẩu cũng đã có mặt tại một số thôn xóm. Hy vọng rồi đây múa Thiên Cẩu sẽ được phục hồi và bóng dáng những “ông Thiên Cẩu” thân quen, gần gũi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các đem hội Trung Thu, trong các dịp hội hè hàng năm ở Hội An, góp phần gìn giữ và tô điểm cho bề dày văn hóa của vùng đất Hội An vốn nổi tiếng một thời.
 
 Hình ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di Sản Văn hóa Hội An

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây